Nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non

Một phần của tài liệu nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non tại thành phố hồ chí minh (Trang 54 - 62)

1.3.2.1 Khái niệm nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non

Trong hoạt động nghề nghiệp và trong cuộc sống đời thường, giáo viên mầm non cũng thường gặp những khó khăn, những mâu thuẫn, xung đột với các mối quan hệ liên nhân cách và ngay trong chính bản thân của mình. Chính những khó khăn, những xung đột đó tạo cho họ những cảm xúc tiêu cực cần được giải quyết.

46

Vì vậy, sự trợ giúp của các chuyên gia tham vấn tâm lý là cần thiết nhằm giúp họ có cách giải quyết vấn đề của mình hiệu quả để an tâm công tác. Từ khái niệm nhu cầu tham vấn tâm lý và những đặc điểm đặc trưng nghề giáo viên mầm non, người nghiên cứu nhận định như sau:

Nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non là nhu cầu muốn cùng nhà tham vấn trò chuyện, chia sẻ, định hướng các giải pháp để họ có thể tự giải quyết khi có những xung đột tâm lý mà họ gặp phải trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp.

Nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non được hình thành trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp của chính cá nhân người giáo viên. Đây là loại nhu cầu xã hội. Thông qua quá trình tham vấn tâm lý, dưới sự trợ giúp của nhà tham vấn, giáo viên mầm non sử dụng các kỹ năng, những năng lực để tự giải quyết các vấn đề của mình. Nhu cầu tham vấn tâm lý là nhu cầu cần thiết đối với giáo viên mầm non hiện nay. Nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non có những đặc điểm sau:

- Mong muốn có được các thông tin và các kỹ năng cần thiết: Thông qua hoạt động tham vấn, nhà tham vấn cung cấp những thông tin, những kiến thức, và các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm chủ cảm xúc … giúp giáo viên mầm non có được những hiểu biết, và kỹ năng cần thiết để giải quyết những vấn đề họ đang gặp phải.

- Mong muốn được lắng nghe với sự tôn trọng và đồng cảm: Trong quá trình tham vấn, nhà tham vấn lắng nghe với sự tôn trọng và đồng cảm giúp giáo viên mầm non nâng cao giá trị của mình, thấy tự tin và được tôn trọng. Khi được lắng nghe và đồng cảm, giáo viên mầm non có thể tin tưởng và chia sẻ mọi thông tin của mình một cách chân thành.

- Mong muốn được chia sẻ thông tin và giải tỏa các cảm xúc: Những cảm xúc tiêu cực như; bực bội, tức giận, thất vọng, đau khổ … không được bộc lộ ra sẽ làm cho con người thấy nặng nề và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính cá nhân người đang trải nghiệm cảm xúc đó. Tuy nhiên, khi có những cảm xúc này, con người không dễ để chia sẻ với người khác nếu họ cảm thấy không an toàn về tâm lý.

47

Vì vậy, khi được lắng nghe trong sự tin tưởng, giáo viên mầm non có cơ hội để chia sẻ các thông tin và bộc lộ cảm xúc của mình.

- Mong muốn giải quyết được những khó khăn: Khi có những khó khăn, những xung đột tâm lý giáo viên mầm non không những cần được chia sẻ mà họ còn mong muốn tìm được cách giải quyết những khó khăn đó.

1.3.2.2 Nhu cầu về các lĩnh vực tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non

Dựa trên đặc điểm nhân cách và hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non, có thể thấy giáo viên mầm non là một nhân cách tích cực trong xã hội. Bên cạnh những vai trò của một giáo viên ở trường mầm non, họ còn có vai trò và nhiệm vụ của một người con, người vợ và người mẹ trong gia đình. Ở mỗi địa vị xã hội, họ có những mối quan hệ ràng buộc khác nhau: Mối quan hệ gia đình, bạn bè, người yêu, mối quan hệ đồng nghiệp, mối quan hệ với trẻ và phụ huynh của trẻ … Đây chính là các lĩnh vực tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non. Cụ thể các nội dung trong từng lĩnh vực giáo viên mầm non có nhu cầu được tham vấn tâm lý như sau:

Lĩnh vực đời sống hôn nhân, gia đình, bạn bè và hàng xóm: Đây là lĩnh vực liên quan đến vấn đề cá nhân của giáo viên mầm non. Tùy theo tình trạng đời sống hôn nhân của từng cá nhân, họ có nhu cầu tham vấn tâm lý với những nội dung tương ứng.

