Tham gia phong trào dân tộc dân chủ

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 112 - 123)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ NĂM 1914 ĐẾN NĂM

3.2.4. Tham gia phong trào dân tộc dân chủ

Từ khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các Đảng công nhân ở các nước tư bản ra đời, đặc biệt là việc Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tích cực truyền bá hệ tư tưởng này vào Việt Nam thì phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta có những chuyển biến to lớn. Bên cạnh những phong trào theo xu hướng vô sản đang ngày càng phát triển mạnh, phong trào yêu nước chống Pháp, tiến tới thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc do bộ phận theo chủ nghĩa quốc gia tư sản khởi xướng và lãnh đạo cũng diễn ra khá sôi nổi. Phong trào này bùng nổ trên khắp cả nước, nhất là những nơi có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển, tư sản người Việt mạnh như Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn… Diễn ra từ ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt và kết thúc khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại (2/1930).

Thời kỳ này, phong trào yêu nước của tư sản người Việt trên cả nước nói chung và Trung Kỳ nói riêng diễn ra với nội dung là chống lại chính sách chèn ép, kìm hãm về kinh tế của tư sản nước ngoài, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho giai cấp tư sản bản xứ. Những nội dung này được thể hiện thông qua các cuộc đấu tranh cụ thể như chấn hưng thực nghiệp; cổ vũ dùng hàng nội hóa, bài trừ hàng ngoại hóa; chống độc quyền các thương cảng, độc quyền xuất nhập khẩu các mặt hàng; đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, với những hình thức phong phú.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), tư bản Pháp có phần nới lỏng thị trường Việt Nam nên tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã chớp lấy thời cơ vàng này để phát triển thực lực kinh tế của mình. Trên đà đó, từ sau năm 1919, bộ phận người này đã trưởng thành đáng kể về thực lực kinh tế lẫn ý thức giai cấp. Tuy nhiên, khoảng thời gian vàng đó không dài, sự phát đạt của tư sản người Việt ở Trung Kỳ rất bấp bênh và đầy nguy cơ, thách thức do chính sách kìm hãm, chèn ép, cạnh tranh từ tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều. Hơn nữa, dù có những tiến bộ về mọi mặt nhưng vị thế kinh tế của tư sản người Việt ở Trung Kỳ vẫn thua xa tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều. “Những ngành kinh tế trọng điểm vẫn do tư sản nước ngoài nắm giữ; các công ty lớn của tư sản Pháp kiểm soát phần lớn các hoạt động xuất nhập khẩu và mạng lưới phân phối hàng hóa trên thị trường; chưa có một nhà tư sản người Việt nào có đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các công ty lớn của Pháp và Hoa kiều” [104, tr.24]. Sự non trẻ trong sản xuất kinh doanh, khiến tư sản người Việt ở Trung Kỳ bộc lộ rất nhiều điểm

non yếu như thiếu kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất và phân phối, trong khi đó các đối thủ của họ lại rất dày dạn kinh nghiệm, có sự liên kết chặt chẽ trong kinh doanh, có những tập đoàn kinh doanh lớn.

Những nguy cơ, thách thức đó không còn tiềm ẩn đối với tư sản người Việt ở Trung Kỳ nữa, đã có một số người bị thua trong cuộc cạnh tranh và dẫn tới phá sản như Lê Viết Lới ở Nghệ An. Vì vậy, để tăng khả năng cạnh tranh, bảo toàn và đẩy mạnh công cuộc làm ăn của mình, tư sản người Việt ở Trung Kỳ trỗi dậy, hưởng ứng cuộc vận động chấn hưng thực nghiệp do tư sản người Việt phát động. Để hưởng ứng cuộc vận động này, cũng như tư sản người Việt ở khu vực khác, tư sản người Việt ở Trung Kỳ dùng báo chí của giới tư sản trên cả nước, ở Trung Kỳ để thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, giới thiệu những điển hình trong hoạt động kinh doanh và tham gia lập các Hội ái hữu, tương tế. Tất cả hướng tới việc làm cho kinh tế nước nhà phát triển, giới công thương mạnh lên và bảo vệ quyền lợi về kinh tế, chính trị cho giai cấp tư sản người Việt.

