Tài, chủ đề

Một phần của tài liệu đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của phùng ký tài (roi thần, gót sen ba tấc, âm dương bát quái) (Trang 49 - 53)

4. Phương pháp nghiên cứu và bố cục luận văn

2.2.1. tài, chủ đề

Xác định theo giới hạn bề ngoài của phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, trong đó các phạm trù xã hội, lịch sử giữ vai trò quan trọng, thì đề tài trong bộ ba sáng tác của Phùng Ký Tài chính là thành thị.

Thành thị được coi là khu vực văn hóa “bất quy phạm” của các nhà văn thuộc dòng văn học tầm căn. Như chúng ta đã biết, đô thị chính là nơi phản ánh một cách trực tiếp và rõ nhất sự ảnh hưởng của các yêu tố bên ngoài. Sự du nhập văn hóa bên ngoài vào một quốc gia luôn có những mặt tích cực và những mặt trái. Một mặt nó làm phong phú thêm diện mạo đô thị. Người ta có thể tiếp thu những cái mới để làm giàu thêm truyền thống văn hóa địa phương, kết hợp giữa cái cổ điển và cái hiện đại, phù hợp với quá trình hội nhập. Nhưng mặt khác, những tư tưởng “sùng ngoại” hay “bài ngoại” quá mức đều không tốt. Các nhà văn “tầm căn” đã xác định rất rõ ràng, đối với văn hóa “bất quy phạm” thì giữ thái độ phủ nhận, phê phán.

Trong bộ ba “quái thế kì đàm”, hình ảnh của đô thị Thiên Tân trong giai đoạn cuối những năm đời Thanh đầu đời Dân quốc với sự pha trộn giữa các yếu tố truyền thống và ngoại lai được Phùng Ký Tài thể hiện khá rõ.

Trước hết, Thiên Tân ở vào một vị trí vô cùng thuận lợi không phải thành phố nào cũng có được. “Địa giới Thiên Tân này là do ông Trời cắt từ một mảnh trên ấy ném xuống mà thành” [33; tr.415]. Đó không chỉ đơn giản là “nhất cận thị, nhị cận giang” mà Vệ Thiên Tân lại được ông trời ưu ái vô cùng “chập cả năm con sông lớn là Bắc Vận, Nam Vận, Vĩnh Định, Đại Thanh, Tử Nha vào làm một, rồi tiện tay bỏ vào biển cả mênh mang ở bên mình. Ở đây có cá, có tôm, có gạo, có muối, có mặn, có chát, có đậu phụ, có cua đồng, có cua bể, có thuyền gỗ nhỏ, có tàu biển lớn; bên trái chắn giữ kinh thành, bên phải mở tô giới, có người ăn lương nhà quan, có người ăn lương của Tây, còn trăm họ chuyên ăn táo mà khỉ ăn thừa đánh rơi” [33; tr.415]. “Ở Vệ Thiên Tân có năm con sông giao nhau, bảy mươi hai bến buôn bán, lại thêm vô số hồ, đầm, ao, vũng, cống, cừ, hô, thùng, bến cảng” [33; tr.573]. Thiên Tân là thành phố cảng, là nơi giao lưu buôn bán tấp nập với nước ngoài ngay từ những ngày đầu. Dấu ấn của sự thay đổi cũng thể hiện rõ nhất, do đó con người Thiên Tân cũng có những tính cách và tâm lí đặc trưng.

Có nhiều yếu tố hình thành tâm lí của một cộng đồng, văn hóa của một vùng miền. Khi đi tìm nguồn gốc sâu xa để lí giải về cội nguồn văn hóa nào đó, người ta thường chú ý trước hết đến các điều kiện tự nhiên. Con người là một bộ phận của tự nhiên, “là sản phẩm của tự nhiên” (F. Enghen), có khả năng chinh phục tự nhiên, nhưng đồng thời cũng bị chi phối bởi tự nhiên. Một xã hội tồn tại luôn hiện hữu nhiều mối quan hệ: quan hệ nội tại và quan hệ ngoại tại. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, “ý thức xã hội, những sản phẩm mà con người tạo ra, trong đó có văn hoá, đều có mối

liên hệ chặt chẽ với môi trường sinh tồn bao quanh xã hội”. Nhà sử học Hà Văn Tấn cho rằng: “Tâm lí dân tộc biểu hiện trong phong cách tư duy, lối ứng xử (hay hành vi), đồng thời biểu hiện ra trong tình cảm dân tộc. Nó bị chế ước bởi các điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử”.

