Diện mạo văn học dân gian Bến Tre qua tư liệu

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 38)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.Diện mạo văn học dân gian Bến Tre qua tư liệu

2.1.1. Nhận xét tình hình chung

So với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì ở Bến Tre quá trình sưu tầm và giới thiệu văn học dân gian xuất hiện khá sớm. Từ cuối những năm thế kỉ XIX, Trương Vĩnh Ký đã giới thiệu một số quyển sách về văn học dân gian trên vùng đất này như: Truyện đời xưa (1865),

Truyện khôi hài (1882), Hát, Lý, Hò An Nam (1886).Sang đầu thế kỉ XX các nhà nghiên cứu tiếp tục giới thiệu một số công trình như Truyện tiếu đàm (1912) của Phụng Hoàng Sang và Dương Nhiếp; Truyện Ông Ó (1913) của

Bùi Quang Nho; Chuyện vui (2 tập) của Huỳnh Khắc Trường (1932). Tuy nhiên, theo nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Thảo thì ở các công trình này “Khó có thể xác định được rạch ròi đâu là văn học dân gian Bến Tre, đâu là văn học dân gian của vùng khác” [114; 24]. Một số tác phẩm tiêu biểu và đảm bảo về chất lượng ở các công trình này đã được Nguyễn Phương Thảo tuyển chọn và giới thiệu lại trong công trình Văn học dân gian

Bến Tre [114]. Do điều kiện chiến tranh chống ngoại xâm nên trong một thời gian dài sau đó ở toàn miền Nam nói chung và ở Bến Tre nói riêng không có công trình sưu tầm văn học dân gian. Cho đến 1965 trở về sau, đặc biệt là sau năm 1975 văn học dân gian Bến Tre được sưu tầm và giới thiệu rộng rãi hơn. Có thể kể đến một số công trình như:

- Kiến Hoà (Bến Tre) xưa của Huỳnh Minh [78].

- Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945) của Nguyễn Duy Oanh [96].

- Dân ca Bến Tre của Lư nhất Vũ và Lê Giang [134].

- Văn học dân gian Bến Tre của Nguyễn Phương Thảo và Hoàng Thị Bạch Liên [114].

- Địa chí Bến Tredo Thạch Phương và Đoàn Tứ (chủ biên) [100].

- Hát sắc bùa Phú Lễ của Huỳnh Ngọc Trảng [123]. - Di sản văn hoá Bến Tre của Lư Hội [50].

- Khảo sát ca dao – dân ca Bến Tre của Đặng Thị Thuỳ Dương - Luận văn thạc sĩ [25].

Ở bình diện rộng hơn là trên vùng đất Nam Bộ cũng có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu văn học dân gian. Trong các công trình này các tác giả đã giới thiệu một số tác phẩm văn học dân gian ở Bến Tre. Các công trình bao gồm:

- Ca dao Nam Bộ của Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị [34].

- Truyện cười dân gian Nam Bộ của Bùi Mạnh Nhị, Trần Tấn Vĩnh, Nguyễn Tấn Phát [90].

- Nghìn năm bia miệng – (2 tập) của Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường [124].

-Huyền thoại miệt vườn của Nguyễn Phương Thảo [115].

- Văn học dân gian Đồng bằng Sông Cửu Long của Khoa Ngữ Văn Đại học Cần Thơ [69].

-Nam kỳ cố sự của Nguyễn Hữu Hiếu [42].

- Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở

Nam Bộ (1858 – 1918), của Võ Phúc Châu - Luận án Tiến sĩ [12]

Tất cả những công trình trên cũng là tư liệu mà chúng tôi sẽ khảo sát, chọn lọc tác phẩm văn học dân gian ở Bến Tre nhằm phác họa một cái nhìn khái quát về văn học dân gian ở vùng đất này.

