TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ NĂM 1914 ĐẾN NĂM
3.1.3. Tham gia phong trào yêu nước
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, thực dân Pháp đã thay đổi chính sách thống trị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh những yếu tố khách quan thuận lợi cho kinh tế tư bản dân tộc phát triển thì thực dân Pháp lại tăng cường bóc lột, vơ vét về sức người, sức của.
Để phục vụ cuộc chiến tranh, chính quyền thực dân đã bày ra lắm hình thức để bóc lột tiền của người dân. Bên cạnh tăng thuế, chính quyền còn bắt người dân đóng góp các khoản dưới hình thức: công trái, phiếu quốc phòng, quyên góp, với số tiền mỗi khoản lên đến hàng trăm triệu phơrăng.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu cuộc chiến, việc bắt lính chiến và lính thợ đã được tiến hành ráo riết bằng mọi biện pháp. Đời sống của binh lính người Việt trong quân đội Pháp rất cực khổ.
Chính sách vơ vét, bóc lột, bắt phu, bắt lính của thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam trong thời kỳ này đã gây phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân. Sự bất mãn, căm thù thực dân không ngừng tăng lên trong nhân dân. Vì vậy, trong thời gian chiến tranh, nhiều cuộc bạo động chống Pháp diễn ra ở cả khắp ba kỳ, từ miền ngược tới miền xuôi. Những phong trào đấu tranh của quần chúng, tinh thần phản chiến của binh lính người Việt trong quân đội Pháp ngày càng dâng cao, góp phần phục hồi và phát triển phong trào yêu nước ở cả nước nói chung và khu vực Trung Kỳ nói riêng.
Trong những năm 1914 - 1918, các phong trào đấu tranh vẫn nằm trong phạm trù tư sản, nhưng đấu tranh vũ trang đã kết hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng và lôi kéo lực lượng chủ yếu là binh lính và nông dân tham gia. Điển hình nhất là các cuộc đấu tranh vũ trang dưới sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu thành lập.
Trước lúc nổ ra chiến tranh, nhất là từ khi Phan Bội Châu bị chính quyền Lưỡng Quảng bắt giam, Việt Nam Quang phục hội đã tan rã. Tuy nhiên, nhiều hội viên vẫn hăng hái đấu tranh khi có thời cơ. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, trước sự thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, các hội viên của Hội đã tổ chức được nhiều cuộc bạo động ở khu vực Trung Kỳ, điển hình nhất là sự kiện phá ngục Lao Bảo (28-9-1915) và cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916).
Tháng 9-1915, xảy ra vụ giết lính, phá ngục tại nơi giam giữ “tù quốc sự” ở Lao Bảo. Phần lớn tù nhân đều là những chiến sĩ hoạt động trong phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục và hội viên Việt Nam Quang phục hội. Hồ Bá Kiện, người của Duy Tân hội và Trương Bá Kiều, hội viên Quang phục hội là những người lãnh đạo cuộc nổi dậy. Lính coi ngục bị giết 3 tên, bị thương 7 tên, số còn lại bỏ chạy. Quân khởi nghĩa thu được 36 súng, 16 lưỡi lê và 5.000 viên đạn [83, tr.216]. Tuy vậy, do lực lượng nghĩa quân quá ít, hoạt động lại đơn độc nên chỉ tồn tại được hơn một tháng thì
tan vỡ. Phần lớn bị bắt lại hoặc chết, chỉ có một số ít chạy thoát. Hồ Bá Kiện và Trương Bá Kiều hy sinh trong chiến đấu.
Cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Trung Kỳ năm 1908 bị thực lân Pháp đàn áp đẫm máu, nhiều sĩ phu bị bắt tù hoặc đày đi Côn Đảo, nhưng nhân dân Trung Kỳ và những sĩ phu có tâm huyết vẫn giữ được nhiệt tình yêu nước, nuôi chí căm thù, chờ cơ hội vùng dậy. Một số sĩ phu mãn hạn tù trở về như Trần Cao Vân chẳng những không nhụt chí mà còn tiếp tục tham gia chống Pháp tích cực hơn, điều này như càng cổ vũ thêm cho cuộc đấu tranh đã âm ỉ từ trước đó. Tất cả dần tập hợp xung quanh Thái Phiên, một yếu nhân của Hội Duy Tân trước đây và là một trong những người lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội ở miền Nam Trung Kỳ.
Trong khi đó, việc bắt lính phục vụ chiến tranh ngày càng ráo riết, lính khố xanh có nguy cơ phải chuyển thành lính khố đỏ để sang Pháp. Tình hình trên đây gây nên tình trạng căm giận và xao xuyến trong nhân dân, nhất là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, những tỉnh, thành phố có tầm quan trọng về chính trị và quân sự.
Từ đầu năm 1914, Thái Phiên và Lê Ngung, một nhà yêu nước rất nhiệt thành của tỉnh Quảng Ngãi, đã tổ chức cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung Kỳ ở Đà Nẵng. Hội nghị nhất trí phải hành động gấp và đã phân công người chuẩn bị khởi nghĩa. Phương hướng hành động là vận động binh lính người Việt, chủ yếu là lính khố xanh và lính bị động viên sắp phải sang Pháp. Trần Cao Vân đề nghị mời vua Duy Tân tham gia để cuộc vận động thêm thuận lợi. Ý kiến này được Thái Phiên chấp nhận. Từ đó, Thái Phiên và Trần Cao Vân trở thành hai nhân vật quan trọng nhất của cuộc vận động. Cuối năm 1915, nhiều tin tức không hay của binh lính người Việt bên Pháp gửi về, cộng thêm tình hình trong nước làm dân tình xao xuyến. Một số người cầm đầu như nhóm Lê Ngung ở Quảng Nam nôn nóng muốn khởi nghĩa ngay. Trước tình hình đó, tháng 9-1915, Thái Phiên phải triệu tập các nhà yêu nước về Huế để bàn định. Những báo cáo từ các địa phưcmg cho thấy công việc chuẩn bị khởi nghĩa tuy đã khá nhưng chưa đầy đủ và đều. Ngay cả Huế, một trọng điểm của cuộc khởi nghĩa cũng chưa vận động được binh lính. Do đó, hội nghị quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa, đồng thời quyết định chính thức mời vua Duy Tân tham gia, giao cho Thái Phiên và Trần Cao Vân lo bố trí việc gặp mặt.
