Truyền thuyết địa danh

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 67 - 73)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.2.Truyền thuyết địa danh

Bến Tre xưa, khi những lưu dân bắt đầu đến khai phá và định cư là một vùng sình lầy, rừng rậm, hoang vu với những vùng đất mang hình hài kì thú và ắc hẳn họ không khỏi choáng ngợp trước thiên nhiên vừa hào phóng lại vừa khắc nghiệt ấy. Họ bắt đầu định cư, lập làng và nhu cầu định danh vùng đất có lẽ khiến truyền thuyết về địa danh nơi họ sinh sống lần lượt ra đời theo những cách riêng.

Truyện Sự tích làng Cả Đuối kể về sự hình thành giồng đất mang tên Cả Đuối ở vùng Định Trung – Bình Đại. Truyện kể rằng ngày xưa có một cơn bão lớn làm ngập cả khu rừng, có một con cá bơi theo con rạch nhỏ để kiếm ăn, đến khi nước rút vì thân hình qua to nên cá không thể lội ra sông lớn được, cá chết để lại một khoảng đất trống hình con cá đuối, từ đó làng có tên làng Cá Đuối, về sau gọi chệch là Cả Đuối.

Có thể thấy đây là cốt truyện mang dáng dấp của kiểu “truyền thuyết thần thoại” khá phổ biến ở vùng ngũ Quãng – quê hương chủ yếu của những lưu dân vào Bến Tre lập nghiệp. Ở đây có sự xuất hiện của môtip nạn đại hồng thủy: “Bổng một ngày nọ có một cơn bão lớn, nước dâng lên cao ngập

cả khu rừng”[114; 67].Tuy nhiên, tình tiết một con cá khổng lồ bơi theo dòng nước kiếm ăn xuất hiện đã làm cho kiểu kết cấu “truyền thuyết thần thoại”

trên bị phá vỡ. Trong một số truyền thuyết vùng Quãng Nam – Đà Nẵng, đặc biệt là ở vùng Thuận Hóa, tình tiết ở đây thường là người khổng lồ mang dáng dấp thần linh xuất hiên để chống lụt [52;77], nhưng ở đây chẳng có mục đích chống lụt hay đào sông xây núi cải tạo vùng đất của người khổng lồ mà thay vào đó là một tình tiết mang giải pháp tình thế. Như vậy phải chăng kiểu kết cấu “truyền thuyết thần thoại” mang chủ đề cải tạo vùng đất sống nơi quê cha đất tổ khi vào vùng đất Bến Tre đã bị phá vỡ và được thêu dệt mới bằng những tình tiết gắn liền với vùng đất hoang vu, hiểm trở nơi đây? Bến Tre xưa gắn liền với rừng rậm, thú dữ, những loài cá khổng lồ… Có lẽ vì thế mà hình ảnh đó đã xuất hiện trong truyền thuyết nơi đây như là một sự sáng tạo riêng mang đậm dấu ấn vùng đất. Không gian hoang sơ đó ta còn thấy xuất hiện ngay ở đầu truyện: “Ngày trước không rõ tự thời nào, nơi đây là một khu rừng đầy thú dữ, ít dấu chân người. Cả một khoảng đất rộng bạt ngàn là rừng rậm với những cây mây cao vút” [114; 67]. Như vậy có thể thấy truyện có kết cấu như sau:

Thân cá Khoảng đất rộng

Lụt Cá khổng lồ kiếm ăn Chết Địa danh

Răng cá, xương cá Những gò cát

Chủ đề của câu chuyện rõ ràng đọng lại ở phần kết qua những tình tiết giải thích hình dáng, địa mạo vùng đất: “Thân cá mục ruỗng làm cho cây cối chết rũ xuống để lại một khoảng đất rộng đến hàng trăm công. Răng cá, xương cá không mục ruỗng mà thành những gò cát kéo dài. Khoảng đất rộng như hình con cá đuối (…) Người ta gọi đó là làng Cá đuối, dần dà thành Cả đuối” [114; 67]. Dù không có tình tiết mang tính chất khẩn hoang cụ thể

