Lĩnh vực công nghiệp và thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 44 - 48)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914)

2.2.1.1.Lĩnh vực công nghiệp và thủ công nghiệp

Trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị Việt Nam, chủ trương nhất quán của chúng là không phát triển công nghiệp thuộc địa. Có chăng đi nữa, thực dân Pháp chỉ

phát triển có chừng mực một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến nông sản phẩm, nhằm bổ sung cho công nghiệp chính quốc. Ngày 23- 3- 1897, toàn quyền Đông Dương Poul Doumer đã báo cáo chính phủ Pháp rằng: “Nếu việc xây dựng công nghiệp cần được khuyến khích ở thuộc địa thì chỉ trong giới hạn không hại đến công nghiệp chính quốc. Công nghiệp chính quốc cần được bổ sung chứ không phải là để phá sản bởi công nghiệp thuộc địa” [99, tr.14]. Cũng với tinh thần ấy, năm 1900, Bộ trưởng Méline viết “Trong một tổ chức thuộc địa tốt, sự sản xuất phải đóng khung trong phạm vi cung cấp cho chính quốc những nguyên liệu hay những sản vật mà chúng ta thiếu” [53, tr.29]. Do đó, tư bản Pháp chỉ bỏ vốn nhiều vào các ngành khai thác nguyên liệu như than, thiếc, kẽm; trồng cao su và các cây công nghiệp khác. Chỉ có ít vốn bỏ vào lập xí nghiệp công nghiệp để phục vụ cho bộ máy thống trị như điện, vận tải; hay những xí nghiệp chế biến không có hại cho công nghiệp chính quốc như rượu, diêm, dệt... Điều đó thể hiện rõ trong cơ cấu vốn đầu tư của tư bản Pháp vào Đông Dương từ năm 1888 đến năm 1918. Trong tổng số 492 triệu phơrăng đầu tư vào Việt Nam thì 249 triệu phơrăng đầu tư vào khai mỏ, 128 triệu phơrăng vào vận tải, 75 triệu vào thương nghiệp và 40 triệu vào nông nghiệp [25, tr.59].

Chính sách hạn chế phát triển công nghiệp bản xứ của thực dân Pháp lẽ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp của tư sản bản xứ. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn như vậy, tư sản người Việt ở Trung Kỳ muốn phát đạt trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng. Ngay từ những năm đầu chiếm đóng Việt Nam, thực dân Pháp đã chú ý ngăn cản tư sản người Việt ở Trung Kỳ thành lập xí nghiệp, công ty lớn, có khả năng cạnh tranh với các công ty tư bản Pháp. Dẫn ra đây một ví dụ cụ thể đối với công nghiệp mía đường Trung Kỳ. Vào cuối thế kỷ XIX, khi tìm hiểu công nghệ sản xuất mía đường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lanessan đã cảnh báo tư bản Pháp như sau: “Các nhà công nghiệp Pháp cần đề phòng tình trạng đã xảy ra như ở Bom - bay. Ở Bom - bay, các xưởng dệt không phải ở trong tay tư bản Anh mà là ở trong tay các nhà tư bản bản xứ, các nhà công nghiệp bản xứ” [25, tr.60]. Nhận lời khuyến cáo của Lanessan, Hội nghiên cứu Đông Dương chủ trương nên để cho tư bản Pháp mở xí nghiệp sản xuất, còn nhà làm đường Trung Kỳ chỉ nên để đóng vai trò trồng mía, cung cấp nguyên liệu hoặc có chăng chỉ giới hạn với quy mô sản xuất nhỏ.

Mặc dù chính sách chèn ép công nghiệp Việt Nam của thực dân Pháp là thường xuyên và đầy tính toán, nhưng một số tư sản người Việt ở Trung Kỳ không chịu thoái

lui. Trong quá trình kinh doanh, một khi có điều kiện thuận lợi lập tức họ tìm cách để bước vào kinh doanh các ngành công nghiệp phù hợp với điều kiện vốn có, đồng thời chuyển đổi phương thức kinh doanh trong các ngành thủ công nghiệp. Hơn nữa, do nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và của người Pháp trong và sau khi quá trình đánh chiếm nên một số làng nghề thủ công ở Trung Kỳ có điều kiện hoạt động mạnh hơn. Các chủ xưởng sản xuất nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường. Nhiều thành thị trở thành trung tâm buôn bán của thị trường cả nước, hàng hóa từ các làng nghề được vận chuyển ra Bắc, vào Nam bán. Do đó, đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện những nhà tư sản trong một số ngành công nghiệp và thủ công nghiệp như làm đường, dệt, gốm sứ…

