4. Phương pháp nghiên cứu và bố cục luận văn
2.2.2. Thế giới nhân vật
Nhân vật là bộ phận vô cùng quan trọng cấu tạo nên tác phẩm. “Sự thể hiện nhân vật văn học bao giờ cũng nhằm khái quát một nội dung đời sống xã hội và một quan niệm sâu sắc, cảm hứng tình điệu tha thiết với cuộc đời” [26; tr.291]. Không chỉ nhân vật chính mà những nhân vật phụ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của tác phẩm.
Nhân vật trong bộ ba tác phẩm của Phùng Ký Tài rất phong phú và đầy đủ. Ta bắt gặp ở đó rất nhiều loại người: có kẻ làm chủ, có kẻ làm công, vô lại, chức quyền, buôn bán, thầy thuốc, thầy bói, thiền sư, tăng nhân, nô bộc,… Mỗi loại người lại có những nét riêng, ngay cả cùng một vị trí nhưng mỗi nhân vật lại được miêu tả với những nét khác biệt. Sự khác biệt đó được thể hiện qua việc dùng các chi tiết để miêu tả chân dung, ngoại hình, hành động, tâm trạng hay những mâu thuẫn, xung đột,… giữa các nhân vật.
Trước hết, chúng ta phải nói đến những nhân vật có thể coi là đầu mối cho mọi biến cố của các tác phẩm. Xin tạm gọi đây là nhóm nhân vật chính. Đây là những nhân vật “thể hiện được lí tưởng, quan điểm tư tưởng, đạo đức tốt đẹp của tác giả và của thời đại” [26; tr.285]. Nhóm nhân vật này được miêu tả một cách khá chi tiết, cụ thể về lai lịch, ngoại hình, hành động, lời nói,
tâm trạng… Tác giả luôn cố gắng để miêu tả sự chuyển biến và thay đổi của những nhân vật này. Hai Ngố trong Roi thần bán đậu phụ trong vùng, được miêu tả người “tầm thước, mặt vuông tai lớn, mũi hình quả cân, lim dim đôi mắt, trên má đầy những mụn”, nhìn trang phục thì đủ biết đây là anh chàng “nghèo rớt mồng tơi”. Tính cách thì nhìn qua có thể thấy “có vẻ hơi ngốc nghếch”, “thiếu trí khôn”, “chẳng biết thay áo mới mà đi xem hội”. Đặc điểm “mặt vuông tai lớn” của Hai Ngố mang dáng dấp của những vị anh hùng xưa kia trong những tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc như Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa hay Thủy hử, hứa hẹn làm nên việc lớn. Nhưng ngay sau đó, với cái mũi to, cái má đầy mụn và cách ăn nói khúm núm, sợ liên lụy đến mình, Phùng Ký Tài đã khéo léo kéo anh ta về hiện tại. Nhân vật vì vậy hiện lên đầy thực tế. Điều đặc biệt của Hai Ngố nằm ở trên đầu với “bím tóc dài ơi là dài”, “to đen nhánh hiếm thấy”, “quấn mấy vòng” “chẳng khác nào sợi dây tời to trên trục cuốn ở bến phà” [33; tr.28]. Cái bím tóc này chính là khởi đầu cho những câu chuyện kì lạ về anh chàng Hai Ngố. Mọi vinh nhục của các nhân vật trong tác phẩm trước sau cũng chỉ xoay quanh cái bím tóc này. Lúc đầu anh ta không hề ý thức bím tóc của mình khác mọi người nhưng rồi càng nghe dân tình khen, Hai Ngố càng tự hào về nó lắm. Anh ta dần cảm thấy tầm quan trọng của bím tóc và coi đó như một “báu vật quốc gia”. Nhưng Hai Ngố cũng không phải là một anh hùng “đội trời đạp đất ở đời”. Cũng như bao người dân khác trong thành Thiên Tân, anh ta rất sợ những kẻ có quyền, sợ người Tây và không muốn rắc rối xảy ra với mình. Anh ta không có chính kiến của mình, ai nói gì anh ta cũng cho là hợp lí và nghe theo, đặc biệt là lời nói của Kim Tử Tiên – bố vợ anh ta. Nghe người ta rủ rê, khen ngợi, tâng bốc mình một hồi, Hai Ngố đã đồng ý đi cùng những người dân trong thành để đánh Tây như một phong trào. Lúc này anh ta lại coi bọn Tây chẳng là gì cả. Anh ta nghĩ rằng bím tóc của mình có thể quét sạch bọn Tây – “bọn
