Phạm vi ngành, nghề kinh doanh của tư sản người Việt rộng nhưng chỉ chiếm một địa vị kinh tế nhỏ trong tổng thể nền kinh tế khu vực Trung Kỳ; là lực lượng

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 135 - 142)

ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TRONG 30 NĂM ĐẦU THẾ KỶ

4.1.6. Phạm vi ngành, nghề kinh doanh của tư sản người Việt rộng nhưng chỉ chiếm một địa vị kinh tế nhỏ trong tổng thể nền kinh tế khu vực Trung Kỳ; là lực lượng

chiếm một địa vị kinh tế nhỏ trong tổng thể nền kinh tế khu vực Trung Kỳ; là lực lượng nhỏ bé hơn tư sản nước ngoài và tư sản người Việt ở khu vực Bắc Kỳ lẫn Nam Kỳ.

Đầu thế kỷ XX, dưới tác động của những điều kiện bên trong và bên ngoài, nền kinh tế hàng hóa ở Việt Nam nói chung và ở Trung Kỳ nói riêng có bước phát triển. Sự phát triển đó đến độ dẫn tới sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ những người sản xuất nhỏ. Một bộ phận trở thành chủ xưởng, chủ bao mua tích lũy được nhiều vốn; còn bộ phận khác chiếm đa số trở thành những người làm thuê, bán sức lao động. Trên cơ sở đó, tầng lớp tư sản người Việt xuất hiện.

Khi vừa ra đời, tư sản người Việt ở Trung Kỳ hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp đến giao thông vận tải, thầu khoán. Những công ty, xưởng sản xuất, hội buôn do tư sản người Việt lập ra kinh doanh tương đối phát đạt, với nhiều loại hàng hóa khác nhau và trong một thời gian ngắn đã mở được chi điếm ở nhiều khu vực trong cả nước, thậm chí còn buôn bán hàng hóa ra nước ngoài.

Bước sang thời kỳ 1919 - 1930, ở Việt Nam đã nảy sinh những nhân tố tác động thuận chiều cho sự gia tăng hoạt động kinh doanh của tư sản người Việt ở Trung Kỳ. Vì thế, họ đã có những hoạt động kinh doanh hết sức sôi nổi. Hoạt động đó không chỉ giới hạn trong một số ngành như trước đây, mà lan sang nhiều ngành, trong đó có cả những ngành công nghiệp quan trọng. Tư sản công nghiệp xuất hiện, tuy số lượng còn hạn chế nhưng đó là biểu thị của sự chuyển biến trong hoạt động kinh doanh của tư sản người Việt.

Xét toàn cục, chưa bao giờ tư sản người Việt ở Trung Kỳ lại có nhiều cơ sở sản xuất và cửa hiệu như trong thời kỳ 1914 - 1930. Trước đó, nền công thương nghiệp dân tộc phát triển hết sức chậm chạp. Tầng lớp tư sản người Việt ở Trung Kỳ mặc dù đã đầy cố gắng vươn lên trong kinh doanh nhưng chỉ mới lập được một vài công ty theo hình thức hùn vốn cùng kinh doanh hàng nội hóa như công ty Phượng Lâu, Quảng Nam hiệp thương công ty, Triêu Dương thương quán… Nói đến xí nghiệp tư bản chủ nghĩa lúc bấy giờ (trước năm 1914) thì ngoài những xí nghiệp của tư sản Pháp, phần