Với những giáo viên đã có gia đình: Họ thường có nhu cầu tham vấn tâm lý ở những nội dung như: Những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống vợ chồng, những mâu thuẫn trong việc chi tiêu và quản lý chi tiêu trong gia đình, những khó khăn trong việc giữ gìn hạnh phúc hôn nhân gia đình, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình chồng (nàng dâu với mẹ chồng, với anh chị em, bà con nhà chồng), những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái …

Với những giáo viên còn độc thân: Nội dung tham vấn của họ thường xoay quanh những khó khăn trong việc kết bạn nhằm xây dựng đời sống hôn nhân, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình (với cha mẹ, anh chị em, họ hàng), những mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng …

48

Lĩnh vực giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ nơi làm việc có những nội dung như: Những mâu thuẫn nảy sinh trong mối quan hệ với cấp trên và với đồng nghiệp, những mâu thuẫn nảy sinh trong mối quan hệ với phụ huynh của trẻ, những mâu thuẫn trong mối quan hệ với các nhân viên khác trong trường, những mâu thuẫn liên quan đến lương thưởng, chế độ đãi ngộ … Những mâu thuẫn này nảy sinh trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mỗi giáo viên. Nếu những mâu thuẫn này không được giải quyết có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trong quá trình hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống của mỗi giáo viên.

Trong lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp: Trong công việc, giáo viên mầm non thường gặp những khó khăn cần được tham vấn tâm lý như: Những khó khăn trong việc chăm sóc trẻ, những khó khăn trong việc sử dụng các phương pháp, tổ chức hoạt động giáo dục trẻ, những khó khăn trong việc quản trẻ, khó khăn trong việc giải quyết các tình huống xảy ra ở trẻ, những khó khăn trong việc giáo dục trẻ cá biệt …

Lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và quản lý các cảm xúc: Những nội dung giáo viên mầm non cần được tham vấn tâm lý đó là: Những khó khăn trong việc thể hiện và kiềm chế các cảm xúc của mình, những khó khăn về thời gian nghỉ ngơi, những căng thẳng liên quan đến sức khỏe …

1.3.2.3 Nhu cầu về hình thức tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non

Để giải quyết những xung đột tâm lý, giáo viên mầm non mong muốn được trợ giúp tâm lý thông qua những hình thức tham vấn phù hợp với tính chất nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, thời gian làm việc của họ.

Một số hình thức tham vấn tâm lý phù hợp với giáo viên mầm non: - Các hình thức tham vấn trực tiếp như:

Tổ chức các buổi tham vấn tại các trường mầm non theo định kỳ để giáo viên mầm non được trò chuyện, chia sẻ cùng chuyên gia tham vấn. Đây là hình thức tham vấn phù hợp với giáo viên mầm non vì họ có thể chủ động được công việc, tiết kiệm được thời gian và công sức. Hơn nữa, một hoạt động mang tính tập thể được tổ chức tại trường mầm non trở thành một hình thức giao lưu giúp giải tỏa căng thẳng.

49

Tham vấn tâm lý thông qua các buổi hội thảo chuyên đề nhằm trang bị cho giáo viên mầm non các kỹ năng cần thiết: Hình thức tổ chức này mang tính tập thể nhằm hình thành cho các giáo viên mầm non các kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng quản lý cảm xúc … để họ có thể nâng cao nhận thức bản thân, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng giải quyết các vấn đề của mình.

