Truyện cổ tích sinh hoạt

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 88 - 94)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Truyện cổ tích sinh hoạt

Truyện cổ tích sinh hoạt ở Bến Tre mang một số biểu hiện cơ bản sau: Thứ nhất là những truyện có nội dung phê phán sự độc ác của giai tầng thống trị trong xã hội phong kiến. Như chúng tôi trình bày ở chương 1, quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre nằm trọn vẹn trong giai đoạn mà chế độ Phong kiến đang trong thời kì suy tàn, biết bao thủ đoạn áp

bức bốc lột của bọn thống trị đang phơi bày ra trước mắt nhân dân, văn học dân gian vùng đất này phát triển trong hoàn cảnh đó cho nên những nội dung này đi vào truyện kể dân gian là điều tất yếu. Ở bộ phận truyện cổ tích, chúng tôi nhận thấy 02 truyện kể về đề tài này là Sự tích chim chìa vôi và Sự tích chim phướng. Nội dung này được biểu hiện một cách mạnh mẽ hơn trong bộ phận truyện cười chúng tôi sẽ bàn đến sau. Ở đề tài này trong truyện cổ tích, ta thấy hiện lên những nhân vật thật tàn ác đại diện cho sự mục ruỗng và thối nát của xã hội phong kiến đương thời. Đó là “Bà cô Hạc ruộng lắm vườn nhiều nhưng keo kiệt thường nghĩ ra mưu mẹo để cướp công ở đợ của những người nghèo khó hay tá điền đến làm mướn hay ở đợ cho bà” [114; 88]. Bà còn nhẫn tâm giết chết hai cha con nhà nghèo nọ rồi vứt xác xuống sông khị họ có ý định thưa kiện lên quan. Truyện kể : “Người đàn ông nghe vậy choáng váng, kêu khác mãi không được gì đành ra về. Sợ người này trình lên quan, bà cô Hạc xua đàn chó dữ chạy ra cắn người cha của đứa bé què chân rồi sai người nhà đánh chết đem vứt xác ra ngoài vườn rộng của bà ta” [114; 87] . Ở đó ta còn bắt gặp lão Phú Hộ nọ thấy vợ người nông dân xinh đẹp nảy sinh ý định cưởng đoạt để cuối cùng người vợ nọ phải tự vẫn chết. Truyện kể:

“Anh vừa đi làm buổi sang, buổi chiều lão phú hộ cho hai đầy tớ lực lưỡng tới trói người đàn bà nọ mang về nhà hắn (...). Chẳng ngờ khi hắn vừa nhào tới định ôm chị, chị đã cắn lưỡi tự vẫn chết” [114; 87].

Qua những truyện kể này ta còn thấy số phận nhỏ bé đáng thương của những người dân nghèo. Họ vốn là những người thật thà, chân chất làm lụng vất vả nhưng luôn bị áp bức cho đến chết. Trong hoàn cảnh đó họ cũng bộc lộ ý thức phản kháng của mình dù chưa mạnh mẽ và quyết liệt. Đứa con trong truyện Sự tích chim phướng khi chết hóa thành con chim phướng hót vang:

Bớ bà cô Hạc, trả tía cho tao, tía tao tía tao. Mạnh mẽ hơn, người chồng trong truyện Sự tích chim chìa vôi khi chết biến thành chim chìa vôi luôn

miệng rủa tên Phú Hộ: Xe cộ kéo kéo, ai kéo vợ tao và đồng thời gián tiếp gây nên cái chết của tên Phú Hộ nọ.

Đồng thời, ta còn thấy ở những con người nhỏ bé đó những phẩm chất cao đẹp. Người chồng trong truyện Sự tích chim chìa vôi một mực chung thủy với vợ. Truyện kể cảm động: “Người chồng sau mấy ngày ở rừng về tới không thấy vợ đâu (...). Anh tìm đến bên mộ vợ khóc lóc hồi lâu. Sau đó về nhà thương nhớ vợ quá, anh không ăn uống gì, ngã bệnh rồi chết” [114; 87]. Đứa bé trong truyện Sự tích chim phướng cũng vì hiếu thảo với cha nên đã bị giết chết.

