Qua lễ hội dân gian

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 61 - 63)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.1.Qua lễ hội dân gian

Lễ hội dân gian ở Bến Tre gắn liền với những tín ngưỡng dân gian của con người nơi đây. Về tổng thể, tín ngưỡng dân gian ở Bến Tre tồn tại dưới ba hình thức: tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ cá ông.

Thành hoàng được tượng trưng cho làng xã, cho sự trường tồn của thôn ấp. Dân làng rất tôn kính và tin tưởng vào sự phù hộ của Thành hoàng vì theo quan niệm của họ đó là vị thần linh cai quản toàn bộ thôn xã, che chở và phù hộ cho dân làng được bình yên, thịnh vượng, làng nào không có Thành hoàng thì làng đó bất an. Nơi thờ tự Thành hoàng là đình, đình làng ở Bến Tre gắn liền với quá trình khai hoang mở làng, lập ấp. Trong tỉnh Bến Tre hầu hết các xã đều có đình và có sắc phong thần. Đình thường gắn với lễ hội, phần lớn đình thần trong tỉnh Bến Tre mỗi năm có hai lệ cúng chính: lễ Hạ điền diễn ra vào trung tuần các tháng 3, tháng 4, tháng 5 âm lịch; lễ Thượng điền diễn ra vào trung tuần các tháng 11, tháng 12 âm lịch. Về mặt hình thức thì mỗi kì lễ hội diễn ra trong hai ngày, trong đó có nghi thức kì an để cầu sự an lành, đó là ngày hội lớn nhất của vùng quê. Trong nghi thức này có hình thức đọc chúc văn, ở đó các bài vè, bài lí được xướng lên một cách độc đáo. Các kì lễ hội này là dịp để người dân đền ơn thần linh đã phù trợ, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn để an cư lạc nghiệp, do đó hành tích, công trạng của các vị thần được họ kể lại cho con cháu nghe bằng sự thêu dệt và thiêng hóa. Nếu như tín ngưỡng thờ Thành hoàng gắn liền với cư dân làm nông nghiệp thì tín ngưỡng thờ cá Ông gắn liền với ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió. Trong tâm thức của họ, hình ảnh cá ông trở thành chỗ dựa tinh thần giúp họ vượt qua gian khổ, hiểm nguy trong cuộc mưu sinh. Tục thờ cúng cá ông ở Bến Tre được hình thành ngay từ buổi đầu lập nghiệp, nơi thờ cúng là lăng Ông. Ở Bến Tre có tất cả 09 lăng thờ cá ông dọc theo các huyện ven biển. Lễ hội nghinh Ông ở Bến Tre được phân bố vào các tháng 2, tháng 4, tháng 6, tháng 8 âm lịch. Ngoài hình thức diễn tuồng trong lễ hội thì đây còn là dịp để người dân nhắc nhớ với nhau và kể cho con cháu nghe truyền thuyết về vị cá ông linh thiêng từ lâu đã gắn liền trong tâm thức bao thế hệ.

Như vậy, cùng với các hình thức khác, lễ hội dân gian thực sự là môi trường lưu truyền, nuôi dưỡng và phát triển các sáng tác văn học dân gian nơi đây, đồng thời làm cho những sáng tác ấy thêm phần sinh động trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 61 - 63)