Nhận xét về cấu trúc

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 110 - 115)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.2. Nhận xét về cấu trúc

Về cơ bản, truyện cười được xây dựng trên các tình huống có tính vấn đề của đối tượng, qua đó, làm bật lên tiếng cười thông qua sự đối lập giữa nội

dung và hình thức, hiện tượng và bản chất.... Do đó, nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc của truyện cười nói chung, cũng là công việc chỉ ra mô típ tình huống đặc trưng của nó.

Ở đây, chúng tôi không có tham vọng trình bày tất cả những dạng thức về cấu trúc của truyện cười dân gian Bến Tre, mà chỉ tìm hiểu mô típ đặc trưng của truyện trạng Ông Ó, một hệ thống mang tính tiêu biểu cho thể loại truyện cười dân gian Bến Tre. Vả chăng, đa phần các truyện cười riêng lẻ thống kê được tại Bến Tre cũng không nằm ngoài công thức mang tính phổ biến trong hệ thống truyện cười nói chung. Ở truyện cười dân gian Bến Tre, công thức chung thường là: Địa điểm (có thể xuất hiện hay vắng mặt) → nhân vật chính → tính cách nhân vật → tình huống gây cười (tương tác giữa nhân vật chính – phản diện và nhân vật “xúc tác” trong phạm vi một hay nhiều tình huống) → kết quả (có thể xuất hiện hay vắng mặt trong văn bản). Chẳng hạn như truyện Quan biểu tui làm chớ bộ. Mở đầu truyện là phần giới thiệu về nhân vật chính và tính cách của hắn: “Có một anh xã trưởng kia vốn tánh háo sắc”. Tiếp theo sau là tình huống sang đò đầy, chật chội – hoàn cảnh lí tưởng cho tính dê xồm của hắn có dịp thoải phát huy: “Bữa đó đò chật, người người phải ngồi sát nhau”. Sau phần này là tình huống gây cười: sự tương tác giữa các nhân vật, câu hỏi của cô gái và câu trả lời của anh xã trưởng không ăn nhập gì với nhau. Hình thức mang đậm tính hài; ông nói gà, bà nói vịt này xảy ra ba lần, cũng là cách thức tổ chức theo hướng tăng tiến, trong đó, hành vi thả dê của anh xã ngày càng lộ liễu hơn, liều lĩnh hơn và cũng quyết liệt hơn. Truyện này kết thúc ở tình huống thứ ba, lời đáp của anh xã: “Quan biểu tôi làm…chớ bộ!” và không có kết quả cụ thể sau chuỗi hành vi rất thiếu văn hóa đó.

Ở phần này, mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là vấn đề mô típ tình huống tiêu biểu của truyện trạng Ông Ó.

Hành trạng nghiên cứu mô típ tình huống truyện cười dân gian Bến Tre nói chung và truyện trạng Ông Ó nói riêng tuy chưa được quan tâm đúng mức nhưng không hẳn đã hoàn toàn tồn tại trong trạng thái bị ghẻ lạnh. Tác giả

Nguyễn Phương Thảo trong bài viết Truyện ông Ó, đã gợi mở nhiều vấn đề

thú vị xung quanh đặc trưng trong cách thức xây dựng tình huống của truyện ông Ó: “Nếu ở các hệ thống truyện trạng như truyện Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Thủ Thiệm, Ba Phi, tình huống nghệ thuật của truyện là tình huống giàu kịch tính để gây cười thì truyện Ông Ó là tình huống thử thách. Tình huống này được tạo ra từ hai nguồn: nguồn thứ nhất là một nhân vật nào đó mời ông nói láo, bị ông Ó làm lật tẩy chân tướng; nguồn thứ hai là ông Ó chủ động đưa một nhân vật nào đó vào cuộc đấu trí với mình. Tình huống thử thách này phơi bày chân tướng các các nhân vật phản diện và khẳng định sự mưu trí, lanh lẹ trong xử thế của ông Ó” [116; 108].

