Phát triển du lịch theo lãnh thổ

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh bình thuận trên quan điểm phát triển bền vững (Trang 109 - 116)

7. Cấu trúc của luận án

2.2.2. Phát triển du lịch theo lãnh thổ

2.2.2.1. Điểm du lịch

Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được phân bố khá rộng khắp, tất cả các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đều có các điểm du lịch. Song, phân bố tập trung dày đặc nhất vào thành phố Phan Thiết. Hàng năm, khoảng 80 – 90% lượng khách đến Bình Thuận tập trung ở thành phố Phan Thiết, và từ đây đi tham quan du lịch đến các điểm du lịch khác trong tỉnh.

Thành phố Phan Thiết: có các bãi biển: Đồi Dương - Thương Chánh, Rạng (Hàm Tiến), bãi Sau Mũi Né - Hòn Rơm, Gành - Hòn Lao, Long Sơn suối nước; đồi cát bay Mũi Né; Suối Tiên; các di tích lịch sử - văn hóa: quần thể tháp Chàm Poshanư, trường Dục Thanh và Bảo Tàng Hồ Chí Minh, Lầu Ông Hoàng, chùa Phật Quang, Chùa Ông, chùa An Lạc, vạn Thủy Tú, đình làng Đức Nghĩa, Phú Hội, Đức Thắng; làng chài Mũi Né, làng nghề truyền thống chế biến hải sản Mũi Né, chế biến nước mắm Phú Hài.

Các huyện Tuy Phong, Bắc Bình: bãi biển Cà Ná- Vĩnh Hảo, Bình Thạnh, bãi Chùa, bãi Đá con đa màu, bãi Hòn Nghề, thắng cảnh Gành Son, suối khoáng Vĩnh Hảo, hồ Bàu Trắng, chùa Hang, chùa Linh Sơn, chùa Linh Bửu, vạn Tả Tân – miếu Hải Tân, miếu Quan Thánh, đình làng Xuân Hội, Xuân An, Đông An, Long Hương, Bình An, trung tâm trưng bày văn hóa dân tộc Chăm, di tích đền thờ Pônít, tháp Pô Klong MơhNai, đền tháp Pô Đam.

Khu vực Hàm Thuận – Đa Mi: hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận, thác Chín Tầng, Sương

Mù, Tàzun, các căn cứ kháng chiến Nam Sơn, Đông Giang, khu dân cư dân tộc K’ho, Raglay.

Các huyện Đức Linh, Tánh Linh: khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, hồ Biển Lạc, hồ Trà Tân, suối nước khoáng nóng Đa Kai, Đức Bình, thác Bà, thác K’reo, thác Mai, thác Trượt, thác Đá Bàn, khu di tích Hoài Đức - Bắc Ruộng, căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy.

Các huyện Hàm Tân – La Gi – Hàm Thuận Nam: bãi biển Đồi Dương, bãi biển

Hòn Lan, Cam Bình, Thuận Quý, thắng cảnh Hòn Bà, hải đăng Kê Gà, mũi Đá, đập Đá Dựng, ngảnh Tam Tân, dốc Ông Bằng, suối nước nóng Bưng Thị, Dinh Thầy Thím, chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà Cú – có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam.

Huyện đảo Phú Quý: bãi biển Triều Dương, Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, thắng cảnh núi Cấm, chùa Linh Quang, chùa Linh Sơn, đền thờ Bà Chúa Ngọc, vạn Thương Hải, vạn An Thạnh, đền thờ Công Chúa Bàn Tranh.

2.2.2.2. Tuyến du lịch

Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu về kinh tế - văn hoá giữa các khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hệ thống các quốc lộ 1A, quốc lộ 28 và quốc lộ 55 chạy qua địa bàn tỉnh làm cho Bình Thuận trở thành giao điểm nối các trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước như: Nha Trang - Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng phụ cận. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch trong mối liên hệ vùng và khu vực, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực xây dựng mối liên hệ phát triển với các địa bàn trọng điểm du lịch ở khu vực phía Nam. Đến nay đã bước đầu xúc tiến xây dựng tam giác phát triển du lịch Phan Thiết - Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh, dựa trên cơ sở hợp tác chia sẻ thị trường gửi khách, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá hình ảnh và các sản phẩm du lịch đặc thù.

Tuyến du lịch quốc gia

+ Tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh – La Gi - TP. Phan Thiết (theo QL 1A, và QL 55): Tham quan Dinh Thầy Thím, Dốc Ông Bằng (La Gi), hải đăng Kê Gà. Đi cáp treo khu du lịch Tà Cú, tham quan chùa núi Tà Cú, tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam. Tham quan các di tích: trường Dục Thanh, Lầu Ông Hoàng, tháp Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, chùa Phật Quang, … Tắm biển, vui chơi giải trí: lướt ván, chèo thuyền thúng, ca nô trượt nước, bóng chuyền bãi biển, trượt cát ở đồi cát Mũi Né, Đồi Hồng,… Mua sắm ở chợ Phan Thiết.

