4. Phương pháp nghiên cứu và bố cục luận văn
3.1.2. Hình ảnh bím tóc trong tác phẩm Roi thần của Phùng Ký Tài
Có thể nói, Phùng Ký Tài là người đầu tiên và cho đến nay có lẽ là người duy nhất có một tác phẩm trọn vẹn về tục để bím tóc. Trong các sáng tác trước đây của Lỗ Tấn như Thuốc, AQ chính truyện và sau này là một số tác phẩm của Mạc Ngôn như Đàn hương hình, chúng ta vẫn thấy thấp thoáng
hình ảnh của bím tóc nhưng chỉ là những câu văn miêu tả ngoại hình của nhân vật, tuyệt nhiên không hề nói đến bím tóc như là những thăng trầm của lịch sử. Nhưng trong sáng tác của Phùng Ký Tài, chúng ta thấy một điều: bím tóc của Hai Ngố là cả một pho lịch sử của dân tộc Trung Hoa.
Trước hết, bím tóc của Hai Ngố là một bím tóc đẹp, lạ, hiếm thấy trong thành Thiên Tân. Bím tóc ấy “dài ơi là dài” ngay từ khi mười hai tuổi mà đã “to như bím tóc người lớn, đuôi bím tóc trùm qua mông”. Đến khi anh ta trưởng thành thì có thể quấn mấy vòng trên đầu, bím tóc ấy “to đen nhánh hiếm thấy, chẳng khác nào sợi dây tời to trên trục cuốn ở bến phà” [33; tr.28]. Người ta chú ý đến Hai Ngố cũng chính bởi bím tóc khác người đó. Trong xã hội Trung Quốc cuối đầu Thanh đầu đời Dân quốc, lối sống của phương Tây ùa vào làm thay đổi quan niệm và cách sống của bao nhiêu người cùng với việc chính phủ đang ban lệnh chấm dứt việc để bím tóc thì việc Hai Ngố vẫn giữ được một bím tóc dài đẹp như trên là một điều hiếm thấy. Bím tóc của Hai Ngố chính là hình ảnh của triều đình nhà Thanh mấy trăm năm qua. Đối với những người dân ở Thiên Tân khi đó, bím tóc của Hai Ngố là biểu hiện cho cái đẹp, cho văn hóa lịch sử. Để bảo vệ giang sơn xã tắc, cái bím tóc ấy cũng ra trận đánh tây như mọi người. Vào trận, cái bím tóc ấy cũng xông xáo, nhanh nhẹn, đầy nhiệt huyết và niềm tin nhưng rồi bím tóc ấy cũng bị sung Tây bắn nát và cuối cùng phải cắt đi, phải chăng chính là sự phản ánh hiện thực xã hội: muốn chiến thắng được phương tây không phải chỉ có tinh thần mà còn phải có vật chất – những thứ vũ khi cần thiết để chiến đấu; đồng thời cũng phán ánh một điều: nhà Thanh đã không còn nữa nên những phong tục cũng không còn phù hợp, phải bị hoặc bị ép buộc phải xóa bỏ? Xã hội Trung Quốc đã thay đổi và mang trong đó một phần nếp sống của phương Tây nhưng phong trào chống lại người Tây thì vẫn luôn luôn sôi sục. Bím tóc không còn nhưng nó lại mang một ý nghĩa biểu tượng khác: cắt bím tóc đi có
thể là có lỗi với tổ tiên nhưng cái tinh thần anh dũng và niềm tự hào dân tộc thì vẫn còn mãi. Đó là biểu hiện của tinh thần yêu nước, là nét đẹp trong lối sống của con người và cũng là biểu biện của lối sống rất lí trí của người dân Trung Quốc.
