Sự trưởng thành của tư sản người Việt ở Trung Kỳ

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 88 - 112)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ NĂM 1914 ĐẾN NĂM

3.2.2. Sự trưởng thành của tư sản người Việt ở Trung Kỳ

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã vươn lên nhanh chóng, trở thành bộ phận người có địa vị kinh tế trong xã hội. Quá trình hình thành và trưởng thành của tư sản người Việt ở Trung Kỳ bắt đầu từ thời Pháp thuộc- khi nền kinh tế hàng hóa giản đơn phát triển dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa tới mức độ làm nảy sinh mầm mống quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam; cho tới khi tư sản người Việt trở thành một tập đoàn người có một địa vị kinh tế riêng. Trên cơ sở kinh tế đó, bộ phận kinh tế của tư sản người Việt sẽ mâu thuẫn với những bộ phận kinh tế khác kìm hãm nó phát triển. Lúc đó, ý thức của giai cấp tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng đồng thời nảy sinh để bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp họ. Như vậy, sự trưởng thành của tư sản người Việt ở Trung Kỳ trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất thể hiện trên hai khía cạnh: thế lực kinh tế và ý thức giai cấp.

Về thực lực kinh tế, trước và trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư sản người Việt có thế lực kinh tế không đáng kể trong tổng thể nền kinh tế khu vực Trung Kỳ. Các xí nghiệp của họ lập nên phần lớn là những công trường thủ công nhỏ bé, thường chỉ có vài chục công nhân. Cao nhất là một số lò gốm ở Thanh Hóa, sử dụng 50 - 60 công nhân. Trong các xí nghiệp, kỹ thuật sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc hiện đại còn rất hiếm hoi, mặc dù đã có nhiều người tìm cách cải tiến kỹ thuật sản xuất. Người thợ thủ công dựa vào bàn tay khéo léo của họ với sự hỗ trợ của những công cụ thô sơ để làm ra sản phẩm. Ngay cả những người thuộc vào loại nổi bật nhất của tư sản người Việt ở Trung Kỳ lúc bấy giờ như Trịnh Văn Ngấn, Phạm Văn Phi cũng chưa thể so sánh ngang hàng với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều.

Trước năm 1919, ở Trung Kỳ đã hình thành một số hội buôn, công ty được xem là tiêu biểu cho hoạt động kinh doanh không chỉ của tư sản người Việt ở Trung Kỳ mà cả của tư sản người Việt trên cả nước như Công ty Phượng Lâu (Thanh Hóa), Quảng Nam hiệp thương công ty (Quảng Nam); Công ty Liên Thành (Phan Thiết), nhưng số vốn của những công ty này so với các công ty của tư sản Pháp còn thua xa. Đó là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra hình thức hùn vốn cùng kinh doanh, thậm chí có sự tham gia của những sĩ phu yêu nước. Do đó, có khi đến 6 - 7 người mới mua được một cổ phần, giá trị chỉ 50 đồng. Điều đó nói lên tình trạng nhỏ yếu của tư sản người

Việt ở Trung Kỳ về vốn, quy mô sản xuất, kinh doanh. Và cố nhiên sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh cũng chưa cao so với tư sản Pháp.

Tư sản người Việt ở Trung Kỳ cũng muốn vươn lên mở rộng phạm vi kinh doanh, nhưng trước sự chèn ép, cản trở của tư bản Pháp; cộng với qui mô sản xuất trong những xí nghiệp chỉ có vài chục công nhân, trình độ kỹ thuật thấp kém thì việc đặt chân vào kinh doanh trong những ngành công nghiệp hiện đại càng khó khăn gấp bội. Điều đó lý giải vì sao, ở Trung Kỳ không có những đại tư sản, thương nhân lớn, tầm cỡ như Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Hơn nữa, địa vị kinh tế của họ cũng rất non yếu. Hàng hóa trên thị trường nếu không phải hàng ngoại hóa nhập cảng thì cũng là hàng của tư bản Pháp hay của tư bản Hoa kiều ở Việt Nam sản xuất ra. Đó là chưa kể phần lớn hàng tiêu dùng do thợ thủ công sản xuất. Nói về địa vị của những người sản xuất hàng hóa ở Việt Nam trên thị trường, các sĩ phu Duy Tân đã từng thốt ra: “Của báu núi rừng ta không được hưởng nguồn lợi, trăm thứ hàng hóa ta không nắm được lợi quyền. Cho đến các hàng vóc, nhiễu, nhung, len, vải, giày, dép, khăn tay, mục kỉnh, dù che, dầu hỏa, ống nói, kính hiển vi, kính ảnh, bút Tàu, kim chỉ, khuy cúc, phẩm nhuộm, xà phòng, diêm, bánh sữa, thuốc bắc, thuốc lá, rượu, chè… không mua của Tàu thì cũng mua của Tây cả” [22, tr.40]. Còn việc buôn bán xuất nhập cảng, tuy đã có một số hội buôn buôn hàng đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, từ trong nước ra ngoài nước, nhưng hoạt động của họ chỉ mới bước đầu, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tỷ trọng xuất nhập khẩu thời bấy giờ. Lấy số liệu xuất - nhập khẩu năm 1912 để chứng minh; tổng khối lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cảng biển của Việt Nam năm 1912 là 3.086.413 tấn, trong đó khối lượng hàng của thương nhân người Việt chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ 0,18% (tương đương 2.951 tấn) [158, tr.466].

