Hoạt động dạy học văn trong nhà trường không chỉ cung cấp kiến thức công cụ hay phương pháp, mà còn định hình nhân cách giúp HS tự phát triển toàn diện. Sáng tạo trong dạy học TPVH được xác định là: GV xây dựng các tình huống để HS tự bộc lộ hứng thú, chủ động tích cực tham gia quá trình tiếp nhận - khơi
42
đúng mạch nguồn những giá trị đặc sắc của tác phẩm, đồng cảm và thấu hiểu tác phẩm ở mức cao nhất. Các tình huống đó có thể được triển khai cụ thể qua các thao tác đọc, kể, tóm tắt, phân tích, so sánh, khái quát, luyện tập... cuốn hút HS, giúp HS vượt qua "bức tường" ngôn ngữ và những khoảng cách trong tiếp nhận để tiếp cận các lớp nghĩa tiềm tàng trong tác phẩm. HS vượt được qua những khoảng cách tâm lý, thời đại, có thể tự tin chiếm lĩnh tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Bởi thế, mục đích của liên tưởng và tưởng tượng nghệ thuật còn là việc kiến thiết những dấu nối tinh thần từ cá nhân này tới cá nhân khác, từ thời đại này sang thời đại khác.
Mục đích của liên tưởng, tưởng tượng trong dạy học TPVH cũng không chỉ làm "chuyển dời" các lớp nghĩa như trên mà còn liên kết các nét nghĩa, mở rộng trường nghĩa cho hình tượng được hiện lên lung linh sống động; giúp cho việc tiếp nhận tác phẩm được trọn vẹn, sâu sắc. Tiếp nhận bài thơ Tây Tiến, không chỉ cho học sinh thấy hình ảnh người lính Tây Tiến - một hình tượng nghệ thuật lấp lánh vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, nhuốm màu sắc bi tráng của Quang Dũng mà còn có thể mở rộng liên tưởng tới người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, liên tưởng tới người lính trong Đồng chí
của Chính Hữu hoặc liên tưởng tới người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật… Cần phải liên tưởng và so sánh để nhận thức về một thời gian khổ, hào hùng của thế hệ cha anh; nhận thức và kết nối các sắc thái của tư tưởng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng được thể hiện trước vẻ đẹp của người lính trong từng hoàn cảnh.
Liên tưởng và tưởng tượng nghệ thuật có khả năng tựu nghĩa và tạo nghĩa, vừa khái quát vừa khám phá những "đường viền" nghệ thuật mới mẻ. Mỗi người đọc trên cơ sở cảm xúc, khả năng liên tưởng và huy động vốn biểu tượng sẽ bổ sung những yếu tố, đường nét thành "tác phẩm" mang dấu ấn của riêng mình. Đó cũng là mục đích của liên tưởng và tưởng tượng xét từ phương diện lý thuyết tiếp
43
nhận. Điều cần được nhấn mạnh ở đây là: liên tưởng và tưởng tượng sáng tạo không phải là sự suy diễn, gán ghép những nét nghĩa xa lạ với tác phẩm mà phải là những gì vốn có hoặc được gợi ra từ tác phẩm văn học. Câu thơ sau của Chế Lan Viên là một ví dụ:
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Nét nghĩa công cụ của câu thơ gợi ra cả một không gian rộng lớn, thời gian trong quá khứ và thời gian hiện tại trong xúc cảm lưu luyến, nhớ thương da diết. Nhưng nét nghĩa chức năng còn bao hàm một quá trình sống, gắn bó với nhiều con người, sự việc và ấn tượng về những năm tháng đó cứ da diết khôn nguôi. GV tổ chức quá trình tiếp nhận có định hướng thẩm mỹ cho HS, liên tưởng và tưởng tượng sáng tạo của HS sẽ được phát huy, đảm bảo cho việc chiếm lĩnh hình tượng nghệ thuật mang tính chất vừa chủ quan sâu sắc vừa khách quan khoa học.