Lĩnh vực nông nghiệp

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 50)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914)

2.2.1.3.Lĩnh vực nông nghiệp

Đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp tăng cường đầu tư vào nước ta, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện; giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt đều thuận lợi, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa được mở rộng. Lúc này, trong nông nghiệp, cùng với sự hình thành hệ thống nông giang, nhiều trại thí nghiệm giống cũng được mở ra. Xu hướng kinh doanh hàng hóa trong nông nghiệp nở rộ, nhất là khi tư bản Pháp xuất khẩu mạnh nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Kinh tế nông nghiệp bị lôi cuốn vào thị trường ngày càng nhiều. Những sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, ngô, lạc, bông… được đem ra thị trường trao đổi ngày càng nhiều. Quan hệ tư bản chủ nghĩa xâm nhập vào nông thôn Trung Kỳ.

Cùng với quá trình đó, ở Trung Kỳ cũng xuất hiện một số tư sản kinh doanh trong nông nghiệp. Họ thường là những người giàu có lên ở nông thôn gọi là phú nông. Lực lượng này đã hướng vào sản xuất nông phẩm đem bán trên thị trường, thuê mướn lao động dù chỉ theo thời vụ. Thế nhưng, do nền kinh tế còn nặng tính chất tự nhiên và quan hệ sản xuất phong kiến thống trị ở nông thôn, nên quan hệ tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mới hé ra. Do đó, các điền chủ có xu hướng tậu ruộng rồi đem phát canh thu tô chứ không tậu ruộng rồi thuê mướn nhân công, bóc lột theo lối tư bản chủ nghĩa. Theo thống kê, chỉ có một số rất ít người kinh doanh đồn điền ở Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Nam nhưng diện tích không lớn. Tiêu biểu như đồn điền của Bát Soạn, Nguyễn Hữu Ngọc, Trần Văn Bân, Hàn Thanh… ở Thanh Hóa; đồn điền của Pieer Phương ở Bàu Cạn (Gia Lai)... Tuy nhiên, hiện tượng bỏ tiền tậu ruộng, lập đồn điền kinh doanh ở Trung Kỳ không phổ biến như Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Điều này, một phần do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Trung Kỳ ít thuận lợi hơn vùng khác, đầu tư vào nông nghiệp ở Trung Kỳ không mang lại lợi nhuận lớn, bấp bênh. Do đó, xu hướng tư sản địa chủ hóa ít phát triển mạnh ở Trung Kỳ và nông nghiệp không phải là lĩnh vực hoạt động mạnh của tư sản người Việt ở khu vực này. Dầu vậy, hiện tượng tư sản bỏ vốn kinh doanh trong nông nghiệp đã xuất hiện ở Trung Kỳ và đây sẽ là lĩnh vực kinh doanh phát triển về sau một khi có điều kiện thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 50)