Sự yếu đuối của tư sản người Việt ở Trung Kỳ còn thể hiện ở chỗ không những nó chưa đủ sức lực đấu tranh với tư sản ngoại quốc. Những sĩ phu Duy Tân, vận động các nhà công thương nghiệp gắng theo gương Duy Tân Nhật Bản. Một số phần tử cải lương còn tỏ lòng ước vọng học tập kỹ nghệ của tư sản Pháp.

Từ sau khi chiến tranh thế giới kết thúc thế lực kinh tế của tư sản người Việt ở Trung Kỳ không ngừng tăng lên hơn so với trước. Điều đó thể hiện rõ ở những biểu hiện sau:

Thứ nhất, tư sản người Việt ở Trung Kỳ tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có cả những ngành quan trọng.

Trước những thuận lợi mới, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã vươn lên mạnh mẽ trong tất cả các ngành. Hoạt động kinh doanh của họ không chỉ giới hạn ở một số

lĩnh vực như trước đây mà đã mở rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những ngành công nghiệp quan trọng.

Nhiều hãng buôn mới được thành lập như Nam Hưng tư nghiệp hội xã ở Hội An, Hưng nghiệp hội xã ở Thanh Hóa, Trung Kỳ thiệt nghiệp công ty (Quảng Ngãi)…, bán nhiều loại hàng khác nhau, không chỉ lâm thổ sản, nông phẩm mà cả rượu, vải vóc, gạch ngói và các loại hàng xa xỉ phẩm; đồng thời, có quan hệ làm ăn với cả tư sản nước ngoài. Hãng buôn Tiên Long thương đoàn có mối buôn lụa với thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Java, Bombay.

Nghề sản xuất nước mắm đã có sự tham gia đông đảo của tư sản người Việt ở Trung Kỳ. Nhiều xưởng sản xuất nước mắm được lập ra ở Phan Thiết, Phan Rí, Phú Hài, Mũi Né… Một trong những hãng nước mắm lớn nhất ở Trung Kỳ là Liên Thành. Xuất phát từ một công ty thương mại, những người sáng lập đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, lập nhiều xưởng sản xuất nước mắm. Nước mắm của Liên Thành có khả năng cạnh tranh cao với các hãng nước mắm khác của cả tư sản người Việt và tư sản Pháp.

Ở lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, bên cạnh các tập đoàn tư bản Pháp có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh này, một bộ phận tư sản người Việt đã mạnh dạn cạnh tranh với tư sản Pháp. Tiêu biểu cho số này có Phạm Văn Phi, Minh Tâm, Tạ Quang Châu, Vương Đình Châu, Phúc Vinh… Họ lập các công ty chuyên chở hành khách, hàng hóa ở cả đường bộ và đường thủy. Công ty của Phúc Vinh chuyên kinh doanh vận tải đường sông ở khu vực Nghệ An [69, tr.176]. Hay như Phạm Văn Phi từ một chủ xưởng sửa chữa xe ô tô, ông đã phát triển lên thành một doanh nghiệp vận tải, chuyên chở khách và hàng hóa với nhiều tuyến xuất phát từ Trung Kỳ đi các khu vực khác và sang Lào.

Điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tư sản người Việt ở Trung Kỳ thời kỳ này là đã bắt đầu tham gia kinh doanh ở những ngành công nghiệp quan trọng vốn trước đây thuộc độc quyền của tư bản Pháp như in ấn, sản xuất bóng đèn, chế biến lâm sản… Do đó, bên cạnh tư sản thương nghiệp là phổ biến trước đây, ở Trung Kỳ đã thấy tư sản công nghiệp xuất hiện. Mặc dù số lượng còn khá khiêm tốn so với khu vực khác nhưng đó là biểu hiện của sự trưởng thành về thế lực kinh tế rất rõ nét của tư sản người Việt ở Trung Kỳ.

