Điều kiện trong nước

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 30 - 44)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914)

2.1.1.2. Điều kiện trong nước

Từ trước tới nay, khi đề cập đến sự ra đời của giai cấp tư sản, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận phải xuất phát từ sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Những điều kiện đầu tiên để nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát sinh là sản xuất hàng hóa và mối trao đổi trên thị trường phải phát triển đến mức độ làm cho nhiều tiền bạc tập trung trong tay một số người và nông thôn phân hóa tạo nên tầng lớp lao động làm thuê. Trong tác phẩm Các Mác và chủ nghĩa Mác, Lênin đã từng viết như sau:

Điều kiện lịch sử tiên quyết cho tư bản xuất hiện, trước hết là ở chỗ phải có một số tiền nào đó tích lũy trong tay những tư nhân, ở một giai đoạn sản xuất hàng hóa đã tương đối cao; sau nữa là ở chỗ phải có những công nhân tự do về hai phương diện: tự do không bị bó buộc hạn chế gì cả trong việc bán sức lao động của họ, và tự do vì không có ruộng đất và nói chung không có tư liệu sản xuất; phải có những công nhân không có chủ; những công nhân “vô sản” chỉ có thể sống được bằng cách bán sức lao động của mình [86, tr.33].

Nhận định trên là quy luật chung cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở tất cả các nước. Tuy nhiên, ở mỗi nước, do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau mà quy luật đó diễn ra với nhịp độ, hình thức khác nhau. Ở Việt Nam nói chung và khu vực Trung Kỳ nói riêng, sự xuất hiện của tư sản người Việt ngoài những điều kiện từ bên ngoài tác động vào mà trực tiếp nhất là sự thống trị và bóc lột của thực dân Pháp còn có những điều kiện bên trong. Những điều kiện có tính chất nội sinh này không chỉ tạo tiền đề cho sự ra đời của tư sản người Việt ở Trung Kỳ mà còn ít nhiều tác động tới hoạt động của họ trong sản xuất, kinh doanh và trong phong trào giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.

* Về kinh tế

- Thứ nhất, nền sản xuất hàng hóa có bước phát triển

Trước khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị, nền kinh tế Việt Nam còn mang nặng tính tự cấp tự túc. Nền tảng kinh tế - xã hội là nông nghiệp. Do chính sách bóc lột của giai cấp phong kiến, nông nghiệp ngày càng suy sụp. Công - thương nghiệp dân tộc cũng hết sức trì trệ. Đó cũng là nguyên nhân làm cho nền sản xuất hàng hóa không thể phát triển lên được.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ở nước ta không có nền sản xuất hàng hóa, mà ngược lại, sản xuất hàng hóa và trao đổi trên thị trường đã xuất hiện từ rất sớm. Từ thế kỷ XVI - XVIII, việc buôn bán đã khá thịnh hành, trong đó có khu vực Trung Kỳ. Đây cũng là thời kỳ kinh tế Việt Nam bắt đầu tiếp xúc phần nào với những hoạt động ngoại thương không chỉ với các nước phương Đông mà cả với một số nước phương Tây- đang bước vào thời kỳ hình thành và phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Điều đó làm cho những hoạt động giao dịch với bên ngoài trở nên thường xuyên và rộng rãi hơn trước, đặc biệt là với các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây. Nền sản xuất hàng hoá giản đơn đã mở rộng và thâm nhập vào nền kinh tế phong kiến tự nhiên. Đây là một sự vận động tất yếu của nội lực nền kinh tế.

Vào thời kỳ vương triều Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX) nền sản xuất hàng hoá lại tiến thêm một bước mới. Nhà nước đã ban hành những chính sách khuyến khích đối với kinh tế thương nghiệp, giải quyết một phần mâu thuẫn giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất, mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội đương thời, đẩy kinh tế hàng hoá và hoạt động công - thương nghiệp tiến lên một bước. Thống nhất tiền tệ thành một đồng tiền duy nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho

việc giao lưu hàng hoá giữa các địa phương. Những chính sách kinh tế tiến bộ của nhà Tây Sơn đã góp phần khôi phục nền kinh tế nước ta sau một thời gian dài bị chia cắt bởi tình trạng cát cứ, phân tranh giữa các tập đoàn phong kiến. Tuy nhiên, sự phát triển này đã không được duy trì lâu dài bởi sự thất bại mau chóng của vương triều Tây Sơn. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mới manh nha ở nước ta lại bước vào một thời kỳ khó khăn mới. Khi nhà Nguyễn lên nắm quyền thống trị (đầu thế kỷ XIX) đã không xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến đã lỗi thời. Hệ thống thượng tầng kiến trúc dưới thời Nguyễn càng bóp nghẹt cơ sở kinh tế ban đầu của kinh tế tư bản. Sức sản xuất mới trong đà phát triển của nó bị chặn đứng lại càng khoét sâu thêm mâu thuẫn với quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời, và càng tăng cường sự đối kháng gay gắt giữa quan hệ sản xuất với sức sản xuất mới. Thêm vào đó, những luật lệ hà khắc, chính sách “ngăn sông cấm chợ” của triều đình phong kiến, chế độ tài chính bất bình đẳng và nạn thuế khoá, hà lạm của vua quan ngày càng làm thui chột những mầm mống tư bản chủ nghĩa mới manh nha.

Tuy vậy, nửa đầu thế kỷ XIX, nền công - thương nghiệp vẫn tồn tại và có khuynh hướng phát triển. Khuynh hướng phát triển đó được thể hiện ở các ngành nghề thủ công thịnh hành lúc bấy giờ. Ví như ngành ươm tơ, dệt the, lụa, nhiễu. Nghề này có từ lâu đời và là ngành sản xuất hàng hóa quan trọng bậc nhất ở Việt Nam nói chung và Trung Kỳ nói riêng. Vào thời kỳ này, ở nhiều địa phương như Bình Định, Phú yên, Quảng Nam, Thanh Hóa… đã có những làng chuyên ươm tơ, dệt lụa, nhiễu nổi tiếng. Điều đó được thực dân Pháp thừa nhận qua nhận xét của Jacquet: Công nghệ tơ lụa quả thực chiếm hàng đầu trong số những công nghệ khiến cho ta phải chú ý. Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ nhiều dân cư làm giàu và nuôi sống bằng thứ công nghệ này [20, tr.18-19]. Hay như nghề gốm, ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định là những nơi có nhiều lò sản xuất bát, đĩa, chậu, độc bình, là gạch, lò chum vại…

Từ khi tiến hành xâm lược Việt Nam (1858) cho đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tìm mọi biện pháp, kể cả biện pháp kinh tế lẫn phi kinh tế để độc chiếm thị trường Việt Nam, ngăn cản sự phát triển của nền công - thương nghiệp bản xứ. Tuy nhiên, ngoài ý muốn chủ quan của chúng, do nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bên ngoài thâm nhập vào nước ta, nối liền thị trường Việt Nam với thị trường thế giới, nên có tác dụng kích thích khách quan cho sản xuất hàng hóa ở Trung Kỳ mở rộng.

Các thương cảng quan trọng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, sau đó là Bến Thủy được mở rộng; tàu buôn của Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Mĩ, Bỉ, Hà Lan… đến xuất và nhập hàng ngày càng đông đã làm cho tầng lớp thương nhân ở Trung Kỳ đông lên.

Riêng đối với thủ công nghiệp, khi thị trường đã được mở rộng, nhu cầu xuất cảng tăng lên đã thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ những làng nghề thủ công trước đó đã hình thành những vùng thủ công nghiệp như Nhơn Ngãi, An Ngãi thuộc phủ An Nhơn, Trung Sơn, Tài Lương thuộc huyện Hoài Nhơn ở Bình Định, chuyên sản xuất nhiễu, the, lụa; Thọ Hạc, Cốc Hạ, Đò Lèn ở Thanh Hóa chuyên sản xuất đồ gốm và một số vùng chuyên làm đường ở Quảng Ngãi, Quảng Nam… Trong những xưởng sản xuất này đã bắt đầu có hiện tượng thuê mướn nhân công và phân hóa thành chủ - thợ với thân phận khác nhau. Trong nghề ươm tơ ở Trung Kỳ, mỗi chỗ ươm tơ thường thuê ba phụ nữ hoặc hai phụ nữ một trẻ em. Công nhật thợ phụ nữ được trả 6 tiền, trẻ em được 3 tiền. Mỗi cân tơ người chủ bán được từ 4,5 quan đến 5,5 quan [31, tr.97]. Hay như tại Bình Định, việc thuê mướn nhân công đã có trong nghề dệt nhiễu. Mỗi khung dệt thường sử dụng 4 người thợ. Tiền công trả cho mỗi người người thợ cũng khác nhau, tùy theo tính chất công việc. Ví như khi dệt một tấm nhiễu hạng thường trong 2 ngày đến 2 ngày rưỡi, tiền công được tính như sau: thợ dệt và hồ nhiễu 3 quan, thợ quay guồng 2 quan, thợ đưa thoi 1 quan, thợ soạn tơ 1 quan. Trong khi đó mỗi tấm nhiễu bán ra người chủ trung bình lãi từ 5 - 6 quan [166].