Ở gần sông, biển “Vệ Thiên Tân nước mặn” nên rất dễ nhận thấy “răng người Thiên Tân đều vàng” [33; tr.579]. Đây là một đặc điểm rất cụ thể của người miền biển. Chính vì có điều kiện tự nhiên thuận lợi như thế nên thành phố rất phát triển, “đất Thiên Tân năm phương về ở hỗn tạp”. Có lẽ chính sự “hỗn tạp” đó làm cho “dân chúng tuy trọng nghĩa khí nhưng hung hãn, dễ nảy sinh sự cố” [33; tr.15]. Đặc biệt, “người Thiên Tân rất coi trọng khẩu khí. Người tuy thua, việc tuy hỏng nhưng khẩu khí không được mềm. Cái gọi là “Mép Thiên Tân” không phải ở chỗ nói giỏi. “Miệng Kinh đô” chú trọng ăn nói, “Mép Thiên Tân” chú trọng đấu, đấu khẩu cũng là đấu khí” [33; tr.25]. Không ít lần trong ba tác phẩm, Phùng Ký Tài nêu lên những đặc điểm của người Thiên Tân. Là nơi cửa ngõ để buôn bán, thông thương với nước ngoài nên thành phố có rất nhiều công việc cho người dân. Họ có thể mở cửa hiệu buôn bán, kinh doanh, cũng có thể mua ngay ở tàu này rồi bán lại ngay cho tàu khác để lấy lời, có thể làm phu khuân vác,… Có thể nói người Thiên Tân không lo bị đói ăn. Có lẽ vì vậy mà “Người Thiên Tân thích ăn uống và thích có lời thực tế” – Bát Ca nói [33; tr.633] Đồng thời, “Người Thiên Tân có tính hay phét lác”, “hễ nóng lên là hăng phải biết”. “Người ở đây xưa nay có lệ thích xem những gì náo nhiệt, chỗ nào có người thì chỗ ấy có náo nhiệt” [33; tr.419]. Rồi thì “Người Thiên Tân hay hiếu sự, trong cuộc sống thích có lễ tết, chỉ mong ngày nào cũng có Phật mà lễ bái, có thần mà cầu xin, có phúc mà hưởng thụ. Một ngày mà không Phật, không thần, không quan phụ mẫu thì trong lòng chẳng yên” [33; tr.423] Chính vì vậy mà mỗi khi ở đâu có chuyện là người ta kéo đến vây quanh vòng trong vòng ngoài để cổ vũ, mùa lễ hội

luôn thu hút được sự quan tâm của người dân. Người ta có thể bỏ công ăn việc làm để tham gia các trò vui. Điều này trái ngược với hình ảnh người dân vùng núi trong sáng tác của Hàn Thiếu Công.

Không chỉ nói về đặc điểm tâm lí của người Thiên Tân, trong các tác phẩm của mình, Phùng Ký Tài còn đề cập đến rất nhiều những khía cạnh khác của Thiên Tân đúng như chủ đề ông đã xác định ngay từ đầu – viết về “người nhàn, việc tạp, chuyện lạ”, viết cho ra “cái vị Thiên Tân chính cống”. Ở bộ ba “quái thế kì đàm”, ta có thể bắt gặp rất nhiều những cái gọi là “nhàn”, “tạp”, “lạ” đó. Có chuyện thần tiên hư ảo, có chuyện thực tế thị phi, có những điềm lạ điềm báo, có đủ mọi loại người – từ những kẻ có chức có quyền đến những kẻ lưu manh đầu đường xó chợ,…

Roi thần không chỉ đơn giản là câu chuyện công phu bím tóc của anh Hai Ngố mà còn xoay quanh nó biết bao nhiêu vấn đề khác. Tác phẩm tái hiện một hình ảnh Thiên Tân với nhiều hỗn tạp. Hỗn tạp ngay trong cách đặt tên, “Trẻ con ở Vệ Thiên Tân từ nhỏ đã có tên hiệu, nào Ngố, Cún, Chó Con, Lỗ Đít, Cả Hôi, Hai Hôi, Ba Hôi, Trọc, Chó Chẳng Thèm…” [33; tr.39] với mong muốn tên gọi xấu xí đó làm cho Diêm Vương coi thường, không viết tên vào số Tử, nhờ đó được sống lâu; hỗn tạp trong trang phục và lối sống nửa Tây nửa ta của một số người;… Xung quanh câu chuyện của bím tóc còn là câu chuyện của những kẻ lưu manh đầu đường xó chợ, những mối ân oán giang hồ, câu chuyện của những kẻ được coi là nhất trong thiên hạ, câu chuyện về việc chống lại người Nhật, người Tây.

Xen lẫn vào câu chuyện về bàn chân bó trong Gót sen ba tấc là câu chuyện về sự đấu tranh giữa một bên là những cái mới, một bên là cái xưa cũ; là những mâu thuẫn trong gia đình; là tình thương của người mẹ; là sự trung thành của người ở; là câu chuyện của những con người có tiếng tăm trong

vùng, được khen là biết thưởng thức cái đẹp; là thật giả trong buôn bán và ngay trong cả lối sống;... Tất cả đã được Phùng Ký Tài khắc họa thật khéo léo. Đọc Âm dương bát quái, người đọc được tiếp xúc với vô số phong tục, quan niệm, tập tục từ sinh hoạt trong gia đình, trong nhà, đến những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, ma chay, cưới hỏi,… Qua cái cách mà con người ta tổ chức, tán dương những nếp sinh hoạt đó, ta sẽ thấy hiện lên tính cách, nếp sống của con người vùng đất Thiên Tân.

Một phần của tài liệu đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của phùng ký tài (roi thần, gót sen ba tấc, âm dương bát quái) (Trang 49 - 53)