Hà Tĩnh nằm ở vị trí Bắc Trung Bộ, diện tích tự nhiên 6.025,689 km2, có tọa độ địa lý 17º53’50” đến 18º45’40” Vĩ độ Bắc, 105º05’50” đến 106º30’20” Kinh độ Đông.
- Bắc giáp tỉnh Nghệ An (80 km); Nam giáp tỉnh Quảng Bình (100 km). - Ðông giáp Biển Ðông (137 km); Tây giáp nước CHDCN Lào (145 km). Hà Tĩnh đứng khoảng thứ 20 về diện tích và thứ 22 về dân số trong các tỉnh thành của cả nước. Trong tỉnh có TP. Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh và 10 huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (trong đó có 4 huyện và 1 thị xã miền núi).
Trong giai đoạn 2001 - 2007, thu nhập quốc dân có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân 8,8%/năm, trong đó Nông - Lâm - Thủy sản tăng 3,23%/năm; Công nghiệp - Xây dựng tăng 32%/năm; Dịch vụ tăng 11,37%. Cơ cấu GDP trên địa bàn chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực Nông - Lâm - Thủy sản giảm dần, từ 49,88% năm 2001 xuống 38,65% năm 2007; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 14,06% lên 27,26%; khu vực dịch vụ từ 36,06% xuống 34,09%. Tuy nhiên tốc độ chuyển dịch cơ cấu còn chậm, chưa đạt mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
GDP bình quân đầu người từ 2,86 triệu đồng năm 2001 tăng lên 6,403 triệu đồng năm 2007. Tuy tốc độ có tăng cao, nhưng GDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh so với bình quân chung của cả nước còn thấp (bình quân cả nước năm 2007 là 13,4 triệu đồng/người) nên khả năng tích luỹ vốn cho tái đầu tư mở rộng sản xuất của phần lớn dân cư nông thôn còn hạn chế. Tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP của tỉnh thường đạt thấp, trong giai đoạn từ 2001-2007, năm cao nhất đạt 13,73% (năm 2001), năm thấp nhất 8,71% (năm 2002).