Loại truyện cổ tích về đề tài này dường như đã có dấu hiệu hình thành công thức cốt truyện. Cụ thể, có thể phác họa kiểu kết cấu tiêu biểu sau: Nhân vật có hoàn cảnh nghèo khó, vất vả; Nhân vật bị áp bức và bị giết chết; Nhân vật hóa thân. Kiểu kết cấu này không chú ý đến kết quả thưởng phạt như kiểu cổ tích than kì quen thuộc. Kết thúc truyện ở đây là một kết cục bi thảm qua đó thể hiện sức tố cáo mãnh liệt của nhân dân đối với giai tầng thống trị trong xã hội phong kiến đương thời.

Trong sự vận động của nhân vật, chúng tôi nhận thấy có nhiều biểu hiện liên quan đến logic tâm lí. Biểu hiện về logic tâm lí trong sự vận động của nhân vật ở đây có thể là dấu hiệu sự xâm nhập của văn học viết vào trong văn bản truyện dân gian. Có thể thấy rõ điều này ở nhân vật người chồng trong truyện Sự tích chim chìa vôi . Sau khi người vợ tự vẫn chết, anh tìm đến bên mộ vợ than khóc, tâm trạng buồn dau khôn xiết, thương nhớ vợ ngã bệnh rồi chết. Cũng từ dạng thức này xuất hiện mô típ hóa thân từ cái chết. Người chồng trong truyện Sự tích chim chìa vôi khi chết hóa thành con chim chìa vôi. Đứa con trong truyện Sự tích chim phướng khi chết hóa thành con chim phướng. Có thể mô típ hóa thân trong kiểu truyện kể này được nhào nặn từ nguồn truyện cổ tích thần kì của dân tộc, do vậy ở đây có một số khác biệt

cơ bản. Ở đây mô típ hóa thân đảm nhận chức năng duy nhất là tố cáo tội ác của kẻ thống trị.

Chúng tôi còn nhận thấy sự xâm nhập của văn học viết vào trong bộ phận truyện kể này qua những tình tiết rất hiện thực. Tình tiết về cái chết của nhân vật lão Phú Hộ là một minh chứng cụ thể. Tình tiết này khá giống với truyện ngắn trong văn học viết: “Cứ như vậy, cả một ngày chim hót, lão phú hộ nghe mãi chịu không nổi. Ngày hôm sau khi con chim vừa bay tới, lão sai đầy tớ bắt thang đuổi con chim nọ. Chim bay xuống đậu trước cửa nhà y rồi tiếp tục hót. Đang ngồi trên sập gỗ ở nhà dưới, hắn nhào ra chụp con chim. Chẳng ngờ y đụng phải con dao nhọn ở cửa nhà, dao rớt, y vấp ngã, con dao đâm trúng ngực, y chết ngay” [114; 87].

Thứ hai là những truyện kể mang tính chất giáo huấn những đức tính tốt đẹp ở con người trong gia đình và xã hội. Lòng hiếu thảo là một đức tính tốt cần có ở mỗi con người. Truyện kể dân gian đề cao những con người có những đức tích tốt ấy, nhưng cũng sẵn sàng khắc khe với những trường hợp bất hiếu với đấng sinh thành để qua đó giáo dục con người phải biết thương yêu, lo lắng, hiếu thảo với cha mẹ. Truyện Sự tích trái thơm là một biểu hiện cụ thể trường hợp này. Truyện kể rằng, xưa có cô gái nhà nọ được nuông chiều từ nhỏ nên mặc dù đã lớn nhưng cô chẳng biết làm gì cả, cô gái còn hay quát mắng mẹ và bắt mẹ phải nghe theo ý mình. Một hôm người mẹ ngã bịnh không thể nấu cơm và làm việc nhà trong lúc cô gái bỏ mặc mẹ để sang chơi nhà hàng xóm. Về nhà cô gái không nấu cơm mà còn trả lời mẹ : “Bộ tui có trăm mắt sao mà cái gì cũng thấy”. Đúng như lời nói của cô gái, hôm sau cô vào rừng hái củi và bị hóa thành trái thơm có trăm mắt.

