Sự biến hóa của âm dương bát quái trong tác phẩm của Phùng Ký

Một phần của tài liệu đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của phùng ký tài (roi thần, gót sen ba tấc, âm dương bát quái) (Trang 102 - 132)

4. Phương pháp nghiên cứu và bố cục luận văn

3.3.2. Sự biến hóa của âm dương bát quái trong tác phẩm của Phùng Ký

Phùng Ký Tài

Truyện Âm dương bát quái của Phùng Ký Tài xoay quanh cửa hàng giấy Tụy Hoa Trai lâu đời và có tiếng ở đất Thiên Tân. Tác phẩm thông qua việc tìm kiếm cái tráp vàng do tổ tiên nhà họ Hoàng truyền lại để nói lên dụng ý của tác giả. Theo dịch giả Phạm Tú Châu thì mặc dù có nhiều mớ tình tiết hỗn độn, “phức tạp, li kì, huyền bí” nhưng “ý đồ đổi mới tinh thần và tâm lí dân tộc của tác giả thì rõ rệt” [33; tr.8].

Trước hết, có thể thấy trong tác phẩm, Phùng Ký Tài đã pha trộn rất nhiều thuyết âm dương bát quái vào các tình tiết của câu chuyện. Nguyên phần đầu – “Đôi lời bâng quơ”, tác giả đã trình bày khá rõ những am hiểu của mình về thuyết âm dương bát quái. Phùng Ký Tài cho rằng không chỉ vạn vật trong vũ trụ mà ngay cả con người cũng vậy, “mỗi người một tâm địa chẳng khác gì chiếc kính vạn hoa, xoay một cái chợt biến đi biến lại, làm sao mới có thể chia rõ, làm rõ, nhận rõ, sửa rõ, nói rõ chúng đây? Cụ kị chúng ta chỉ cần dùng đến có hai chữ: âm dương” [33; tr.409] Âm dương là nguồn gốc, khái quát và lí giải cho tất cả những thay đổi của cả con người và xã hội. Âm dương “không phải là một thứ chia làm hai” [33; tr.410], giữa âm và dương “lại còn là tương giao tương hợp, tương cảm tương khắc, tương phản tương thành, tương khắc tương sinh.” [33; tr.410] Bát quái lại “chuyển động va chạm nhau”, “âm dương lụi mọc, biến hóa vô cùng” làm cho “giữa trời đất có

nhật nguyệt đầy vơi, năm tháng qua lại, vạn vật hưng thịnh; cây cỏ có héo khô xanh tốt, người có sinh lão bệnh tử, tai hỉ họa phúc; việc có lên xuống, nhà có thịnh suy, nước có hưng vong” [33; tr.410]. Như vậy, âm dương bát quái xuất hiện ở mọi mặt của đời sống.

Thuyết âm dương bát quái trong tác phẩm của Phùng Ký Tài được biểu hiện ở nhiều mặt trong tác phẩm Âm dương bát quáinhư cây cỏ, vạn vật, các mùa trong năm và thậm chí cả nhân vật nhưng ở đây chúng tôi chỉ xét trên hai vấn đề là nhà họ Hoàng cùng hiệu giấy Tụy Hoa Trai và cái tráp vàng. Bài

Bát quái ca nói “Hưng tức là suy, suy tức là hưng/ Có tức là không, không tức là có” [33; tr.413], hiệu giấy lâu đời Tụy Hoa Trai và cái tráp vàng của tổ tiên nhà họ Hoàng phản ánh rõ nhất những điều trên. Cái tráp và hiệu giấy chính là hình ảnh của truyền thống gia đình người Trung Hoa – tục lưu truyền của cải gia tài cho đời sau.

