Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh bình thuận trên quan điểm phát triển bền vững (Trang 28 - 31)

7. Cấu trúc của luận án

1.1.2. Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững

1.1.2.1. Phát triển bền vững

Phát triểnđược hiểu là một quá trình tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành khác nhau về kinh tế, chính trị, xã hội, kỹ thuật, văn hoá... Phát triển là xu hướng tự nhiên tất yếu của thế giới vật chất nói chung, của xã hội loài người nói riêng. Mục tiêu của phát triển là nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của con người, làm cho con người ít phụ thuộc hơn vào thiên nhiên, tạo lập một xã hội công bằng và bình đẳng giữa các thành viên.

Lý thuyết về phát triển bền vững mới xuất hiện khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX. Tại Hội nghị về Môi trường toàn cầu RIO - 92 và RIO - 92+5, phát triển bền vững được các nhà khoa học định nghĩa: “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hoà nhập, xen cài và thoả hiệp của 3 hệ thống tương tác là hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội” (xem hình 1.1) [75].

Hình 1.1: Quan niệm về phát triển bền vững

Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững (năm 2002) đã xác định “phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống” [5].

Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam khẳng định “phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững ở Việt Nam là “đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn

Hệ kinh tế Hệ xã hội

Hệ tự nhiên

Phát triển bền vững

hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường” [5].

Quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Quan điểm phát triển bền vững đã được tái khẳng định trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường" và "Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học" [5].

1.1.2.2. Phát triển du lịch bền vững

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy bản thân sự phát triển của du lịch đòi hỏi phải có sự phát triển bền vững chung của xã hội và ngược lại. Việc phát triển du lịch với mục đích đơn thuần về kinh tế trong thời gian trước đây đã cho thấy thiếu tính bền vững trên nhiều phương diện, đang đe dọa hủy hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái, đến các nền văn hóa bản địa. Hậu quả này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành du lịch. Chính vì vậy, từ đầu thập niên 1990 các nhà khoa học trên thế giới đã tập trung nghiên cứu và đưa ra khái niệm “phát triển du lịch bền vững” nhằm khuyến cáo và tiến đến hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch, bảo đảm sự phát triển lâu dài.

Tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992, Tổ chức Du lịch Thế giới – WTO đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các

nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng về sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người” [75].

Theo tiến sỹ Trần Văn Thông, du lịch bền vững là quá trình điều hành quản lý các hoạt động du lịch với mục đích xác định và tăng cường các nguồn hấp dẫn du khách tới các vùng và các quốc gia du lịch. Quá trình quản lý này luôn hướng tới việc hạn chế lợi ích trước mắt để đạt được lợi ích lâu dài do các hoạt động du lịch đưa lại [45].

Luật Du lịch Việt Nam khẳng định: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai” [31].

Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng sự phát triển này chỉ mang tính chất tương đối, bởi vì trong một xã hội “động” tức là một xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển thì sự bền vững của yếu tố này sẽ là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tồn tại của những yếu tố khác, không một xã hội nào, một nền kinh tế nào có thể đạt được sự bền vững tuyệt đối. Mọi hoạt động, mọi biện pháp của con người chỉ nhằm đạt mục đích đảm bảo khả năng khai thác lâu, bền các nguồn tài nguyên trên Trái đất.

1.1.2.3. Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững

Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững thực chất là việc vận dụng quan điểm phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước Việt Nam vào phát triển du lịch. Phát triển du lịch phải đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng trưởng kinh tế du lịch phải đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường lãnh thổ mà du lịch phát triển.

Sự khác nhau cơ bản giữa phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững với phát triển du lịch thông thường là:

- Hướng tới 3 mục đích: kinh tế, môi trường và cộng đồng;

- Được lập kế hoạch và quản lý ngay từ lúc bắt đầu. Quy hoạch phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, với quy hoạch chung của ngành.

- Đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời quan tâm đến việc mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương;

- Giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động xấu của phát triển du lịch; - Đóng góp vào công tác bảo tồn tài nguyên.

- Có tính giáo dục bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Tổng quan các nghiên cứu có thể khái quát: phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có trách nhiệm, có tác dụng giáo dục nhằm phát triển cân đối, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa đồng thời đảm bảo cho sự phát triển du lịch trong tương lai.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh bình thuận trên quan điểm phát triển bền vững (Trang 28 - 31)