Bộ ba “quái thế kì đàm”

Một phần của tài liệu đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của phùng ký tài (roi thần, gót sen ba tấc, âm dương bát quái) (Trang 37 - 43)

4. Phương pháp nghiên cứu và bố cục luận văn

1.2.2. Bộ ba “quái thế kì đàm”

Như đã nói ở trên, sáng tác của Phùng Ký Tài rất đa dạng và gây được tiếng vang lớn trong lòng độc giả nhưng tác phẩm mang tên tuổi của ông lên tầm cao mới, không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài, là bộ ba “quái thế kì đàm” (chuyện lạ ở đời) – Roi thần – Gót sen ba tấc – Âm dương bát quái.

Truyện Roi thần xoay quanh cái bím tóc đuôi sam của anh chàng Hai Ngố - nhân vật chính trong tác phẩm. Hai Ngố xuất hiện ở đầu truyện là anh chàng ngốc bán đậu phụ. Anh trở nên nổi tiếng vì trong ngày lễ Nương Nương đã làm cho tên Thủy Tinh Hoa – một tên “đại hỗn tinh tử” khét tiếng trong vùng, phải bẽ mặt. Từ đó, công phu bím tóc gia truyền của anh trở nên nổi tiếng. Cái bím tóc đó nghĩ tới đâu bay tới đó, “thậm chí chưa nghĩ tới, bím tóc đã bay rồi”, bím tóc dường như có khả năng “tiên tri, tiên giác”. Từ cái bím tóc đó, người ta truyền tai nhau bao nhiêu điều và mọi người trong vùng bím tóc của anh là “roi thần”. Hai Ngố ý thức được rất rõ tầm quan trọng của bím tóc nên hết sức giữ gìn và luyện tập công phu thường xuyên. Có thể nói bím tóc của anh ta không chỉ là báu vật của dòng họ mà còn là của quốc gia. Bao nhiêu điều về bím tóc của anh ta đã được mọi người ở Thiên Tân thêu dệt

khiến nó càng trở nên kì bí hơn. Nhiều gia đình đã đến xin cho con mình học công phu bím tóc của thầy nhưng phải đến sau khi cái bím tóc đó bị súng tây bắn đứt, không thể phục hồi được, Hai Ngố mới truyền lại công phu cho các đệ tử. Nhưng tất nhiên không học trò nào có được công phu như thầy. Bẵng đi một thời gian, người ta không thấy Hai Ngố trong vùng. Một năm sau, Thủy Tinh Hoa gặp lại Hai Ngố. Anh ta ngạc nhiên vì Hai Ngố sử dụng súng tây thành thạo “dứt khoát, mau lẹ chẳng khác gì quăng bím tóc quật đối thủ năm xưa, không sao biết trước” [33; tr.149] và càng ngạc nhiên hơn khi thấy cái đầu nhẵn bóng của Hai Ngố. Trước sự “ngạc nhiên đến nỗi hỏi lạc cả giọng” của Thủy Tinh Hoa, Hai Ngố đã giải thích rằng anh ta chỉ cắt phần “roi”, còn phần “thần” vẫn giữ nguyên. Phần “thần” ấy đã được chuyển từ bím tóc sang khẩu súng.

Tác phẩm khi ra đời đã tạo được tiếng vang lớn trong lòng độc giả bởi cách nhìn nhận vấn đề theo cách mới của Phùng Ký Tài. Đọc tác phẩm người ta nhận ra rằng bên cạnh việc đề cập đến một nét văn hóa có tính chất truyền thống của dân tộc – tục để bím tóc đuôi sam từ thời Mãn Thanh, ông còn có thái độ nhìn nhận một cách mới về vấn đề. Đó là những cái xưa cũ cần phải được nhìn nhận một cách đúng mức, nếu không còn phù hợp nữa thì cần phải được loại bỏ; cái cốt cách, cái “thần” không phải toát ra từ những cái bên ngoài mà phải từ trong khí chất.

Gót sen ba tấc là truyện chương hồi hiện đại viết về số phận Qua Hương Liên, một cô gái con nhà nghèo có đôi bàn chân bó xinh đẹp. Truyện gồm mười sáu hồi, bắt đầu từ khi Hương Liên còn nhỏ cho đến hồi cuối cùng là cái chết của nàng. Cô bé Hương Liên mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã ở với bà ngoại. Bà ngoại Hương Liên được gọi là “bà đại tài” trong vùng và bà đã bó cho cô cháu gái – lúc này đã 7 tuổi, một đôi gót sen khiến ai cũng phải ghen tị.

