7. Kết cấu luận văn
1.2.1. Quan niệm về thơ tình Đồng bằng sông Cửu Long
Trước hết, về nội dung, mọi thời kỳ có một quan niệm riêng về tình yêu lứa đôi. Chính quan niệm ấy chi phối đến đề tài và phương diện thể hiện, làm cho vấn đề tình yêu lứa đôi trong mỗi thời kỳ có những đặc sắc riêng. Những bài thơ viết về tình yêu được các nhà thơ sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, những nhà thơ vốn ở vùng quê khác nhưng đến sinh sống và làm việc ở ĐBSCL sáng tác. Họ cũng xem nơi đây là quê hương thứ hai, nên cũng dành hết tình cảm yêu mến của mình trong thơ cho vùng đất này. Những bài thơ đã thể hiện được cuộc sống, con người ở ĐBSCL, người ta tìm thấy ở đó hình ảnh quen thuộc trong đời sống con người ĐBSCL, những tên đất, tên làng, tình yêu dành cho nơi chôn nhau cắt rốn,… Trong tập Thơ tình sông Cửu Long có viết:
“ Nhiều bài thơ tình được tuyển chọn trong tập thơ đã cho thấy một sinh khí, một tấm lòng của các nhà thơ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn, gắn bó máu thịt. Ta có thể kể đến những cây bút đã góp phần làm nên diện mạo văn chương của vùng đồng bằng Nam Bộ như: Trang Thế Hy, Kim Ba, Trịnh Bửu Hoài, Lê Chí, Song Hảo, Vũ Hồng, Trúc Linh Lan, Phù Sa Lộc, Đinh Thị Thu Vân,…” [6].
Về nghệ thuật: từ những nét riêng đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, ngôn ngữ thơ tình ĐBSCL sau 1975 vẫn giữ được tính chất mộc mạc, dung dị của mình và nhất là nó vẫn có sự gắn bó thân thiết với đặc điểm vùng đất, con người vùng ĐBSCL. Điều đó đã góp phần làm nên bản sắc riêng cho thơ ca xứ sở:
“Cũng dòng sông chảy về đông
Cũng vàng đồng lúa cũng mông mênh trời Như nơi tôi khóc chào đời
À ơi cánh võng đầy vơi thân cò. Neo đời bến nước Mỹ Tho
Lục bình trôi nổi, tàu đò dọc ngang”
(Sao em cứ níu chân tôi – Trần Đỗ Liêm) Về giọng điệu thơ, ta thấy rằng thơ tình ĐBSCL sau 1975 có sự đa dạng và phong phú về giọng điệu như: ca ngợi, giãi bày, tự vấn,… nhưng giọng điệu chủ yếu vẫn là chiêm nghiệm, giãi bày, đậm chất suy tư:
“Khi uống rượu
Tôi nhuộm mình để sống
Khi đớn đau, tôi ngủ lịm một thân Con mắt chìm buồn
Nghe giông tố mênh mông Tiếng thở dài của tôi
Nụ cười của hoa trên mặt đất
Âm thanh cuộc đời trộn lên trời cao
Phiên bản nhịp đập con - tim - mang - hình - tia - chớp”
(Giấc mơ buồn – Long Thái)
Thơ tình ĐBSCL sau 1975 cũng có sự thay đổi đáng kể về bút pháp nghệ thuật, phương thức thể hiện. Hiện thực cuộc sống thay đổi đã kéo sự thay đổi cả về nội dung lẫn phương thức biểu hiện trong thơ. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế, sự thay đổi đó lại ngày càng rõ nét hơn. Vì vậy, thơ tình ĐBSCL sau 1975 có những bước tiến đáng kể trong việc cách tân nghệ thuật, thay đổi hình thức thể hiện là điều tất yếu. Khảo sát trên mặt bằng chung của các tác phẩm thơ tình ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy có một số nét nghệ thuật mới mẻ. Trước tiên, sự nới lỏng cấu trúc thơ truyền thống là một biểu hiện nổi bật. Ta có thể thấy rõ nét mới này qua sự xuất hiện ngày càng đáng kể của thể thơ tự do và thơ lục bát, thơ văn xuôi trong thơ tình ĐBSCL sau 1975. Không những vậy, ở các thể thơ truyền thống như: thể lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn,…cũng có những cách tân đáng kể trong việc thể hiện câu thơ bằng hệ thống những dấu câu, những cách ngắt quãng giữa dòng, …
Thơ tình ĐBSCL sau 1975 cũng có nhiều đóng góp mới về nghệ thuật trong việc khắc họa hình tượng thơ và hiện đại hóa về thể loại. Đặc biệt, các nhà thơ thể hiện bản lĩnh qua khả năng khám phá chiều sâu đời sống tâm lý và làm nổi bật bi kịch đời thường, nỗi đau tinh thần của con người trong đời sống đương đại bằng những hệ thống ngôn từ gần gũi, bình dị nhất. Sự đa dạng về giọng điệu trong thơ cũng góp phần làm nên sự phong phú và hiện đại cho thơ tình ĐBSCL sau 1975. Như vậy, trên cơ sở thừa kế và phát huy linh hoạt những tinh hoa thơ ca dân tộc trên bước đường hiện đại hóa thơ ca, các nhà thơ ĐBSCL đã góp phần làm nên diện mạo mới cho thơ ĐBSCL. Lê Ngọc Trà nhận định: “Trong giọng thể hiện cả nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn (giọng nhiều khi cũng có nghĩa là hơi văn, văn khí). Đồng thời, giọng cũng là cái không lẫn được. Chính tính tổng hợp và độc đáo ấy làm cho giọng trở thành nhân tố mang phong cách rất rõ [4; tr.152].
