ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TRONG 30 NĂM ĐẦU THẾ KỶ
4.2.2. Về chính trị xã hộ
Cùng với vai trò trong lĩnh vực kinh tế, tư sản người Việt ở Trung Kỳ còn có vai trò nhất định trên lĩnh vực chính trị - xã hội. Vai trò của họ trên lĩnh vực chính trị - xã hội thể hiện rõ nhất ở hoạt động của họ trong phong trào dân tộc dân chủ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930.
Vào đầu thế kỷ XX, khi giai cấp tư sản ở các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin… tiến hành tập hợp lực lượng, thành lập chính đảng, xây dựng đường lối tiến tới đánh đổ chế độ phong kiến và sự thống trị của các thế lực ngoại bang nhằm giành lại độc lập dân tộc thì ở Việt Nam nói chung và Trung Kỳ nói riêng, tư sản người Việt chỉ mới là một tầng lớp nhỏ bé trong xã hội, chưa đủ khả năng khởi xướng và lãnh đạo một phong trào dân tộc như những nước khác. Tuy vậy, trong phong trào dân tộc dân chủ đầu thế kỷ XX do tầng lớp sĩ phu yêu nước tiến bộ tư sản hóa lãnh đạo, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã tham gia bằng khả năng của mình.
Ý thức giai cấp của tư sản người Việt ở Trung Kỳ ở đầu thế kỷ XX chưa hình thành, nhưng trước sự lôi cuốn của phong trào yêu nước theo khuynh hướng mới, tầng lớp tư sản người Việt đã có những hành động ủng hộ, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh hơn. Thông qua hoạt động “chấn hưng thực nghiệp”, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã lén lút ủng hộ tiền bạc và cho con em mình tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu và các đồng chí của mình khởi xưởng; đồng thời dùng việc mở mang kinh doanh, lập các hội buôn, cổ vũ xây dựng, phát triển nền kinh tế dân tộc để hỗ trợ cho chủ trương đổi mới kinh tế - văn hóa của các sĩ phu Duy Tân. Những hoạt động này ít nhiều đã góp phần vào kết quả của các phong trào nói trên; đồng thời có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước, ý thức dân tộc và đả phá tư tưởng phong kiến đã lỗi thời, lạc
hậu, nhất là tư tưởng “trọng quan, khinh thương”, coi thường thực học và thực nghiệp trong việc xây dựng nước nhà.
Tư sản người Việt ở Trung Kỳ cùng với các lực lượng khác như thị dân, địa chủ phong kiến yêu nước, sĩ phu tiến bộ tư sản hóa là cơ sở xã hội của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Họ đã góp phần tạo ra phong trào yêu nước theo khuynh hướng mới- phong trào dân tộc đầu tiên trong lịch sử nước ta thời cận hiện đại. Do đó, tác giả Minh Tranh hoàn toàn có lý khi nhận định “Giai cấp tư sản Việt Nam đã làm sứ mạng dân tộc đúng với khả năng của họ; và trong những điều kiện mà lịch sử cho phép, họ đã làm một cách chủ động” [141, tr.51].
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư sản người Việt phát triển thành một giai cấp. Lúc này, ý thức giai cấp của họ đã hình thành. Và trước sự chèn ép của tư bản Pháp, đối xử bất bình đẳng của chính quyền thực dân, tư sản người Việt ở Trung Kỳ tỏ ra bực bội, phản ứng khá mạnh mẽ, dám lên tiếng bảo vệ và đòi các quyền lợi về kinh tế lẫn chính trị cho giai cấp của mình. Hơn thế nữa, thông qua báo chí với tư cách là cơ quan ngôn luận của giới tư sản người Việt, họ khởi xướng và cổ vũ cho hoạt động chấn hưng thực nghiệp; hô hào, kêu gọi những người trong giới của họ đoàn kết lại, lập thành những hội đoàn nhằm tăng sức mạnh về kinh tế lẫn tiếng nói trước tư bản Pháp. Đồng thời, cũng như tư sản dân tộc ở các nước khác, tư sản người Việt ở Trung Kỳ nói riêng và tư sản người Việt nói chung không giấu tham vọng muốn trở thành giai cấp nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Biểu hiện rõ nét nhất về đóng góp của tư sản người Việt ở Trung Kỳ cho phong trào dân tộc dân chủ ở những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất chính là họ đã có những hành động cụ thể xuất phát từ ý thức giai cấp của mình. Đó là tiến hành cuộc vận động dùng hàng nội hóa, bài trừ hàng ngoại hóa và tẩy chay khách trú (trong những năm 1919 - 1923), đòi giảm thuế xuất cảng đường (1923), chống độc quyền sản xuất nước mắm (1920 - 1926), đòi tham gia vào Phòng canh nông, Viện dân biểu Trung Kỳ. Mặc dù những cuộc đấu tranh cụ thể này chưa phải do tư sản người Việt ở Trung Kỳ khởi xướng và mục đích của nó là để đòi quyền lợi cho giai cấp của họ, nhưng ít nhiều nó đã thể hiện ở một mức độ nhất định tinh thần chống đế quốc và góp phần vào bước chuyển biến của phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Những hoạt động của tư sản người Việt ở Trung Kỳ nói riêng và tư sản người Việt trên cả nước nói chung với tư cách là một lực lượng yêu nước đấu tranh vì lợi ích giai cấp và phần nào cũng vì lợi ích dân tộc đã lôi kéo được các thành phần xã hội khác hưởng ứng theo, nhất là phong trào của tiểu tư sản trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1919 - 1925). Qua đó, góp phần cày xới miếng đất màu mỡ ở Việt Nam để Nguyễn Ái Quốc gieo hạt mầm chủ nghĩa cộng sản. Đúng như nhận xét của Lê Duẩn: “Do bị đế quốc chèn ép, giai cấp tư sản dân tộc cũng có mặt yêu nước. Trong sự nghiệp giải phóng của toàn dân tộc, họ đã có những đóng góp nhất định” [47, tr.28].