Thứ hai, bím tóc của Hai Ngố gắn liền với công phu tổ tiên gia truyền. Đây cũng là một biểu tượng cho nét đẹp văn hóa của người Trung Quốc: luôn có ý thức giữ gìn truyền thống gia đình. Phàm những gì gọi là gia truyền thì không thể truyền cho người ngoài. Công phu bím tóc mà Hai Ngố có được là do cha anh và tổ tiên mấy đời truyền lại. Lời nói trước lúc lâm chung luôn được coi là lời di chúc, di huấn có sức nặng ngàn cân.
“Công phu bím tóc… là do tổ tông nhà ta đời đời truyền lại. Trong đời, cha chưa dùng đến lần nào… Con nhớ lấy… nếu chưa đến lúc vạn bất đắc dĩ… thì nhất quyết… đừng để lộ ra. Lộ ra thì chuốc lấy tai vạ… mất thôi. Lại còn, truyền cho con… cho cháu, không được truyền cho người ngoài… Nhớ kĩ chưa?” [33; tr.59].
Những lời dặn dò của người cha trước khi chết còn thể hiện một nét đẹp trong lối sống của những con người có tài mà không cậy tài, luôn muốn “dĩ hòa vi quý”. Nhưng rồi cuối cùng thì sao? Chẳng phải Hai Ngố vẫn phải nhận đệ tử bên ngoài để truyền công phu đó hay sao? Hai Ngố chưa có con, anh ta phải thu nhận hai đệ tử để truyền lại công phu. Vậy việc công phu chỉ truyền lại cho các thành viên trong gia đình là có nên hay không? Và nếu như chỉ khư khư giữ cho riêng mình thì liệu đó có phải là một điều tốt?
Bím tóc của Hai Ngố còn kết tinh trong đó cả khí huyết và công phu. “Nếu khí huyết chẳng khỏe mạnh thì tóc không thể tốt như thế được” [33; tr.28]. Trong y học, người ta quan niệm, những người khỏe mạnh chính là những người có khí huyết lưu thông tốt. Cái khí huyết và công phu của Hai Ngố đã được cha rèn luyện cho từ thuở nhỏ bằng cách mỗi lần phạt là treo
bím tóc lên cây và càng được trọn vẹn hơn vì mỗi ngày anh đều chăm chỉ luyện tập cẩn thận. Công phu bím tóc gia truyền của gia đình Hai Ngố vốn xuất phát từ lối quyền của cửa Phật. Khi sử dụng công phu “vấn tâm quyền” này phải cạo trọc đầu “để khi giao đấu đối phương không nắm được tóc mình”. Nhưng từ khi có lệnh của nhà Mãn Thanh phải để bím tóc thì cụ tổ nhà Hai Ngố đã biết biến hóa theo thời, sáng chế ra “công phu bím tóc kì dị vào bậc nhất”. Bím tóc ở đây đã trở thành biểu tượng cho sự linh hoạt, nhanh nhạy, biết biến hóa theo thời. Chính vì vậy, những đường quyền của bím tóc chứa đựng trong đó cả sự sáng tạo, bản lĩnh và võ thuật, biến nó thành “cái bím tóc thần xuất quỷ một, tựa hồ như có phép thuật” [33; tr.55]. Trong lúc giao đấu, cái bím tóc đó “vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại, vừa khéo léo, vừa hoành tráng, dường như có khí thế quét tan thiên hạ, đến đâu đều vô địch vậy” [33; tr.74]. Có lúc chiếc bím tóc đen nhánh ấy “quay nhanh như chớp”, “ngọn bím tóc cuốn đao nhổ lên rồi quăng thật mạnh”, “vụt đánh phách một tiếng”; có lúc lại “đen nhánh buông lơi quanh vai”, “y như con rắn vắt vai của một người nuôi chơi, bất kì lúc nào cũng có thể trườn ra”,… Người ta còn so sánh bím tóc ấy “còn lợi hại hơn hẳn cây gậy thần trong tay Tôn Hầu Tử”. Đối với người dân trong thành Thiên Tân, bím tóc của Hai Ngố trở nên vô cùng thần thánh, “được trời trao gánh nặng” để “chấn hưng oai nước chí dân”. Người ta tôn thờ và ca tụng anh hết lời.