+ Tuyến du lịch Phan Thiết - Nha Trang - Đà Lạt (theo QL 1A và QL 27): Tham quan mộ Nguyễn Thông, Vạn Thạch Long, đồi cát Mũi Né. Tắm biển Nha Trang, chơi môtô nước, dù bay, ca nô thể thao, lướt ván,… Tham quan Tháp Bà Ponagar, viện Hải Dương Học Nha Trang. Tắm nước khoáng - bùn khoáng tại suối khoáng nóng Tháp Bà. Đến Đà Lạt, tham quan Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Linh Quang, nhà thờ Con Gà, dinh Bảo Đại, công viên hoa Đà Lạt, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, … Chinh phục đỉnh Langbiang, du lịch sinh thái thác Prenn, thác Pongour rất hấp dẫn. Chơi golf ở sân golf Đồi Cù. Hòa mình vào cuộc sống của người dân trong các trang trại trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Mua sắm đặc sản ở chợ Đà Lạt.

+ Tuyến du lịch Hà Nội – Nha Trang – Phan Thiết (theo QL 1A): Đến Nha Trang tham quan vịnh Nha Trang, ngắm cảnh làng chài, bãi Sạn, hòn Tằm, hòn Tre, lặn biển tại Hòn Mun khám phá đại dương. Tham quan Tháp Bà Ponagar, Dinamond Bay, viện Hải Dương Học Nha Trang, tìm hiểu về đời sống các sinh vật biển ở đại dương. Lặn biển ở Hòn Mun, đi cáp treo qua biển dài 3km đến khu du lịch 5 sao Vinapearl Land (Hòn Ngọc Việt) , chơi các trò chơi cảm giác mạnh, thưởng thức màn trình diễn nhạc nước,… Đến Phan Thiết, tham quan tháp nước, Lầu Ông Hoàng, đình làng Đức Nghĩa, đình Phú Hội, chùa Phật Quang, bãi đá Ông Địa, đồi cát Mũi Né, Đồi Hồng, Bàu Trắng, Suối Tiên, Suối Tre. Đi thuyền du ngoạn trên sông Cà Ty. Tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao biển. Tắm nước khoáng – bùn khoáng Mũi Né, thư giãn với các dịch vụ spa cao cấp. Chơi golf ở sân golf Phan Thiết, Sealinks Mũi Né – Việt Nam. Buổi tối, dạo phố biển về đêm, thưởng thức ẩm thực vùng biển

+ Tuyến du lịch Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh – Phan Thiết (QL 1A): Tham quan các di tích tại TP. Hồ Chí Minh: Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, … Vui chơi giải trí trong khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên. Thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo ở khu du lịch Bình Quới, Văn Thánh. Du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, tham quan Trại nuôi cá sấu Vàm Sát. Đến Phan Thiết, tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao biển. Tham quan tháp nước Phan Thiết, Vạn Thủy Tú, trường Dục Thanh, làng nghề nước mắm Phan Thiết, bánh tráng Phú Long,… Trượt cát, ngắm cảnh đồi cát Mũi Né, Bàu Trắng. Thử làm ngư dân với dịch vụ kéo lưới tại Hòn Rơm rất hấp dẫn. Buổi tối sinh hoạt lửa trại trên bãi biển, thi bắt còng gió, thưởng thức các món ăn đặc sản của BT.

Tuyến du lịch nội tỉnh

+ Tuyến du lịch Phan Thiết – Mũi Né – Hòn Rơm (dọc theo đường ĐT 706):

tham quan các di tích văn hóa lịch sử, lễ hội (trường Dục Thanh, Lầu Ông Hoàng, tháp PoShaInư và biểu diễn nghệ thuật Chăm, vạn Thủy Tú, đình làng Đức Thắng, chùa Phật Quang, lễ hội Mbăng Katê, Ramưwan, lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty,…); bơi thuyền, lướt ván, chèo thuyền thúng, chơi golf; tham quan đồi cát, trượt cát, đi xe jeep vượt địa hình ở đồi cát Mũi Né, Đồi Hồng, tham quan Bàu Trắng, Suối Tiên, Suối Tre, du ngoạn trên sông Cà Ty; tắm nước khoáng – bùn khoáng Mũi Né;

nghỉ dưỡng tại các khách sạn, khu du lịch ven biển; mua sắm ở chợ Phan Thiết, các cửa hàng đặc sản; Tham quan công nghệ làm nước mắm truyền thống; thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm nét đặc trưng của Bình Thuận như bánh canh, bánh xèo, bánh căn, hải sản tươi sống miền biển.