Tuy nhiên, do địa vị kinh tế thấp kém, nhỏ bé và có mối liên hệ kinh tế với đế quốc, phong kiến nên hoạt động của tư sản người Việt ở Trung Kỳ trong phong trào dân tộc dân chủ có nhiều hạn chế và không thể trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Xét về thái độ chính trị, tư sản mại bản đã hoàn toàn phản động, đi theo, cổ súy cho tư tưởng vong bản và tỏ thái độ ủng hộ, bảo vệ quyền lợi của đế quốc Pháp. Đây là đối tượng cách mạng phải đánh đổ. Tư sản dân tộc, do mâu thuẫn quyền lợi với thực dân Pháp nên ít nhiều có tinh thần dân tộc, chống lại thực dân Pháp. Tuy nhiên, vì địa vị kinh tế quá nhỏ bé và “vì chính họ cũng chưa hoàn toàn cắt đứt được liên hệ kinh tế với địa chủ và đế quốc, quyền lợi căn bản của họ lại ở chỗ bóc lột công nhân nên thái độ của họ thường nước đôi, đi với công nhân chống đế quốc nhưng vẫn sợ công nhân; muốn lợi dụng đế quốc để mưu thêm quyền lợi, nhưng lại căm đế quốc chèn ép” [37, tr.49]. Đối với phong kiến, giai cấp tư sản bị tàn tích phong kiến ngăn trở, họ có mâu thuẫn với phong kiến, nhưng vì lực lượng nhỏ bé, lại có liên hệ với kinh tế phong kiến, nhiều tư sản có nguồn gốc xuất thân từ địa chủ và quan lại phong kiến nên không tỏ thái độ chống phong kiến một cách tích cực, triệt để được.
Vì nhỏ yếu về kinh tế và thái độ lừng chừng, thiếu dứt khoát, kiên quyết trong đấu tranh với đế quốc Pháp và phong kiến, nên tư sản người Việt ở Trung Kỳ không thành lập được một đảng chính trị của giai cấp mình, không đề ra được một đường lối cách mạng đúng đắn, không lôi cuốn giai cấp nông dân liên minh với nó nên không thể lãnh đạo cách mạng. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, trước khi Đảng của giai cấp công nhân ra đời, nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giai cấp tư sản Việt Nam nói chung và tư sản người Việt ở Trung Kỳ nói riêng đã không thể hoàn thành được
một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, cũng không đề ra được nhiệm vụ của cuộc cách mạng này.
Tư sản người Việt ở Trung Kỳ sinh ra liền bị chủ nghĩa đế quốc dìm xuống không cho phát triển lên; bản thân nó phần thì còn bị ràng buộc trong những quan hệ bóc lột phong kiến, phần thì mới chỉ phát triển đến trình độ thương mại; một mặt cơ sở kinh tế đã quá yếu ớt, mặt khác vì chính trị không có điều kiện lôi cuốn nông dân vào cuộc đấu tranh của mình và cuối cùng đã liên tiếp thất bại. Quả là:
Ngọn cờ cách mạng hoặc cải lương của tư sản dân tộc yêu nước chỉ thấy lác đác phấp phới trong một số thành phố đang thức tỉnh đứng giữa một cái đại dương nông thôn lúc bấy giờ nói chung im lặng ngủ yên. Cơn “mưa Âu gió Á” cũng mới chỉ bay lớt phớt trong một số địa phương lẻ tẻ rời rạc nhau chứ chưa tưới hoặc thổi được trên khắp đất nước Việt Nam bao la từ Nam quan miền Bắc đến mũi Cà Mau của Nam Bộ [141, tr.51].
