Ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu Đặc điểm thơ tình Đồng bằng sông Cửu Long sau 1975 (Trang 84 - 87)

7. Kết cấu luận văn

3.2. Ngôn ngữ thơ

“Ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ ca. Đó vừa là tiếng nói chân thực, giàu có của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói bay bổng của trí tưởng tượng diệu kỳ, lại vừa là tiếng nói tình cảm của con tim đang xúc động. Chiều sâu của sức suy nghĩ, tính chất mẫn cảm và tinh tế của sức sáng tạo, những trạng thái rung động của tâm hồn … tất cả, tất cả chỉ có thể đến được với người đọc thông qua vai trò của ngôn ngữ” [361; 2]. Ngôn ngữ thơ ca là sự biểu hiện tập trung nhất của tính chính xác và tinh tế, giản dị và mỹ lệ.

Ngôn ngữ trong thơ tình ĐBSCL sau 1975 đã có nhiều biến đổi. Quá trình dân chủ hóa văn học những năm cuối thế kỷ XX, còn biểu hiện nhiều xu hướng cách tân mạnh mẽ và căng thẳng nhằm tìm tòi, thể nghiệm, khắc phục những lối mòn ngôn ngữ. Nhận xét về sự phát triển của ngôn ngữ thơ trong giai đoạn sau 1975, Vũ Văn Sỹ viết: “Khát vọng đổi mới ngôn ngữ thơ đã thôi thúc các nhà thơ lao vào con đường tìm kiếm” [20; tr.09]. Ngôn ngữ thơ tình ĐBSCL sau 1975 có sự biến đổi theo hướng tăng cường chức năng biểu đạt và nới rộng biên độ biểu đạt bằng cách sử dụng từ ngữ và cấu trúc thơ. Cấu trúc thơ co giãn linh hoạt, mềm dẻo theo dòng cảm xúc của nhà thơ, phụ thuộc vào trạng thái tình cảm và nội dung biểu đạt vấn đề.

Về ngôn ngữ, do phần lớn các tác phẩm thơ tình ĐBSCL sau 1975 thường đi sâu khai thác cuộc sống đời thường, tình yêu đơn phương cách trở, … nên ngôn ngữ thơ tình ĐBSCL sau 1975 giai đoạn này có xu hướng sử dụng chất liệu dân gian và ngôn ngữ đời thường để tạo nên nét đẹp dung dị, gần gũi cho thơ.

Hạt mưa nào cũng về với dòng sông Với biển cả để cho đời sự sống

Như em

Với bao khát vọng

Của tình yêu đằm thắm buổi ban đầu!

(Mưa đầu mùa – Sao Mai)

Ngôn ngữ thơ cần có sự giản dị và mỹ lệ. Sự giản dị và mỹ lệ của ngôn ngữ thơ xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống và từ yêu cầu của nghệ thuật. Cuộc sống đòi hỏi thơ phải bén rễ vào đấy để mà lớn lên vì rằng thơ nếu thiếu cuộc sống thì thơ sẽ không thành, cuộc sống nếu thiếu thơ thì cuộc sống sẽ mất đi thi vị. Còn nghệ thuật thì không chấp nhận những điều tầm thường, giả dối nên ngôn ngữ thơ phải đạt đến mức trong sáng, đồng thời còn phải có khả năng gợi cảm, gợi tả, gợi lên cho người nghe, người đọc những liên tưởng và để lại trong lòng người đọc dấu ấn đậm đà.

Cuộc sống đã mang đến cho thơ ca hơi thở mới, một luồng không khí mới, cảm hứng cũng mới, cùng với đó là quan niệm khác về cuộc sống con người. Nếu giai đoạn 1945 – 1975, thơ hướng về cái vinh quang cao đẹp nhất, cái gì cũng vĩ đại lớn lao: “Anh yêu em như anh yêu đất nước. Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần” (Nguyễn Đình Thi), thì sau 1975, dòng cảm xúc của thơ lại chảy theo một hướng khác “quay về với cái tôi trong muôn mặt đời thường”. Viết về đời thường, ngôn ngữ thơ cũng trở nên thô ráp và cũng ít gọt giũa hơn. Thơ bật ra từ tiếng lòng của chủ thể sáng tạo:

“Về nghe em chan bát canh rau

Có mưa nắng còng lưng cha gánh gạo Có tấm áo mẹ sáng nay vá vội

Có… đàn trâu còn hì hục đồng chiều.