lông đỏ”. Ở đây, Phùng Ký Tài đã khéo léo lồng hình ảnh đám đông vào hình ảnh Hai Ngố. Đó là những con người chỉ biết nghe theo và làm theo mà không biết suy xét. Khi đối diện với thực tế, anh ta dần dần nhận ra sự khác biệt của súng Tây với bím tóc của mình và những vũ khí của người dân trong thành. Roi thần bị súng Tây bắn đứt “cháy xém, quăn lên”, không còn sử dụng công phu được nữa. Hai Ngố “như người mất hồn, vãi cả nước tiểu ra ướt cả đũng quần” và từ đó mỗi khi nhắc tới súng Tây là anh ta lại thấy sợ “Vừa nhìn thấy súng Tây, kình lực của Hai Ngố lập tức rã ra, không sao vận lên được, suýt nữa thì vãi đái” [33; tr.141]. Nhưng rồi khi đọc đến cuối truyện, người đọc có thể cảm nhận được sự thay đổi của nhân vật. Bím tóc không còn nữa, cũng không còn một anh chàng Hai Ngố luôn sợ hãi nữa mà thay vào đó là một tay súng thiện nghệ với lời nói rõ ràng, dứt khoát và một phong thái tự tin. Nhân vật Hai Ngố mang những đặc điểm của một bộ phận người dân Thiên Tân thời bấy giờ: là nhân chứng của xã hội nửa Tây nửa ta với tâm lí nặng về truyền thống nên sợ hãi những gì là tiến bộ của phương Tây nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận. Thời kỳ đầu, hình như cái xã hội đã bước vào thương nghiệp buôn bán tấp nập với phương Tây đó không ảnh hưởng gì đến Hai Ngố. Anh ta vẫn làm công việc từ bao nhiêu năm nay, vẫn chăm chỉ luyện công phu của tổ tiên truyền lại. Nhưng rồi dần dần, cũng như bao người khác, anh ta phải chấp nhận tiếp thu những cái tiến bộ của phương Tây bằng việc cắt tóc và sử dụng súng tây. Qua sự thay đổi trong hành động và lời nói của nhân vật nhưng vẫn giữ nguyên thổ âm Thiên Tân, Phùng Ký Tài đã cho người đọc thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của nhân vật để từ đó toát lên cái khí phách và cốt cách của con người ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Đó chính là cái mà Phùng Ký Tài muốn tìm lại – tìm cho ra cái khí chất của người Thiên Tân.
Phùng Ký Tài luôn có một biệt tài miêu tả chân dung nhân vật. Mỗi nhân vật của ông dù thuộc hạng người nào cũng hiện lên với đầy đủ những nét ngoại hình không lẫn vào đâu được, trong đó, nhà văn sẽ chú trọng vào một số chi tiết thực sự nổi bật như là đầu mối trung tâm của mọi biến cố.
Gót sen ba tấc gắn liền với cuộc đời của Qua Hương Liên. Với Hương Liên, Phùng Ký Tài cũng nói rõ lai lịch: cô mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã sống với bà ngoại, được bà yêu thương hết mực. Nhà văn cũng không chú trọng miêu tả ngoại hình nhân vật mà tập trung miêu tả thật kĩ đôi chân: “đôi chân xinh xinh”, khi bước thì “hai chân rụt về phía sau như đôi chim sẻ đỏ tinh nhanh, sợ hãi run rẩy chui vào tổ, chỉ còn lại hai mũi giày thò ra dưới gấu quần như hai cái đầu chim” [33; tr.185]. Vì đôi chân của cô chính là nguồn gốc cho những xung đột trong tác phẩm và đôi chân ấy cũng là cuộc đời cô. Khác với Hai Ngố, nội tâm của Hương Liên được tác giả khắc họa khá rõ. Quá trình trưởng thành của Hương Liên gắn liền với những