Công việc chuẩn bị khởi nghĩa lại được tiếp tục. Tháng 2-1916, Thái Phiên lại mời các nhà yêu nước về Huế và lần này hội nghị nhất trí phải khởi nghĩa ngay. Hội
nghị định ra quốc hiệu, quốc kỳ, quân kỳ, quốc đô và chính thể sau khi khởi nghĩa thành công. Hội nghị định nhật kì khởi nghĩa và kế hoạch hành động. Ngày khởi nghĩa được ấn định vào trung tuần tháng 5-1916.
Tiếp đó là mấy tháng chuẩn bị ráo riết cho cuộc khởi nghĩa. Thái Phiên và Trần Cao Vân ấn định khởi nghĩa vào tối mồng 3 rạng ngày 4-5-1916. Tuy vậy, việc chuẩn bị của những người lãnh đạo có nhiều sơ hở nên kế hoạch bị lộ. Thực dân Pháp nắm được kế hoạch khởi nghĩa từ hai ngày trước, do đó đã có kế hoạch ngăn chặn. Tại những nơi quan trọng như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế, thực dân Pháp ban lệnh giới nghiêm, tước vũ khí của binh lính người Việt, cho canh gác nghiêm ngặt, đồng thời bịt kín các đường giao thông quan trọng. Kế hoạch khởi nghĩa ở các nơi đều bị vỡ. Một vài nơi nhân dân không nắm được tình hình vẫn thực hiện theo kế hoạch nhưng đều thất bại. Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, hàng trăm người bị chém, trong đó có Thái Phiên và Trần Cao Vân, số còn lại bị giam ở nhà lao Thái Nguyên hoặc bị đày đi Lao Bảo và Côn Đảo.
Trong những năm chiến tranh tư sản người Việt trên cả nước nói chung và ở Trung Kỳ nói riêng đã có được vị trí nhất định trong tổng thể nền kinh tế. Trên cơ sở đó, tư sản người Việt bắt đầu thể hiện mong muốn có được những quyền lợi về kinh tế, chính trị mặc dù ý thức về chính trị chưa rõ ràng. Ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, nhiều tư sản đã cho ra đời một số tờ báo như là cơ quan ngôn luận thể hiện mong muốn của tầng lớp mình. Do đó, ở Bắc Kỳ thời kỳ này, ngoài những tờ báo ra đời từ trước như Nam Phong Tạp chí, Đông Dương Tạp chí, Việt Nam Phong tục... còn xuất hiện thêm một số tờ báo mới như Đại Việt Tạp chí, Diễn Đàn Bản xứ... Trên những tờ báo này, một số trí thức tư sản người Việt như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính… đã lên tiếng thể hiện quan điểm của mình về việc buôn bán, hoạt động công nghệ trong nước, đồng thời phần nào đó đã có tiếng nói “bênh vực cho người An Nam” [72, tr.80]. Ở Nam Kỳ những tờ báo như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn vẫn tồn tại và ra số đều đặn. Đây là một bước tiến trong hoạt động chính trị của tư sản người Việt ở khu vực Bắc Kỳ.
Đối với tư sản người Việt ở Trung Kỳ khi thế lực kinh tế phần nào đã lớn hơn trước chiến tranh ắt hẳn cũng có những mong muốn về quyền lợi kinh tế, chính trị như tư sản người Việt ở các khu vực khác. Tuy nhiên, do thế lực kinh tế còn yếu và chưa xuất hiện những tư sản lớn như Bắc Kỳ và Nam Kỳ nên mong muốn đó của tư sản người Việt ở Trung Kỳ chỉ là “ước vọng” mà thôi. Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ
nhất, tư sản người Việt ở Trung Kỳ chưa cho xuất bản được bất kỳ tờ báo nào với tư cách là cơ quan ngôn luận của tầng lớp mình. Thậm chí, cũng chưa có tư sản người Việt nào ở Trung Kỳ lên tiếng trên các tờ báo nhằm mục đích đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người Việt Nam nói chung và tầng lớp của họ nói riêng. Điều này phản ánh sự yếu đuối và có phần thua kém của tư sản người Việt ở Trung Kỳ so với khu vực Bắc Kỳ và Nam Kỳ về hoạt động chính trị. Trong khi tư sản người Việt ở khu vực Bắc Kỳ và Nam Kỳ đã có những hoạt động trong phong trào yêu nước của dân tộc dưới hình thức nói lên tiếng của họ trên báo chí công khai, hợp pháp nhằm cổ xúy cho lối làm ăn mới, luận bàn về tình hình sản xuất, kinh doanh, kĩ nghệ của nước nhà, đặc biệt là lên tiếng bênh vực quyền lợi cho người Việt Nam, thì tư sản người Việt ở Trung Kỳ chưa làm được điều này. Sự tham gia của họ dường như vẫn trong “tiềm thức”. Rõ ràng, khả năng tham gia phong trào yêu nước và tham gia đến mức độ nào của tư sản người Việt phụ thuộc lớn vào vị thế kinh tế của họ trong tổng thể nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực Trung Kỳ nói riêng.