Trên thế giới

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh hà tĩnh thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa (Trang 30 - 35)

Trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp; tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, một số nước trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp với các chủ trương, chính sách phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể và đạt được những thành công nhất định. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam vận dụng trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH.

1.3.1.1. Thái Lan

Đến giữa những năm 1980, nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng nhất trong nền kinh tế của Thái Lan với năm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo luôn đứng đầu thế giới với sản lượng xuất khẩu chiếm 30 - 40% sản lượng xuất khẩu của thế giới, sắn cung cấp 95% nhu cầu sắn trên thị trường thế giới, ngô hàng năm xuất khẩu 4 - 5 triệu tấn, cao su luôn đứng hàng thứ ba trên thế giới về sản lượng xuất khẩu, rau quả xuất khẩu đứng hàng thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau Trung Quốc. Từ năm 1990 đến những năm đầu thế kỷ XXI, tỉ trọng ngành nông nghiệp giảm còn 8,77%, công nghiệp tăng 41,44% và dịch vụ tăng 49,79% trong cơ cấu GDP năm 2003. Trong tiến trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, Thái Lan đã tập trung vào các lĩnh vực sau:

Đầu tư xây dựng CSVCKT&CSHT đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tính đến năm 2005, hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích canh tác, hệ thống giao thông đường bộ tỏa đi khắp vùng miền trong cả nước và đã hoàn thành chương trình điện khí hóa toàn quốc.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho CNH nông nghiệp gồm: nghiên cứu cải tạo đất đai, áp dụng công nghệ sinh học để lai tạo giống vật nuôi, cây trồng; tiến hành thụ tinh nhân tạo; thực hiện chuyển giao công nghệ nuôi cấy phôi, nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Phát triển HTXNN với loại hình đa dạng như HTX tín dụng để giúp

nông dân nghèo sản xuất, HTX dịch vụ, HTX thủy sản, HTX đất đai. Với mục tiêu chung là hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất, khuyến khích nông dân gửi tiền tiết kiệm, cung cấp hàng hóa cho xã viên với giá thấp hơn thị trường và giúp xã viên tiêu thụ nông sản xuất khẩu một cách có lợi.

Như vậy, để tiến hành CNH nông nghiệp cần xây dựng HTXNN kiểu mới tạo điều kiện cho sự tập trung hóa đất đai, phát triển nông nghiệp qui mô lớn. Phân vùng nông nghiệp để phát triển sản xuất chuyên môn hóa, sử dụng những máy móc thiết bị, KHKT: cung cấp các loại giống có chất lượng cao cho nông dân, chú trọng hiệu quả quản lý sau thu hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm xuất khẩu nông sản đã chế biến. Tăng cường thu hút sự đầu tư vốn trong và ngoài nước để phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách bảo hộ giá nông sản trong tiến trình hội nhập để phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp bền vững có hiệu quả lâu dài.

1.3.1.2. Malaysia

Trong thời gian qua, Malaysia đã đạt được nhiều thành quả trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Malaysia đã cung cấp nhiều sản phẩm và nguyên liệu có nguồn gốc từ nông nghiệp như dầu cọ, ca cao, cao su.

Nhà nước đã thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH từ những năm 1960 như cải tạo và trồng mới ở các đồn điền cao su, dầu cọ, phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Để phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH; Malaysia đã chú trọng các dịch vụ tín dụng để cung cấp vốn cho nông dân, tập trung áp dụng biện pháp KHKT tăng năng suất và hiệu quả của ngành trồng trọt: hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tăng cường marketinh và tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết đầu ra cho nông nghiệp, Nhà nước đã thành lập các tổ chức thương mại, marketing và tiêu thụ rau quả đặc biệt là marketing rau, hoa quả xuất khẩu.