Trong công cuộc kinh doanh của mình từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, bản thân tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng nhận thấy “Trong thế giới, không nghề gì là không cạnh tranh. Nếu không biết cạnh tranh, không sao sống được ở đời này” [104, tr.24]. Do vậy, họ kêu gọi những người trong giới mình và toàn thể người Việt mạnh dạn bước vào con đường thực nghiệp để phát triển nền kinh tế đất nước. Họ khẳng định rằng “Đất bỏ hoang kể biết bao nhiêu; lâm sản để đâu cho hết, mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ than, mỏ kẽm có thiếu gì. Thật là có của mà chịu ngồi nhìn để đợi người ngoài khai khẩn cho, như thế thì còn gì là lợi mà mong giàu có” [23, tr.59]. Theo họ, chấn hưng thực nghiệp chính là biện pháp cơ bản giúp cho bản thân no ấm, đất nước phồn thịnh và văn minh, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khu vực phát triển, giảm sức ép từ sự cạnh tranh bên ngoài. Vì thế phải “Thực nghiệp, thực nghiệp hai chữ đó ta nhớ chớ nên quên vì ta phải dùng hai chữ ấy làm một thứ khí giới thiêng liêng để giữ mình khi bước vào con đường tiến hóa mà nó vẫn sẵn lòng đợi ta vậy” [20, tr.111-112].

Hoạt động chấn hưng thực nghiệp của tư sản người Việt tập trung vào những vấn đề cơ bản: đánh giá vai trò của thực nghiệp đối với đất nước; vai trò của từng ngành kinh tế; chấn hưng nội hóa; thành lập các hội công thương. Trong đó, họ quan niệm trước hết gạt bỏ tư tưởng “trọng nông ức thương”, “trọng quan khinh thương”, coi thường thực học và thực nghiệp vốn đã nẩy sinh, tồn tại lâu đời trong suy nghĩ của

những cư dân nông nghiệp như ở Việt Nam. “Một số người có tài trí thì không chịu để tâm đến việc khác, chỉ mài vào đường khoa cử, mong giật được cái giải ông nghè, ông cống để bước lên địa vị quyền cao chức trọng, thỏa cái chí nguyện bình sinh biết sướng lấy thân mình đã” [104, tr.24]. Thậm chí, Hoàng Văn Ngọc một tư sản lớn ở Thanh Hóa còn khẳng định:

Nước Đại Việt ta không thể nào tránh khỏi cái phép tiến hóa tự nhiên mà nấp sau cái thành thủ cựu, cứ khăng khăng coi công thương nghiệp kỹ nghệ là mạt. Ông nào có lòng nhiệt thành về thời thế bây giờ nên mau mau ra tòng chinh cuộc chiến tranh kinh tế ở trên giải đất Việt Nam này. Người theo kỹ nghệ, kẻ mở công thương xin chớ có nhãng hai đường ấy [20, tr.112].

Phát triển công thương nghiệp được xác định là nội dung trọng tâm của thực nghiệp. Vì thế, họ vận động nhiều người bỏ vốn vào thành lập các xí nghiệp, chung cổ phần để tăng tính cạnh tranh “Nay không gì bằng các nhà tư bản góp cổ phần lại, dựng ra các xưởng thợ, hoặc xưởng thợ khảm, xưởng thợ thêu, xưởng thợ đan, xưởng thợ dệt, xưởng thợ đúc… Mỗi xưởng lại đặt ra người đốc công để trông coi thợ thuyền và kiểm soát những vật chế tạo” [23, tr.59].

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều tư sản người Việt ở Trung Kỳ và ngay cả những người chưa phải là tư sản, đã hăng hái góp vốn vào những công ty, hội buôn được lập ra từ trước, đồng thời, hùn vốn chung nhau lập nên những công ty, hãng buôn mới. Năm 1926, khi Huỳnh Khâm thành lập Trung Kỳ thiệt nghiệp công ty buôn bán hàng xuất cảng tại Quảng Ngãi, đã có nhiều người khác cùng góp vốn vào như Vương Quan Nhơn (thầu khoán), Hồ Tự (buôn bán), Nguyễn Ngọc Toản (làm ruộng), Hồ Trung (buôn bán) tổng cộng được 2.000 đồng. Sang đầu năm 1927, đã có 41 người buôn, 25 người làm ruộng góp thêm 5.800 đồng; giữa năm 1927 có thêm 8 người buôn, 3 thầu khoán và 77 người làm ruộng góp thêm 10.200 đồng. Do vậy số vốn của công ty này đã tăng lên thành 16.000 đồng [160, tr.44]. Nam Hưng tư nghiệp hội xã thành lập ở Hội An năm 1926, cũng là một công ty cổ phần có sự góp vốn của nhiều người. Vốn ban đầu là 42.000 đồng, chia làm 840 cổ phần [52]. Những người chung vốn có Nguyễn Tấn Hà, Mai Văn Hội, Huỳnh Thanh, Võ Luyện, Nguyễn Tăng Hân, Trương Xuân Hoàng, Lê Hữu Tư… Công ty này làm nhiệm vụ thu mua sản phẩm của nhiều