Tất nhiên, truyện Ông Ó không có những mô típ tình huống điển hình theo kiểu “tăng tiến dồn dập của các tình huống” [52; 173] như kiểu truyện Trạng Vĩnh Hoàng, cũng không có “mô – típ độc nhất vô nhị:nhân vật tự truyện” như truyện trạng Ba Phi [52; 179]. Nhưng theo chúng tôi, cách thức tổ chức tình huống ổn định đến mức biến chúng trở thành những mô típ có tính điển hình cao đã là một thành công của kiểu truyện Ông Ó.

Trong nhận xét của mình, Nguyễn Phương Thảo tuy không trực tiếp đưa ra những con số cụ thể trong hai cách thức tạo tình huống trên nhưng đã cung cấp chìa khóa quan trọng giúp mở ra cánh cửa còn bỏ ngỏ đó.

Qua khảo sát, chúng tôi có được kết quả như sau: mô típ tình huống thứ nhất (“nhân vật nào đó mời ông nói láo, bị ông Ó làm lật tẩy chân tướng”)

chỉ xuất hiện ở 4 truyện: Câu ống, Xỏ vợ anh nhà giàu, Ông Ó ở Huế, Nói gạt các quan lớn. Ở mô típ tình huống thứ hai (“ông Ó chủ động đưa một nhân vật nào đó vào cuộc đấu trí với mình”) có tất cả 18 truyện.

Như vậy, có thể nhận xét rằng, mô típ quan trọng nhất trong cách thức tổ chức tình huống trong truyện Ông Ó là cách ông Ó “chủ động đưa một nhân vật nào đó vào cuộc đấu trí với mình”. Điều này phản ánh đúng đặc trưng nội dung của truyện. Bởi lẽ, như ở trên đã khẳng định, truyện Ông Ó

chủ yếu xoáy vào những mặt trái của giai cấp phong kiến, muốn thực hiện mục đích tối thượng đó, ông Ó phải chủ động đưa đối tượng vào mê cung mà mình sắp đặt sẵn, biến chúng trở thành những con rối trong trò hề mà chúng đảm nhận vai diễn chính. Trong những huống cảnh như thế, rất khó để các nhân vật phản diện có thể thoát khỏi những trò lố mà ông đã dành sẵn. Và một lẽ nữa mang tính quy định của tiểu loại truyện trạng: “giới hạn và mục đích sử dụng mẹo lừa của các nhân vật Trạng không nhằm vào chỗ kiếm lợi lộc cho riêng bản thân mình. Nhân dân đã cộng gộp trí khôn của tập thể vào một con người. Và con người ấy thực sự tiêu biểu cho trí khôn của tập thể, chiến đấu vì lợi ích của tập thể” [90; 42]. Ở đây, ông Ó tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh chống phong kiến của nhân dân Bến Tre, đại diện cho sự thông minh, khéo léo của nhân dân, và trong cuộc chiến không khoan nhượng về tinh thần đó, nhân dân luôn ở thế chủ động so với phần còn lại.

Khác với dạng thức thứ hai, dạng thức thứ nhất chỉ xuất hiện trong các truyện mà nhân vật chính rất ngưỡng mộ ông Ó, nghĩa là đã biết đến biệt tài

nói láo của ông, nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi cảnh bị ông đánh lừa. Ở các truyện này, ông Ó không hề có sự chuẩn bị trước, sự gặp gỡ của nhân vật với ông mang tính tình cờ, ngẫu nhiên. Lời đưa đẩy, khơi gợi thường xuất phát một cách trực tiếp từ nhân vật: “…nói láo nghe chơi ông Ó!” (lời của anh nhà giàu và người vợ bé quan huyện trong Câu ống, Xỏ vợ nhỏ nhà giàu); “Bấy lâu nay ta nghe ngươi nói láo hay, vậy hãy nói ta nghe thử” (Lời của Đông cung trong Ông Ó ở Huế); hay chỉ đơn thuần là lời dẫn truyện: “Một hôm Đông cung đãi yến các quan, đòi ông Ó tới nói láo cho các quan nghe”

[114; 154].Theo suy nghĩ của chúng tôi, sự có mặt của các truyện thuộc dạng thức này nhằm tô điểm cho mục đích duy nhất: nhấn mạnh, đề cao sự thông minh, khôn khéo của ông Ó trong cách ứng phó với hoàn cảnh; nhằm chứng minh rằng khả năng bịa chuyện của ông luôn luôn thường trực, xuyên suốt trong nhân vật chứ không riêng gì các tình huống nằm sẵn trong dự phóng của ông.