Phùng Quý Nhâm cũng thống nhất: “Giọng điệu trong tác phẩm rộng hơn giọng văn. Nhiều khi ý tưởng, hệ thống hình tượng, tính hiệu thẩm mỹ cũng góp phần tạo nên giọng điệu nghệ thuật của tác phẩm. Giọng điệu là một trong những yếu tố để nhận ra giá trị của tác phẩm văn học” [3].
Bích Thu trong bài viết Nhận dạng thơ qua hệ thống thể tài đã dành một tiểu mục nhỏ để nói khái quát về thơ tình sau 1975. Theo Bích Thu thì “Tiếng nói thơ tình hôm nay thực hơn, đời hơn, phức tạp và cũng đau đớn hơn”… “Con người trong thơ tình hiện nay đối diện với mọi dạng thái tâm trạng, tình cảm của chính mình” [49; tr.115]. Cụ thể, đó là về một hạnh phúc tự nhiên, bình dị; về sự nuối tiếc âm thầm và chua xót; về sự quá lứa, lỡ làng; về sự mất mát; về sự chờ đợi vô vọng; về sự chấp nhận số phận… “Thơ tình hiện nay cũng mạnh dạn thể hiện khía cạnh trần thế, trần tục. Tình yêu không có những “vùng cấm địa” khi con người nhận thức nghiêm túc về nhân cách cá nhân” [49; tr.116].
Mã Giang Lân trong Thơ Việt Nam thế kỷ XX, nghiên cứu thơ Việt Nam giai đoạn 1975 – 2000, ông đã có nhận định: “Thơ khai thác tình yêu, hạnh phúc ở nhiều khía cạnh khổ đau, mất mát, dằn vặt và sự thiếu hụt để rồi chia
sẻ với con người và mách bảo con người biết trân trọng những gì cao đẹp, quý báu mà tình yêu, hạnh phúc mang đến. Không thể nói hết được các sắc thái tình yêu trong thơ, nhưng một ấn tượng rõ nét là thơ tình đã chiếm khá nhiều mặt báo và dành nhiều trang trong các tập thơ” [5; tr.479]. “Các nhà thơ trẻ đi sâu vào tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình, những buồn vui và cả những mất mát với nhiều cung bậc, sắc thái, có êm ái, có thơ mộng nhưng nhiều hơn là những éo le, nghịch lý cùng những đam mê cuồng nhiệt và cả những bi hài” [5; tr.481].
Thơ là sản phẩm của tâm hồn, cụ thể hơn, thơ là con đẻ của “những trạng thái tâm hồn”. Thơ là phạm trù nghệ thuật thể hiện đầy đủ những cung bậc tình cảm của người nghệ sĩ về cuộc đời và về những tâm sự riêng tư. Thơ được viết ra nhằm bộc lộ những giai điệu của tâm hồn, những cung bậc tình cảm: vui buồn, yêu thương, ghét giận, khổ đau, hạnh phúc, bất hạnh.
Nét mới mẻ về bút pháp nghệ thuật của thơ tình ĐBSCL sau 1975 còn biểu hiện ở sự lạ hóa dần các hình tượng cuộc sống thông qua các biện pháp chuyển nghĩa, ẩn dụ nhằm tạo được sức gợi, sức liên tưởng đầy mới mẻ đối với người tiếp nhận.