xưởng dệt ở Quảng Nam đem đi bán khắp cả nước và xuất khẩu sang Lào, Miên. Khi đã có thêm vốn, họ chủ trương mở xưởng dệt lụa, ươm tơ, nhuộm lụa nhằm phát triển ngành dệt trong tỉnh, cạnh tranh với tư sản nước ngoài.

Hưởng ứng sự phát động, kêu gọi của tư sản người Việt cả nước, hoạt động chấn hưng thực nghiệp của tư sản người Việt ở Trung Kỳ diễn ra rầm rộ, dẫn tới sự xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở kinh tế như công ty, xưởng sản xuất, hội buôn, hiệu buôn do người Việt làm chủ, góp phần đả phá tư duy kinh tế cũ, nâng tiềm lực kinh tế của tư sản người Việt ở Trung Kỳ lên một bước, đồng thời còn góp phần cải thiện đời sống của một bộ phận dân cư trong khu vực. Hiện tượng trưởng thành về mặt số lượng, sở hữu vốn, cơ sở sản xuất kinh doanh của nhiều tư sản người Việt trong những năm sau chiến tranh ở Trung Kỳ một phần là kết quả của cuộc vận động thực nghiệp này. Đó là sự biểu hiện sâu sắc của ý thức tự cường dân tộc của người dân Việt Nam nói chung và tư sản người Việt nói riêng. Họ muốn chứng tỏ khả năng của người Việt và tinh thần cố kết dân tộc. Tuy nhiên, cái đích cuối cùng mà tư sản người Việt ở Trung Kỳ hướng tới đã không đạt được do sự chèn ép của tư bản ngoại quốc, đồng thời thể hiện sự nhỏ yếu về mọi mặt của họ.

Cùng với sự tăng lên về vị thế kinh tế, tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng trưởng thành về ý thức giai cấp. Họ bắt đầu ý thức được phải có phương tiện để nêu lên tiếng nói, phản ánh ý nguyện của giới mình, đồng thời muốn cổ động cuộc vận động thực nghiệp, phổ biến kinh nghiệm kinh doanh và kêu gọi đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công cuộc cạnh tranh với người ngoại quốc nhất thiết phải có tờ báo làm cơ quan ngôn luận riêng cho giai cấp mình.

Nhận thức là vậy nhưng trong những năm 1919 - 1927, tư sản người Việt ở Trung Kỳ do thế lực kinh tế yếu ớt, tiếng nói chính trị chưa đủ mạnh như ở các khu vực khác nên chưa có người nào đủ lực để lập một tờ báo cho giới của mình. Trong khi đó, ở Bắc Kỳ thời điểm này đã có nhiều tờ báo của tư sản người Việt xuất hiện như Thực nghiệp dân báo của Nguyễn Hữu Thu và Bùi Huy Tín (1920), Khai hóa nhật báo của Bạch Thái Bưởi (1921); ở Nam Kỳ có tờ báo Lục tỉnh tân văn của Nguyễn Văn Của và Trần Chánh Chiếu, Nông cổ mín đàm… Điều này phản ánh sự thua kém của tư sản người Việt ở Trung Kỳ đối với tư sản người Việt ở những khu vực khác trên cả nước không chỉ về kinh tế mà cả tiếng nói, vị thế về chính trị. Tuy nhiên, điều đó không

đồng nghĩa với việc những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư sản người Việt ở Trung Kỳ chưa có ý thức giai cấp. Trái lại họ có địa vị kinh tế riêng và ý thức giai cấp.

Trong những năm 1919 - 1927, khi chưa có một tờ báo riêng của giới mình, tư sản người Việt ở Trung Kỳ vẫn thể hiện tiếng nói của mình qua các tờ báo của tư sản người Việt ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đặc biệt là qua tờ báo của Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp (từ năm 1924 là Hội Trung Bắc Kỳ nông công thương tương tế tế) là Hữu Thanh tạp chí.