Trong những xưởng thủ công ấy, quan hệ giữa người chủ và thợ khômg còn là quan hệ kiểu phong kiến thợ cả với thợ bạn, mà đã có tính chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chủ xưởng là người sản xuất hàng hóa nhỏ hay thương nhân tiến lên; họ có toàn quyền sở hữu những tư liệu sản xuất như lò gốm, lò ươm tơ, khung dệt nhiễu…, họ chuyên thuê người sản xuất hàng hóa để kiếm lời. Bóc lột của họ là lối bóc lột tư bản chủ nghĩa. Khi đem hàng hóa ra thị trường như một tấm nhiễu, một cân tơ, một lô chum vại do công nhân thủ công sản xuất, họ kiếm được những món lời nhất định. Những người thợ thủ công làm thuê trong xưởng là những nông dân hoặc thợ thủ công đã bị phá sản. Họ chuyên đi làm thuê, bán sức lao động cho chủ xưởng. Và tùy theo năng suất lao động, kỹ thuật lao động họ được hưởng tiền công khác nhau. Hiện tượng này đến đầu thế kỷ XX càng trở nên phổ biến hơn.

Như vậy, dưới tác động khách quan của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, công - thương nghiệp Trung Kỳ mặc dù nằm trong tình cảnh chung của công - thương nghiệp cả nước là bị kìm hãm, cản trở phát triển nhưng vẫn có bước tiến hơn trước. Bước tiến đó thể hiện rõ nhất ở việc mở rộng nền sản xuất hàng hóa theo lối tư bản chủ nghĩa. Và như thế, càng có tác dụng thúc đẩy sự ra đời một bộ phận người tương ứng- bộ phận tư sản người Việt.

- Thứ hai, lưu thông, trao đổi hàng hóa trên thị trường được đẩy mạnh

Trước thế kỷ XX, việc trao đổi hàng hóa trên thị trường Việt Nam đã tồn tại và khá thịnh hành. Các nhà buôn đã mang các sản phẩm thủ công của địa phương mình, như nhiễu ở Bình Định, Quảng Nam, chum vại ở Thanh Hóa… sang các địa phương khác để trao đổi kiếm lời.

Từ khi thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, với việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy thì việc lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất cảng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Về đường bộ, ngoài con đường xuyên Việt (Quốc lộ 1A) đi qua tất cả các tỉnh Trung Kỳ, hàng loạt những con đường nội tỉnh, liên tỉnh được xây dựng vươn tới những khu vực hầm mỏ, đồn điền, bến cảng, thậm chí sang tận Lào và Campuchia như đường Vinh - Sầm Nưa (Lào), đường Quốc lộ số 7, số 8 ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Quốc lộ 19 ở Bình Định. Tại Bình Thuận, năm 1896, đường cái quan mới được xây dựng (năm 1912 trở thành Quốc lộ 1) nối Phan Thiết với Biên Hòa. Năm 1899, dựng đèn biển ở mũi Khe Gà. Năm 1901, khởi công xây dựng đường sắt Sài Gòn - Nha Trang qua Bình Thuận, có đường nhánh nối ga Mương Mán với ga Phan Thiết dài 12km. Năm 1904, đắp xong liên tỉnh lộ số 8 nối Phan Thiết với Di Linh, nối cao nguyên với biển Đông. Bên cạnh đó, nhiều cây cầu lớn, bến phà quan trọng cũng được xây dựng nhiều nơi như cầu Trường Tiền- Huế (1899), cầu Hàm Rồng- Thanh Hóa (1904), cầu Đà Rằng (Phú Yên), cầu Thạch Hãn (Quảng Trị)…, bến phà qua sông Lam (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình)… Chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa, theo Robequain ngoài 100 km đường Quốc lộ 1A đi qua tỉnh này, thực dân Pháp còn xây dựng tới 11 con đường tới tất cả các huyện trong tỉnh [194, tr.232].

