Những mặt tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hà nam đến năm 2020 (Trang 75 - 79)

2.4.2.1. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không nhiều (3.249 doanh nghiệp) nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh), vốn điều lệ thấp, công nghệ ở trình độ trung bình và thấp; sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

- Tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số vẫn thấp so với tỷ lệ chung toàn quốc, cứ 365 người dân có 1 doanh nghiệp (toàn quốc đạt 174 người dân có 1 doanh nghiệp). Số lượng các DNNVV phân bổ không đồng đều trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều tại thành phố Phủ Lý (chiếm 45,5%).

- Có sự chênh lệch giữa các ngành nghề, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Cụ thể: lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,2%, khu vực dịch vụ 30,6%, khu vực nông lâm thủy sản 21,2%.

- Sự liên kết giúp đỡ nhau giữa các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn hạn chế, hiệu quả hợp tác trong phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu còn thấp.

- Công tác quảng bá, tuyển dụng trong các DNNVV trong thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn. Một số DN không tuyển được nhân lực, một số DN tuyển dụng được nhưng chất lượng NNL còn thấp, phải đào tạo lại mới sử dụng được.

- Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực còn bị hạn chế trong khi nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động trong các DN ngày càng gia tăng.

- Chính sách thu hút nhân tài, chính sách tuyển dụng và chế độ đãi ngộ với người lao động còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tuyển dụng lao động hiện nay.

- Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh, về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy... còn xảy ra phổ biến.

2.4.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại

- Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát và chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, cắt giảm đầu tư công của Chính phủ nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm sút thị trường, thị phần và đầu tư.

- Chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao (chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu, giá vốn cao và lãi vay trước đây), khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp (do sức mua giảm mạnh), lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như xây dựng và vật liệu xây dựng, cơ khí, thương mại, vận tải

kho bãi,… Đồng thời chịu cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu làm ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm.

- Cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh có những thay đổi đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư khi nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.

- Hiện nay vay vốn dựa vào thế chấp bất động sản, dùng tài sản hình thành từ vốn vay,... Tuy nhiên do giá bất động sản xuống thấp, các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận với các nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn được vay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt, có thị trường ổn định, có cơ hội để mở rộng phát triển.

- Hiện nay nợ XDCB còn nhiều, nhất là cấp xã, do đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đều gặp khó khăn về thu hồi vốn đầu tư, dẫn đến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng hoặc chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác. Từ đó doanh nghiệp không có vốn hoạt động.

- Việc tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là lao động có tay nghề. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại lao động trước khi sử dụng.

- Trình độ cán bộ quản lý trong một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, khả năng tiếp thị yếu, khả năng mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết còn hạn chế.

- Tình trạng cung cấp điện tại một số khu công nghiệp chưa ổn định đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Chương 2 của luận văn tác giả đã giới thiệu tổng quan về điều kiện tự nhiên, điều kiện dân sinh kinh tế và những tiềm năng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tiếp đó tác giả cũng đã khái quát quá trình phát triển, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói chung và các DNNVV nói riêng.

Trong những năm qua, DNNVV phát triển khá mạnh mẽ chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh Hà Nam cần được quan tâm và chú trọng bởi lợi ích mà nó mang lại rất lớn với nền kinh tế trong tỉnh. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề NNL và nhất là NNL chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Tác giả đã phân tích những mặt đạt được, những tồn tại và hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp. Đồng thời luận văn cũng đã nêu ra được nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Với chiến lược phát triển nền kinh tế của tỉnh nói chung và phát triển khối các doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 và định hướng đến năm 2030 thì nhiệm vụ quan trọng và trước mắt là đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề của NNL hoạt động trong các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. UBND tỉnh Hà Nam cũng đã có những phương án hành động thể hiện thông qua các văn bản, nghị quyết, quyết định của tỉnh.

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân, trong Chương 3 tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển NNL trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

CHƯƠNG 3:

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hà nam đến năm 2020 (Trang 75 - 79)