lớn là của người Hoa. Ở Trung Kỳ, có một vài người đã lập xưởng sản xuất như Nguyễn Văn Viễn mở xưởng làm đồ gốm ở Tứ Mỹ (Thanh Hóa); một số mở xưởng sản xuất đường ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, dệt nhiễu ở Bình Định. Tuy nhiên, hoạt động của họ nhỏ hẹp, lao động chủ yếu là thủ công, bó hẹp trong khuôn khổ một địa phương. Họ đang cần những điều kiện thuận lợi hơn để phát triển công cuộc kinh doanh của mình.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp tạm ngừng cuộc khai thác quy mô lớn ở Việt Nam. Hàng hóa của Pháp nhập cảng vào nước ta cũng ít hẳn đi. Tính chất độc quyền của tư bản Pháp đối với thị trường Việt Nam đã giảm xuống, hàng hóa khan hiếm dần. Thị trường đòi hỏi phải tiếp tục sản xuất để cung ứng cho nhu cầu của nhân dân và nhà buôn. Tư sản người Việt ở Trung Kỳ qua quá trình tích lũy có được một lượng tư bản nhất định trong tay, họ hoặc là một mình hoặc là cùng hùn vốn với nhiều người mở rộng quy mô những xí nghiệp đã có từ trước và mở thêm nhiều xí nghiệp sản xuất mới. Đào Thao Côn lập Hưng nghiệp hội xã và Tiên Long thương đoàn, Bùi Huy Tín mở nhà in ở Huế, Phạm Văn Phi, Phúc Vinh mở công ty vận tải đường bộ và đường thủy… Những hãng buôn trước đây như Phượng Lâu, Liên Thành mở được chi điếm ở nhiều nơi, thu lãi mỗi năm hàng vạn đồng. Công ty Phượng Lâu có vốn lúc đầu chỉ 200 đồng và một cửa hiệu ở Thanh Hóa, sau đặt thêm chi nhánh ở nhiều tỉnh Trung Kỳ, sang cả Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Năm 1924, riêng tiền lãi đã là 200.000 đồng. Công ty Liên Thành cũng có các chi nhánh ở Hội An, Phan Thiết, Phan Rang, Sài Gòn, xuất cảng đường, quế, tơ, đặc biệt xây dựng được nhiều cơ sở chế biến nước mắm. Nhiều cơ sở sản xuất ra đời. Năm 1921, Nguyễn Huy Châu mở xưởng dệt khăn mặt, dệt thảm, dệt khăn quàng cổ. Nguyễn Văn Tài ở Huế sản xuất bóng đèn. Lê Văn Tài ở Thanh Hóa có lò nấu gang. Tới những năm 1923 - 1925, nhiều hãng sản xuất vừa và nhỏ vẫn tiếp tục mọc lên như xưởng dệt nhiễu của Nguyễn Đức Anh, Trần Chi, Trương Hiền, Đỗ Thung ở Bình Định; hiệu dệt nái của Nguyễn Trú, Trần Cư ở Hà Tĩnh; xưởng sản xuất thuốc lá Nguyễn Tứ Tri ở Đắc Lắc; nước mắm của Võ Huy, Nguyễn Thị Thang...

Các sản phẩm của tư sản người Việt ở Trung Kỳ làm ra không phải chỉ lưu thông ở từng địa phương nhỏ hẹp mà được đem bán trong cả nước, thậm chí xuất khẩu sang cả Hồng Kông, Thượng Hải, Xiêm, Lào, Java, Singapo… Hơn nữa, thời kỳ này, không chỉ lập công ty thương mại, mà tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã hướng vào việc

lập xưởng sản xuất hàng hóa bán ra thị trường. Đó là biểu hiện của sự trưởng thành về tư duy kinh doanh, kinh nghiệm thương trường và hơn nữa là vốn đã lớn hơn trước nhiều lần.

Rõ ràng trong nền kinh tế khu vực Trung Kỳ và cả nước, thành phần kinh tế tư bản của người Việt giữ một vị trí nhất định, đóng góp cụ thể vào sự phát triển của kinh tế đất nước nói chung. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng mặc dù kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Trung Kỳ đầu thế kỷ XX đã phát triển, nhưng chỉ là phát triển hơn so với thời kỳ trước- thời kỳ mà quan hệ tư bản chủ nghĩa đang ở trong trạng thái phôi thai. Cho đến tận năm 1930, thành phần kinh tế tư bản của người Việt cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thể nền kinh tế khu vực Trung Kỳ và cả nước.

