Giải pháp về phát triển xã hội

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh bình thuận trên quan điểm phát triển bền vững (Trang 157 - 161)

7. Cấu trúc của luận án

3.2.2. Giải pháp về phát triển xã hội

3.2.2.1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững

Du lịch sẽ không có tương lai nếu không phát triển bền vững. Vượt qua sự thiếu hiểu biết về phát triển du lịch bền vững được xem như là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Nhận thức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ phía chính quyền, các ngành, các cấp cũng như cộng đồng dân cư. Sự đổi mới trong ý thức sẽ dẫn đến một sự đổi mới tương ứng trong hành vi và thái độ.

Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề:

- Nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch bền vững. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục để xã hội có nhận thức đúng về tầm

quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp phát triển du lịch, có trách nhiệm đối với việc phát triển du lịch bền vững, giữ gìn nếp sống văn minh, giữ vững an ninh, an toàn xã hội, xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử có văn hoá góp phần tạo hình ảnh đẹp về con người Bình Thuận, góp phần khẳng định vị thế của du lịch Bình Thuận trong phát triển du lịch của cả nước.

Đặc biệt chú ý tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ý thức bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút khách du lịch trên thế giới. Nâng cao ý thức của nhân dân ở các vùng nông thôn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm đẹp quê hương, giữ gìn văn hóa, làng nghề truyền thống để tạo ra những sản phẩm du lịch. Đây chính là nét đặc sắc rất hấp dẫn khách du lịch quốc tế.

- Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch, đảm bảo sao cho việc bảo vệ và gìn giữ môi trường cần được bắt đầu và giám sát từ chính bản thân những người đảm nhận vai trò trực tiếp phát triển du lịch. Nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương và cán bộ quản lý các khu bảo tồn về các biện pháp quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Núi Ông, Kalon- Sông Mao và khu bảo tồn biển Phú Quý, Cù Lao Cau. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà hàng, khách sạn trong việc

bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến

môi trường. Tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý tham gia các lớp tập huấn, trao đổi

kinh nghiệm và các khóa đào tạo trong và ngoài nước về phát triển du lịch bền vững.

Khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch và

có hệ thống xử lý rác thải phù hợp, có biện pháp xử phạt đối với các nhà hàng, khách

sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường.

- Tuyên truyền giáo dục du khách ý thức về tôn trọng và bảo vệ bản sắc văn hóa, môi trường tự nhiên ở những nơi họ đến du lịch. Trau dồi sự hiểu biết của du khách về vai trò của họ trong việc ngăn ngừa ô nhiễm, trong việc xả rác hợp lý, trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch, giúp du khách có nhận thức đúng đắn để không mua bán các sản phẩm hay các dịch vụ gây đe dọa suy thoái và ô nhiễm môi trường. Khi đã có

nhận thức đúng đắn, khách du lịch sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn cho các nguồn tài nguyên du lịch.

3.2.2.2. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng bền vững

Con người là yếu tố quyết định mọi sự phát triển, quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch. Đầu tư con người là một trong những hướng đầu tư quan trọng nhất của sự phát triển bền vững.

So với nhiều ngành kinh tế, du lịch là ngành kinh tế non trẻ. Phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh và lực lượng lao động trực tiếp chưa qua các trường lớp đào tạo chuyên về du lịch một cách bài bản, làm cho các hoạt động du lịch của Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng thiếu tính chuyên nghiệp, chưa theo kịp với sự phát triển ào ạt của ngành “công nghiệp không khói”.

Trong những năm vừa qua, do sự bức xúc của quá trình phát triển nhanh chóng, ngành du lịch đã phải tạm thời chấp nhận một đội ngũ cán bộ, nhân viên với trình độ nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu của sự phát triển. Bức tranh tổng thể cho thấy nhu cầu lao động du lịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, loại lao động đều tăng trong thời gian tới. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao theo hướng bền vững đang là một thách thức lớn đối với Bình Thuận.

Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề:

- Điều tra, thống kê về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trước mắt phấn đấu giải quyết tình trạng lao động chưa qua đào tạo, chất lượng thấp, cơ cấu bất hợp lý hiện nay.

- Đẩy mạnh đào tạo chuyên nghiệp, khuyến khích đào tạo chính quy về du lịch ở các trung tâm đào tạo lớn để đào tạo một đội ngũ có trình độ đại học và trên đại học về nghiệp vụ du lịch. Đây sẽ là lực lượng lao động nòng cốt góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành du lịch Bình Thuận trong tương lai. Vì vậy, cần phải nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên ngành hiện có. Đầu tư đúng mức cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo nghề du lịch, gồm: hệ thống phòng thực hành mẫu, phòng học ngoại ngữ, phòng học tin học, thư viện và các trang thiết bị phục vụ giảng dạy đạt tiêu chuẩn… Phát triển đội ngũ giáo viên cơ hữu chuyên ngành du lịch đạt chuẩn về

năng lực giảng dạy chuyên môn và ngoại ngữ. Hoàn thiện và đa dạng hóa hệ thống các giáo trình, tài liệu tham khảo. Lồng ghép giáo dục tài nguyên, môi trường vào chương trình đào tạo các cấp về du lịch. Khuyến khích đầu tư xây dựng trường đại học hoặc cao đẳng du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, phát huy tốt vai trò của các trường trên địa bàn tỉnh đang đào tạo một số chuyên ngành du lịch như trường Đại học Phan Thiết, trường Cao đẳng Cộng đồng, trường Trung cấp Nghề tỉnh và trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Kỹ thuật của Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển.

- Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo. Đối tượng liên kết, hợp tác là các trung tâm du lịch lớn trong nước có các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, có nguồn giáo viên mạnh, có kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực du lịch như: thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Huế, Hà Nội và các nước, các tổ chức quốc tế mà Tổng cục Du lịch đã ký hiệp định hợp tác du lịch. Các hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo chủ yếu là thu hút dự án đầu tư về đào tạo, trao đổi kinh nghiệm; đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy; hỗ trợ giảng viên chuyên ngành; hỗ trợ chuyên gia quốc tế; hỗ trợ đào tạo, tu nghiệp tại nước ngoài; tư vấn, tài trợ kinh phí, kỹ thuật, kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch với các hình thức như mời các tổ chức quốc tế đến Bình Thuận nghiên cứu, khảo sát, tư vấn và tài trợ kinh phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua các dự án quốc tế về du lịch.

- Có chính sách ưu đãi cụ thể nhằm thu hút nhân tài về tỉnh, nhất là thu hút các chuyên gia giảng dạy có kinh nghiệm và lực lượng trí thức của tỉnh được đào tạo nước ngoài đã tốt nghiệp đại học, trên đại học chuyên ngành du lịch về công tác dài hạn ở tỉnh.

- Thực hiện đa dạng hóa, xã hội hóa công tác đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo chính quy cần đẩy mạnh hình thức đào tạo tại chức và các hình thức liên kết đào tạo. Khuyến khích đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Lao động được đào tạo lại, bồi dưỡng và huấn luyện tại chỗ cần được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Các doanh nghiệp cần khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để

cán bộ quản lý, trưởng, phó bộ phận ở doanh nghiệp được tiếp tục học nâng cao trình độ, năng lực quản lý, quan tâm tạo điều kiện cho lao động tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn…

- Lồng ghép giáo dục tài nguyên, môi trường vào chương trình đào tạo các cấp về du lịch; chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững cho đội ngũ cán bộ nhân viên, du khách và cộng đồng dân cư.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng lao động kinh doanh du

lịch: Thực hiện đúng quy định của nhà nước về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở doanh nghiệp du lịch theo Thông tư 88/2008/TT-BVTTDL, Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tiêu chuẩn quốc gia về phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú khi thực hiện thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra việc đảm bảo chất lượng nhân lực về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở doanh nghiệp đúng với loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh bình thuận trên quan điểm phát triển bền vững (Trang 157 - 161)