Tuy nhiên, tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng đã làm sứ mạng dân tộc đúng với khả năng của họ. Sứ mạng ấy gồm cả mặt kinh tế và mặt chính trị. Các hoạt động trong phong trào dân tộc, các cuộc đấu tranh giành quyền lợi kinh tế với tư bản ngoại quốc, nhất là hoạt động chấn hưng công thương nghiệp dân tộc phần nào đã hỗ trợ các hoạt động yêu nước, phát triển nền kinh tế dân tộc theo hướng tư bản chủ nghĩa, đẩy lùi nền kinh tế cổ truyền, lạc hậu ra phía sau. Trên một phương diện nào đó, tiếng vang của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX có phần đóng góp của tư sản người Việt ở Trung Kỳ nói riêng và tư sản người Việt trên cả nước nói chung. Bản thân tư sản dân tộc là một bộ phận có tinh thần dân tộc, có tinh thần cách mạng. Do đó, Trường Chinh đã đúng khi cho rằng “trong điều kiện nhất định của cách mạng dân tộc dân chủ, họ là một trong những động lực cách mạng và là bạn đồng minh của cách mạng” [37, tr.60] và Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn có lý khi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã xác định tư sản dân tộc là một lực lượng cần lôi kéo, lợi dụng trong quá trình tiến hành cách mạng. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản bắt đầu từ đầu thế kỷ XX và chấm dứt vào năm 1930 giống như dấu gạch nối của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1930.
Đầu thế kỷ XX, tầng lớp tư sản người Việt đã xuất hiện. Sự ra đời của tầng lớp này dựa trên những điều kiện bên trong và tác động của những yếu tố bên ngoài. Trong đó, chính sách thống trị của thực dân Pháp là nhân tố chi phối rất lớn đến sự ra đời và phát triển của tư sản người Việt ở Trung Kỳ. Chính những điều kiện này cùng với sự không thuần nhất trong nguồn gốc xuất thân khiến tư sản người Việt ở Trung Kỳ ngoài những đặc điểm chung với tư sản các nước châu Á khác và tư sản người Việt trên cả nước, lại có đặc điểm riêng của mình.
Từ khi ra đời (đầu thế kỷ XX) cho đến năm 1930, tư sản người Việt ở Trung Kỳ có bước chuyển biến trong hoạt động kinh doanh. Đến những năm 1919 - 1930, họ đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, có mặt ở một số ngành công nghiệp, lập ra công ty, xí nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, tư sản người Việt ở Trung Kỳ hoạt động kinh doanh thiên về thương nghiệp. Xét trên mọi phương diện, vị thế kinh tế của họ không chỉ thua xa tư sản ngoại quốc mà còn thua kém tư sản người Việt ở khu vực Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Tư sản người Việt ở Trung Kỳ ra đời và trưởng thành một bộ phận có địa vị kinh tế, ý thức giai cấp muộn, nhất là bộ phận tư sản công nghiệp và là lực lượng nhỏ bé trong xã hội, có thế lực kinh tế yếu ớt, lệ thuộc vào tư sản Pháp, bị tư sản Pháp chi phối trên nhiều mặt. Khi ra đời liền phân hóa thành hai bộ phận: tư sản dân tộc và tư sản mại bản, khác nhau về quyền lợi kinh tế và thái độ chính trị.
Mặc dù là một lực lượng nhỏ bé nhưng tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã góp phần thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển của thành phần kinh tế tư bản dân tộc ở khu vực Trung Kỳ, đẩy lùi kinh tế phong kiến ra phía sau. Do đó, thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa của người Việt đã có một vị trí nhất định trong tổng thể nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, do chính sách thống trị của thực dân Pháp cộng với đặc điểm của khu vực và sự yếu kém về kinh tế của tư sản người Việt, kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Trung Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung không được tự do phát triển, bị kìm kẹp và không giống ở các nước khác. Đây là kiểu kinh tế tư bản dưới hình thái thực dân, có nhiều hạn chế. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc Việt Nam không thể trở thành một nước tư bản thực sự được.
Từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1930, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã tích cực tham gia phong trào dân tộc dân chủ theo khả năng của mình, góp phần vào thành quả
chung của phong trào yêu nước - cách mạng ở Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, tư sản người Việt ở Trung Kỳ chưa thành lập được một chính đảng của giai cấp mình, chưa vạch ra đường lối đúng đắn và chưa đủ sức lôi cuốn quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh của họ chỉ là tiếng nói phản ánh lợi ích kinh tế- chính trị cho giai cấp họ. Vì thế, tư sản người Việt ở Trung Kỳ chưa bao giờ là lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam.
KẾT LUẬN
Qua kết quả nghiên cứu đạt được, chúng tôi rút ra những kết luận sau: