Tiểu kết chương

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục trung học phổ thông ở Tp. Hồ Chí Minh (Trang 31 - 35)

Bất kỳ ở một giai đoạn lịch sử nào, GD&ĐT luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành, phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại. Từ xa xưa các học giả, các nhà lãnh đạo, quản lý ở trong nước và trên thế giới đã từng luận bàn rất nhiều về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GD&ĐT. Nhưng theo quan điểm của C.Mác “GD&ĐT đã tạo ra cho nền kinh tế của một dân tộc những nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư trên các lĩnh vực kinh tế và nhờ đó những tri thức ấy mới có thể sáng tạo ra những kỹ thuật tiên tiến, những công nghệ mới. Nếu chúng ta không có đội ngũ ấy, thì sự nghiệp xây dựng CNXH chỉ là lời nói huênh hoang, rỗng tếch”. Còn theo quan điểm của Ph.Ăng ghen “Một dân tộc muốn đứng lên trên đỉnh cao của nền văn minh

nhân loại, dân tộc ấy phải có tri thức”. Như vậy, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đều coi GD&ĐT là chìa khóa, là động lực đối với sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia, đặc biệt đối với quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam nói riêng, trên toàn thế giới nói chung.

Kế thừa quan điểm trên của C.Mác- Ph.Ăngghen và trên cơ sở thực trạng GD&ĐT ở nước Nga trong những năm đầu cách mạng tháng 10 thành công, Lênin đã đưa ra quan điểm, khẳng định vai trò quan trọng của GD&ĐT trong việc đưa nước Nga thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, để góp phần xây dựng CNXH ở nước Nga. Theo Lênin: “Muốn tạo lập CNXH phải có một trình độ văn hóa nhất định”. “việc nâng cao năng suất lao động trước hết phải nâng cao trình độ học vấn và văn hóa của quần chúng nhân dân” và “Nếu không có một mạng lưới giáo dục quốc dân ít nhiều phát triển thì tuyệt nhiên không thể giải quyết mọi vấn đề trên quy mô toàn dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VII đã xác định: “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho sự phát triển”. Đó là sự khẳng định hết sức đúng đắn xuất phát từ lợi ích của nhân dân, sự phát triển của đất nước, đồng thời phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chính vì vậy, trong những năm qua sự nghiệp GD&ĐT nước ta đã có những bước phát triển nhanh và bền vững cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu.

Khởi đầu cho sự phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực cho mỗi con người sau này là một phần có sự đóng góp ở cấp học phổ thông, vì cấp học này đã bước đầu trang bị cho từng học sinh những kiến thức nhất định (nền tảng, chuyên biệt), để sau khi tốt nghiệp từng học sinh có thể tự lựa chọn cho mình một chuyên ngành phù hợp với trình độ, năng lực, nhằm phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo cho các công việc của bản thân sau này.

Giáo dục THPT giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả có được ở bậc giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông, có những hiểu biết nhất định về các kiến thức tự nhiên và xã hội, bước đầu xây dựng định hướng nghề nghiệp cho bản thân sau này, từ đó phát huy năng lực cá nhân để tiếp tục học lên bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động thường ngày. Nội dung giáo dục THPT phải đảm bảo tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với cuộc sống thực tiễn hàng ngày, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đáp ứng mục tiêu đã đề ra về cấp học cho mỗi học sinh.

Giáo dục THPT phải củng cố, phát huy và phát triển được những nội dung đã học ở bậc THCS, hoàn thành nội dung giáo dục THPT; ngoài nội dung chủ yếu nhằm bảo đảm chuẩn kiến thức phổ thông, cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho mỗi học sinh, còn có nội dung nâng cao một số môn học nhằm đáp ứng nguyện vọng, phát triển năng lực của học sinh.

Phương pháp giáo dục THPT phải phát huy được tính tích cực, tính chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng môn học, từng lớp học, bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; bước đầu rèn luyện kỹ năng vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, nhằm đem lại niềm vui, hứng thú về học tập và nghiên cứu cho mỗi học sinh.

Nội dung QLNN về giáo dục THPT gồm 05 nhóm nội dung: Nhóm nội dung thứ nhất là, thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục, các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện điều lệ nhà trường. Nhóm thứ hai là, nâng cao năng lực của hệ thống QLGD; đổi mới quản lý tài chính, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Nhóm thứ ba là, phát triển mạng lưới trường lớp; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, hoàn thành chương trình kiên cô hóa trường lớp, hiện đại hóa hệ thống trường THPT. Nhóm thứ tư là, chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Nhóm thứ năm là, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về

giáo dục, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục.

Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các Bộ Ngành, UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT và các nhà QLGD tại các trường THPT có trách nhiệm thống nhất QLNN về giáo dục THPT, nhằm tạo ra môi trường giáo dục chặt chẽ, toàn diện, khoa học và tiên tiến để phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của mỗi học sinh trong quy định của luật giáo dục.

CHƯƠNG II

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục trung học phổ thông ở Tp. Hồ Chí Minh (Trang 31 - 35)