nhưng câu chuyện kết thúc đầy cảm hứng khai phá đất mới và đặc biệt là cảm hứng chiếm lĩnh, cải tạo vùng đất của con người nơi đây qua môtip đất thiêng

mà ta thường bắt gặp trong những truyền thuyết địa danh phương Nam khác. Cũng nằm trong mục đích định danh vùng đất nhưng 03 truyền thuyết còn lại lại mang một dáng dấp khác. Đó là những truyện kể về địa danh nhưng trên thực tế lại kể về con người lịch sử gắn bó với quá trình khai hoang và xây dựng vùng đất mới.

Truyện Sự tích địa danh Mỏ Cày giải thích tên gọi vùng đất thuộc huyện Mỏ Cày ngày nay. Có nhiều cách giải thích tên gọi địa danh này, tuy nhiên qua truyền thuyết nhân dân ta đã giải thích tên vùng đất một cách gắn bó mật thiết với thiên nhiên trong ý thức đấu tranh với thú dữ để dựng làng, mở đất. Truyện kể rằng xưa đây là vùng đất hiểm trở, nhiều chúa sơn lâm ngự trị và thường xuyên phá phách, bắt người khiến người dân phải tìm cách chống chọi. Một hôm, chàng trai đi cày dùng mõ để đuổi trâu, bất ngờ thay, cọp nghe thấy tiếng mõ cũng bỏ chạy tán loạn. Về sau dân làng dùng mõ để đuổi cọp khiến cư dân ngày càng đông đúc và địa danh trở thành tên gọi Mõ Cày, về sau gọi chệch là Mõ Cày.

Ở cốt truyện này, ta lại thấy xuất hiện tình tiết không gian hoang sơ. Đáng lưu ý hơn, ở đây tình tiết này đã trực tiếp tham gia vào cốt truyện. Không gian hoang vu hiểm trở và chúa sơn lâm còn ngự trị - câu chuyện bắt đầu từ đó. Truyện kể: “Hồi ông bà mình vào đây lập nghiệp, đất đai còn rộng rãi nhưng hiểm trở. Hai bên bờ các con sông lớn là cát vàng, lau sậy trắng xóa. Thỉnh thoảng có những cây cao vút như cây gừa, cây sống rắn. Chúa sơn lâm cũng còn ở trong rừng nhiều lắm” [114; 68]. Ở đây ta còn thấy xuất hiện mô típ cọp bắt người khá phổ biến trong truyền thuyết vùng Nam Bộ. “Lâu lâu cọp lại vào làng bắt heo, bắt gà, đôi khi cả người nữa”, “khi dân làng ra ruộng rẫy hoặc vào rừng thì cọp lại hay rình bắt người ăn thịt” [114; 68]. Sự

xuất hiện của mô típ này khiến cho tình tiết làm nổi bật chủ đề xuất hiện, đó là tình tiết chàng trai đi cài dùng mõ đuổi trâu nhưng không ngờ cũng là đuổi cọp.

Có thể thấy truyện có kết cấu khá đơn giản, chủ đề của truyện nằm ở chỗ ca ngợi công lao của chàng trai lao động. Mặc dù ở đây chàng trai nông dân nọ không có chủ ý dùng mõ đuổi cọp, tuy nhiên chính công việc lao động gắn bó với anh hàng ngày đã giúp anh bất ngờ làm được điều đó. Phải chăng sáng tạo câu chuyện này nhân dân muốn ca ngợi quá trình lao động của con người khẩn hoang trên vùng đất, nhờ vào lao động, con người mới có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên bước đường khai thiên lập địa trên mãnh đất trù phú và nhiều thử thách như chàng nông dân có công đuổi cọp trong truyền thuyết.