Những năm 1919 - 1930, xuất hiện nhiều nhà in, ngoài nhà in Đắc Lập của Bùi Huy Tín ở Huế còn xuất hiện thêm nhà in Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng, nhà in của Vương Đình Châu, Nguyễn Đức Tư ở Vinh…

Xưởng cưa gỗ của Lê Viết Lới ở Bến Thủy có nhiều tiến bộ, có thể xẻ được đủ kích thước gỗ, sử dụng từ 30 - 40 công nhân. Hoạt động của xưởng diễn ra quanh năm. Bên cạnh đó, xưởng này còn sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ xuất cảng ra nước ngoài, thu lãi hàng vạn đồng mỗi năm.

Năm 1928, công ty Nam Đồng Ích- một công ty cổ phần, kinh doanh nhiều mặt hàng đã xây dựng nhà máy sản xuất rượu đặt tại Thanh Hóa. Tiếp đó, công ty Nam Long cũng thành lập với chức năng chính là sản xuất, kinh doanh rượu. Lê Văn Nhẫn và Trần Sanh Thoại mở xưởng chế biến xà phòng ở Quy Nhơn (Bình Định).

Đặc biệt, ở Thanh Hóa, nhà tư sản Hoàng Văn Ngọc đã bỏ vốn xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Điều này thể hiện rõ bước trưởng thành của tư sản người Việt ở Trung Kỳ trong những năm 1919 - 1930 [57, tr.61].

Thứ hai, mở rộng cơ sở sản xuất, tăng cường hoạt động kinh doanh và tích lũy tư bản

Những năm 1919 - 1930, thương nhân Trung Kỳ hoạt động mạnh hơn bao giờ hết. Đặc biệt là khi chiến tranh đang diễn ra và trong khoảng thời gian đầu sau chiến tranh (1919 - 1924)- khi tư bản Pháp chưa tăng cường đầu tư quy mô lớn vào Đông Dương, hàng hóa từ những vùng chuyên sản xuất như nhiễu, lụa, bông, gốm… được vận chuyển đi khắp nơi với tốc độ, quy mô tăng lên nhanh chóng. Số thuyền buôn và lượng hàng hóa của thương nhân người Việt ra vào các cửa biển ngày càng tăng. Nếu như năm 1912, khối lượng hàng hóa của thương nhân người Việt qua các cảng là 2.951 tấn, thì đến năm 1923, con số đó là 22.692 tấn [145].

Do tích cực hoạt động trên thị trường, trong một thời gian ngắn, nhiều hãng buôn ở Trung Kỳ đã thu được những món lời lớn, tích lũy được nhiều tư bản, vốn của họ tăng lên nhanh chóng. Công ty Liên Thành buôn nước mắm và hàng nội hóa, số vốn năm 1907 chỉ có 93.200 đồng, năm 1920 cũng tăng thành 200.000 đồng [23, tr.42]. Từ sự phát tài như trên, nhiều chủ hãng buôn không còn là những nhà buôn đơn thuần nữa, mà trở thành những chủ xí nghiệp khá lớn. Nguyễn Tấn Hà- chủ công ty Nam Hưng tư nghiệp hội xã, buôn bán xuất - nhập cảng ở Hội An, sau một thời gian mở thêm xí nghiệp ươm tơ, dệt lụa, nhuộm lụa ở Quảng Nam. Đào Thao Côn chủ công ty buôn Hưng Nghiệp hội xã, thành lập năm 1926 ở Thanh Hóa, với số vốn 50.000 đồng đã vươn ra mở xí nghiệp dệt cói ở Thanh Hóa, Hà Nội với số vốn 30.000 đồng [20, tr.92].

Chính công ty Liên Thành cũng từ một hãng buôn, đã tiến lên mở xưởng sản xuất nước mắm ở nhiều địa điểm thuộc Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn cung cấp cho thị trường. Nhu cầu lớn về hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước cũng đã thúc đẩy nhiều thợ thủ công đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất của mình và bước vào hàng ngũ tư sản. Lê Quang Long ở Thanh Hóa, Bùi Dương ở Quảng Nam, Lê Văn Nhẫn ở Bình Định, trước đó là những thợ thủ công cá thể nhưng do nắm được cơ hội kinh doanh, đã mở rộng cơ sở sản xuất, thuê mướn nhiều nhân công, trở thành những chủ xí nghiệp.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, những công ty thành lập từ trước cũng mở rộng phạm vi kinh doanh, cạnh tranh kịch liệt với tư bản Pháp. Điển hình cho số này là các công ty Hào Hưng, Phạm Văn Phi, Phúc Vinh, Minh Tâm… Phạm Văn Phi, năm 1912, từ Hà Nội vào Vinh khởi nghiệp bằng một cơ sở sửa chữa ô tô cho các hãng vận tải của tư bản Pháp, với số vốn ban đầu chỉ có 15.000 phơrăng. Năm 1922, doanh thu tăng lên gấp 6 lần số vốn ban đầu là 90.000 phơrăng. Năm 1923, số vốn là 155.000 phơrăng và năm 1924 tăng lên đến 200.000 phơrăng [167, tr.8]. Công ty vận tải ô tô Hào Hưng ở Quảng Nam cũng phát triển nhanh chóng. Khi thành lập công ty chỉ có số vốn 1.200 đồng, năm 1929 đã tăng vọt lên đến 60.000 đồng [23, tr.50].