Ngoài ra, thông qua truyện cổ tích, người dân nơi đây cón ý thức giáo dục con người lối sống tình nghĩa qua việc phê phán những con người vong ân bội nghĩa, sống chẳng có trước có sau. Điều đó không nằm ngoài ý nghĩa

muốn hướng con người đến một xã hội tốt đẹp hơn của người dân nơi đây. Truyện Sự tích con kiến [115; 137] là một thí dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Truyện kể xưa có một chàng trai nghèo khổ hàng ngày phải lang thang làng này qua làng khác, nhà này sang nhà khác để xin ăn. Thương cảm thân phận của anh, Bụt hiện lên giúp anh một số vàng bạc châu báu và anh trở nên giàu có. Bụt không quên dặn rằng sau này giàu có chớ quên kẻ nghèo hèn. Nghe lời Bụt dặn, mấy năm đầu anh tỏ ra hào hiệp, bố thí cho người nghèo. Nhưng sau đó anh thay đổi tính tình, trở nên ác nghiệt, tàn nhẫn với những người đến ăn xin. Một hôm Bụt giả dạng làm người ăn xin đến nhà anh, anh cau có: “Sao không cúi sát đất lượm được cái gì thì lượm, cứ đến đây xin hoài”, rồi con xua chó dữ ra đuổi người ăn mày. Tức thì Bụt biến anh thành loài kiến bò sát đất như lời nói của anh ta.

Về mặt kết cấu, ta thấy bộ phận truyện kể này không ổn định theo một công thức nhất định. GS. Đỗ Bình Trị cho rằng: “Khác với truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích sinh hoạt không được xây dựng theo một hoặc một sơ đồ kết cấu chung nào. Câu chuyện kể của truyện cổ tích sinh hoạt thường linh động, vì những mô típ xã hội và sinh hoạt được dùng làm cơ sở của nó có tính không bền vững” [127; 31]. Vấn đề này trong quan niệm của TS. Hồ Quốc Hùng: “Nói như thế không có nghĩa truyện cổ tích sinh hoạt chỉ là đơn vị cá thể, thiếu tính thống nhất” [52; 109]. Cho nên ở đây chúng tôi xin thử đi vào khảo sát cấu trúc của một số truyện cổ tích sinh hoạt này từ đó có thể nhận thấy nét riêng nào đó trong cấu trúc của truyện cổ tích vùng đất Bến Tre.

Trước hết, có thể thấy hai truyện kể Sự tích trái thơm và Sự tích con kiến có kết cấu gần giống nhau, theo đó, kết cấu truyện như sau: Hành động bất nghĩa của nhân vật; Nhân vật bị hóa thành sự vật, loài vật. Ở đây, ta thấy rằng nhân vật bị hóa kiếp đúng như lời nói bất nghĩa của nhân vật.