biến cố của cuộc đời cô trong gia đình nhà họ Đồng. Suy nghĩ đầu tiên đánh dấu cho sự trưởng thành ấy có lẽ là tối hôm đầu tiên về làm dâu. Khi chồng đòi xem chân, lúc đầu Hương Liên không đồng ý và đánh trả, nhưng sau đó cô “bỗng chợt nghĩ mình đã thuộc về người ta thì đôi chân nhỏ cũng của người ta, nhà chủ dù ngu ngốc cũng vẫn là nhà chủ. Nghĩ đến đây, Hương Liên không còn biết là tức, là bực, là hận hay là đau khổ nữa” [33; tr.194]. Cuộc sống luôn luôn phải đấu tranh để người ta khỏi coi thường đã tôi luyện cho cô một bản lĩnh cứng cỏi nên mọi chuyện dù khó khăn đến đâu cô cũng cố gắng hết sức: “đã sống ắt phải gắng chịu”, “cực hình cũng chịu, đau thì cố nén, gắng nhịn”. Trong tác phẩm, Phùng Ký Tài đã dùng lời của chính mình và lời của nhân vật để tái hiện tâm trạng của nhân vật. Có những lúc ta thấy hiện lên một Hương Liên cay độc, đáng sợ, khi nói chuyện “như cười mà chẳng cười, không lạnh lùng cũng chẳng vồn vã, không nhạt nhẽo cũng chẳng mặn mà” [33; tr.296] làm
cho khắp người ăn kẻ ở trong nhà “ai cũng nể sợ cô”. Ngay cả cái nhìn của cô cũng khiến mọi người nổi da gà. Nhưng cũng có lúc con người ấy lại hiện lên với đầy vẻ đáng thương và cô đơn. Những lúc có người nhà hoặc những lúc cần phải tự bảo vệ mình, người ta cảm thấy “một luồng khí lạnh toát ra từ vẻ mặt tươi cười của Hương Liên” nhưng rồi khi trở về phòng, chỉ có một mình, lúc này trái tim luôn luôn lo lắng, căng thẳng “treo lơ lửng” của cô “mới tọt một cái trở về vị trí cũ”. Chỉ khi ở trong phòng, Hương Liên mới là chính mình. Ngay cả tình thương con của cô cũng được thể hiện một cách vô cùng kín đáo. Và có lẽ tình thương lớn nhất dành cho con chính là cho người đưa con đi xa để con bé khỏi phải bó chân. Hơn ai hết, Hương Liên hiểu được nỗi đau và nỗi khổ khi bó chân và những điều mà đôi chân bó đem lại. Có lẽ cô không muốn đứa con gái của mình lại bị kéo vào những cuộc tranh giành như mẹ nó đã phải trải qua. Tình thương con đã bất chấp tất cả những quy tắc của gia đình. Và cuối cùng người mẹ ấy chết vì không muốn so cao thấp với đứa con nhỏ. Ở đây, Phùng Ký Tài đã tạo ra một người mẹ hết mực thương con và hi sinh cho nó. Thông qua sự khác biệt trong suy nghĩ và lối ứng xử giữa hai thế hệ, tác giả muốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa truyền thống và hiện đại, giữa một bên là văn hóa của dân tộc với một bên là văn minh của thời đại để con người suy nghĩ và tìm ra lối ứng xử cho phù hợp. Có thể nói Hương Liên vừa là người giữ gìn văn hóa truyền thống lại vừa là người bắc cầu cho văn minh hiện đại.
Ở Hương Liên, rõ ràng người đọc cũng thấy được sự chuyển biến trong lòng nhân vật khi sống ở thời kỳ xã hội biến động của Thiên Tân. Có lẽ, Hương Liên cũng giống như Hai Ngố, là đại diện cho truyền thống, nhưng rồi vẫn phải chấp nhận thực tế lịch sử. Người tây vào Thiên Tân cũng kêu gọi phụ nữ không bó chân, những trường Tây học khuyến khích nữ sinh để chân tự do và tham gia vào những hoạt động của xã hội trong khi Hương Liên luôn
nhắc nhở kẻ ăn người ở trong nhà sống và giữ gìn truyền thống gia đình. Hương Liên rất tự hào và cũng kiêu hãnh vì chính điều đó. Chẳng phải đó chính là tâm lí của người Thiên Tân hay sao?