Bên cạnh những công ty, hãng buôn đã thành lập trước đây phát triển lên, thời kỳ này, hàng loạt hãng buôn, công ty mới cũng được thành lập. Họ mở xí nghiệp sản xuất đủ loại mặt hàng từ vải vóc, chè uống đến làm đồ gỗ, đúc dụng cụ kim khí, sản xuất đường, rượu, nước mắm…

Công ty Nam Đồng Ích chuyên sản xuất nước mắm, rượu; buôn bán lâm hải sản, bao thầu công việc công chính được thành lập ở Vinh và có chi nhánh ở nhiều tỉnh với số vốn lên đến 100.250 đồng, chia làm 4.010 cổ phần. Hãng sản xuất chè uống Tiên Long của Trần Quang Bính và Trần Quang Huy mở chi nhánh ở Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội. Ở Huế cũng ra đời xưởng sản xuất khăn mặt Vĩnh An sử dụng tới 50 công nhân, xưởng sản xuất bóng đèn của Nguyễn Văn Tài. Ở Thanh Hóa có lò nấu gang của Lê Văn Tài. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi hình thành các công- xi làm đường, thuê công nhân sản xuất đường xuất khẩu. Các hãng buôn lớn cũng được thành lập như Trung Kỳ thiệt nghiệp công ty của Huỳnh Khâm thành lập năm 1926, hãng buôn Quảng An Long chuyên xuất cảng gạo, muối, ngô, nước mắm mở các cửa hiệu ở Hội An, Huế, Đồng Hới, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang… Tới những năm 1923 - 1925, nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ vẫn tiếp tục mọc lên như xưởng dệt nhiễu của Nguyễn

Đức Anh, Trần Chi, Trương Hiền, Đỗ Thung ở Bình Định; hiệu dệt nái của Nguyễn Trú, Trần Cư ở Hà Tĩnh; xưởng sản xuất thuốc lá Nguyễn Tứ Tri ở Đắc Lắc; nước mắm của Võ Huy, Nguyễn Thị Thang ở Nha Trang… [162].

Điều đáng lưu ý là những cơ sở sản xuất, kinh doanh được lập ra trong thời kỳ này không phải chỉ đơn thuần là những công trường thủ công nhỏ bé như trước đây nữa mà đã là những xí nghiệp tư bản chủ nghĩa rõ rệt. Số lượng công nhân ở trong những xí nghiệp này không phải chỉ độ chục người như trước đây, mà lên tới hàng mấy chục người, thậm chí có cơ sở lên đến hàng trăm công nhân. Công ty vận tải ô tô của Phạm Văn Phi lúc làm ăn phát đạt có 3 đốc công, 150 công nhân và người học việc [164]; xưởng sản xuất khăn mặt Vĩnh An sử dụng 50 công nhân [23, tr.47]; cơ sở chế biến gỗ của Lê Viết Lới sử dụng gần 50 công nhân.

Sản phẩm từ các sở sản xuất của tư sản người Việt ở Trung Kỳ làm ra không phải chỉ lưu thông ở từng địa phương nhỏ hẹp mà được đem bán trong cả nước, thậm chí xuất khẩu sang cả Hồng Kông, Thượng Hải, Xiêm, Lào, Java, Singapo… [65, tr.214-221]. Điều đó chứng tỏ thời kỳ này, tư sản người Việt ở Trung Kỳ không chỉ thiên về lập công ty thương mại, mà đã hướng vào việc lập xưởng sản xuất hàng hóa bán ra thị trường. Đó là biểu hiện của sự trưởng thành về tư duy kinh doanh, kinh nghiệm thương trường và hơn nữa là vốn.

Nhờ tích cực hoạt động sản xuất, kinh doanh mà tư sản người Việt ở Trung Kỳ đẩy nhanh quá trình tích lũy. Số vốn tăng lên nhanh chóng, một số cơ sở sản xuất số vốn lên đến hàng trăm ngàn đồng. Công ty Liên Thành ở Phan Thiết năm 1920 số vốn lên đến 200 ngàn đồng; số vốn của Công ty vận tải ô tô Phạm Văn Phi năm 1924 lên

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 88 - 112)