Trên những tờ báo này, tư sản người Việt đã xác định được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi đối với sự tồn tại và phát triển của giai cấp mình, dù không giống nhau về địa vị, trình độ, kinh nghiệm, vốn liếng hay lĩnh vực kinh doanh. Họ chỉ ra vì sao kinh tế nước nhà lại yếu kém, đó là do “Hoặc là kẻ làm mà không đủ trí thức, hoặc kẻ có trí thức mà tư bản không đầy, hoặc có trí thức có tư bản mà vì không có ai giùm giúp dắt díu. Không có ai bênh vực về cái quyền lợi” [147, tr.13]. Do đó, giống với hai khu vực còn lại, tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng nhận thấy cần phải có các đoàn hội để tương trợ nhau kinh doanh giữa khung cảnh thương trường là chiến trường khốc liệt. Theo họ, đoàn thể thực sự là một chỗ dựa cho việc bảo vệ quyền lợi của giới mình, bởi ở xã hội ta những người làm công thương xưa nay thế lực yếu, quyền lợi chẳng có gì, chịu nhiều kìm kẹp từ người nước ngoài. Song “khi ta đã hợp thành đoàn thể vững vàng, thế lực cứng cáp, trên chính phủ có lòng trông xuống, dưới quốc dân yêu vì, thì quyền lợi của ta chẳng những là giữ vững được mà lại có thể thêm ra” [71, tr.515].

Lên tiếng đấu tranh quyền lợi, tư sản người Việt ở Trung Kỳ không chỉ đòi quyền lợi kinh tế mà cả về chính trị. Về mặt kinh tế họ kêu gọi và chung sức lại tiến hành cạnh tranh với tư sản ngoại quốc. Đòi hỏi phải có sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh đối với tất cả mọi người. Còn về chính trị, họ lên tiếng phải có cơ quan thương mại của người Việt, mở rộng sự tham gia của người Việt vào các cơ quan quản lý hành chính, kinh tế ở khu vực Trung Kỳ. Do đó, Hữu Thanh tạp chí đã nói lên tiếng nói của tư sản người Việt ở cả ba kỳ, là diễn đàn về các vấn đề kinh tế, đồng thời là diễn đàn bảo vệ quyền lợi kinh tế cho những người hoạt động công thương.

Tháng 8-1927, ở Trung Kỳ xuất hiện tờ báo Tiếng dân. Tờ báo này do Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó là Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ đứng ra thành lập. Báo có khổ 58x42, mỗi tuần ra hai số, vào thứ tư và thứ bảy. Mặc dù tờ báo này chưa phải là cơ quan ngôn luận riêng biệt của tư sản người Việt ở Trung Kỳ nhưng với phương

châm “phô bày tâm lý chân chính của quốc dân trên mặt báo, đối với quốc dân xin làm vị thuốc đắng, đối với chính phủ xin làm người bạn ngay” [129, tr.19], tờ báo này trong các bài viết có tính thời sự về chính trị, kinh tế, văn hóa phần nào đã thể hiện nguyện vọng của tư sản người Việt với tư cách là một bộ phận dân chúng ở Trung Kỳ.

Trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và từ thực tiễn kinh nghiệm trong thương trường chỉ ra cho tư sản người Việt ở Trung Kỳ thấy rằng “không thể làm ăn đơn lẻ được, mà nhất thiết phải có hội đoàn thể bảo vệ quyền lợi của giới mình và ngành mình” [104, tr.30]. Tính cộng đồng là một trong những lý do đưa đến sự lớn mạnh và thành công trong kinh doanh của tư sản Hoa kiều. Hội thương gia Hoa kiều Nam Kỳ ra đời năm 1900 và Tổng hội thương mại Hoa kiều Việt Nam ra đời 1904 là những minh chứng rõ ràng nhất. Từ đó, tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng nhận thấy phải lập các hội công thương, tập hợp nhau lại đặng tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi, đoạt lại các quyền lợi kinh tế từ tay nước ngoài và hỗ trợ nhau trong công cuộc kinh doanh. Họ kêu gọi: “ví bằng ta biết trọng cái nghĩa hợp quần, góp nhỏ lại thành to, mười nhà buôn nhỏ hợp nhau lại thành nhà buôn lớn, như thế mới có thể giữ được giá mua giá bán, giữ được thanh thế một nhà đại thương, không thể ai che cạnh được mà mất quyền lợi” [104, tr.30] và “Hội có to tát phát đạt được, thời quyền lợi của bọn ta mới có nhiều được vậy” [147,

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 112 - 123)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w