Trong Âm dương bát quái, Nhạ Nhạ là nhân vật chính. Có thể nói, Nhạ Nhạ chính là đại diện cho một bộ phận người dân Thiên Tân trong thời cải cách mở cửa. Anh ta xuất phát từ một gia đình truyền thống mấy trăm năm ở Thiên Tân vốn trước đây đã dựa vào buôn bán – chuyên bán giấy mực cho văn nhân cư sĩ. Đến khi văn minh phương Tây ùa vào, anh ta cũng đã tiếp thu và khéo léo biến điều đó thành của riêng mình. Vẫn là buôn bán (vốn dĩ Thiên Tân là thành phố cảng) nhưng anh đã chuyển sang bán thuốc – bán cả thuốc đông y và tây y. Nhạ Nhạ không có tâm lí sợ sệt những cái mới của phương Tây mà biết dựa vào cái mới đó để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhạ Nhạ là cháu nhà họ Hoàng, gọi ông Hai bằng chú. Cái tên Nhạ Nhạ của anh ta thực ra không phải tên thật mà “hai tiếng Nhạ Nhạ này là tiếng địa phương của Thiên Tân, chuyên để tặng cho những ai thích vác tù và hàng tổng” [33; tr.434]. Người này được Phùng Ký Tài miêu tả khá kĩ lưỡng về ngoại hình, thông qua ngoại hình để thấy được hoàn cảnh: “khoảng ba chục tuổi, tai to như tai Phật, hai cằm, đầu đội chiếc mũ bằng đoạn láng bóng, mình mặc áo bào hoa chìm màu xanh, bên ngoài là chiếc áo cộc tay hai vạt đối nhau bằng da cừu màu tím sẫm” [33; tr.427], “nước da mịn màng và cái bụng phệ hơi sớm, đủ biết đó là người giàu có, nhưng nếu nhìn kĩ mấy vết mỡ loang trên áo bào, vạt chiếc áo cộc bằng da cừu dính đất bụi thành màu đen, chiếc mũ múi dưa đội trên đầu có mấy đường chỉ đứt thì lại thấy đó là người nghèo” [33; tr.427-428]. Miêu tả những nét đối nghịch ngay trong ngoại hình của nhân vật, phải chăng Phùng Ký Tài cũng muốn báo trước cho người đọc về tính cách nước đôi, dễ thay đổi của nhân vật. Và sau này khi các biến cố xảy
ra trong truyện, thông qua cách ứng xử của anh ta, chúng ta thấy được điều này rất rõ. Về lai lịch: bố anh ta là một người tài giỏi nên khi ông còn sống, việc buôn bán trong cửa hiệu Tụy Hoa Trai rất phát đạt, gia đình Nhạ Nhạ vào loại giàu có trong vùng nhưng khi bố anh ta qua đời, mọi thứ đều rơi vào tay chú thím Hai. Anh ta và mẹ phải chuyển đi nơi khác, vì vậy mà trở thành kẻ nghèo khó. Nhạ Nhạ có một lợi thế là ăn nói khéo. Vì vậy cuối cùng anh ta cũng lấy lòng được bà Hai. Công cuộc tìm kiếm cái tráp vàng của tổ tiên truyền lại cũng bắt đầu. Cũng có những lúc anh ta cảm thấy có lỗi với tổ tiên, với chú thím nên muốn dừng việc tìm kiếm lại nhưng khi nghe những lời chì chiết của người vợ và những lời khích bác của Bát Ca, anh ta lại xuôi theo họ. Mặc dù thế, Nhạ Nhạ cũng là người “ruột để ngoài da” và cũng là người đối xử rất tốt với bạn bè. Chính vì vậy mà anh ta được rất nhiều bạn bè giúp sức khi chính thức quản lí hiệu giấy Tụy Hoa Trai. Anh ta cũng dần dần nhận ra những cái phù hợp và không phù hợp, những cái nằm trong năng lực và những cái nằm ngoài khả năng của mình và vui vẻ sống. Việc tìm được niềm vui trong cuộc sống và sống một cuộc sống phù hợp với khả năng của mình chính, biết tiếp thu văn minh phương Tây để làm giàu truyền thống là cách sống thuận theo tự nhiên mà Phùng Ký Tài muốn con người hiện đại cần có.
Nhóm thứ hai là nhóm những nhân vật phụ trong tác phẩm. “Nhân vật phụ mang các tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phụ trợ, bổ sung”, “nhiều khi, nhân vật phụ hàm chứa những tư tưởng quan trọng của tác phẩm” [26; tr.284]. Ở đây, chúng tôi chia nhân vật phụ thành các nhóm nhỏ như: nhóm nhân vật nô bộc, nhóm nhân vật đầu đường xó chợ, nhóm nhân vật kì lạ, và nhóm các nhân vật khác còn lại.
Nhóm nhân vật nô bộc trong ba tác phẩm của Phùng Ký Tài cũng muôn hình muôn vẻ. Ở đó có đầy tớ trung thành nhưng cũng có đầy tớ gian ngoan,
xảo quyệt. U Phan, Đào Nhi trong Gót sen ba tấc, ông Cửu Cửu, u Mã trong
Âm dương bát quái là những nô bộc trung thành. Giữa cái hỗn độn của Thiên Tân, những con người này như một vệt sáng của truyền thống còn sót lại. Đặc điểm của nhóm người này là được khắc họa một cách rõ nét về hình dáng và đặc biệt họ đã sống trong nhà lâu năm nên am hiểu tâm lí của chủ nhân. Đây là những con người không màng danh lợi, tiền của. Họ lấy tấm lòng của mình để đối với người chủ và họ cũng được chủ nhân tin cậy, yêu quý. Không ai trong nhà họ Đồng hiểu Hương Liên bằng Đào Nhi. Chị hiểu những thói quen của chủ, luôn giúp chủ vượt qua những khó khăn, luôn thông tin cho chủ