Những tác phẩm được chọn lọc được chúng tôi chia thành 7 thể loại như sau: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, ca dao – dân ca, tục ngữ, câu đố, vè. Trên thực tế, vấn đề phân loại văn học dân gian ở Bến Tre cũng khá phức tạp nhất là ở các thể loại truyền thuyết và cổ tích. Đây cũng là tình trạng chung của văn học dân gian Nam Bộ, hơn nữa ở Bến Tre vấn đề này chưa được chú ý nghiên cứu sâu. Đó có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tránh né vấn đề phân loại văn học dân gian của các nhà nghiên cứu trong nhiều công trình sưu tầm, giới thiệu văn học dân gian ở Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Có thể điểm sơ lược tình hình này như sau:

Ở công trình Kiến Hoà (Bến Tre) xưa [78], mục đích của tác giả là giới thiệu khái quát vùng đất Bến Tre cả về lịch sử, địa lí, văn hóa..., do đó trong mục huyền sử và di tích tuy giới thiệu một số truyện kể dân gian nhưng

tác giả không phân loại cụ thể cho một số tác phẩm tự sự dân gian này. Cũng với tinh thần đó, trong công trình Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945) [96], nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Oanh cũng không phân loại các truyện kể dân gian mà ông đã giới thiệu, những chuyện kể này được ông gọi chung là huyền thoại. Cũng trong mục này, phần văn vần dân gian, tác gải giới thiệu 3 thể loại là: tục ngữ, ca dao và câu đố. Trong quyển sách chuyên ngành văn học dân gian, sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian Bến Tre, Văn học dân gian Bến Tre [114], nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Thảo giới thiệu khá nhiều tác phẩm văn học dân gian vùng đất Bến Tre. Các tác phẩm được tác giả phân thành các mục: truyện cổ; truyện cười; truyện trạng; ca dao; dân ca; vè; phương ngôn, tục ngữ, câu đố. Như vậy, ngoài các thể loại được phân biệt khá rạch ròi như truyện cười, ca dao, vè... thì ở 2 thể loại truyền thuyết và cổ tích tác giả chưa đề cập đến. Tuy vậy, cách sắp xếp theo thứ tự các truyện ở mục truyện cổ cũng cho thấy ý đồ của tác giả trong việc phân loại 2 thể loại văn học dân gian này. Trong quyển sách Địa chí Bến Tre [100 ] do Thạch Phương và Đoàn Tứ chủ biên, phần giới thiệu văn học dân gian, các tác giả phân loại văn học dân gian Bến Tre thành 8 thể loại khá chi tiết: truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, truyện trạng, tục ngữ và phương ngôn, vè, câu đố, ca dao. Tuy nhiên, ở đây các tác giả chủ yếu phân loại để giới thiệu một số nội dung cơ bản của văn học dân gian Bến Tre. Một số vấn đề đáng bàn nữa là việc các tác giả đã tách truyện trạng ra thành một thể loại văn học dân gian độc lập. Bên cạnh đó, phần dân ca – bộ phận phát triển khá mạnh ở Bến Tre chưa được các tác giả đề cập đến.

Chúng tôi vừa điểm sơ lược về tình hình phân loại văn học dân gian ở Bến Tre. Đi vào quá trình khảo sát các tư liệu và chon lọc tác phẩm chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn vấn đề này.

2.1.2. Quá trình chọn lọc tác phẩm

Vấn đề phân loại tác phẩm văn học dân gian:

Như chúng tôi đã nêu, văn học dân gian mà đặt biệt là truyện cổ ở Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung ngoài các thể loại như truyện cười, truyện ngụ ngôn được phân biệt một cách khá rành mạch thì ở hai thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích vấn đề phân loại chưa thật sự được chú ý. Thông thường khi sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian ở hai thể loại này, các nhà nghiên cứu thường né tránh vấn đề phân loại và gọi tên chúng một cách chung chung là huyền thoại, truyện cổ, chuyện kể dân gian… Cũng có cách phân loại theo tiêu chí đề tài - nội dung như: truyện địa danh, truyện loài vật, truyện liên quan đến lịch sử văn hóa, truyện sinh hoạt [69]. Việc không chú ý đến tiêu chí thể loại đó dẫn đến dễ nhầm lẫn, nhập nhằng trong việc nghiên cứu, khảo sát. Đó có lẽ cũng chính là nguyên do mà truyền thuyết, truyện cổ tích xuất hiện trong tuyển tập giai thoại [41], hay truyện cười – thể loại khá tiêu biểu, có ranh giới rõ ràng và tồn tại độc lập lại nằm cùng loại với truyện cổ tích với tên gọi chung là truyện sinh hoạt [69].