Cái bím tóc ấy lợi hại là thế, mang trọng trách “lớn lao, nặng nề như cả giang sơn nhà Đại Thanh” là thế nhưng cuối cùng nó cũng bị chính Hai Ngố cắt đi. Việc Hai Ngố cắt tóc đi phản ánh sự chuyển biến trong ý thức của anh. Không phải là Hai Ngố quên mất tổ tiên, “cắt roi thần của tổ tông để lại” mà anh đã ý thức được rằng: “Những gì tổ tiên để lại dù tốt đến mấy đi nữa, nhưng khi nên cắt thì phải cắt. Tôi chỉ bỏ cái roi, còn thần thì giữ nguyên. Như thế dù có gặp việc gì đi nữa cũng không thể làm chúng tôi bó tay chờ
chết; bất kể trò chơi mới nào, chúng tôi cũng học được đến nơi đến chốn, quyết không khi nào chịu thua người khác” [33; tr.150]. Hai Ngố cắt phần roi
còn giữ lại phần thần chẳng phải là vẫn giữ lại cái gốc của tổ tiên đó sao? Chẳng phải tổ tiên của anh trước kia cũng đã thay đổi để phù hợp với thời thế hay sao? Quá trình Hai Ngố nhận thức được điều này chính là quá trình lớn lên của anh. Không còn là con người lo lắng, sợ hãi khi bím tóc bị cắt đứt nữa mà là một con người với phong thái chủ động, tự tin bởi cuối cùng anh đã nhận biết được cái tinh khí của tổ tiên để lại, cái đạo lí mà tổ tông muốn con cháu noi theo. Qua hình ảnh Hai Ngố ở cuối tác phẩm, ta có thể thấy được cái phong thái của con người ở vùng đất giàu văn hóa. Họ biết cái họ quan tâm và cái quan trọng nhất đối với họ. Đó không phải là những cái hào nhoáng bên ngoài mà là cái khí phách, cốt cách bên trong. Chính cái khí phách ấy làm nên những thành công. Cái “thần” ở đây có lẽ muốn nhấn mạnh tới điều đó.
Qua hình ảnh bím tóc, một mặt Phùng Ký Tài muốn nhấn mạnh đến một biểu tượng trong quá khứ của một trong những triều đại hưng thịnh nhất của xã hội phong kiến Trung Quốc nhưng một mặt khác ta cũng thấy được rằng: đối với Phùng Ký Tài, bím tóc chẳng qua cũng chỉ là một tập tục cũ trong xã hội, việc để bím tóc hay không có lẽ không phải là vấn đề quan trọng. Cái quan trọng nhất đó là chúng ta học hỏi được gì từ những cái còn và mất đó. Khi còn bím tóc, suốt ngày Hai Ngố chỉ nghĩ về nó, chưa thoát ra khỏi những suy nghĩ tầm thường và tưởng tượng bím tóc của mình là cái rất lớn lao. Nhưng khi bím tóc không còn nữa anh lại suy nghĩ được những cái đúng đắn và cao cả hơn. Đó chính là nhận thức của con người mà Phùng Ký Tài muốn nhấn mạnh. Phùng Ký Tài không đề cao, không ca ngợi cũng như không phủ nhận tập tục này nhưng cái cuối cùng ông muốn gửi gắm tới người đọc là hãy chú trọng đến phẩm chất, cách sống thay vì bị mê hoặc vào những cái hào nhoáng bên ngoài. Đây là điều mà người dân Thiên Tân có lẽ đang
mắc phải sau thời kỳ cải cách mở cửa. Chính vì vậy, cách nhìn này của Phùng Ký Tài cũng giống như một sự thức tỉnh. Người dân sống ở vùng đất truyền thống phải hiểu được truyền thống, đừng để lạc mất huyết mạch.