Chính sách phát triển thị trường và mở rộng địa bàn tiêu thụ nông sản như mở rộng thị trường tiêu thụ cao su, dầu cọ đã hướng nông nghiệp chuyển dịch cơ

cấu sản xuất, tăng tỉ trọng xuất khẩu ngành trồng trọt, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với giá trị xuất khẩu cao, tạo thành vùng nguyên liệu, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn để phát triển nông nghiệp nông thôn như: chương trình tín dụng trung hạn cấp vốn đến tận tay nông dân, chương trình phát triển doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chương trình xóa đói cho dân nghèo bằng vốn vay ưu đãi và chương trình huy động vốn trợ giúp cho sản xuất nông nghiệp.

Nhà nước đã cấp vốn vào việc nâng cấp và xây dựng CSHT nông thôn, đảm bảo điều kiện cho phát triển nông nghiệp và nông thôn phát triển theo hướng bền vững. Nhà nước đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, các công trình như điện, nước đến xã; người dân đóng góp xây dựng hệ thống CSHT nội bộ xã, thôn. Ngoài ra, Nhà nước còn cho dân nghèo vay vốn xây dựng nhà cửa, CSHT với vốn ưu đãi đặc biệt và sẽ hoàn vốn trở lại khi đời sống đã ổn định.

1.3.1.3. Indonesia

Indonesia là một nước có dân số lớn nhất Đông Nam Á, nên Indonesia rất chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhà nước đã tăng cường đầu tư vào phát triển CSHT như các công trình giao thông, hệ thống thủy lợi, đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các giống cao sản vào sản xuất. Nông dân với tinh thần tự lực, nhạy bén với cơ chế thị trường, áp dụng công nghệ và vận dụng nhanh, có hiệu quả những chính sách hỗ trợ của chính phủ. Kết quả Indonesia đã tự túc được lương thực từ năm 1984. Để ổn định giá cả và đảm bảo lương thực cho quốc gia, Nhà nước đã thành lập quỹ bình ổn giá và cơ quan thu mua lương thực với nguồn chi ngân sách hàng năm khoảng 5% GDP.

Chính phủ Indonesia đã thành lập nhiều ngân hàng nông thôn với qui mô nhỏ ở khắp nơi trên lãnh thổ nhằm tạo điều kiện cung cấp vốn đến tận tay nông dân và người nghèo. Ưu tiên tín dụng cho phát triển nông nghiệp, phát triển thủy lợi, điện, giao thông nông thôn vùng sâu, xa, hải đảo.

trồng xuất khẩu như cọ dầu, ca cao, chè, cà phê, cao su. Hiện nay, Indonesia trở thành một trong những nước xuất khẩu chủ yếu trên thế giới về các loại nông sản trên. Indonesia còn chú trọng ứng dụng các thành tựu của KHKT và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, đẩy mạnh xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Sự phát triển nông nghiệp đa dạng góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm tỉ trọng đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

1.3.1.4. Trung Quốc

Trung Quốc có diện tích canh tác lớn chiếm khoảng 7% thế giới nhưng phải đảm bảo nuôi sống 20% dân số toàn cầu nên Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nông sản cho người dân trong nước. Do vậy, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách, biện pháp phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng lương thực, bông, hạt có dầu, rau quả và thịt để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sự thành công về kinh tế nông nghiệp Trung Quốc là do các nguyên nhân sau:

Đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước trong quá trình cải cách phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, chú trọng phát huy tính tích cực của nông dân, áp dụng tiến bộ của KHKT và công nghệ mới, đầu tư hợp lí vào các lĩnh vực hỗ trợ nông nghiệp. Nhà nước đã tập trung phát triển CSHT nông thôn như hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước; phát triển rừng đầu nguồn để đảm bảo cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác hại do lũ lụt gây ra; khuyến khích nông dân tiết kiệm và tích lũy để đầu tư vào sản xuất.

Trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước chủ trương phát triển một nền nông nghiệp hiện đại dựa trên cơ sở nền kinh tế thị trường, ứng dụng các thành tựu của KHKT và công nghệ, quốc tế hóa thị trường hàng hóa nông sản và hiện đại hóa hệ thống quản lý.

Nhà nước còn thực hiện chính sách khoán đến từng hộ nông dân dựa theo điều kiện cụ thể của địa phương; tổ chức hệ thống khuyến nông để chuyển giao công nghệ sản xuất, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người sản xuất.