Về đường sắt, ở Trung Kỳ thực dân Pháp đã ưu tiên đầu tư xây dựng. Ngay từ rất sớm, với sắc luật ngày 25-2-1898, thực dân Pháp mở công trái 200 triệu phơrăng để thực hiện dự án xây dựng đoạn đường sắt Nha Trang - Đà Nẵng - Quảng Trị. Năm 1906 tuyến Đà Nẵng - Huế hoàn thành với việc đào hầm chui qua đèo Hải Vân và ra tới Đông Hà (Quảng Trị) năm 1908 [114, tr.76]. Cũng trong thời gian này, nhiều đoạn đường sắt nối Trung Kỳ với các khu vực khác cũng được hoàn thành như Hà Nội - Vinh (1905), Sài Gòn - Nha Trang (1919).

Đường thủy cũng được chú ý đầu tư xây dựng và chiếm một vị trí quan trọng trong việc đi lại ở Trung Kỳ. Ngoài việc khai thông tuyến đường thủy ở các con sông

lớn và những kênh, sông được tu bổ (như kênh Thanh Hóa - Nghệ An) hoặc đào mới thêm (như sông Cu Nhí ở Quảng Nam), nhiều hải cảng quan trọng như Đà Nẵng, Bến Thủy, Quy Nhơn cũng được xây dựng kết nối con đường biển trong và ngoài khu vực.

Cho đến trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914), các tuyến đường bộ, sắt, thủy quan trọng trong khu vực Trung Kỳ đã hoàn thành bước đầu, tạo nên một mạng lưới giao thông khá hiện đại nối các trung tâm đô thị ở Trung Kỳ với các tỉnh ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ và các nước khác. Tình trạng giao thông lỗi thời, lạc hậu chỉ thích hợp với loại hình giao thông như đi bộ, đi ngựa ở thế kỷ XIX đã được cải thiện một bước. Do đó, tất cả các loại hàng hóa ở Trung Kỳ có thể chuyên chở đi khắp nhiều vùng trong nước và thế giới.

Cũng bắt đầu từ khi Pháp thống trị, thị trường Việt Nam được hòa nhập vào thị trường thế giới, hàng hóa xuất - nhập cảng vào khu vực Trung Kỳ ngày càng tăng, lớp thương nhân ở thành thị thu mua nông phẩm và thủ công nghiệp phẩm để bán cho các hãng xuất cảng hoặc buôn bán hàng ngoại hóa nhập cảng ngày càng nhiều. Tiền vốn của họ tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 1865, chỉ tính riêng Nam Kỳ và Trung Kỳ có 7.843 thuyền buôn của người Việt ra vào cửa biển Sài Gòn thì hai năm sau đó (1867), con số đó đã lên đến 9.492 thuyền [20, tr.22]. Năm 1908, số hàng xuất cảng Đà Nẵng là 12.500 tấn [114, tr.80], sang năm 1909, số lượng hàng xuất cảng đã tăng lên hơn 47.198 tấn [45, tr.8]. Những thuyền buôn này thường xuyên mang hàng hóa như muối, gạo, đồ gốm, tơ lụa, đường… buôn bán giữa các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Cần Thơ, Mỹ Tho ở Nam Kỳ với các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Định ở Trung Kỳ.

Sự phát triển của sản xuất hàng hóa thủ công, lưu thông hàng hóa trên thị trường được đẩy mạnh; việc tăng dần số lượng thợ thủ công chuyên nghiệp và thương nhân ở thành thị… đã chứng tỏ rằng nền kinh tế hàng hóa có từ trước đến đầu thế kỷ XX đã phát triển mạnh hơn, làm cho nội bộ những người sản xuất hàng hóa nhỏ tiếp tục phân hóa, thúc đẩy mầm mống của chủ nghĩa tư bản tiếp tục nẩy sinh và phát triển. Đây chính là điều kiện bên trong cho sự ra đời tầng lớp tư sản người Việt ở khu vực Trung Kỳ.

* Về xã hội

Trước khi thực dân Pháp chiếm đóng, ở Trung Kỳ đã xuất hiện tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ. Họ là những thương nhân chuyên buôn hàng hóa giữa các vùng với nhau, giữa thị trường trong nước với thị trường ngoài nước và lực lượng chủ các xưởng, lò sản xuất thủ công nghiệp.

Khi Pháp thống trị Việt Nam, dưới tác động khách quan của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, kinh tế hàng hóa ngày một phát triển, thị trường Việt Nam đã được mở rộng. Kinh tế phong kiến và nông dân bị lôi cuốn vào thị trường. Các sản phẩm thủ công và nông phẩm buôn bán trên thị trường trong nước và xuất cảng ngày một tăng. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa trong điều kiện đó làm cho sự phân

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 30 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w