CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.1.5. Liều tế bào CD34+ trung bình và thời gian mọc mảnh ghép
4.1.5.1. Liều tế bào CD34+ trung bình
Với tiêu chuẩn chọn người hiến khỏe mạnh, sau khi tiêm thuốc kích thích sinh máu G- CSF, số lượng TBG tăng lên nhanh, đạt cao nhất ở ngày thứ 5 đủ để tiến hành gạn tách. Kết quả bảng 3.5 cho thấy số lượng TBG CD34+ thu thập của ghép đồng loại trung bình là 9,36 x 106 tế bào/kg cân nặng BN. Theo nghiên cứu của Singhal S và cs (2000) khuyến cáo rằng, liều TBG CD34+ tối thiểu để ghép là 2 x 106/kg cân nặng vì liều thấp CD34+ làm tăng nguy cơ tử vong và giảm thời gian sống toàn bộ của BN [36]. Nghiên cứu của Martin Körbling cho rằng, liều tế bào CD34+ tối thiểu là 3 x 106 tế bào/kg cân nặng BN giúp mọc mảnh ghép nhanh hơn, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến ghép và tăng thời gian sống toàn bộ [37]. Tuy nhiên, nếu liều CD34+ quá cao sẽ làm tăng nguy cơ GvHD, theo nghiên cứu của Mehta J và cs nếu liều TBG trên 8 x 106 tế bào/kg cân nặng BN sẽ làm tăng nguy cơ GvHD [38].
Liều TBG trung bình của BN ghép tự thân thu được trung bình 4,45 x 106 tế bào/kg cân nặng BN. Số lượng TBG huy động trong ghép tự thân thấp hơn ghép đồng loại là do trong ghép tự thân, TBG gốc huy động trực tiếp từ BN bị bệnh, đã điều trị hóa chất trước khi ghép, trong khi đó ghép đồng loại TBG huy động từ người hiến khỏe mạnh. Có nhiều yếu tố làm giảm số lượng TBG thu thập được trong ghép tự thân như tuổi BN trên 60, điều trị nhiều đợt hóa chất trước ghép, khoảng thời gian từ lúc điều trị hóa chất đến khi huy động TBG ngắn, tế bào u xâm lấn tủy xương, hay tủy nghèo tế bào. Theo nghiên cứu của Jillella AP (2004), liều TBG tối thiểu cho ghép tự thân là 2,5 x 106 tế bào/kg cân nặng BN giúp thành công mọc mảnh ghép. Truyền số lượng TBG trên 5 x 106 tế bào CD34+/kg cân nặng cho kết quả mọc mảnh ghép nhanh với cả ba dòng tế bào. Tuy nhiên một vài nghiên cứu cũng cho thấy nếu truyền số lượng lớn CD34+ (>15 x 106 tế bào/kg) sẽ gây sốt, tăng tỷ lệ hội chứng mọc mảnh ghép và có thể kéo dài thời gian nằm viện [39].
4.1.5.2. Thời gian mọc mảnh ghép
Trong nghiên cứu này, ghép TBG đồng loại có thời gian hồi phục bạch cầu trung tính (BCTT trên 0,5G/l trong 3 ngày liên tiếp) trung bình là 15,2 ngày, thời gian hồi phục tiểu cầu (TC trên 20G/l mà 3 ngày liên tiếp không truyền TC) trung bình là 18,6 ngày. Kết quả này khác biệt so với nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Theo tác giả Nguyễn Tấn Bỉnh (2013), thời gian hồi phục của BCTT là 13,2 ngày và thời gian để hồi phục tiểu cầu là 21,6 ngày [21]. Theo Thissiane (2009) thời gian hồi phục BCTT là 19 ngày, thời gian hồi phục TC là 21 ngày [40]. Theo tác giả Bensinger (2001), thời gian hồi phục BCTT là 16 ngày, thời gian hồi phục TC trung bình 13 ngày [41]. Sở dĩ có sự khác biệt về thời gian mọc mảnh ghép ở nghiên cứu này là do số lượng BN trong các nghiên cứu trên lớn hơn và có sự khác biệt về số lượng TBG truyền cho BN.
Kết quả bảng 3.5 cho thấy, ghép TBG tự thân có thời gian hồi phục BCTT là trung bình là 12,5 ngày, thời gian hồi phục TC là 14,3 ngày. Thời gian mọc mảnh ghép của ghép tự thân nhanh hơn so với ghép đồng loại do tất cả các bệnh nhân sau ghép tự thân đều sử dụng thuốc kích bạch cầu G – CSF ở giai đoạn suy tủy cho tới khi bạch cầu hồi phục. Nghiên cứu này không khác biệt với các nghiên cứu của nước ngoài, theo H. Mehmet Turk và cs (2010) với số lượng TBG dưới 2,5 x 106 tế bào/kg cân nặng BN thì thời gian hồi phục BCTT là 12 ngày, thời gian hồi phục TC là 14,5 ngày; còn với số lượng TBG trên 2,5 x 106 tế bào/kg thì thời gian hồi phục BCTT là 11 ngày, thời gian hồi phục TC là 14 ngày [42]. Việc hồi phục tế bào máu sớm sau ghép tự thân sẽ giảm tỷ lệ nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện và giảm chi phí điều trị.
Theo các nghiên cứu, nguồn TBG, số lượng CD34+ truyền, loại bệnh hay cường độ của phác đồ điều kiện hóa trước ghép là những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian mọc mảnh ghép [40], [42].
4.2. Biến chứng của ghép TBG đồng loại