Đối tượng tiếp nhận sáng tạo mà GV xác định và hướng tới trong bài học TPVH là tất cả các yếu tố bản chất và liên quan mật thiết tới hình tượng nghệ thuật mà HS cần chiếm lĩnh, tiếp nhận để làm giàu có hành trang tâm hồn và hoàn thiện nhân cách. Đối tượng mà bạn đọc - HS cần chiếm lĩnh (thông qua liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo) trong dạy học TPVH là tất cả những yếu tố xác định về bản chất, đặc trưng riêng của một công trình nghệ thuật ngôn từ nhằm khái quát cuộc sống bằng hình tượng, hướng tới sự tiếp nhận tinh thần của người đọc.
Tính "phi vật thể" của ngôn ngữ văn học có thể được xem là dấu hiệu phân biệt rõ nhất về đặc trưng và phương thức tiếp nhận loại hình nghệ thuật này với đặc trưng và phương thức tiếp nhận các loại hình nghệ thuật khác. Từ việc tri giác văn bản, các lớp nghĩa của ngôn ngữ dần dần xuất hiện, tức đối tượng của liên tưởng và tưởng tượng cũng dần được xác định. Giờ dạy TPVH trong nhà trường là phương thức tiếp nhận lấy tác phẩm nghệ thuật ngôn từ làm đối tượng. Vì thế, đối tượng của liên tưởng, tưởng tượng trong bài học TPVH là hình tượng
40
đời sống kết tinh trong nghệ thuật ngôn từ, ngôn từ trong một hệ thống cấu trúc hình tượng chặt chẽ thể hiện tính sinh động nghệ thuật, tính cá biệt không lặp lại.
Trường hợp hai câu thơ sau của Chế Lan Viên: Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân. (Tiếng hát con tàu)
Câu thơ Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất diễn tả sự hy sinh mất mát. Theo cách diễn đạt thông thường, chỉ cần nói: Nơi máu rỏ thấm đất, còn trong câu thơ trên của Chế Lan Viên thêm vào từ tâm hồn khiến nó lung linh nhiều ý nghĩa.
Máu thuộc về phương diện thể xác, tâm hồn thuộc về đời sống tinh thần; Máu
thì cụ thể còn tâm hồn thì vô hình, trừu tượng. Ở đây hàm chứa sự chuyển hóa, những hy sinh được diễn tả càng trở lên cao cả thiêng liêng, dường như là sự hòa nhập với linh hồn núi sông.
Trong TPVH, "sự có mặt" của một chữ có thể làm cho phát ngôn vượt qua những nét nghĩa cơ sở để xác định đời sống tâm lý, xác định số phận riêng. Dù chỉ là một chữ trong câu thơ hay cả bài thơ, nhưng sẽ là rất quan trọng nếu đó là trung tâm mang nghĩa. Có khi, nghĩa cụ thể của từ được chuyển hóa thành một bình diện nghĩa mới trong quan hệ một sinh thể nghệ thuật, tạo nên sức biểu hiện tương hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ một từ thôi, hay vài từ cũng vậy dù đó là những từ đặc sắc nếu không đặt trong tính hệ thống, tự bản thân nó khó có thể hình thành một hình tượng hoàn chỉnh. Tồn tại ở bề sâu hơn, ở "phía sau" những con chữ cụ thể đó là cấu trúc ngôn từ tinh vi và dị biệt; chính cấu trúc bề sâu ấy có khả năng kết tinh thành hình tượng nghệ thuật mà thoạt đọc, người ta thường mới chỉ có thể "cảm" được chứ không dễ hiểu được một cách sâu sắc và trọn vẹn. Ở đây, có một vấn đề lôgíc mà như nghịch lý: đó là hình tượng văn học được xây dựng bằng ngôn ngữ phi vật thể (không nghe thấy, không nhìn thấy), vậy mà người đọc lại có
41
thể "ngắm nghía, thưởng ngoạn". Sở dĩ có điều này bởi đặc trưng của ngôn ngữ văn học: đó là tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm. Quá trình TNVH là quá trình đi ngược lại hành trình sáng tác của nhà văn mà hình tượng tác phẩm là điểm gặp gỡ và tạo nên mối đồng cảm thẩm mỹ giữa người sáng tác với người thưởng thức. Hình tượng nghệ thuật là tổ chức cao nhất, bản chất nhất của tác phẩm; đó cũng là nơi hội tụ tập trung nhất và là căn cứ khách quan khoa học nhất của liên tưởng, tưởng tượng trong sáng tác cũng như trong tiếp nhận. "Do tính hàm súc và đa nghĩa của ngôn ngữ, hình tượng văn học có khả năng gợi ra những phương hướng tiếp nhận thẩm mỹ ". Bởi thế, cùng đọc một tác phẩm, ý kiến đánh giá của mỗi người rất có thể không giống nhau, thậm chí đối lập. Trong thơ, hình tượng lại được xây dựng trên cơ sở cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ và sự phối hợp đặc biệt của tiết tấu, nhịp điệu. Ngôn ngữ thơ ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh. Phương thức biểu hiện của thơ thiên về gợi hơn là miêu tả cụ thể; vì thế liên tưởng, tưởng tượng trong tiếp nhận thơ cũng không giống liên tưởng, tưởng tượng trong tiếp nhận văn xuôi. Đối tượng của liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo trong thơ không chỉ biểu hiện trong ngôn ngữ cụ thể mà còn ở khoảng cách giữa các con chữ, ở đời sống phía sau con chữ. Vấn đề quan trọng là xác định được những dấu hiệu hình thức và đặc điểm nội dung mang nghĩa trong tác phẩm với tư cách một đối tượng thẩm mỹ, từ đó mới có thể thiết kế và tổ chức sự tiếp nhận sáng tạo trên cơ sở "đồng thể nghiệm nghệ thuật" của bạn đọc - HS trong quá trình dạy học văn.