Các hình thức sản xuất, kinh doanh

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 53 - 57)

TƯ SẢN NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914)

2.2.2. Các hình thức sản xuất, kinh doanh

Khi vừa mới ra đời, do số lượng vốn ít, kinh nghiệm kinh doanh chưa nhiều nên tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã có các hình thức kinh doanh khác nhau. Mỗi hình thức kinh doanh đều xuất phát từ nhu cầu khác nhau, do đó hiệu quả mang lại cũng khác nhau.

- Thứ nhất, sản xuất và kinh doanh độc lập

Đây là hình thức kinh doanh phổ biến, theo đó khi có số vốn nhất định, nhà tư sản tự lập công ty, xí nghiệp của mình. Những công ty, xí nghiệp này thuộc sở hữu của cá nhân nhà tư sản đó, lợi nhuận thu được không chia sẻ với ai. Ví dụ như Phạm Văn

Phi kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ông đã tự mình bỏ vốn, lập cơ sở sửa chữa ô tô, sau khi tích lũy được một số vốn nhất định đã mở công ty vận tải ô tô từ Vinh đi một số tỉnh trong khu vực Trung Kỳ.

Ở Trung Kỳ, lực lượng tư sản kinh doanh theo hình thức độc lập có số lượng đông nhất. Tiêu biểu như Phạm Văn Phi, Hào Hưng trong lĩnh vực giao thông vận tải; Bảo Nguyên, Hoành Trang, Trường Hưng trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc; Trịnh Văn Ngấn, Lý Quý, Lê Viết Lới trong lĩnh vực kinh doanh nông sản và lâm thổ sản; Nguyễn Văn Viễn trong ngành sản xuất gốm sứ… Họ xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau, có thể là những chủ xưởng sản xuất, thương nhân hoặc từ những địa chủ. Đa số những tư sản kinh doanh theo hình thức này đều tự lập những cửa hiệu buôn bán, xưởng sản xuất hay công ty riêng; quản lý, kinh doanh theo kinh nghiệm thực tế học hỏi được.

Do kinh doanh theo hình thức độc lập nên những tư sản này có số vốn không lớn, việc kinh doanh khó mở rộng ra khỏi địa bàn một tỉnh và đặc biệt chưa lập được những công ty lớn, có tính chất hiện đại.

- Thứ hai, sản xuất và kinh doanh theo hình thức hùn vốn

Khi vừa mới ra đời, tư sản người Việt ở Trung Kỳ đã gặp phải sự chèn ép, ngăn cản từ tư bản Pháp, lại chịu sự cạnh tranh quyết liệt của tư sản Hoa kiều. Hơn nữa, vốn của họ rất ít, nhiều người không đủ khả năng lập một công ty, xí nghiệp riêng cho mình. Vì vậy, để lập được những công ty đủ sức cạnh tranh với các công ty của tư bản ngoại quốc, đồng thời thúc đẩy công thương nghiệp dân tộc phát triển, tư sản người Việt ở Trung Kỳ cùng hùn vốn với nhau kinh doanh.

Cách thức hùn vốn của họ hoặc là góp trực tiếp không quy định là bao nhiêu, tùy theo khả năng của từng người hoặc là lập công ty cổ phần, rồi quy định mỗi cổ phần bao nhiêu tiền để những người có tiền góp. Lợi nhuận thu được của mỗi người tùy thuộc số lượng cổ phần của họ trong công ty đó.

Có một số tư sản, ban đầu không đủ tiền mở công ty kinh doanh, nên đã rủ thêm người khác góp vốn kinh doanh với mình, rồi cùng chia lợi nhuận với nhau. Lợi nhuận chia theo tỷ lệ tiền đóng góp. Ví dụ như trường hợp của Minh Tâm và Tạ Quang Châu, hai người này cùng hùn vốn với nhau mở cơ sở sửa chữa ô tô ở Vinh. Cách thức hùn vốn này thường là vào thời gian đầu, khi những tư sản này mới bước vào kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó. Sau khi đủ vốn, họ lại tách ra lập công ty riêng. Cơ sở của

Minh Tâm và Tạ Quang Châu, sau một thời gian hoạt động, đã tách thành hai cơ sở riêng biệt.

Có nguời hùn vốn với nhau bằng cách thức lập công ty cổ phần. Điển hình như Quảng Nam hiệp thương công ty. Công ty này buôn bán rất nhiều mặt hàng từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đi Hà Nội, Sài Gòn, Hồng Kông. Khi thành lập, mỗi cá nhân góp vốn bằng cách mua cổ phần. Công ty định giá mỗi cổ phần là 50 đồng [20, tr.62]. Số lượng cổ phần được mua không giới hạn. Đến những năm 1906 - 1907, công ty đã huy động được số vốn khá lớn khoảng 20 vạn đồng [18, tr.72].