- Các hình thức tham vấn gián tiếp như:

Tham vấn qua hộp thư email: Đây là hình thức tham vấn khá phổ biến hiện nay. Chuyên gia tham vấn cung cấp cho giáo viên mầm non địa chỉ email và giáo viên có thể chia sẻ khi có nhu cầu tham vấn tâm lý.

Tham vấn qua web: Với hình thức này, các trung tâm hoặc chuyên gia tham vấn cung cấp địa chỉ web của mình để giáo viên chia sẻ khi có nhu cầu.

Tham vấn qua điện thoại: Đây là hình thức tham vấn phổ biến nhất hiện nay nhưng sự lựa cho hình thức tham vấn này đối với giáo viên mầm non thì rất hạn chế vì chi phí cho một cuộc gọi khá nhiều tiền để giải quyết vấn đề.

Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng các dịch vụ tham vấn tâm lý của

giáo viên mầm non:

Nhu cầu lựa chọn các hình thức tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau:

+ Tính chất nghề nghiệp: Giáo viên mầm non là tầng lớp trí thức của xã hội. Trong các trường sư phạm họ cũng được học môn tâm lý. Vì vậy, giáo viên mầm non có sự đánh giá cao về khả năng của mình trong việc giải quyết các tình huống. Hơn nữa, vì áp lực công việc nhiều nên họ thường quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp mà ít quan tâm đến các lĩnh vực khác, ngay cả bản thân mình.

Điều kiện kinh tế: Đây là một trong những yếu tố cản trở nhu cầu tham vấn của giáo viên mầm non. Nhiều giáo viên mầm non có nhu cầu tham vấn tâm lý nhưng vì không có nhiều tiền cho những chi phí khác nên đành phải tìm bạn bè hoặc người thân để giải tỏa những khó khăn của mình. Một số giáo viên khi không thể chia sẻ được với người khác thì tìm hình thức chịu đựng.

50

Yếu tố thời gian: Giáo viên mầm non phải chăm sóc và giáo dục trẻ từ 6g30 sáng đến 17g30 chiều, buổi tối còn phải chuẩn bị kế hoạch, làm đồ dùng giáo cụ cho ngày mai. Với những giáo viên trường công lập, thứ bảy và chủ nhật còn phải nâng cao trình độ hoặc dành thời gian cho gia đình. Với những giáo viên trường tư thục, chỉ có ngày chủ nhật được nghỉ họ phải cố dành thời gian để nghỉ ngơi. Vì vậy, thời gian đối với giáo viên mầm non là một vấn đề khó khăn. Chính vì vậy, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc đi tham vấn tâm lý của họ.

Thông tin về dịch vụ tham vấn tâm lý còn hạn chế: Nhiều giáo viên mầm non vẫn biết có dịch vụ tham vấn tâm lý nhưng họ không biết rõ trung tâm nào, địa chỉ ở đâu. Bên cạnh đó, vì điều kiện kinh tế nên họ khó tiếp cận các dịch vụ tham vấn tâm lý.

Những yếu tố chủ quan: Nhiều giáo viên mầm non rất quan tâm đến lĩnh vực tham vấn tâm lý trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh. Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của họ về chất lượng tham vấn hiện nay trên các phương tiện truyền thông chưa đạt hiệu quả cao, chưa giải tỏa được những khó khăn của khách hàng nên họ vẫn chưa thật sự tin tưởng vào dịch vụ.

1.3.2.4 Nguyên nhân hình thành nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non

Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp và tham gia vào các mối quan hệ khác, giáo viên mầm non có những xung đột trong chính bản thân giáo viên hoặc những xung đột với những mối quan hệ khác.