Sư hưng suy của nhà họ Hoàng gắn liền với cái hiệu giấy Tụy Hoa Trai. Tụy Hoa Trai “là hàng bán giấy nam đã có hàng trăm năm nay, nhà họ Hoàng đã truyền được năm đời”, lớn nhỏ có hơn mười hàng với những người có tài năng “vừa có học lại vừa buôn bán” “tài bút mực của các vị chưởng cự cao hơn một gang so với nơi khác” [33; tr.462] Thời đó, người ta rất coi trọng hàng giấy hơn các cửa hàng khác vì văn nhân ưa chuộng sự cao nhã. Hiệu giấy Tụy Hoa Trai thời đó phát triển không ngừng không chỉ bởi tiếng tăm đã truyền từ bao đời mà còn chính là bởi cách ửng xử của những người đứng đầu cửa hiệu có tài năng và quan hệ bạn bè rộng rãi. Các nhà thư pháp, các họa sĩ, các nhà điêu khắc ở vệ Thiên Tân đều lấy làm vinh dự khi được mua giấy ở cửa hàng Tụy Hoa Trai. Do đó, cửa hàng ngày càng lớn mạnh, càng thịnh vượng. Trong bốn đời trước đó, đời nào cũng chỉ đơn truyền nhưng đến trước Nhạ Nhạ một đời – tức đời cha anh ta thì lại đổi thành song truyền. Cha Nhạ Nhạ và người mà Nhạ Nhạ gọi là chú Hai là hai anh em trai của nhà họ Hoàng.

Nếu những đời trước, tuy đơn truyền nhưng ai cũng vừa giỏi học thức lại vừa giỏi buôn bán thì đến đời thứ năm này lại cũng chia làm hai: Ông Cả giỏi buôn bán nhưng không thích sách vở “hễ nhìn thấy sách là váng đầu”, “tuy rằng không có chữ nghĩa nhưng buôn bán đầu có chủ ý”; trong khi đó ông Hai lại là một con mọt sách “đi đại tiện cũng mang sách vào nhà tiêu”, mê Lão Trang, đạo thiền nhà Phật, “coi kinh sách là cơm ăn, coi đồng tiền như đồng vụn” [33; tr.463].

Lịch sử từ xưa đã chứng minh, thời đại nào cũng vậy, sự việc nào cũng vậy, luôn luôn phát triển như một đồ thị parabol – có phát triển, đến cực thịnh thì sẽ bắt đầu suy vong. Hiệu giấy Tụy Hoa Trai này cũng không nằm ngoài quy luật ấy, vốn dĩ từ xa xưa đã rất phát trển, ông Cả đã làm cho nó phát triển đến cực thịnh “cửa hàng mở rộng thành năm gian”, “hàng ngày cứ chiều đến là lắp cửa ván nghỉ hàng, mỗi tấm ván rộng thước rưỡi mà phải lắp đến chín chín tám mươi mốt tấm” [33; tr.463] và rồi khi ông chết đi vì một tai nạn, cửa hàng bắt đầu bước vào suy thoái. Ông Hai không biết và cũng không quan tâm đến buôn bán nên không chịu nối nghề, ông Cửu Cửu quen nghe lời sai bảo nên tự mình không có chủ ý, rồi “miệng ăn núi lở”, “Tụy Hoa Trai như đứng trên sườn dốc, không leo lên được thì phải tụt xuống”, dần dần phải bán cửa hàng, đục mấy gian nhà kho ở sân trước làm thành cửa hàng, hai năm sau sa vào cảnh đóng cửa “xếp xó những gia sản tổ tiên để lại”, “lạnh tanh như miếu cổ”. Bây giờ, mỗi lần có khách nào vào cửa hàng, ông Cửu Cửu còn ngạc nhiên “giật mình hết vía”. Nhưng rồi khi vào tay Nhạ Nhạ, hiệu giấy lại tiếp tục được phát triển “con tính trên bàn tính lách cách không ngơi nghỉ”, “hàng ngày mặt ghế bên quầy chẳng cần phải lấy chổi phất trần phủi bụi vì tay áo, vạt áo của khách đã chùi bóng lộn” rồi “pha trà, rót trà, đón khách, tiếp khách” [33; tr.464] nhộn nhịp. Cửa hiệu lại phát triển thịnh vượng như xưa “cơ hồ chèn đổ được các cửa hàng giấy nam khác”. Ông Cửu Cửu nói với

