1. Về công nghiệp, xây dựng
Từ những khái quát ban đầu về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, có thể thấy rằng Hà Nam có thế mạnh đặc biệt về tài nguyên đá vôi, sét,… dùng để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên trong thời gian qua, chỉ có xi măng là phát huy được thế mạnh của mình nhưng cũng lại đặt ra rất nhiều vấn đề về môi trường và sử dụng lao động. Về mặt tổng thể, xi măng là ngành đầu tàu, kéo theo công nghiệp của tỉnh phát triển, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất, sửa chữa máy móc, sản xuất vật liệu,… phát triển theo. Ngoài ra xi măng còn là ngành công nghiệp có đóng góp lớn trong ngân sách của tỉnh, tạo nguồn thu ổn định lâu dài để tỉnh có điều kiện hoạch định các chiến lược, kế hoạch trung và dài hạn.
Các ngành công nghiệp khác như công nghiệp thực phẩm, may mặc,… vẫn chưa tạo ra được dấu ấn riêng biệt và chưa sử dụng được lợi thế so sánh của tỉnh là khai thác thị trường tiêu thụ rộng lớn là Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Một trong những ưu thế là diện tích đất cho công nghiệp còn nhiều hoặc được chuyển đổi từ các loại đất khác. Do đó nếu phát triển mạnh công nghiệp với hướng đột phá theo lãnh thổ là các khu công nghiệp thì việc chuyển đổi sẽ rất dễ dàng. Đây là một trong những lợi thế so sánh nổi bật của Hà Nam so với các tỉnh khác đặc biệt là với Hà Nội
2. Về nông, lâm thủy sản
Do địa hình không bằng phẳng, nhiều núi đá; địa hình thấp, hay xảy ra ngập lụt nên không thuận lợi, nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản còn thấp. Tuy là tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông
Hồng nhưng Hà Nam không thể so sánh được với các tỉnh như Hà Tây (cũ), Nam Định, Thái Bình về sản xuất nông nghiệp. Do đó để phát triển nông nghiệp, cần xác định rõ lợi thế về dịch vụ nông nghiệp, làm đầu mối trong cả vùng (vì Hà Nam thuận lợi về giao thông và gần như nằm giữa vùng Đồng bằng Sông Hồng).
3. Về thương mại - dịch vụ
Giai đoạn qua, điểm đáng ghi nhận của ngành thương mại dịch vụ là giá trị xuất khẩu tăng. Điều đó phản ánh các doanh nghiệp tại Hà Nam có thị trường tiêu thụ tốt, hàng hóa sản xuất có giá trị và chất lượng, trong đó các sản phẩm dệt may chiếm một tỷ trọng khá.
Tuy nhiên các mặt khác của ngành dịch vụ như du lịch, bán lẻ, ngân hàng, tài chính,... vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Ngành dịch vụ vẫn trong tình trạng chưa tìm ra được hướng đột phá để khai thác hết tiềm năng của mình.
2.2. Thực trạng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Hà Nam