Nhờ đôi gót sen nhỏ nhắn mà Hương Liên được làm dâu trưởng trong gia đình họ Đồng nổi tiếng giàu có, quyền quý. Nàng được mọi người trong nhà vô cùng nể phục, đặc biệt là ông bố chồng Đồng Nhẫn An, cũng bởi đôi bàn chân bó. Nàng trở thành báu vật của nhà họ Đồng và luôn luôn vấp phải sự đố kị, ghen ghét của mọi người trong gia đình, đặc biệt là thím Hai Bạch Kim Bảo. Cũng chính vì vậy mà nàng luôn phải đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn của mọi người. Hương Liên có cô con gái là Liên Tâm. Gần đến ngày bó chân, Liên Tâm biến mất, Hương Liên rất đau buồn. Đồng Nhẫn An chết đi, Hương Liên trở thành người làm chủ. Nàng lo toan, quán xuyến mọi việc trong nhà. Sau đó, chân bó không được thịnh hành nữa. Trong nhà, ngoài ngõ người ta bắt đầu cởi chân bó hoặc để chân tự nhiên. Thế là những cuộc tranh cãi nổ gay gắt ra giữa những những người theo phái “Triền túc” (chân bó) và “Thiên túc” (chân tự nhiên) bắt đầu. Chân nhỏ mắng chân to là “ngói tây”, “xương rồng”, “mặt lừa”, “dưa bở”; chân to chửi chân nhỏ là “góc bánh thiu”, “móng gò thối”, “chó chê tiền”… Đứng đầu phái “Triền túc” là Qua Hương Liên, đứng đầu phái “Thiên túc” là Ngưu Tuấn Anh – một cô gái vô cùng xinh đẹp. Trong một lần thi chân, Hương Liên sau khi nhìn thấy gan bàn chân phải của Tuấn Anh liền ngất đi và sau đó về nhà không lâu bà qua đời. Hương Liên mất rồi, Đào Nhi – một người hầu cận thân thiết của Hương Liên, đến gặp Tuấn Anh và nói cho cô biết cô chính là Liên Tâm – con gái của Bảo Liên nữ sĩ Hương Liên.

Gót sen ba tấc cho thấy một tập tục kì cục, tàn nhẫn, dã man của xã hội phong kiến Trung Quốc. Tập tục này không bắt nguồn từ tôn giáo như nhiều tập tục kì lạ của nhiều dân tộc trên thế giới, mà bắt nguồn từ một quan điểm thẩm mĩ quái gở của người khác giới với chị em, những người đàn ông có quyền thế ngang trời là vua chúa Trung Quốc, sau khi đã chơi chán các

kiểu “búp bê” - như sau này nhà văn lớn Na Uy Henrik Ibsen đã gọi1

. Chính vì thú nghiền gót sen của nam giới mà người phụ nữ phải chịu biết bao đau đớn, bất hạnh. Họ có thể được trọng dụng, cũng có thể bị khinh bỉ bởi chính đôi chân bó. Trong tác phẩm, Phùng Ký Tài đã cho chúng ta thấy rõ những điều này thông qua số phận của nàng Qua Hương Liên. Đi vào tác phẩm, trước hết chúng ta vô cùng ngạc nhiên và được mở rộng tầm mắt bởi những kiến thức mà tác giả đem lại. Bó chân cũng có thật nhiều kiểu, đi kèm với nó là những kiểu giày cũng vô cùng đặc biệt. Chúng ta hiểu được quy trình bó và giữ để có một gót sen thật đẹp. Chúng ta cũng hiểu được rằng, đối với nhiều người, gót sen là cả một nghệ thuật. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy tác phẩm là cách nhìn nhận văn hóa của Phùng Ký Tài. Không ít lần trong tác phẩm ta bắt gặp những từ ngữ mà tác giả để các nhân vật tự nói lên suy nghĩ của mình về chân bó như “đàn bà bó chân là đồ chơi”, “đánh mất vẻ tự nhiên, thiết tha giả tạo”, “chân bó hôi thối”, “đàn bà bó chân yếu đuối”…

Âm dương bát quái cũng là tiểu thuyết chương hồi “hiện đại” lại đề cập đến một truyền thống khác của các gia đình Trung Quốc – tục lưu giữ và truyền của gia bảo. Nghe người ta nói rằng, nhà Hoàng ở phía Bắc thành Thiên Tân – chủ nhân của cửa hàng bán giấy bút có từ lâu đời là Tụy Hoa Trai, có một cái tráp đựng tiền vàng của tổ tiên để lại. Cũng chính vì cái tráp này mà anh em trong nhà không nhìn mặt nhau, con cháu hiềm khích nhau. Thế là người ta bắt đầu giở mọi thủ đoạn để tìm kiếm. Nhân vật chính trong tác phẩm là Nhạ Nhạ - cháu của ông Hai họ Hoàng. Ông Hai suốt ngày ở lì trong phòng đọc sách, không quan tâm nhà cửa hay việc buôn bán ở cửa hiệu. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do bà Hai lo liệu. Còn Nhạ Nhạ thì nghe lời vợ, làm đủ mọi cách để tìm cái tráp. Nào là rước thầy thỉnh thần vào nhà chú