Nhạ Nhạ rằng: “Cha cậu còn sống cũng chưa được thấy cảnh thịnh vượng như bây giờ” [33; tr.477]. Sau này khi bà Hai chết, ông Hai bỏ đi cầu Phật, cả gia tài nhà họ Hoàng đều thuộc về Nhạ Nhạ. Nhạ Nhạ bán bớt một số đất hoang trong khuôn viên của gia đình, chuyển hiệu giấy Tụy Hoa Trai khi xưa thành nhà thuốc chữa bệnh cả bằng đông y và tây y. Nhờ sự giúp sức của bạn bè, hiệu thuốc ngày càng phát triển “tiền bạc thành xâu chui vào tráp đựng tiền” [33; tr.655].

Vậy, việc chuyển từ hiệu giấy có từ lâu đời mấy trăm năm sang hiệu thuốc có bán cả thuốc tây mang ý nghĩa gì? Phải chăng Phùng Ký Tài đã có một cái nhìn rộng mở hơn đối với những thành tựu của văn hóa phương Tây? Đối với Phùng Ký Tài, có lẽ, văn hóa phải sự kết tinh, hòa nhập một cách hài hòa những cái tiến bộ. Một dân tộc nếu không biết tiếp thu tinh hoa của cái mới thì sẽ không bao giờ phát triển được. Đây chính là căn bệnh mà đất nước Trung Quốc mắc phải: luôn luôn coi dân tộc mình là nhất, là trung tâm, là tiến bộ. Phùng Ký Tài thông qua hình ảnh hiệu giấy đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn cởi mở hơn về văn hóa. Nhà họ Hoàng bỗng chốc trở thành ngôi nhà giàu có, bắt mắt ở vệ Thiên Tân và còn thịnh vượng hơn trước chính là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Ở đây, cũng có thể nói, quy luật âm dương trong bát quái đã được Phùng Ký Tài thể hiện rất rõ: khi phát triển đến cực thịnh thì ngay chính bản thân của sự vật đã hàm chứa cái suy, cũng như trong dương vốn dĩ có âm, trong âm vốn dĩ có dương. Thịnh suy chẳng qua cũng chỉ là hai mặt biến hóa của âm dương trong vũ trụ mà thôi. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhà họ Hoàng hết thịnh lại đến suy, hết suy lại đến thịnh. Có được những điều đó là do sự lao động chăm chỉ và tài năng của những người trong gia đình nhà họ Hoàng bao đời nay như cha Nhạ Nhạ và cả Nhạ Nhạ. Vậy cái cuối cùng mà Phùng Ký Tài muốn nói tới ở đây là gì? Không phải ông đơn thuần đề cập

đến sự thịnh suy như một biểu hiện của âm dương bát quái mà chính là đề cao con người cùng tài năng của họ trong cuộc sống. Có lẽ chỉ có sự lao động chăm chỉ không ngại khổ ngại khó mới đem lại cho con người những giá trị đích thực. Những gì đã có của tổ tiên để lại chỉ tạo nên một sự thuận lợi cho con cháu đời sau, cái quan trọng phải biết giữ gìn và phát triển những cái đó. Tất cả những trò bói toán, như lời Bát Ca nói, chỉ là “nói để lừa” bởi “việc trên đời không thế này thì thế kia, nói thế nào cũng đúng được một nửa” [33; tr.659].