Thực hiện từng bước tự do hóa giá nông sản, Nhà nước thu mua 10 - 20% sản lượng lương thực, các nông sản còn lại đều dựa trên quy luật cung - cầu của thị trường.

Trung Quốc đã chủ trương phát triển công nghiệp nông thôn theo mô hình xí nghiệp hương trấn gồm các loại hình sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và thương mại - dịch vụ. Mô hình sản xuất này nhằm góp phần tạo việc làm, giảm đói nghèo, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung và giảm sức ép do di dân từ nông thôn ra thành thị.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Trung Quốc còn chú trọng phát triển xã hội với mục tiêu chung là ổn định xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội thông qua phát triển khoa học, giáo dục và xây dựng xã hội công bằng, văn minh và lành mạnh, thể hiện trong văn kiện số 1 - 2006 là “sản xuất phát triển, đời sống sung túc, thôn làng văn minh, thôn xã gọn gàng, quản lý dân chủ”. Đó chính là nội dung và yêu cầu chính trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới XHCN.

1.3.1.5. Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên của châu Á thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH. Với một nền nông nghiệp thủ công, truyền thống Nhật Bản đã xây dựng được một nền nông nghiệp với trình độ khoa học công nghệ cao và vươn lên thành nước phát triển có nền kinh tế phát triển đứng thứ hai trên thế giới.

Nhật Bản đã thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp dựa theo điều kiện cụ thể từng giai đoạn. Để đảm bảo lương thực cho người dân, từ thập niên 1950 Nhà nước đã tiến hành cải cách ruộng đất, hình thành kinh tế trang trại, xây dựng HTXNN kiểu mới. Qua thập niên 1960, Nhà nước đã đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ở mức độ cao; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ nông thôn để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân tương đương với thu nhập của các lĩnh vực khác. Từ thập niên 1970 đến nay, Nhật Bản thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp như giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích rau quả, phát triển nền nông nghiệp sinh thái; HĐH việc nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; kết hợp kinh

tế nông - lâm - ngư với dịch vụ du lịch; xuất khẩu vốn, công nghệ, thiết bị, vật tư nông nghiệp ra nước ngoài để sản xuất nông sản nhập khẩu vào Nhật Bản và xuất khẩu sang các nước khác.

Nhà nước thực hiện các chính sách bảo hộ nông nghiệp như bảo hộ thị trường trong nước, trợ giá cho người sản xuất, trợ cấp và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Các chính sách này làm tăng chi phí xã hội, lãng phí tài nguyên, tăng mâu thuẫn mậu dịch với các nước; nhưng vấn đề đạt được là đảm bảo việc làm và ổn định đời sống nông dân.

Phát triển nông nghiệp luôn gắn với các chính sách bảo vệ môi trường tiến tới phát triển một nền nông nghiệp theo hướng bền vững trên cơ sở áp dụng kỹ thuật thích hợp để duy trì độ màu của đất, đảm bảo môi trường canh tác thuận lợi, chú trọng an ninh lương thực bằng cách nhập khẩu nông sản và dự trữ lương thực.

Nhìn chung, trong xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH của các nước trên thế giới đã tạo nên một số bài học kinh nghiệm quí báu cho Việt Nam như: có chính sách phát triển nông nghiệp với nội dung cụ thể nhằm đạt các mục tiêu từng giai đoạn phát triển kinh tế; phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp; có chính sách đồng bộ để nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học trong việc lai tạo giống vật nuôi cây trồng năng suất chất lượng cao; phát triển CSVCKT&CSHT nông thôn; để tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả cao, hiện đại và phát triển theo hướng bền vững.

Những bài học kinh nghiệm trên có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH đối với nước ta nói chung và vùng Bắc Trung Bộ nói riêng. Đặc biệt đây là những kinh nghiệm thiết thực để Hà Tĩnh vận dụng trong giai đoạn trước mắt và lâu dài nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh hà tĩnh thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)