Lĩnh vực thầu khoán

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 52 - 53)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914)

2.2.1.5. Lĩnh vực thầu khoán

Đầu thế kỷ XX, ở Trung Kỳ đã xuất hiện một số thầu khoán và cửa hiệu làm đại lý cho tư bản Pháp. Tiêu biểu như Bùi Huy Tín, Nghè Phụng, Nghè Mại, Nghè Giá… Ban đầu, những người này chỉ là những cai thầu, nhận thầu lại một phần công việc từ những nhà thầu lớn của Pháp, rồi dần trở thành những thầu khoán lớn chuyên cung cấp vật liệu, nhận thi công một đoạn đường hoặc làm đại lý cho tư bản Pháp. Nghè Phụng, Nghè Mại, Nghè Giá là những thầu khoán trong lĩnh vực xây dựng. Khi mới bước lĩnh vực thầu khoán, họ nhận làm một số công đoạn trong các công trình ở thành thị cho các hãng thầu khoán lớn của Pháp như công ty De Vallois Perret, Brossard Mopin, Ulyse, sau đó trở thành những thầu khoán khá lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng đô thị ở Đà Nẵng. Còn Bùi Huy Tín, khi thực dân Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đường sắt ở Trung Kỳ, trong những năm 1903 - 1906, ông đã nhận thầu cung cấp tà vẹt cho đường xe lửa ở đây và giàu có nhanh chóng.

Điều đáng chú ý, bên cạnh hoạt động thầu khoán là chính, khi đã có một số vốn nhất định họ đã chuyển sang kinh doanh cả những lĩnh vực khác, kể cả công - thương nghiệp. Nghè Phụng, Nghè Giá sau một thời gian làm thầu khoán đã bỏ vốn buôn bán bất động sản mà địa bàn chính là Đà Nẵng. Bùi Huy Tín sau một thời gian làm thầu khoán, đã bỏ tiền mua đất lập đồn điền ở Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thanh Hoá và một số khu mỏ ở Quảng Ninh.

Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1914, tư sản người Việt ở Trung Kỳ tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp đến giao thông vận tải, thầu khoán. Trong đó, lĩnh vực thương nghiệp có số lượng đông đảo nhất và đồng thời cũng lập nên những cơ sở kinh doanh có nguồn vốn khá lớn và phương thức kinh doanh đa dạng. Mỗi tư sản đều lựa chọn những phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với số vốn, quy mô công ty của mình, với mục đích đạt lợi nhuận cao nhất và cạnh tranh được với các công ty tư bản ngoại quốc. Trong đó, tư sản người Việt ở Trung Kỳ thường hướng tới phương thức “mua tận gốc bán tận ngọn” để thu lợi nhuận cao, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc và

cạnh tranh của tư bản ngoại quốc. Để cạnh tranh hiệu quả, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã có nhiều phương thức hoạt động sáng tạo; thể hiện được tầm kinh nghiệm và bản lĩnh kinh doanh của họ trong giai đoạn này. Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp, số lượng tư sản hoạt động trong lĩnh vực này ở Trung Kỳ rất ít. Đặc biệt, trong những ngành công nghiệp hiện đại hầu như không có mặt của tư sản người Việt. Có chăng nữa, họ chỉ kinh doanh trong ngành công nghiệp chế biến vốn là các ngành nghề thủ công truyền thống của khu vực trước đây. Các xưởng sản xuất họ lập ra, tiếng gọi là các xí nghiệp có tính chất tư bản chủ nghĩa, nhưng kỳ thực vốn ít, quy mô thì nhỏ bé, kỹ thuật sản xuất đa số còn lạc hậu, sức cạnh tranh với các công ty tư bản Pháp còn kém. So với tư sản người Việt ở Bắc Kỳ thì tư sản người Việt ở Trung Kỳ còn thua kém. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Bắc Kỳ đã xuất hiện một số tư sản người Việt tham gia các ngành sản xuất và kinh doanh có tính chất cơ khí, kỹ thuật hiện đại như kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi, đến năm 1909 đã có 3 tàu và mở được 2 tuyến: Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy; năm 1911, Ngô Tử Hạ mở được nhà in đầu tiên ở phố Hàng Gai, sau đó lại mở thêm nhà in quy mô lớn hơn ở phố Lý Quốc Sư, làm ăn phát đạt; hay như xí nghiệp thuốc lá ở Phủ Lý mỗi ngày sản xuất được 400 điều thuốc lá to và 2000 điếu thuốc lá nhỏ [72, tr.39-40].

Tuy số lượng ít, không có nguồn vốn lớn và chưa tiến hành kinh doanh rầm rộ ngay từ đầu như tư sản người Việt ở khu vực Bắc Kỳ và Nam Kỳ nhưng tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng bước đầu tham gia hầu hết các lĩnh vực kinh doanh từ công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp đến giao thông vận tải, thầu khoán… Đây chính là cơ sở, tiền đề để tư sản người Việt ở Trung Kỳ vươn lên kinh doanh đa lĩnh vực, đa phương thức một khi có điều kiện thuận lợi hơn trong những giai đoạn lịch sử sau này.

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 52 - 53)