Cái tráp vàng nhà họ Hoàng cũng là đầu mối cho mâu thuẫn giữa Nhạ Nhạ và gia đình ông chú Hai. Tương truyền nhà họ Hoàng có cái tráp đựng rất nhiều vàng do tổ tiên để lại. Theo lí thì chiếc tráp đó phải thuộc về gia đình Nhạ Nhạ bởi bố anh ta là con trưởng của nhà họ Hoàng nhưng hiện giờ chiếc tráp đó đang nằm ở nhà chú Hai. Vì vậy, theo lời khuyên của vợ, anh ta tìm đủ mọi cách để dò hỏi về cái tráp nhưng chưa ai từng biết mặt mũi cái tráp ra sao, ngay cả cha Nhạ Nhạ cũng chỉ nói điều đó với con mà chưa từng nhìn thấy cái tráp vàng đó. Nhạ Nhạ và vợ anh ta điên cuồng tìm kiếm với rất nhiều thủ đoạn, thậm chí đi xem bói rất nhiều nơi, đưa thầy về nhà đào bới khắp nơi nhà họ Hoàng nhưng cái mà họ tìm thấy chưa bao giờ là cái tráp vàng mà có khi nó là một cái bình cũ ở gốc cây có con rắn vàng khè, có khi là một cái hũ có một bọc chuột con. Còn cái tráp vàng khảm đá lấp lánh mà bà Hai đưa có năm đồng tiền vàng trong đó thì họ lại nói nó là đồ giả. Cho đến tận cuối truyện cũng không ai biết rằng cái tráp vàng nhà họ Hoàng thực ra có hay là không. Sự việc ở đời đúng là có có không không. Nếu chúng ta tin là có thì nó sẽ có, còn nếu không tin thì sẽ không có, hư hư, thực thực. Nhưng thực sự ý nghĩa của đằng sau cái tráp vàng là gì? Có lẽ như bà Hai nói: “Một cái tráp nhỏ, có lẽ nào đựng cả núi vàng, núi bạc? Tổ tiên truyền lại cho đời sau chẳng qua là muốn truyền cái ý nghĩa là còn cái tráp thì nhà họ Hoàng còn

gốc rễ, có vậy mà thôi.” [33; tr.499] Cái tráp có thể là có, cũng có thể là không, điều đó tùy thuộc vào ý nghĩ của chúng ta. Đến cuối truyện Nhạ Nhạ mới nhận ra điều đó, dù có cái tráp hay không thì cũng không phải là điều quan trọng. Nó cũng chẳng giúp ích được gì cho anh ta. Vậy những cái mà tổ tiên để lại thực sự đã không còn hữu dụng. Phùng Ký Tài muốn chúng ta hiểu rằng, những giá trị của tổ tiên để lại là không thể phủ nhận nhưng nếu nó không giúp ích được gì cho con cháu thì không có cũng không sao, không nhất thiết phải cố công tìm kiếm và tìm hiểu cho ra lẽ.

Âm dương bát quái khi vào đời sống được lồng vào trong câu chuyện nhà họ Hoàng: nhà họ Hoàng từ thịnh đến suy rồi lại từ suy đến thịnh, cái tráp của tổ tiên hư hư thực thực có có không không. Nhưng ẩn sau tất cả những điều đó là một thái độ phê phán những cái tổ tiên để lại mà không có tác dụng. Có lẽ Phùng Ký Tài muốn mọi người nhìn nhận lại một cách đúng đắn những cái gì là có giá trị và những gì là không có giá trị. Đó như là một sự thức tỉnh, đánh thức con người khỏi chìm đắm vào những mê muội. Tác phẩm Âm dương bát quái của Phùng Ký Tài thực sự là một tác phẩm khó đọc bởi có quá nhiều tình tiết đan cài vào nhau nhưng ý đồ phê phán của tác giả thì thật rõ nét.