Trong ngành sản xuất đường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có những chủ sản xuất tiến hành cải tiến trục ép mía để tăng năng suất. Từ những bàn trục bằng gỗ dùng sức kéo của trâu, bò phổ biến trước đây, nhiều chủ xưởng đã đầu tư vốn mua bàn trục ép bằng sắt. Bằng việc đầu tư vào công cụ sản xuất, năng suất sản xuất đường ở đây đã tăng lên. Điều đó được minh chứng qua báo cáo của khâm sứ Trung Kỳ năm 1903: “Việc sản xuất đường hiện nay nhiều không thể kể xiết, các trục ép mía làm việc suốt ngày đêm, thiếu cả thuyền mành đi biển để chở bao đường ra Faifo và Đà Nẵng” [148, tr.79]. Một điều đáng chú ý nữa là những chủ xưởng sản xuất đường khi đã có một số vốn nhất định trong tay, để tận thu lợi nhuận tối đa, họ đã dùng tiền kiếm được mua thêm ruộng đất trồng mía làm nguyên liệu và sản xuất lúa.

Phương thức kinh doanh trên của các chủ xưởng sản xuất đường cho thấy từ đầu thế kỷ XX, họ đã tích lũy được một số tư bản nhất định, đồng thời sự phân hóa trong đội ngũ thợ thủ công làm đường thể hiện ở việc tập trung tư bản trong tay một số người và làm phá sản những người khác cùng ngành diễn ra khá phổ biến. Bởi vì, để mua một trục ép mía bằng sắt loại nhỏ phải mất 115 đồng, còn loại lớn giá 230 đồng, trong khi đó trục ép bằng gỗ chỉ có giá 20 đồng [22, tr.38]. Số tiền đó vào thời điểm bấy giờ và đối với các chủ xưởng làm đường không phải là nhỏ. Chính thông qua làm ăn phát đạt, tích lũy được nhiều tiền bạc nên “có nhiều chủ nhân làm nhà gạch, mua đất tư, còn các bạn cùng làm thì khổ một vẫn hoàn khổ một” [103]. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là số lượng những chủ xưởng có khả năng đầu tư cải tiến kỹ thuật sản xuất như trên không nhiều, qui mô sản xuất còn nhỏ, việc sử dụng trục ép bằng gỗ vẫn còn phổ

biến. Mặc dầu vậy, đây cũng là tiền đề quan trọng để thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Trung Kỳ xuất hiện các “công xi” sản xuất đường quy mô lớn ở Trung Kỳ.

Trong ngành gốm cũng đã xuất hiện một số xưởng sản xuất làm ăn phát đạt. Từ cuối thế kỷ XIX, ở Trung Kỳ hình thành những vùng chuyên sản xuất gốm nổi tiếng ở Thanh Hóa, Phan Thiết, Thừa Thiên Huế… Trên cơ sở đó, đến đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện một số xưởng sản xuất và chủ xưởng lớn. Tại Thanh Hóa, các xã Đức Thọ (thị xã Thanh Hóa), Thổ Phương (Đông Sơn), Doanh Xá (phủ Thiệu Hóa) có khoảng 25 lò sản xuất gốm [11, tr.250]; ở Thọ Hạc, Cốc Hạ (sát thị xã Thanh Hóa) có 30 - 35 lò chum và tiểu sành [20, tr.56]. Đặc biệt, ở vùng Tư Mỹ thuộc phủ Quảng Hóa (cách Đò Lèn 10 km) xuất hiện một cơ sở sản xuất gốm nổi tiếng của Nguyễn Văn Viễn. Theo tài liệu ghi lại, Nguyễn Văn Viễn gốc ở Nam Định, năm 1910, ông vào vùng Tư Mỹ khai thác đất và xây dựng lò sản xuất đồ sứ. Các loại bát, đĩa sứ do cơ sở ông sản xuất đẹp và tốt như đồ sứ Móng Cái (Quảng Ninh); còn chum, vại thì to hơn, có chất lượng tốt và hình thức đẹp hơn loại sản xuất ở Hương Canh (Vĩnh Yên) [11, tr.248, 250]. Khi lập cơ sở sản xuất, ông đã tuyển cả thợ ở Móng Cái về cùng người địa phương sản xuất đồ gốm. Vì thế, cơ sở sản xuất này làm ăn phát đạt, chiếm lĩnh được thị trường và là dấu hiệu của sự phát triển về mặt chất lượng của tiểu thủ công nghiệp với tính chất tư bản chủ nghĩa rõ rệt. Với phương thức kinh doanh đó, Nguyễn Văn Viễn giàu lên nhanh chóng, trở thành một nhà tư sản trong ngành sản xuất gốm.

