Để thực sự khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH. Dựa trên cơ sở địa hình tự nhiên và sự khác biệt về đất đai, khí hậu, thủy văn…nên tỉnh chia thành bốn tiểu vùng với những ưu thế phát triển nông nghiệp riêng. Vì thế phương hướng chuyển dịch CCKT nông nghiệp ở các vùng cũng có sự khác nhau.
Tiểu vùng ven biển:
Là vùng nằm giữa đường quốc lộ 1A và bờ biển, gồm toàn bộ huyện Nghi Xuân, huyện Lộc Hà và phía Ðông của các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Tổng diện tích khoảng 41,4 ngàn ha (chiếm 6,8% diện tích tự nhiên). Ðất canh tác bắt đầu từ các đồi cát ven biển đến quốc lộ 1A, chủ yếu là trồng lúa, màu. Các cửa sông lớn có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, chủ yếu là sinh vật nước mặn lợ, vùng này rất thích hợp với nuôi trồng thuỷ sản. Định hướng phát triển trong thời gian tới của vùng là:
- Chú trọng đến việc khoanh nuôi bảo vệ rừng ngập mặn và phát triển quỹ rừng.
- Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản bằng cách chuyển những diện tích trồng lúa năng suất thấp sang diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
- Nghiên cứu và giải quyết vấn đề môi trường đảm bảo phát triển nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả và bền vững; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đi đôi với việc tái tạo và phát triển nguồn lợi.
Tiểu vùng đồng bằng:
Bao gồm: Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Ðức Thọ, Can Lộc, phần lớn diện tích của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và một phần của huyện Kỳ Anh, diện tích khoảng 55,8 ngàn ha (chiếm 9,2% diện tích tự nhiên). Vùng này mang đặc trưng của dải đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ, có độ nghiêng dần từ Tây sang Ðông, bề ngang hẹp, vì vậy hàng năm tuy có lượng mưa nhiều, tập trung nhưng cũng thoát nước nhanh. Tiềm năng chính là sản xuất lương thực, cây công nghiệp hàng năm, cây thực phẩm, chăn nuôi lợn, thuỷ cầm. Vì vậy, phương hướng chuyển dịch CCKT nông nghiệp như sau:
- Phát triển mạnh trên cơ sở thâm canh và chuyên canh cây lương thực đặc biệt cây lúa, cây thực phẩm ngắn ngày như rau đậu, ớt, lạc cùng các ngành nghề chế biến lương thực thực phẩm.
- Chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm. Hình thành và mở rộng các chuồng trại chăn nuôi gia cầm có năng suất và chất lượng cao.
- Xây dựng mô hình sản xuất các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như: LT2, P6, PC6, Nếp 97, Nếp 98, Khải phong số 1, Thục Hưng số 6, TH3 - 3, Bio 404...; mô hình trình diễn và sản xuất giống lúa thơm chất lượng cao HT1 nguyên chủng ở huyện Đức Thọ, Can Lộc và Thị xã Hồng Lĩnh.
Tiểu vùng gò đồi:
Là vùng địa hình đồi bát úp, có độ cao trung bình 100 - 300m so với mực nước biển, tập trung nhiều nhất ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc và Ðức Thọ, diện tích khoảng 30 ngàn ha (chiếm 5% tổng diện tích tự nhiên). Tiềm năng chính là trồng cây ăn quả, cây công nghiệp hàng năm, chăn nuôi gia súc và gia cầm. Để chuyển dịch CCKT nông nghiệp đạt hiệu quả cao cần tập trung các vấn đề sau:
- Hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. - Tập trung cải tạo đàn bò theo hướng 1/2,3/4 máu ngoại nhằm nâng cao tầm vóc, trọng lượng; số bò cái được dẫn tinh nhân tạo năm sau cao hơn năm trước, chế biến thức ăn cho gia súc, trồng cỏ nuôi bò, vỗ béo bò... Xây dựng các trang trại quy mô vừa, tiến tới quy mô lớn (50 - 100 con trở lên), chuyển đất sản xuất lúa, màu có năng suất thấp và kém hiệu quả sang trồng cỏ chất lượng cao để nuôi bò...
- Xây dựng các mô hình trình diễn về chăn nuôi gà thả vườn, nuôi ngan Pháp, ấp trứng gia cầm an toàn sinh học....được xây dựng đã khẳng định tính phù hợp trong phát triển chăn nuôi hộ gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đang được tiếp tục nhân rộng.
Tiểu vùng đồi núi:
Là vùng có diện tích lớn nhất với 474,7 ngàn ha (chiếm tới 79% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và phía tây các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Ðức Thọ nhưng diện tích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thấp, chỉ chiếm khoảng 10% diện tích của vùng. Vùng này có địa hình núi cao, độ dốc lớn và trung bình, thảm thực vật chủ yếu là rừng tự nhiên, có Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có độ che phủ cao và có nhiều loài sinh vật quý hiếm. Tiềm năng chính là phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc, phương hướng chuyển dịch CCKT nông nghiệp là:
- Chú ý công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển quỹ rừng, phát triển các ngành nghề về chế biến lâm sản.
- Hình thành vùng cây nguyên liệu, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. - Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn lá, ăn cỏ như trâu, bò, dê, thỏ.