Thông qua quá trình phân tích các số liệu thứ cấp, các kết quả kiểm định, kết quả ước lượng hồi quy và những thông tin được nông hộ chia sẽ từ quá trình phỏng vấn trực tiếp. Tác giả đúc kết lại những thông tin như sau:
Nguồn tạo ra thu nhập của nông hộ tại địa bàn huyện Thới Bình rất đa dạng và tương đối ổn định. Trong đó, song song với nghề trồng lúa thì nuôi tôm là nguồn thu nhập chính của nông hộ. Mô hình sản xuất lúa - tôm tại địa phương khắc phục được những khó khăn về điều kiện tự nhiên nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân vùng sông nước.
Nhìn chung, thu nhập của nông hộ chịu ảnh hưởng bởi quy mô đất sản xuất khá rõ rệt. Những nông hộ sở hữu càng nhiều đất sản xuất sẽ tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập tương đối cao. Trong khi đó, hoạt động sản xuất phi nông nghiệp lại là lựa chọn tối ưu cho những nông hộ ít đất, tuy nhiên nguồn thu nhập từ các hoạt động này của nông hộ tại địa bàn vẫn còn khá bất ổn.
Vì nguồn thu nhập từ nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính yếu của nông hộ tại địa bàn huyện nên yếu tố kinh nghiệm hay số năm sinh sống tại địa phương của chủ hộ có tác động mạnh mẽ đến thu nhập của nông hộ. Thật vậy, có thể thấy rằng hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương chứa đựng nhiều rủi ro bất cập, vì vậy, đòi hỏi chủ hộ phải có những kinh nghiệm thực tế nhất định để kịp thời ứng phó và khắc phục rủi ro, tránh được những thiệt hại mùa màng đáng kể.
Thu nhập bình quân đầu người trung bình tại địa bàn nghiên cứu đạt mức khá. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa các nông hộ vẫn còn quá khác biệt tạo ra khoảng cách giàu nghèo khá rõ rệt. Các nhu cầu đời sống vật chất lẫn tinh thần cơ bản của những nông hộ có thu nhập thấp còn chưa được đáp ứng đầy đủ, một số hộ vẫn chưa có được nguồn nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
74
Bên cạnh những tồn tại trên, tác giả còn rút ra được một số vấn đề xảy ra trong thực tế có ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ. Cụ thể như sau:
Hiện trạng sử dụng đất đai tại địa phương chưa thật sự hiệu quả. Một số nông hộ sử dụng đất đai lãng phí, không hợp lý. Việc nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi không phù hợp mang lại hiệu quả không cao, gây ra những tổn thất đáng kể cho nông hộ.
Đa số nông hộ không được tiếp cận kịp thời với những thông tin mới và cần thiết cho hoạt động sản xuất. Chính vì vậy, việc sử dụng máy móc công nghệ hiện đại, ứng dụng các giống lúa mới góp phần mang lại năng suất sản xuất cao giúp nâng cao thu nhập chưa được nông hộ ứng dụng phổ biến. Toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại địa bàn còn rất vất vả khi vẫn chưa có kế hoạch sản xuất nào cụ thể và chỉ sử dụng lao động chân tay là chủ yếu.
Thực trạng thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại địa bàn nghiên cứu còn phổ biến. Trong huyện chưa có văn phòng chính thức nào chịu trách nhiệm tư vấn nghề nghiệp cho lao động phổ thông khiến nhiều lao động trong độ tuổi phải thất nghiệp vì chưa đủ kiến thức để định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
Thu nhập bình quân đầu người của nông hộ có mối tương quan nghịch với số nhân khẩu tạo ra thu nhập. Điều này chỉ ra rằng: đa phần các thành viên trong gia đình thường hỗ trợ nhau sản xuất nông nghiệp mà ít tham gia thêm vào hoạt động kinh tế khác, do đó nguồn lực lao động của nông hộ tương đối nhàn rỗi. Như vậy, ta có thể thấy rằng việc sử dụng nguồn vốn nhân lực của nông hộ tại địa bàn huyện chưa thật sự đạt hiệu quả.
Hoạt động sản xuất phi nông nghiệp tại địa phương còn mang tính chất tự phát là chủ yếu. Đa số chưa trải qua quá trình đào tạo bài bảng, không đảm bảo chất lượng, tay nghề, vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại không cao.