Điều kiện tự nhiên của tỉnh Hà Nam

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hà nam đến năm 2020 (Trang 45 - 48)

2.1.1.1. Vị trí địa lý kinh tế

Hà Nam là tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng, tiếp giáp trực tiếp với Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc và Tây Bắc, Thành phố Phủ Lý - tỉnh lỵ của Hà Nam nằm trong vành đai của Vùng đô thị Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, với việc hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam là yếu tố thuận lợi để Hà Nam phát triển; là điều kiện quan trọng tạo lợi thế so sánh cho Hà Nam trong việc mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương khác trong cả nước, nhất là với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh dọc tuyến trục giao thông Bắc Nam.

Ngoài ra, Hà Nam nối với Nam Định qua quốc lộ 21A; nối với Hưng Yên bằng quốc lộ 38; nối với Hòa Bình qua quốc lộ 21A và với Ninh Bình qua quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc - Nam

Hà Nam có vị trí địa kinh tế là cầu nối đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng đồng bằng Nam Sông Hồng. Trong dọc tuyến hành lang Xuyên Á (Hà Nội -TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài) thì Hà Nam là một vị trí trên tuyến. Tuyến hành lang này nằm trong khuôn khổ hợp tác 1 trục 2 cánh với Trung Quốc, giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, Hà Nam với vị trí địa kinh tế của mình sẽ giữ một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ và cùng với Hà Nội trở thành các đầu mút quan trọng của các tuyến trên.

2.1.1.2. Các loại tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản

a. Tài nguyên đất đai:

Theo kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất năm 2008, nguồn tài nguyên đất của Hà Nam được phân ra như sau:

Tổng diện tích đất tự nhiên: 85.958,8 ha, trong đó: Đất nông nghiệp: 57.903,5 ha chiếm 67,4%

Đất phi nông nghiệp: 24.269,4 ha chiếm 28,2% Đất chưa sử dụng: 3.785,9 ha chiếm 4,4%

Qua thống kê trên có thể thấy diện tích đất nông nghiệp và đất chuyên dùng chiếm tỷ trọng lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phục vụ mục đích công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người 700 m2/người, thuộc nhóm các tỉnh diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp.

b. Tài nguyên rừng:

Tiềm năng đất lâm nghiệp của tỉnh là 6.771,3 ha chỉ chiếm khoảng 7,8% diện tích đất tự nhiên và tập trung chủ yếu ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm với diện tích rừng phần lớn là rừng phòng hộ 5.475,2 ha bằng 6,4% diện tích cả tỉnh. Tài nguyên rừng Hà Nam có giá trị kinh tế không lớn

c. Tài nguyên nước:

Nằm trong vùng mưa lớn, trung bình từ năm 2000-2008 khoảng 1.714 mm/năm, có nguồn nước mặt dồi dào, gồm sông Hồng, sông Đáy, Sông Châu, Sông Sắt và một số hồ đập có thể thỏa mãn về nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của tỉnh. Hiện tại sông Đáy đang bị ô nhiễm ảnh hưởng tới nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước của tỉnh với công suất 25 nghìn m3/ngày đêm và các nhà máy nước sạch nông thôn sử dụng nguồn nước con sông này. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm của Hà Nam lại bị nhiễm asen nên hiện tại không thể khai thác để sử dụng.

d. Tài nguyên khoáng sản:

Tài nguyên khoáng sản ở Hà Nam chủ yếu là đá vôi để sản xuất xi măng phục vụ cho xây dựng, giao thông và thủy lợi. Tổng trữ lượng đá vôi được đánh giá khoảng 7,4 tỷ m3, trong đó nguồn đá vôi có chất lượng cho sản xuất xi măng khoảng gần 1 tỷ tấn tập trung ở 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm, cho phép xây dựng các nhà máy xi măng công suất lớn, một số nguồn đất sét cho xi măng và sản xuất gạch nung cũng tập trung ở 2 huyện này tuy diện tích phân bố hẹp; ở các huyện Duy Tiên, Lý Nhân có diện tích bãi bồi ven sông Hồng lớn, nên có điều kiện để phát triển sản xuất gạch nung.

Nhìn chung, chất lượng khoáng sản của tỉnh tốt, dễ khai thác, giao thông thuận lợi và chi phí khai thác thấp tạo nên lợi thế so sánh tuyệt đối trong sản xuất vật liệu xây dựng so với các tỉnh lân cận.

e. Tài nguyên du lịch:

Hà Nam có một số danh lam thắng cảnh du lịch như Núi Cấm, Ngũ Động Sơn ở huyện Kim Bảng, Kẽm Trống ở huyện Thanh Liêm, động Cô Đôi ở Ba Sao, Núi Đọi ở Duy Tiên. Về di tích lịch sử văn hóa, Hà Nam là một trong những tỉnh có nhiều tên đất, tên làng và nhiều danh nhân nổi tiếng trong đó khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần Thương, huyện Lý Nhân - là nơi mất của Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, Hà Nam còn nằm gần khu du lịch Hương Sơn của Hà Nội nên có thể xây dựng tuyến đường thuỷ từ Phủ Lý nối với khu di tích Chùa Hương theo sông Đáy thành tuyến đường du lịch cảnh quan hấp dẫn để phát triển du lịch tới các địa danh nổi tiếng: Ngũ động sơn, chùa Bà Đanh, đền Đức Thánh Cả, kéo dài đến tận Hương Sơn.

Hiện nay, tỉnh đang xây dựng khu du lịch sinh thái Ba Sao rộng 2. 000 ha với hồ Tam Chúc 750 ha thành khu du lịch trọng điểm cấp vùng để đáp ứng nhu cầu du lịch trong và ngoài tỉnh, tạo đột phá trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch.

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hà nam đến năm 2020 (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w