Có một điều cần nói thêm là nhân vật thực hiện chức năng hóa kiếp những người bất nghĩa này là Bụt và Phật. Truyện Sự tích con kiến kể: “Ta là Bụt đã cho ngươi vàng trước đây. Nhà ngươi không giữ lời hứa là phải cứu giúp người nghéo đói. Ta sẽ hóa kiếp cho nhà ngươi thành loài vật quanh năm bò sát đất như lời ngươi vừa rủa những người ăn mày, để từng phạt tội thay lòng đổi dạ của nhà ngươi [115; 137]. Truyện Sự tích trái thơm kể: “Thì ra Phật đã nghe hết lời của cô giá nọ nói với mẹ, nên bắt cô ta hóa thành loài cây ăn trái có một trăm mắt như chính lời cô ta nói với mẹ để trừng phạt tội bất hiếu của cô ta” [114; 90]. Từ đó ta thấy rằng truyện cổ tích vùng đất Bến Tre chịu ảnh hưởng đậm nét của tư tưởng Phật giáo. Vùng đất Bền Tre hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành và phát triển chung của vùng đất Nam Bộ, nơi mà không có kiểu tổ chức ẩn tàng như làng Việt ở vùng Bắc Bộ do đó con người nơi đây không chịu ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo, trong tâm thức của con người nơi cùng trời cuối đất này không có sự trói buột chặt chẽ của những tín điều Nho giáo, do vậy họ dựa vào một hệ tư tưởng khác là Phật giáo cũng là điều tất yếu mà truyện cổ tích vùng đất này đã biểu hiện rõ. Vấn đề này, các nhà nghiên cứu Phật giáo từng lưu ý: “Trong Nam Bộ, vùng đất mới này nổi tiếng sùng tính Phật” [Dẫn theo tài liệu 116; 76]. Ngoài ra sự xuất hiện của nhân vật Bụt trong kiểu truyện kể này cũng cho thấy công thức truyện có thể được nhào nặn từ nhiều nguồn trong đó có cổ tích thần kì.

Cũng ở bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt này, truyện kể Ông quan xử

kiện có kết cấu khá lạ. Truyện kể này có sự lắp ghép cốt truyện khá rõ. Đây là

câu chuyện ca ngợi vị quan phân xử tài tình nhưng thực ra chủ đề này nằm trong phần sau câu chuyện. Phần đầu chuyện kể này liên quan đến việc hành động nhân nghĩa của người trưởng giả nhà giàu mà chúng tôi đã nói trước đó. Phần sau kể về tài xử kiện của vị qua trẻ liên quan đến mô típ cầu nguyện vốn

xuất hiện nhiều trong truyền thuyết. Truyện kể: Đêm ấy ông sai lính hầu dọn ngoài sân một bàn hương án, một tờ giấy, một bình mực, một nghiên son cùng nhan đèn. Ông ra đứng trước hương án khấn nguyện với đất trời: “Cho ông tìm được thủ phạm và trời đất có linh ứng điềm cho ông biết”. Lúc đó, giông bão kéo đến mịt mù làm đỗ cả nghiên son và bình mực vào tờ giấy” [114; 110]. Điều này cũng góp phần khẳng định sự nhào nặn từ nhiều nguồn trong kiểu kết cấu của truyện cổ tích sinh hoạt vùng đất Bến Tre.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định thêm một điều rằng bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt ở Bến Tre từ những truyện có chung hệ thống cốt truyện đến những truyện đơn lẽ đều biểu hiện chung một điểm là sự thiếu ổn định, thiếu thuần chủng, sự lắp ghép tản mạn và sự đa dạng trong kết cấu cốt truyện.

Nhìn chung lại, thể loại truyện cổ tích vùng đất Bến Tre mang một số nét cơ bản sau. Thứ nhất, truyện cổ tích vùng đất này vận hành theo quy luật phát triển chung của văn học dân gian dân tộc, ở đó ta bắt gặp câu chuyện có kết cấu khá hoàn chỉnh và mang típ truyện tiêu biểu của dân tộc mà truyện

Quả bí vàng là một minh chứng tiêu biểu. Thứ hai, truyện cổ tích vùng đất

này phát triển trên nền tảng xã hôi riêng của vùng đất cho nên những vốn văn hóa truyền thống đan xen với nhu cầu sáng tạo diễn ra khá mạnh mẽ dẫn đến tình trạng chưa hoàn chỉnh về phong cách thể loại. Ở đó, truyện cổ tích sinh hoạt được nhào nặn từ nhiều nguồn trong đó có cổ tích thần kì. Nhân vật được tâm lí hóa gần gũi với đời thường. Những yếu tố Phật giáo có ảnh hưởng đậm nét hơn.

Một phần của tài liệu những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian bến tre qua một số thể loại tiêu biểu (Trang 88 - 94)