Chính sách quản lý ngoại hối tác động đến sự ổn định của nền kinh tế, tạo thế cân bằng giữa kinh tế đối ngoại và kinh tế đối nội. Một chính sách phù hợp với việc quản lý ngoại hối, ngoại thương sẽ tác động trực tiếp đến các luồng vận động ngoại hối, đồng thời tác động trực tiếp vào tỷ giá. Khi tỷ giá hối đoái được xác định đúng đắn, phù hợp sẽ khuyến khích ngoại thương phát triển, tăng cường quan hệ XNK hàng hóa, dịch vụ…, từ đó thúc đẩy mở rộng sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế. Như vậy, không những chính sách quản lý ngoại hối là yếu tố tác động sự ổn định nền kinh tế, mà còn là yếu tố kích thích sự phát triển kinh tế. Trong chính sách quản lý ngoại hối điều quan trọng là việc quản lý toàn bộ luồng, nguồn ngoại hối ra, vào lãnh thổ như thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Còn các vấn đề về sử dụng ngoại tệ, về mua, bán, kinh doanh ngoại hối, thì tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm, đặc thù của từng thời kỳ phát triển kinh tế mà quy định.
Chính vì vậy, nội dung chính sách quản lý ngoại hối ở mỗi nước không những có những nét đặc trưng riêng, mà còn có sự biến đổi linh hoạt cho phù hợp với nhu
cầu phát triển kinh tế của mỗi nước trong từng thời kỳ. Ở Việt Nam, chính sách quản lý ngoại hối nhằm vào các nội dung sau:19
Hệ thống quy định đối với các giao dịch vãng lai, bao gồm: hoạt động chuyển ngoại tệ giữa các nước; thanh toán và chuyển tiền liên quan đến XNK hàng hóa, dịch vụ; mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh; đồng tiền sử dụng trong giao dịch vãng lai; quyền mua, bán ngoại tệ của các đối tượng là người cư trú và người không cư trú bao gồm tổ chức và cá nhân.
Hệ thống các quy định đối với giao dịch vốn, bao gồm: di chuyển ngoại tệ hình thành từ các giao dịch vốn giữa các nước; quản lý vay, trả nợ nước ngoài và cho vay, thu hồi nợ nước ngoài; quản lý đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp vào các chứng từcó giá; quản lý ngoại hối trong các trường hợp định cư.
Hệ thống các quy định về việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: hạn chế sử dụng ngoại hối; mở và sử dụng tài khoản tại các TCTD được phép; sử dụng ngoại tệ bằng tiền mặt của cá nhân, sử dụng đồng Việt Nam của người không cư trú, sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam; phát hành và sử dụng thẻ thanh toán.
Hệ thống các quy định đối với thị trường ngoại tệ; các quy định nhằm quản lý XNK vàng, các quy định về cơ chế tỷgiá cũng như nguyên tắc xác định và công bố tỷ giá.
Hệ thống các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước: thành phần, nguồn hình thành, nguyên tắc dự trữ ngoại hối nhà nước; quan hệ giữa dự trữ ngoại hối nhà nước với ngân sách nhà nước.
Hệ thống các quy định về hoạt động ngoại hối của các TCTD bao gồm: quy định về cấp giấy phép hoạt động ngoại hối, quy định về phạm vi và điều kiện hoạt động ngoại hối; cho vay, thu nợ bằng ngoại tệ trong nước; phát hành giấy tờ có giá bằng ngoại tệ; các quy định về trạng thái ngoại tệ…