Một số tư sản ban đầu kinh doanh độc lập, tự thành lập hiệu buôn, xưởng sản xuất. Sau đó, do muốn tăng vốn để thành lập công ty lớn hơn, mở rộng địa bàn kinh doanh và cạnh tranh với các đối thủ khác nên đã kêu gọi nhiều người hùn thêm vốn. Tiêu biểu cho dạng này là công ty Phượng Lâu. Phượng Lâu khi mới thành lập chỉ là một hiệu buôn, chuyên buôn bán lụa từ Bắc Kỳ vào Trung Kỳ. Trong những năm 1885 - 1888, công ty này chỉ có vốn khoảng 200 đồng và một cửa hiệu duy nhất ở Thanh Hóa. Sang đầu thế kỷ XX, để mở rộng cơ sở kinh doanh và lập thành một công ty lớn hơn, đã kêu gọi sự góp vốn của nhiều người khác. Bằng cách đó, đến những năm 1907 - 1908, công ty đã mở thêm chi nhánh tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Huế và cả các tỉnh ở Nam Kỳ; hàng buôn lúc này không chỉ có lụa mà rất nhiều loại, tiền lãi thu được mỗi năm hàng chục ngàn đồng.

Ngoài ra, trong hình thức hùn vốn kinh doanh, còn xuất hiện các hội buôn và công ty do sự góp vốn không phải của riêng tư sản, mà cả các sĩ phu tiến bộ. Tiêu biểu như Triêu Dương thương quán, Liên Thành thương quán, Hợp thương Diên Phong… Hình thức này ở trước Chiến tranh thế giới thứ nhất khá phổ biến ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vốn của những hội buôn trên không phải do quá trình tích lũy tư bản, đó là do những người yêu nước chung góp lại. Thực chất, những sĩ phu tiến bộ này đều xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình”, không am hiểu kinh doanh nhiều, nhưng tham gia góp vốn để hưởng ứng Phong trào Duy Tân và cổ vũ công cuộc thực nghiệp của nước nhà, làm cho Việt Nam giàu mạnh như Nhật Bản và các nước phương Tây. Tổ chức ra những hội buôn này, những người làm chủ tất nhiên cũng muốn kiếm lời, đó là đặc trưng của lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa, tuy nhiên, đó chưa phải mục đích duy duy nhất của họ. Mục đích lớn hơn và quan trọng hơn là hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế, có khi 5 - 6 người mới chung nhau mua được một cổ phần.

- Thứ ba, liên kết với tư sản Pháp

Tư sản người Việt ở Trung Kỳ khi mới ra đời thế lực hết sức nhỏ bé. Sự nhỏ bé đó thể hiện ở số lượng người, số vốn, thị trường và sức cạnh tranh. Đa số những ngành kinh tế quan trọng đều do tư bản Pháp nắm, sau đó tới lực lượng Hoa kiều, tư sản người Việt muốn vươn lên trong bất cứ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào cũng rất khó khăn. Trước tình hình đó, để tham gia vào những lĩnh vực có nhiều lợi nhuận, một số tư sản người Việt đã chọn hình thức kinh doanh liên kết với các chủ tư sản Pháp.

Những tư sản liên kết làm ăn với tư sản Pháp có nguồn gốc khác nhau. Đó có thể là các điền chủ giàu có như điền chủ Phương; những thầu khoán như Bùi Huy Tín, Nghè Mại hay những thương nhân như Trịnh Văn Ngấn… Họ có trong tay số vốn tương đối lớn. Lĩnh vực có sự liên kết sản xuất, kinh doanh với thực dân Pháp khá rộng như thầu khoán, đại lý phân phối, tiêu thụ hàng ngoại hóa, lập đồn điền kinh doanh, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến… Trong đó, tiêu biểu nhất là lĩnh vực công nghiệp dệt. Năm 1911, khi Lê Phát An, một điền chủ nổi tiếng ở Nam Kỳ liên kết với tư bản Pháp mở công ty dệt Dilignon ở Phú Phong (Bình Định) ngoài Lê Phát An, còn có Pierre Phương là điền chủ ở Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định) cũng chung vốn vào công ty này [23, tr.55]. Vốn ban đầu của công ty này là 1.775.000 phơrăng. Sau khi mở xưởng ở Phú Phong, công ty tiếp tục mở thêm các xưởng sản xuất ra Bồng Sơn, Giao Thủy.

Việc liên kết sản xuất, kinh doanh giữa tư sản người Việt và tư sản Pháp diễn ra trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Tư sản Pháp cần có một lớp người làm trung gian cho việc kinh doanh và ủng hộ các chính sách cai trị của chúng; ngược lại những tư sản bản xứ này sẽ có được chỗ dựa vững chắc, chia sẻ lợi ích kinh tế. Sự thống nhất về quyền lợi ấy khiến họ về phương diện chính trị, dù ít hoặc nhiều những tư sản bản xứ này cũng có thái độ ủng hộ thực dân Pháp, công nhận và bảo vệ quyền lợi của bọn đế quốc thống trị thuộc địa. Do đó, các nhà nghiên cứu gọi đây là bộ phận tư sản “mại bản”.

Tuy nhiên, cần thấy một điều rằng không phải tất cả những tư sản liên kết kinh doanh với tư bản Pháp đều là “mại bản”. Điều này còn tùy thuộc vào mức độ liên kết kinh doanh với tư sản Pháp và tùy vào từng thời điểm cụ thể.

Như vậy, trong thời kỳ này tư sản người Việt ở Trung Kỳ có nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh khác nhau. Trong đó, hình thức phổ biến nhất là sản xuất, kinh doanh độc lập. Đa số những người theo hình thức này đều có số vốn nhỏ, họ chỉ dừng

lại ở việc lập các xưởng sản xuất, hiệu buôn, ít có những công ty quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh với các công ty tư bản nước ngoài. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi họ đang trong quá tình tích lũy tư bản, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.

Một phần của tài liệu Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w