KẾT LUẬN

Văn hóa là di sản vô giá của mỗi dân tộc nhưng vấn đề nhìn nhận văn hóa như thế nào thì ở mỗi thời đại, mỗi cá nhân có sự khác biệt. Thiết nghĩ, ngày nay, ở mỗi quốc gia, vấn đề dùng văn học để đi sâu vào tìm hiểu văn hóa ngày càng được chú trọng nhưng chưa trở thành một dòng văn học vì lực lượng sáng tác mỏng và chưa có hệ thống. Văn học tầm căn ở Trung Quốc là cái nhìn của con người hiện đại với những vấn đề văn hóa dân tộc khi mà những giá trị này đang dần dần bị mai một. Do đó, văn học tầm căn ngoài giá trị về văn học còn có giá trị về lịch sử và giá trị về văn hóa. Chính sự du nhập của văn minh phương Tây cùng ý thức tự tìm tòi đổi mới của các nhà văn đã đem lại cho chúng ta những tác phẩm không chỉ tái hiện một cách rộng rãi văn hóa của dân tộc mà còn đem lại cho người đọc cái nhìn lựa chọn, phản tỉnh dựa trên một hệ thống phong phú các biện pháp nghệ thuật mới mẻ. Văn học tầm căn chính là một cách để nhìn nhận lại những được – mất, tốt – xấu của dân tộc để tự tin bước vào thời đại mới.

Trước đây, khi mới xuất hiện, Hàn Thiếu Công cho rằng, các nhà văn cần khai thác chất liệu dân gian từ những vùng đất xa xôi, hẻo lánh bởi đó chính là nơi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa bản địa hết sức phong phú. Phùng Ký Tài với bộ ba tác phẩm của mình đã cho người đọc thấy rằng, văn hóa đô thị cũng là một mảnh đất đầy tiềm năng. Ông là một trong những nhà văn tầm căn góp phần mở rộng phạm vi khái niệm của dòng văn học này. Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái của Phùng Ký Tài thông qua các vấn đề về đề tài, chủ đề, nhân vật, những chất liệu văn hóa dân gian, một lần nữa làm sáng tỏ những đặc điểm của văn học tầm căn. Không chỉ khai thác những chất liệu từ vùng đất thành thị Thiên Tân yêu dấu trong thời kỳ đầy hỗn tạp, Phùng Ký Tài còn mở rộng đến mảnh đất Trung Hoa giàu truyền thống thông qua một số tập tục văn hóa đã có từ rất lâu như tục để bím tóc,

tục bó chân hay truyền gia bảo. Nói thế để thấy rằng, Phùng Ký Tài là một nhà văn rất có trách nhiệm với văn hóa dân tộc. Ở ông có một sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa địa phương và văn hóa quốc gia. Nghiên cứu về văn học tầm căn, về Phùng Ký Tài và những tác giả của dòng văn học này là một vấn đề có tính chất lâu dài và cần được thực hiện một cách nghiêm túc.

Với luận văn này, chúng tôi đã bước đầu tìm hiểu về một trào lưu lớn của văn học Trung Quốc được các học giả đánh giá cao mà chưa được nghiên cứu ở Việt Nam – dòng văn học tầm căn và làm rõ một số đặc điểm của văn học tầm căn qua một số sáng tác tiêu biểu làm tiền đề cho việc nghiên cứu các vấn đề khác. Luận văn cũng đã giới thiệu cho người đọc một cách cụ thể và đầy đủ hơn một tác giả độc đáo của văn học hiện đại Trung Quốc – tác giả Phùng Ký Tài, không chỉ với tư cách một nhà văn mà còn là một nhà văn hóa có “tầm” và có “tâm”. Thông qua luận văn, người đọc có thể có một cái nhìn đúng đắn hơn với những phong tục đã tồn tại từ rất lâu đời trong xã hội Trung Quốc để thấy được đâu là cái tiến bộ, đâu là cái lạc hậu. Đọc tác phẩm của

Một phần của tài liệu đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của phùng ký tài (roi thần, gót sen ba tấc, âm dương bát quái) (Trang 102 - 132)