Đây là tình trạng chung của tư sản người Việt trên cả nước. Địa vị kinh tế của họ còn nhỏ yếu và thấp kém so với tư bản nước ngoài, cũng như so với toàn bộ nền kinh tế. “Tổng số vốn kinh doanh của họ chỉ bằng khoảng 5% số vốn của tư bản nước ngoài” [81, tr.233]. Tư sản người Việt chủ yếu kinh doanh thương nghiệp, trong các ngành công nghiệp lực lượng của họ rất nhỏ “toàn bộ vốn đầu tư vào các ngành mỏ than, cơ khí và giao thông vận tải của họ chỉ bằng 1% vốn của tư bản Pháp Pháp trong các ngành đó” [143, tr.142]. So với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều rõ ràng tư sản người Việt ở Trung Kỳ có địa vị kinh tế nhỏ hơn rất nhiều, điều đó phần nào được phản ánh qua số tiền người Âu và người Việt đóng thuế môn bài ở các tỉnh Trung Kỳ.

Bảng 4.1: Thống kê số tiền người Âu và người Việt đóng thuế ở một số tỉnh khu vực Trung Kỳ năm 1922 [153, tr.211-212]

Tên tỉnh

Người Âu Người Việt

Số người Số tiền(đồng) Số người Số tiền(đồng)

Thừa Thiên 5 621 41 607 Huế 19 1.972 111 6.723 Đà Nẵng 28 6.763 295 6.071 Quảng Nam 11 445 215 3.246 Quảng Ngãi 6 167 106 2.000 Bình Định 23 1.795 325 4.054 Tổng 92 11.763 1.093 22.701

Qua bảng số liệu trên cho thấy năm 1922 ở Trung Kỳ có tới 1.093 người nộp thuế, với số tiền 22.701 đồng, trung bình mỗi người nộp khoảng hơn 20,7 đồng. Trong khi đó, số người Âu đóng thuế chỉ có vẻn vẹn 92 người, nhưng số tiền lên đến 11.763 đồng, trung bình mối người Âu đóng hơn 127,8 đồng. Điển hình như Đà Nẵng, số thuế của 28 tư sản người Âu đóng 6.763 đồng, nhiều hơn cả số thuế của 295 nhà công thương người Việt đóng (6.071 đồng). Điều đó chứng tỏ thế lực kinh tế của tư sản Pháp chiếm ưu thế, với tỷ lệ rất lớn. Họ mới là người sở hữu những công ty, xí nghiệp lớn và chiếm giữ những ngành công nghiệp quan trọng ở Trung Kỳ. Thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa của người Việt chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thể nền kinh tế khu vực và cả nước. Đồng thời, qua đó cho thấy, lực lượng tư sản chủ yếu ở Trung Kỳ là tư sản vừa và nhỏ, ít có đại tư sản như các khu vực khác.

Sự yếu đuối của tư sản người Việt ở Trung Kỳ còn thể hiện ở chỗ không những nó chưa đủ sức lực đấu tranh với tư bản ngoại quốc, mà còn phải học tập tư bản ngoại quốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngay cả tư bản Pháp- kẻ thù địch của nó.

Do có địa vị kinh tế thấp kém nên tư sản người Việt ở Trung Kỳ chỉ là một lực lượng nhỏ bé trong xã hội. Sự nhỏ bé của tư sản người Việt ở Trung Kỳ không chỉ so với tư sản Pháp, Hoa kiều mà còn nhỏ bé hơn cả lực lượng tư sản người Việt ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

So với tư sản Pháp và Hoa kiều, tư sản người Việt là một lực lượng nhỏ yếu hơn rất nhiều. Phần lớn những ngành kinh tế công nghiệp quan trọng đều nằm trong tay tư sản Pháp, thương nghiệp bị tư sản Hoa kiều lũng đoạn. Cho đến cuối những năm 20 của thế kỷ XX, toàn bộ lực lượng nòng cốt của giai cấp tư sản Việt Nam đạt khoảng 20 ngàn người, chiếm khoảng 0,01% dân số [74, tr.146]. Trong khi đó, vào thời điểm này công nhân chiếm 1,16% dân số, nông dân 87%, địa chủ, phú nông chiếm 9% [74, tr.155].