Cùng chủ đề ấy, truyền thuyết Sự tích đìa bà thầy được nhân dân sáng tạo nhằm nhắc nhở công lao của người đàn bà nghèo nhưng giàu tình nghĩa, sẵn lòng chữa bệnh giúp người nghèo mà không cần trả công. Truyện kể rằng xưa có hai vợ chồng nghèo, xấu xí nhưng thiệt thà. Người vợ có tài chữa bệnh diệu kì và đã cứu sống biết bao người trong vùng. Đặc biệt khi chữa bệnh bà không ăn miếng gì của nhà người bệnh cả. Một ngày nọ bà mắc bệnh nên người chồng đi chữa bệnh thế, xong việc người chồng đã ở lại ăn cơm nhà người bệnh, tức thì người bệnh lăn ra chết. Biết chuyện mấy hôm sau bà mất, dân trong vùng gọi cái đìa lớn cạnh nhà bà là đìa Bà Thầy để nhớ ơn.

Ở truyền thuyết này ta nhận thấy có sự lắp ghép cốt truyện khá rõ. Phần đầu truyện thực chất là cốt truyện của một kiểu truyền thuyết khá phổ biến ở Nam Bộ đó là cốt truyện về người đỡ đẻ cho cọp được cọp đền ơn, với dạng kết cấu:

Người đàn bà Bị cọp bắt vào rừng nữa đêm Cọp đền ơn

(Có tài) (Đỡ đẻ cho cọp) (Thường là con vật nào đó) Ở đây ta lại thấy sự xuất hiện của tình tiết không gian hoang sơ mà chúng tôi đã đề cập ở hai truyền thuyết trước đó. Truyện kể: “Khi ấy trong rừng còn nhiều cây lớn và rậm, lắm thú dữ” [114;73]. Sự lặp lại của tình tiết này khiến ta có thể thấy không gian hoang vu hiểm trở đã trở thành một nét đặc trưng trong truyền thuyết địa danh vùng đất Bến Tre, và có thể khái quát nó thành một mô típ trong cách mở đầu dạng truyền thuyết này, nó đóng vai trò quan trong để các tình tiết sau xuất hiện và diễn tiến. Có lẽ chính không gian vừa là điều kiện để khai phá, định cư vừa đầy thử thách và luôn gắn liền với cuộc sống con người đã hằn sâu trong tâm thức bao thế hệ con người đến đây mở cỏi và từ đó đi vào truyền thuyết một cách tự nhiên nhưng chẳng kém phần ý vị.

Phần thứ hai của truyền thuyết này đã tập trung thể hiện chủ đề khi ngợi ca công trạng của nhân vật chính liên quan đến một số mô típ, tình tiết tiêu biểu. Ở đây ta thấy có sự xuất hiện của mô típ phép thuật giới thiệu kì tài của nhân vật. Truyện kể: “Bà có chiếc nón kì diệu, chỉ cần bà ngữa nón ra, bước xuống, nón sẽ đưa bà đến đúng nơi của người bệnh” [114; 73]. Tình tiết ở cuối truyện càng thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với nhân vật, bởi lẽ tình tiết này cho thấy sự cao cả của con người giúp người khác mà không cần trả ơn. Một điều cần nói thêm là so với các truyện có cùng cốt kể thì cách kết thúc của truyền thuyết này khá gần gũi với hiện thực mặc dù trước đó mô típ phép thuật đã khiến câu chuyện đậm chất truyền kì. Nhân vật chính chết đi không trực tiếp hóa thành địa danh hoặc được thờ phụng ở địa danh nào đó mà nhân dân chỉ gọi nơi nhân vật mất bằng một địa danh gắn với tên tuổi nhân vật để nhớ ơn. Truyện kể: “Mấy hôm sau bà mất. Người dân

trong vùng gọi cái đìa lớn cạnh nhà bà là đìa bà thầy để nhớ ơn bà đã chữa bệnh cho nhiều người trong vùng” [ 144; 72]. Có lẽ do nằm chung trong quá trình xuất hiện muộn của truyền thuyết phương Nam khi mà tư duy con người đã phát triển thêm một bước mới đã qui định cách kết thúc gần gũi với hiện thực ấy của truyện nói riêng và kiểu truyền thuyết vùng đất này nói chung.