xem đất cát để lật tung hết lên gọi là sửa sang nhà cửa. Nào là mời ông Vạn Hỏa Nhỡn Kim Tình có đôi mắt nhìn xuyên thấu vạn vật vào để tìm yêu… Thậm chí Quế Hoa – vợ của Nhạ Nhạ còn đòi lật tung cả mộ tổ để tìm nhưng vẫn không tìm đâu ra cái tráp. Nhà họ Hoàng lúc đầu sung túc càng về sau càng suy thoái dần nhưng lại cũng nhờ Nhạ Nhạ và đám bạn bè giang hồ của anh ta mà sung túc trở lại. Bà Hai mất, ông Hai bỏ nhà ra đi cầu thần bái Phật để thành tiên, giũ bỏ hết bụi trần, cả gia tài nhà họ Hoàng cuối cùng về tay Nhạ Nhạ. Rồi lâu dần người ta cũng không còn nhắc đến cái tráp vàng ấy nữa. Cốt truyện của Âm dương bát quái chỉ xoay quanh chuyện tìm của gia bảo nhưng khi đọc vào tác phẩm ta sẽ bắt gặp rất nhiều điều đặc sắc không chỉ về nội dung tư tưởng mà còn về nghệ thuật. Tên truyện đã huyền bí khôn lường, nội dung càng huyền hoặc kì lạ. Truyện có sự pha trộn giữa sự biến hóa của âm dương bát quái trong Kinh dịch và văn hóa cổ Thiên Tân. Kết hợp những điều đó nhuần nhuyễn trong tác phẩm đòi hỏi tác giả vừa phải am hiểu văn hóa, cách sinh sống, thói quen của những tầng lớp người trong xã hội lại phải vừa am hiểu một cách sâu sắc mọi hình thái biểu hiện của âm dương bát quái trong Kinh dịch được thông tục hóa và lưu truyền trong dân gian. Truyện giàu tính văn hóa và có nhiều lớp nghĩa. Ngay chính tác giả cũng nói rằng: “Tôi không mong tất cả bạn đọc đều có thể bước vào tầng sâu của truyện. Ai có thể bước vào tầng nào thì hay tầng ấy. Nội dung truyện là lập thể, chẳng khác nào một trái núi. Người vào đến đâu thì biết đến đấy. Đến đấy rồi dừng, như thế là vừa hay rồi” [33; tr.8].

Truyện cũng gồm mười sáu chương và có thêm hai phần “Đôi lời bâng quơ”, “Vào truyện”. Phần “Đôi lời bâng quơ” nói về thuyết âm dương bát quái. Phần “Vào truyện” nói về một vài đặc điểm và con người ở vùng đất Thiên Tân. Còn sau đó, ở đầu mỗi chương, tác giả đều dành một đoạn văn khá

dài để viết về sự biến hóa, thay đổi hoặc biểu hiện của âm dương bát quái rồi mới đi tiếp vào những sự việc, tình huống trong truyện. Có thể nói đây là một tác phẩm có rất nhiều tình tiết và nhân vật. Đọc tác phẩm, người đọc dễ bị cuốn vào một hệ thống nhân vật vô cùng phong phú mà nhân vật nào cũng có cái kì lạ. Đó có thể là kì lạ về tài năng, cũng có thể kì lạ về ngoại hình hoặc tính cách… Chúng ta cũng sẽ bị cuốn vào những câu chuyện li kì, hoang đường xảy ra trong nhà ngoài phố khắp vệ Thiên Tân.

Cái “phong vị đô thị”, “phong vị Thiên Tân” đã được thể hiện khá đầy đủ trong “quái thế kì đàm”. Đọc bộ ba tác phẩm này, người ta càng thấm thía hơn cái “tâm” của Phùng Ký Tài – không phải viết ra chỉ để tái hiện lại mọi chuyện mọi việc mà viết ra để nhìn nhận, đánh giá những cái hay dở, được mất; từ đó mà có cái nhìn phù hợp để bước vào tương lai. Không ngại ngùng đưa ra và nhìn nhận cả hai mặt cái xấu của sự việc, thậm chí ý kiến phủ định còn nhiều hơn, Phùng Ký Tài đã hướng ngòi bút của mình đi theo con đường của Lỗ Tấn và nhiều tác giả văn học tầm căn khác để tìm cái riêng và cái đúng cho dân tộc mình. Nhà văn Phùng Ký Tài chỉ ra: “Lịch sử không phải là nói chúng ta đứng ở hiện tại nhìn quá khứ, mà quan trọng hơn là đứng ở ngày mai nhìn hiện tại, từ ngày mai để nhận thức ngày nay của chúng ta, có những cái đã có thể đi vào lịch sử” [63].

CHƯƠNG 2: THIÊN TÂN – CẢM HỨNG

TRONG “QUÁI THẾ KÌ ĐÀM”

Một phần của tài liệu đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của phùng ký tài (roi thần, gót sen ba tấc, âm dương bát quái) (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)