Đầu thế kỷ XX, khi các nước đế quốc thực hiện chính sách nô dịch tại Trung Quốc, Ấn Độ thì tư sản dân tộc tại các nước này đã trưởng thành, trở thành một giai cấp thực thụ và là lực lượng kinh tế, chính trị vững mạnh, lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Trong lúc đó, tư sản người Việt ở Trung Kỳ nói riêng và tư sản người Việt ở cả nước nói chung mới ra đời và chỉ là một tầng lớp nhỏ yếu về kinh tế, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp thống trị và chèn ép mọi mặt. Cho đến những năm 1919 - 1930, mặc dù tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã vươn lên một bậc, đa

dạng hóa ngành nghề kinh doanh và mở rộng quy mô kinh doanh gấp nhiều lần trước đây, lợi nhuận thu về không nhỏ. Đặc biệt, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã len chân vào một số ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất điện, sản xuất bóng đèn, vận tải… Thế nhưng, so với tư sản Pháp, tư sản Hoa kiều và kể cả tư sản người Việt ở khu vực Bắc Kỳ và Nam Kỳ, thực lực kinh tế của họ còn thua xa nhiều lần và chỉ là một lực lượng nhỏ bé về nhiều mặt trong tổng thể nền kinh tế khu vực Trung Kỳ và cả nước.

Nguồn vốn trong các xí nghiệp của tư sản người Việt ở Trung Kỳ rất nhỏ. Số công ty, hội buôn có số vốn trên 100 ngàn đồng rất ít. Cao nhất là công ty vận tải của Phạm Văn Phi đến năm 1924 có số vốn là 200.000 phơrăng; Năm 1928, Công ty Nam Đồng Ích sở hữu số vốn 125.000 đồng; Công ty Liên Thành đến những năm 1920 số vốn cũng chỉ lên đến 200.000 đồng. Những công ty, xưởng sản xuất được xem là có số vốn lớn, sở hữu số chi điếm khắp cả nước, gây dựng được thương hiệu và đủ sức cạnh tranh với tư sản ngoại quốc như đã nêu trên cũng là những công ty cổ phần, với sự góp vốn của nhiều người khác nhau, kinh doanh theo hình thức hùn vốn chia lợi nhuận mà thôi. Đa phần những công ty, xưởng sản xuất, hội buôn khác chỉ sở hữu số vốn vài chục ngàn đồng, chủ yếu trong khoảng “từ 30.000 đồng đến 80.000 đồng, trong khi đó số vốn trong các công ty, xí nghiệp của tư sản nước ngoài thường là hàng triệu đồng” [31; tr.341]. Thậm chí, ngay cả một công ty liên doanh như Trung Kỳ Thiệt Nghiệp Công ty ra đời năm 1926 ở Quảng Ngãi cũng chỉ có số vốn ban đầu là 2.000 đồng [160, tr.26]. Hay như Quảng tế hóa Công ty, thành lập năm 1925, với sự góp vốn của 8 người nhưng chỉ có 2.400 đồng mà thôi [196, tr.]. Trong khi đó, công ty M.J.Boy kinh doanh hàng ngoại nhập có số vốn 2.000.000 đồng, Công ty rừng và diêm Đông Dương ở Bên Thủy năm 1925 có số vốn lên tới 9.104 ngàn phơrăng, hay như Công ty vận tải ô tô Bắc Trung Kỳ và Lào (SAMANAL) có vốn điều lệ là 2,7 triệu đồng [69, tr.115], Công ty Deglinon ở Bình Định năm 1925 số vốn cũng tăng lên 6 triệu phơrăng [20, tr.105]. Ở Bắc Kỳ có khá nhiều tư sản có số vốn lớn hơn ở Trung Kỳ như Công ty Quảng Hưng Long năm 1926 số vốn lên tới 296.763 đồng, Công ty vận tải của Bạch Thái Bưởi số vốn những năm 1924 - 1925 khoảng 10 triệu đồng [72, tr.112, 127]. Nam Kỳ cũng có nhiều công ty, hãng buôn sở hữu lượng vốn lớn. Điển hình như Công ty điện của Lê Phát An có số vốn 400 ngàn đồng, Công ty Thuận Hòa của Nguyễn Phú