(Về nghe em – Huỳnh Văn Út)

Viết về tình yêu giai đoạn này, ngôn ngữ thơ hướng đến sự gần gũi đời thường hơn, không còn là tình yêu đi cùng lý tưởng. Cái tôi đòi hỏi mạnh hơn và thực tế hơn. Vui buồn trong tình yêu cũng được diễn tả thực hơn:

“Anh có buồn trong những lúc đơn côi Đầu hãy tựa lên những câu thơ, yên ấm ngủ

Những câu thơ một thời anh bạc bẽo

Xin hãy cứ tựa đầu, khi thiếu một lời ru...”

(Ru – Đinh Thị Thu Vân)

Ngọc Tuyết đã thú nhận một thực tế mà ngày xưa con người nào dám nói những phút xao lòng. Có lẽ hữu hạn lắm với một người đàn bà trong cuộc đời chỉ duy hình bóng một người đàn ông, chỉ có cảm xúc duy nhất với một người đàn ông đó. Tác giả đã nêu lên được những điều rất người, rất đời thường. Ngôn ngữ thơ cũng nhẹ thôi mà cứ thấm vào tim máu của người đọc. Đọc thơ, người ta như thấy có mình trong đó, mình cũng xao lòng. Với lời thơ rất thật, mộc mạc chân tình đã nói hộ tiếng lòng thổn thức của bao người:

“Trườn mình ra khỏi vòng tay đêm Em cất tiếng gọi hoài quá khứ Vẫn bầu trời trăng sáng rỡ

Nhấp nháy nhấp nháy không ngừng Như giọt nước mắt trên má em ngày cũ Trong nụ hôn đầu trời đất ngửa nghiêng Em cất tiếng gọi hoài, gọi hoài

Lời dỗ dành ngon ngọt

Những giọt mật rải đường cho quá khứ quay lui”

(Đêm quyến rũ)

Một điều dễ thấy là ngôn ngữ thơ tình ĐBSCL sau 1975 có lớp từ rất mới lạ, mang đến cho con người đọc sự ngỡ ngàng đôi khi khó hiểu:

“bỗng một ngày em nhận ra từng đợt dư chấn nhớ chuyển động trăng suông giẫy giụa

phát tiết nỗi buồn

vỡ triệu tế bào cảm xúc.

thả những tin nhắn không định hướng lên bầu trời như bầy ngựa không dây cương

thời gian ngưng chảy…

(Tin nhắn, đêm hoang và bầy ngựa- Huỳnh Thúy Kiều) Nhìn chung, ngôn ngữ trong thơ tình giai đoạn này bớt đi phần gọt giũa, lối viết trần trụi mà có khả năng len lỏi vào ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nếu Nguyễn Thụy Kha so sánh em là “Ngôi sao đầu tiên khung trời tím ngắt, tia sáng ảo huyền đường đời ta phải đến, đóa hoa lay vào anh làn hương, mắt em thầm bao bí ẩn mông lung, con chim nhỏ cánh mảnh mai…” thì Bùi Chí Vinh gọi em là “điếu thuốc lá, những chiếc ghế, miếng cà phê…hào quang ảnh tình yêu rớt mộng” [29; tr.169], nhưng vẫn đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng, đằm thắm. “Vì vậy, ngôn ngữ thơ rất nhiều ấn tượng, biến hóa khôn lường, rất chú ý vẻ đẹp ngôn từ, hình ảnh, âm thanh. Ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả” [29; tr.136].

Một phần của tài liệu Đặc điểm thơ tình Đồng bằng sông Cửu Long sau 1975 (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w