Trong chính bản thân của giáo viên mầm non nảy sinh những xung đột kèm theo những cảm xúc âm tính: khó chịu, bực tức, căng thẳng… họ không tự mình giải quyết được mà cần sự trợ giúp từ một người khác có chuyên môn. Xung đột trong bản thân cá nhân nảy sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Không có thời gian tham gia các hoạt động khác, mặc cảm về tuổi tác, mặc cảm về địa vị xã hội, không đủ tự tin …

Mâu thuẫn nảy sinh trong các mối quan hệ khác như: Trong mối quan hệ gia đình:

51

-Những xung đột giữa vợ chồng nảy sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chồng không hiểu, không thông cảm với vợ, chênh lệch trong lương, thu nhập của giáo viên mầm non với ngành khác …

-Xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu do quan điểm, cách giáo dục con cái khác nhau, giáo viên mầm non đi sớm về trễ không có thời gian dành cho gia đình … Trong các mối quan hệ nơi làm việc:

-Những xung đột nảy sinh giữa giáo viên mầm non với cấp trên do những nguyên nhân khác nhau như: việc dự giờ, đánh giá quá khắt khe, cấp trên chưa công bằng trong cách đánh giá …

-Những xung đột nảy sinh giữa giáo viên mầm non với đồng nghiệp do: Giáo viên trong lớp chưa tôn trọng và chưa phối hợp trong công việc, các đồng nghiệp hay có thái độ ganh đua …

-Những xung đột nảy sinh giữa giáo viên mầm non với phụ huynh của trẻ do những nguyên nhân như: Phụ huynh chưa thật sự tôn trọng và đồng cảm, phụ huynh không phối hợp trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ …

-Những xung đột nảy sinh trong công việc do những nguyên nhân sau: Công việc quá nhiều và căng thẳng, quá nhiều sổ sách phải làm, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức.

Tóm lại: Cùng với sự phát triển của xã hội, con người ngày càng gặp phải nhiều khó khăn trong công việc, trong các mối quan hệ hằng ngày và trong chính bản thân. Có những khó khăn con người không thể tự giải quyết được mà cần phải có những chuyên gia tâm lý trợ giúp để họ có thể vượt qua bằng chính khả năng tự quyết của họ. Trong những trường hợp này, nhà tham vấn tâm lý với những kỹ năng chuyên nghiệp và những kiến thức sâu rộng về tâm lý trở thành người lắng nghe hiệu quả với sự tôn trọng, trở thành người định hướng, người cung cấp thông tin và các kỹ năng. Đồng thời, trong môi trường tâm lý an toàn, người có nhu cầu tham vấn tâm lý dễ dàng chia sẻ thông tin, cảm xúc và cả những khó khăn của bản thân. Trong quá trình tham vấn, nhà tham vấn giúp thân chủ tìm ra những giải pháp phù hợp dựa trên khả năng, thế mạnh, điều kiện của thân chủ và thân chủ là người giải quyết cho vấn đề của mình. Như vậy, nhu cầu tham vấn tâm lý là một nhu cầu bậc

52

cao của con người. Nó được hình thành trong cuộc sống và hoạt động của con người trong xã hội.

Ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu về nhu cầu tham vấn tâm lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này cho thấy xã hội nói chung và khoa học tâm lý nói riêng đang quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu tâm lý – nhu cầu sức khỏe tâm thần của con người. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về nhu cầu tham vấn tâm lý trên đối tượng là giáo viên mầm non vẫn là một nghiên cứu mới.

Giáo viên mầm non là những con người năng động, sáng tạo, cần cù, chăm chỉ với hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ em dưới sáu tuổi. Với đối tượng hoạt động sư phạm là trẻ nhỏ dưới sáu tuổi nên công việc của giáo viên mầm non càng nhiều áp lực. Ngoài ra trong vai trò là một thành viên của gia đình, giáo viên mầm non có thể gặp những khó khăn, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ khác. Tất cả những khó khăn, những mâu thuẫn đó tạo nên những xung đột tâm lý cần được giải quyết để giáo viên mầm non có cuộc sống tốt đẹp hơn.

53

CHƯƠNG 2

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG NHU CẦU THAM VẤN TÂM LÝ CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON

Một phần của tài liệu nhu cầu tham vấn tâm lý của giáo viên mầm non tại thành phố hồ chí minh (Trang 54 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)