Khai có vốn 1 triệu phơrăng, hay như Công ty nông nghiệp Long Chiêu ở Bình Dương lúc thành lập năm 1924 số vốn lên tới 230 ngàn đồng [23, tr.49, 54].

Không chỉ có vốn ít mà số lượng công nhân trong các xí nghiệp của tư bản người Việt cũng chiếm số lượng rất nhỏ. Trong tổng số 22 vạn công nhân làm trong các xí nghiệp công - thương năm 1930 thì số công nhân trong các xí nghiệp tư bản Việt Nam chỉ chiếm 3%, tức là khoảng 7.000 công nhân. Trong khi đó, các ngành khác như mỏ chỉ có 2 - 3%, nông nghiệp 5% [145, tr.51]. Ở Trung Kỳ, tư sản người Việt sử dụng công nhiều nhất là Phạm Văn Phi, công ty vận tải của ông có lúc sử dụng đến 150 người (kể cả người học việc), còn một số ít sử dụng từ 40 - 60 công nhân, đa phần sử dụng dưới 10 công nhân. Trong khi đó, công ty của Bạch Thái Bưởi ở Bắc Kỳ số công nhân, nhân viên có lúc lên tới 2.500 công nhân [72, tr.128], mỏ của Nguyễn Thị Tâm sử dụng 781 công nhân, xưởng dệt của Đào Thao Côn có 100 công nhân…

Sự nhỏ bé của tư sản người Việt ở Trung Kỳ so với các khu vực khác còn thể hiện ở chỗ họ không thể chen chân vào một số ngành công nghiệp quan trọng và có tính chất cơ khí. Cho đến năm 1930, ở Trung Kỳ vẫn chưa có tư sản nào sở hữu mỏ khai thác than hay loại khoáng sản nào; số lượng đất đai, đồn điền họ sở hữu cũng không nhiều. Trong khi đó, ở Bắc Kỳ đã có những tư sản bước chân vào lĩnh vực này như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Thị Tâm, Bùi Xuân Trường, Nguyễn Thị Huề… [20, tr.99]. Ngay cả khi so sánh một ngành cụ thể như giao thông vận tải, kinh doanh nông nghiệp, dệt, xay xát gạo… tư sản người Việt ở Trung Kỳ đều thua kém hơn tư sản người Việt ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Tình trạng trên phản ánh sự nhỏ bé nhiều mặt của tư sản người Việt ở Trung Kỳ. Vốn ít, kinh nghiệm thương trường còn non yếu, quy mô kinh doanh còn khiêm tốn và sức cạnh tranh với tư bản nước ngoài còn kém, lại thường xuyên bị chèn ép, kìm hãm bởi hai thế lực thực dân và phong kiến nên tư sản người Việt ở Trung Kỳ chủ yếu là trung và tiểu tư sản, đại tư sản rất ít và không có những gương mặt điển hình như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà… ở Bắc Kỳ, hay như Đỗ Hữu Phương, Lê Phát Đạt, Lê Phát An, Nguyễn Thanh Liêm… ở Nam Kỳ. Câu chuyện truyền miệng về những tư sản nổi tiếng thời Pháp thuộc “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi” cũng chỉ dành cho các khu vực khác chứ không phải khu vực Trung Kỳ.

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 135 - 142)