Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188)

Một phần của tài liệu các tội phạm về môi trường trong luật hình sự việt nam hiện hành lý luận và thực tiễn (Trang 44 - 46)

5. Kết cấu của luận văn

2.2.7. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188)

2.2.7.1. Định nghĩa:

Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản là hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm; khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ; phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ và vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

2.2.7.2. Dấu hiệu pháp lý

Mặt Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm này là chế độ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đối tượng của tội phạm này là nguồn thủy sản bao gồm mọi sinh vật có giá trị kinh tế, khoa học sống ở các vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Mặt Khách quan của tội phạm

Người phạm tội có một hoặc một số trong các hành vi mô tả sau đây:

Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản;

Khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm;

Khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ;

Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ; Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Tội phạm được xem là hoàn thành khi có một trong các hành vi đã nêu trên kết hợp với một trong số các điều kiện sau: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về hành vi phạm tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Mặt Chủ quan của tôi phạm: Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là huỷ hoại nguồn lợi thủy sản, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng của hành vi mà mình thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Mặt Chủ thể của tội phạm : Chủ thể của tội phạm này không phải là Chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu TNHS và đến một độ tuổi theo quy định của BLHS thì đều có thể trở thành Chủ thể của tội phạm này. Theo quy định tại Điều 12 BLHS thì chỉ người từ đủ mười sáu tuổi trở lên mới có thể là Chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này khung hình phạt cao nhất là năm năm thuộc tội phạm nghiêm trọng.

Người có hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản chỉ bị truy cứu TNHS nếu trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản hoặc đã bị kết án về tội huỷ hoại nguồn lợi thủy sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2.2.7.3. Hình phạt:

Khung 1: Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm, phạt tù từ sáu tháng đến đến ba năm.

Khung 2: Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Như thế nào là “phạm tội có tổ chức, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” như đã phân tích ở phần 2.2.1.3.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Một phần của tài liệu các tội phạm về môi trường trong luật hình sự việt nam hiện hành lý luận và thực tiễn (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)