Truyền thuyết địa danh còn lại là Sự tích chùa Trà Nồng. Lạ lẫm hơn so với các truyền thuyết đã nêu, truyện kể này có cốt truyện khá gần gũi với truyện cổ tích. Truyện kể: có chàng trai nhà nghèo nhưng rất giỏi giang thương yêu cô gái xinh đẹp con nhà khá giả. Cha cô gái biết chuyện và ngăn cấm mối tình ấy. Cô gài buồn bã đi tu và lập ngôi chùa về sau mang tên là chùa Trà Nồng. Chàng trai sau đó cũng đi tu và lập một ngôi chùa về sau mang tên là chùa Sãi Ếch.

Có thể thấy, đây là truyền thuyết địa danh ít có căn cứ về mặt lịch sử, thay vào đó là việc sử dụng những mô típ xã hội thường thấy trong truyện cổ tích. Đó là sự xuất hiện của mô típ về hôn nhân, xung đột trong gia đình. Những nhân vật xuất hiện trong truyền thuyết này cũng rất đời thường. Như vậy có thể nói truyền thuyết này ít nhiều đã bị cổ tích hóa khi dựng lên một không khí cổ tích và trong đó tác giả dân gian đã tỏ thái độ phê phán đối với những hủ tục trong quan hệ về hôn nhân, gia đình của xã hội phong kiến, đồng thời khẳng định và ca ngợi sự chung thủy, nghĩa tình của con người. Qua câu chuyện mang mang màu sắc cổ tích ấy, truyện đã giải thích địa mạo nơi những lưu dân đến khai phá, định cư, lập làng, mở đất.

Như vậy, qua một số truyền thuyết địa danh hiện tồn trên vùng đất Bến Tre, có thể thấy rằng truyền thuyết địa danh nơi đây thường tản mạn và chưa ổn định về mặt hình thức. Biểu hiện cụ thể ta có thể nhận thấy là những truyền thuyết này thường có kết cấu lạ, ít mô típ, tình tiết ngắn, chủ yếu là các sự kiện, lời kể. Có thể nơi đây là vùng đất mới, những lưu dân đến đây khai

phá chưa tích lũy được nhiều vốn sống nên sự lắng tụ các lớp văn hóa trong một văn bản truyền thuyết địa danh chưa nhiều và phong phú như các truyện cùng loại của người Việt ở vùng Đồng bằng Sông Hồng. Điều này GS. Đỗ Bình Trị từng nhấn mạnh: Tất cả sự đa dạng của những hoàn cảnh sống (lịch sử, xã hội, sinh hoạt,…), nguồn gốc của những địa danh khác nhau, đã dẫn đến sự thay đổi mô típ cốt truyện bền vững trong truyền thuyết địa danh [127; 52].

Cũng có thể thấy truyền thuyết địa danh nơi đây thường ít có căn cứ về mặt lịch sử qua việc sử dụng mô típ xã hội và ý nghĩa xã hội toát lên từ câu chuyện (Sự tích chùa Trà Nồng). Song dù ở dạng cấu trúc nào thì ta cũng nhận thấy truyền thuyết địa danh vùng đất Bến Tre cũng đều gắn với nhu cầu định danh vùng đất, gắn liền với tâm thức xác lập địa vực cư trú qua mô típ

đất thiêng hiện lên ở phần kết thúc của hầu hết câu chuyện. Cùng với một số mô típ khác xuất hiện trong các truyện kể, ta có thể khẳng định được sức sống của thể loại vùng đất này. Vấn đề này TS. Hồ Quốc Hùng từng lưu ý: Cho dù một truyện chưa đảm bảo về mặt phong cách cổ điển, nhưng dạng thức tồn tại này cũng nói lên được một phần nào sức sống của thể loại [52; 85].

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 67 - 73)