Từ tình hình trên, chúng tôi nhận thấy phân loại văn học dân gian Bến Tre theo tiêu chí thể loại là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Theo đó, tất cả các tác phẩm chọn lọc được chúng tôi chia thành các thể loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, ca dao – dân ca, tục ngữ, câu đố, vè. Cơ sở cho việc phân loại này là sự tiếp thu quan điểm phân loại của các giáo trình hiện hành, cũng như có tham khảo thêm ý kiến của các nhà nghiên cứu khác. Trước khi đi vào quá trình chọn lọc tác phẩm, chúng tôi xin nêu cụ thể một số tiêu chí phân loại văn học dân gian ở Bến Tre trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu như sau:

* Truyền thuyết

Trước hết chúng tôi cần nói về khái niệm truyền thuyết để làm cơ sở cho việc chon lọc tác phẩm theo thể loại này. Dù từ lâu, truyền thuyết đã được thừa nhận là một thể loại tự sự dân gian riêng biệt nhưng về khái niệm này cũng có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Để khám phá sâu bản chất thể loại, mỗi nhà nghiên cứu truyền thuyết dân gian thường giới hạn khái niệm trong một số tiêu chí nhất định. Từ điển thuật ngữ văn học [39] của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) cho đây là “một thể loại truyện dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải các nhân vật và sự kiện lịch sử có ảnh hưởng quan trọng đến một thời kỳ, một dân tộc, một quốc gia hay một địa phương”. Vũ Ngọc Khánh trong Truyền thuyết Việt Nam [62]

nhận định: “truyền thuyết là cảm quan của một cộng đồng về những sự kiện và nhân vật lịch sử, là cách đánh giá, phản ánh lịch sử một cách không chính thống của mọi thời đại, cách phản ánh dân giả nhất, vì thế mà hồn nhiên và đầy chất thơ nhất”. Nhà nghiên cứu Phan Trần thì nhấn mạnh phương thức phản ánh của truyền thuyết: “truyền thuyết là những truyện truyền tụng trong dân gian về những sự việc và nhân vật có liên quan đến lịch sử. Những nhân vật, sự việc đó thường được phản ánh qua trí tưởng tượng của con người qua sự hư cấu của nhân dân” (Tinh thần dân tộc qua truyền thuyết lịch sử, Tạp chí văn học số 3, Tr 50, 1967). Trong Truyền thuyết Việt Nam và vấn đề thể

loại [55], Hồ Quốc Hùng đúc kết: “Truyền thuyết là kí ức cộng đồng về quá khứ. Chủ yếu nó phản ánh niềm tin, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện lịch sử của dân tộc ít nhiều bằng hư cấu, tưởng tượng. Lịch sử đọng lại trong truyền thuyết như những tia hồi quang phủ lên cảnh vật, phong thổ của đất nước làm say đắm biết bao thế hệ”. Từ nội hàm của rất nhiều khái niệm trên, chúng tôi xác định ba đặc trưng cơ bản để xác định một tác phẩm truyền thuyết dân gian đó là:

- Đặc trưng 1: Yếu tố tự sự dân gian (truyền thuyết có phương thức phản ánh là tự sự tức phải có cốt truyện, nhân vật, tình tiết…, đồng thời phải có chất dân gian tức tác phẩm được truyền miệng và không có tên tác giả).

- Đặc trưng 2: Yếu tố lịch sử (truyền thuyết có nội dung phản ánh con người và sự kiện lịch sử chủ yếu ở “bản chất”, “cốt lõi lịch sử”đó).

- Đặc trưng 3: Yếu tố hư cấu, tưởng tượng (truyền thuyết nhằm lí hóa sự kiện, nhân vật lịch sử tạo nên chất “thơ và mộng”)

Đây cũng chính là tiêu chí để chúng tôi xác định, chọn lọc các tác phẩm truyền thuyết dân gian ở Bến Tre qua một số nguồn tư liệu.