Nhìn chung cả hai cách thức tổ chức tình huống đều thường trú trong cái khung chung để tạo thành mô típ tình huống thử thách. Và những trường hợp như thế đã “phơi bày chân tướng các nhân vật phản diện và khẳng định sự mưu trí, lanh lẹ trong xử thế của ông Ó” [116; 108 ].

Một điểm đáng lưu ý khác, về biện pháp nghệ thuật để nâng đỡ tình huống, kiểu truyện Ông Ó chủ yếu vận dụng cách thức làm mờ ranh giới giữa thực và hư; tức là “tạo ra được những tình huống có thực mà không thực để gây cười” [116; 108]. Đây là đặc điểm mang tính chất khu biệt truyện Ông Ó

với các truyện trạng dân gian khác. Bên cạnh đó, kiểu truyện Ông Ó cũng khước từ cách tiếp cận đối tượng theo hướng phóng đại một cách đậm đặc – một phương thức quen thuộc của hệ thống truyện trạng nói chung, chẳng hạn như truyện trạng Ba Phi: “Phóng đại là biện pháp nghệ thuật rất tiêu biểu của truyện Ba Phi (…). Các chi tiết đưa ra có tầng có lớp theo chiều hướng tăng tiến, hợp lí” [90; 43]. Trong khi đó, qua thống kê, chúng tôi chỉ thấy có hai trường hợp truyện ông Ó sử dụng thủ pháp này: Chuyện lạ ở HuếLời dặn của thầy tôi. Vả chăng, các tình tiết mang tính phóng đại này cũng ở tầm vừa phải, không đến nỗi li khai quá xa ngoài tầm kiểm soát của lẽ phải thông thường. chẳng hạn: “Cách đây hơn mười năm, vua bên Tàu có rước thầy tôi qua Bắc Kinh nói láo cho vua Tàu nghe. Khi thầy tôi về, vua Tàu có ban cho thầy tôi một trăm cân vàng, lại có tàu đưa về. Rủi là đi dọc đường bị ăn cướp. Tàu ô giết thầy tôi lấy hết của. Sau vua Tàu hay có gửi thơ qua thăm hỏi vợ

thầy tôi và phong cho thầy tôi là Tổ sư nói láo” (Lời dặn của thầy tôi) [114; 153]; hay đoạn đối thoại giữa ông Ó với dân làng sau khi từ Huế về:

“ – Mũ vua làm bằng gì mà nhiều tiền thế? Ông Ó đáp:

- Làm hết hai mươi cân vàng

- Cha chả! Hai mươi cân vàng thì vua đội sao nổi? Ông ó đáp:

- Vậy các người không nghe hễ làm vua thì có quan phụ chánh, qua ấy theo đỡ mũ cho vua ư?”

[114; 157].

Như vậy, có thể thấy truyện cười dân gian Bến Tre tập trung mạnh mẽ vào đề tài chống phong kiến. Hệ thống truyện Ông Ó đã minh chứng xác đáng cho nội dung này. Quá trình hình thành, phát triển của văn học dân gian Bến Tre nằm trọn vẹn trong giai đoạn mà chế độ phong kiến đang trong thời kì suy tàn, những hủ tục của nó cũng như những thủ đoạn áp bức bốc lột của bọn thống trị đang phơi bày ra trước mắt nhân dân. Do đó, tất cả những sự kiện đó được nhân dân phản ánh mạnh mẽ vào thể loại thích hợp nhất là truyện cười. Có lẽ cũng chính điều đó đã góp phần qui định cách thức, đặc điểm cấu tạo khá riêng biệt của truyện cười nơi đây.

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 110 - 115)