Trong ngành dệt ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam cũng đã có một số chủ xưởng giàu lên nhanh chóng. Từ cuối thế kỷ XIX, ở những địa phương này đã hình thành những vùng chuyên ươm tơ, dệt lụa, nhiễu, the và đã có hiện tượng thuê mướn nhân công trong quá trình sản xuất. Theo báo cáo của Tổng lãnh sự Pháp tại Quy Nhơn là De Vérnéville, ngày 4-2-1881, trong tỉnh Bình Định có 7 tổng có nghề dệt nhiễu là Nhơn Ngãi, An Ngãi (thuộc phủ An Nhơn); Dương An, Nhơn An (thuộc huyện Tri Phước); Trung Sơn, Tài Lương, Yên Sơn (thuộc huyện Hoài Nhơn), với tổng cộng 34 khung dệt. Trong đó có một số làng tập trung nhiều khung dệt như Gò Mít (tổng An Ngãi) có 10 khung dệt, làng Phố Trạch (tổng An Nhơn) có 12 khung dệt [166]. Cũng theo De Vérnéville, việc thuê mướn nhân công đã có, mỗi khung dệt thuê 4 thợ, mỗi thợ đảm nhiệm một công đoạn trong quy trình dệt. Giá nhân công trong thời gian này rất hạ, mỗi tấm nhiễu hạng thường người chủ phải trả tiền thuê nhân công 7 quan, còn tiền lãi là 5 - 6 quan.

Sang đầu thế kỷ XX, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất theo hướng hiện đại và hướng theo lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa, một số tư sản người Việt ở Trung Kỳ sau một thời gian tích lũy vốn đã đầu tư mua máy dệt kiểu mới thay cho khung cửi truyền thống trước đây, xây dựng xưởng thợ, thuê nhân công, tiến hành sản xuất. Đa phần những xưởng sản xuất này ra đời ở những địa phương có nghề dệt truyền thống nổi tiếng trước đây và sau một thời gian, một số người xây dựng thêm xưởng ở khu vực thành thị. Điển hình như trường hợp Lê Văn Nhẫn. Lê Văn Nhẫn ban đầu chủ xưởng dệt nhỏ ở An Nhơn (Bình Định). Sau khi người Pháp mở nhà máy dệt Delligon ở Phú Phong và các phân xưởng ở rải rác các huyện của tỉnh Bình Định, Lê Văn Nhẫn lập xưởng dệt Flachet ở Nhơn Hòa (An Nhơn- Bình Định), với 4 máy dệt kiểu mới. Một thời gian sau, ông tiếp tục mở xưởng dệt tại thành phố Quy Nhơn [12, tr.268].

Ngoài những ngành nêu trên, ở Trung Kỳ cũng xuất hiện một số người bỏ vốn ra kinh doanh trong nghề làm đồ sắt, sản xuất nông cụ, vật liệu làm nhà. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ, sản xuất theo kiểu “lấy công làm lời”, chưa có tính chất tư bản chủ nghĩa nên những người chủ này mới chỉ là các tiểu chủ, chưa phải là nhà tư sản thực thụ.

Trong công nghiệp, do thực dân Pháp thực hiện chính sách kìm hãm, hạn chế phát triển và khả năng về vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh chưa có nên hầu như chưa có tư sản người Việt nào ở Trung Kỳ tham gia trong lĩnh vực này. Đặc biệt là trong các ngành sản xuất có tính chất cơ khí, in ấn. Có chăng trong công nghiệp chế biến xuất hiện một vài xưởng sản xuất nhưng quy mô của những xưởng sản xuất này còn nhỏ và rất ít.

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 44 - 48)