* Truyện cổ tích

Có thể nói việc phân loại một cách khoa học, rạch ròi, chính xác các thể loại văn học dân gian nhất là ở các thể loại có sự thâm nhập lẫn nhau như truyền thuyết và cổ tích là một việc làm khá phức tạp. Sự chưa thống nhất trong ý kiến của các nhà nghiên cứu folklore học nước ta là một minh chứng cụ thể cho sự phức tạp đó. Dựa trên ý kiến của các nhà nghiên cứu và đặc điểm thực tế truyện dân gian ở Bến Tre, chúng tôi xin nêu một số ý để làm tiêu chí cho việc phân loại thể loại cổ tích như sau:

Truyện cổ tích là tác phẩm tự sự dân gian – sản phẩm của trí tưởng tượng từ thực tế. Tuy nhiên nếu thực tế trong truyền thuyết là những sự kiện, nhân vật cụ thể thì thực tế trong cổ tích là “thế giới không có thực”. Do đó

“truyện cổ tích là truyện kể về những chuyện không thể xãy ra trong thực tế”

“điều hấp dẫn người nghe truyện cổ tích, điều có ý nghĩa đối với họ chủ yếu là ở chính cái thế giới cổ tích ấy chứ không phải thế giới ấy phản ánh thực tế nào” [127; 8].

Ra đời trong quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, khi mà xã hội hình thành sự phân hóa giai cấp cho nên truyện cổ tích hướng vào những vấn đề cơ bản, những hiện tượng phổ biến trong đời sống nhân dân,

những xung đột riêng tư giữa người và người trong gia đình, xã hội. Như vậy nếu truyền thuyết thường kể về những nhân vật lịch sử có công lao đối với cộng đồng, dân tộc thì truyện cổ tích lại kể về số phận con người bình thường trong xã hội.

Từ những yếu tố đó, có thể thấy chức năng của truyện cổ tích là nhận thức con người đồng thời giáo dục con người khát vọng hướng thiện bằng một tinh thần nhân đạo và lạc quan sâu sắc.

Một số tiêu chí trên bước đầu giúp chúng tôi phân loại và tuyển chọn các tác phẩm truyện cổ tích trong hệ thồng nguồn truyện dân gian Bến Tre qua tư liệu.

* Truyện cười

Ngoài các truyện cười chủ yếu là trào phúng, văn học dân gian Bến Tre còn xuất hiện một hệ thống truyện trạng rất tiêu biểu (Truyện Ông Ó, Truyện

Ba Me, Truyện Bảy Lẹ). Từ đó đặt ra vấn đề nên hiểu như thế nào về hệ

thống truyện trạng này với tư cách là thể loại? Trong giới nghiên cứu Folklore học ở nước ta , cách hiểu về khái niệm truyện trạng vẫn chưa được thống nhất. Một số nhà nghiên cứu không công nhận truyện trạng là truyện cười. Ở Bến Tre cũng đã có cách phân loại hệ thống truyện trạng vùng đất này thành một thể loại độc lập [100]. Để làm cơ sở cho việc phân loại và tuyển chọn hệ thống truyện cười dân gian, chúng tôi tiếp thu quan điểm phân loại của hai bộ giáo trình Lịch sử văn học của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên cho rằng truyện trạng thuộc thể loại truyện cười – hướng nhận thức đang được thừa nhận và sử dụng rộng rãi hiện nay.

* Ca dao – dân ca

Có thể nói những rắc rối chung quanh hướng nhận thức về thể loại này là vấn đề về thuật ngữ. GS. Đỗ Bình Trị cho rằng: “Thật ra, ca dao và dân ca đề có cùng một nghĩa – đó là “những câu hát (bài hát) dân gian”. Và rằng:

“Chúng là những thuật ngữ hoàn toàn tương đương” [127;193]. Cho nên khái niệm ca dao bao hàm cả ba yếu tố lối hát, điệu hát và lời hát. Tuy nhiên cũng có hướng nhận thức phổ biến cho rằng: “ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy…, hoặc ngược lại là những câu thơ có thể “bẻ” thành những làn điệu dân ca”. Do đó, “khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ tới những lời thơ dân gian, khi nói đến dân ca, người ta nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định nữa”.[61; 197]. Trong công trình Những thế giới nghệ thuật ca dao [143], tác giả Phạm Thu Yến cũng thừa nhận cách hiểu này.

Trong chương này của luận văn, mục đích của chúng tôi không phải khảo sát bản chất của các bài ca dao – dân ca mà chỉ khảo sát tư liệu, chon lọc các tác phẩm nhằm khái quát lên bộ mặt văn học dân gian Bến Tre. Để thực hiện mục đích đó, đồng thời căn cứ vào thực tế văn bản ca dao dân ca hiện tồn ở Bến Tre chúng tôi sẽ sử dụng cả hai thuật ngữ ca dao và dân ca để giới thiệu các đơn vị tác phẩm thuộc thể loại này.

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 38)