+ Tuyến du lịch Phan Thiết – Tiến Thành (dọc theo đường ĐT 719): tham quan trường Dục Thanh, vạn Thủy Tú, đình làng Đức Nghĩa, đình Phú Hội, chùa Phật Quang; lướt ván trên sóng, bơi thuyền thúng câu cá, câu mực; bóng đá, bóng chuyền, kéo co, chèo thuyền trên cát; thăm làng chài, kéo lưới cùng ngư dân; nghỉ dưỡng tại các khu du lịch ven biển Tiến Thành.

+ Tuyến du lịch La Gi – Tà Cú – Kê Gà (theo đường ĐT 709 và 712): tham quan các di tích văn hóa lịch sử, chùa núi Tà Cú, tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam, hải đăng Kê Gà, lễ hội Dinh Thầy Thím; nghỉ dưỡng biển trong các khu du lịch ven biển La Gi, Hòn Lan – Kê Gà – Thuận Quý.

+ Tuyến du lịch Phan Thiết – Bắc Bình - Tuy Phong (dọc theo đường ĐT 716):

tham quan căn cứ Lê Hồng Phong, Bàu Trắng, chùa bà Thiên Hậu, Trung tâm trưng bày văn hóa dân tộc Chăm, đền thờ Pônít, tháp Pô Klong Mơhnai, làng nghề dệt thổ cẩm Phan Thanh, La Dạ, bánh tráng Chợ Lầu, tìm hiểu nền văn hóa Chăm (Bắc Bình); tham quan chùa Hang – khu du lịch Cổ Thạch, chùa Pháp Võ, đình làng Bình An, đền tháp Pô Đam, Gành Son, bãi đá Cổ Thạch (Tuy Phong); tắm biển ở bãi biển Bình Thạnh, Vĩnh Tân, nghỉ ngơi ở các khu du lịch Trung Á, Thái Bình Dương; tắm nước khoáng – bùn khoáng Vĩnh Hảo, đi ghe máy tham quan Cù Lao Cau, lặn biển khám phá đại dương; vui chơi giải trí ở khu du lịch lặn biển Việt Nam - Scuba (Tuy Phong).

+ Tuyến du lịch Thác Bà – hồ Biển Lạc, Tánh Linh (dọc theo đường ĐT 710):

tham quan Thác Bà, hồ Biển Lạc tại khu bảo tồn thiên nhiên Biển Lạc, nghiên cứu sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn; tham quan các vườn thanh long, vườn cây ăn quả của Hàm Thuận Nam.

Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều tuyến du lịch nội tỉnh và quốc gia, nhưng tập trung có ba tuyến chính:

+ Tuyến ven biển dọc theo quốc lộ 1A, tỉnh lộ 712, 716, 706 gắn với các địa bàn có thế mạnh nổi trội về tài nguyên du lịch biển thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết.

+ Tuyến đồng bằng - đồi cát dọc theo quốc lộ 1A, quốc lộ 55, tỉnh lộ 719, 706 gắn với các địa bàn có tài nguyên du lịch phong phú thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

+ Tuyến rừng núi và thác nước theo quốc lộ 28, quốc lộ 55, tỉnh lộ 710 lên các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc.

Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch tạo các điểm nhấn về thị giác theo các tuyến du lịch quan trọng của tỉnh dọc theo tỉnh lộ 716, 706, 712, 719, quốc lộ 28, 1A, quốc lộ 55… chưa được quan tâm đúng mức.

2.2.2.3. Cụm du lịch

Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2010, toàn tỉnh được chia thành 4 cụm du lịch chính:

- Cụm du lịch Phan Thiết - Mũi Né

- Cụm du lịch Cà Ná - Vĩnh Hảo - Cù Lao Câu - Bình Thạnh

- Cụm du lịch La Gi

- Cụm du lịch Tiến Thành - Hàm Thuận Nam Nhưng thực tế chỉ mới phát triển các khu vực sau:

- Khu vực ven biển Tiến Thành – Hàm Tiến - Mũi Né – Hòn Rơm (thành phố Phan Thiết): phát triển rất nhanh so với dự báo.

- Khu vực ven biển Hòn Lan - Thuận Quý – Khe Gà, khu BTTN Tà Cú (Hàm Thuận Nam).

- Khu vực ven biển Bình Tân – Tân Bình – Tân Tiến – Tân Phước (thị xã La Gi).

- Khu vực ven biển xã Vĩnh Tân, suối khoáng nóng Vĩnh Hảo (Tuy Phong).

Nhìn chung, lãnh thổ du lịch có sự phân hóa sâu sắc. Các khu vực phát triển du lịch tập trung ở ven biển, tập trung cao độ vào thành phố Phan Thiết. Trong khi đó các huyện, đặc biệt là các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi có tiềm năng to lớn về du lịch thì chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, sức hút du lịch còn rất thấp.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh bình thuận trên quan điểm phát triển bền vững (Trang 109 - 116)