Tiêu chuẩn đánh giá mức độ minh bạch TTBCTC

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên HOSE (Trang 36 - 41)

Hiện nay, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể hay một kết quả nghiên cứu được công nhận rộng rãi về tiêu chuẩn đánh giá mức độ minh bạch TTBCTC. Tuy nhiên, để có thể đưa ra tiêu chuẩn đánh giá mức độ minh bạch TTBCTC, luận văn sẽ xem xét góc độ các đặc điểm của thông tin hữu ích làm thước đo đánh giá chất lượng TTBCTC công bố và khả năng tiếp cận thông tin của người sử dụng.

a. Về chất lượng TTBCTC công bố

Chất lượng TTBCTC công bố chính là chất lượng của sản phẩm do công tác kế toán – tài chính tạo ra thông qua hệ thống quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp BCTC. Chất lượng này cùng với một số yếu tố khác là tiêu chuẩn và thước đo đo lường mức độ minh bạch TTBCTC. Để có cơ sở đánh giá chất lượng của TTBCTC, luận văn sẽ xem xét về yêu cầu chất lượng TTBCTC qua cách tiếp cận ở quan điểm khác nhau của các tổ chức quốc tế.

(1) Quan điểm của hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB)

Trước tháng 09/2010, để đánh giá chất lượng của TTBCTC, quan điểm của IASB dựa vào tiêu chí: có thể hiểu được, thích hợp, đáng tin cậy và có thể so sánh được.

• Có thể hiểu được: Người đọc được giả thuyết là có một kiến thức nhất định về kinh tế, kinh doanh, kế toán và có thiện chí, nổ lực để đọc BCTC. Tuy nhiên, thông tin về một vấn đề phức tạp nhưng cần thiết cho việc ra quyết định không được loại trừ khỏi BCTC chỉ vì nó khó hiểu đối với một số đối tượng sử dụng.

• Thích hợp: Thông tin hữu ích khi nó thích hợp với nhu cầu đưa ra quyết định của người sử dụng. Thông tin thích hợp khi nó có thể giúp người đọc đánh giá quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, xác nhận, điều chỉnh các đánh giá trước đó.

Tính thích hợp bao gồm tính dự đoán và tính xác nhận, hai đặc điểm này quan trọng với nhau. Tính thích hợp của thông tin phụ thuộc vào nội dung và tính trọng yếu.

Thông tin được coi là trọng yếu khi sự sai lệch hay bỏ sót nó có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định của người sử dụng BCTC. Tính trọng yếu phụ thuộc vào số tiền và thông tin hoặc sai sót hay tự đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Trọng yếu không phải là một tiêu chuẩn chất lượng mà là một ngưỡng phân biệt.

Đáng tin cậy nghĩa là không có sai sót trọng yếu và không bị thiên lệch, đồng thời phản ánh trung thực vấn đề cần trình bày. Thông tin có thể thích hợp nhưng không đáng tin cậy. Đáng tin cậy bao gồm các yêu cầu: Trình bày trung thực, nội dung quan trọng hơn hình thức, không thiên lệch, thận trọng và đầy đủ.

• Có thể so sánh được: BCTC chỉ hữu ích khi có thể so sánh với năm trước, với doanh nghiệp khác. Để có thể so sánh được, BCTC phải:

- Áp dụng các nguyên tắt kế toán nhất quán.

- Khai báo về chính sách kế toán sử dụng trên BCTC.

Nhất quán không có nghĩa là doanh nghiệp không thay đổi chính sách kế toán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chuẩn mực.

Tuy nhiên, từ tháng 09/2010, cùng với xu hướng hội tụ kế toán của các tổ chức kế toán quốc tế, quan điểm của IASB về chất lượng TTBCTC có thay đổi hơn trước, cụ thể: Đặc điểm cơ bản của TTBCTC hữu ích là các thông tin thích hợp và được trình bày trung thưc. Ngoài ra, các đặc điểm nâng cao của thông tin tài chính hữu ích là có thể so sánh được, kiểm chứng được, kịp thời và dễ hiểu. Trong đó, các đặc điểm cơ bản về chất lượng TTBCTC hữu ích được diễn giải như sau:

Các đặc điểm nâng cao về chất lượng TTBCTC hữu ích:

- So sánh: người sử dụng thông tin có thể so sánh các thông tin tương tự với đơn vị khác hoặc các thông tin tương tự của đơn vị giữa các kỳ và các ngày khác nhau. Khả năng so sánh không liên quan đến một khoản mục đơn lẻ mà yêu cầu ít nhất là hai khoản mục. - Kiểm chứng: là khả năng mà những người sử dụng BCTC có kiến thức và độc lập khác nhau có thể nhất trí rằng một mô tả cụ thể đáng tin cậy. Thông tin định lượng không nhất thiết chỉ là một mô tả cụ thể mà là một loạt giá trị và khả năng liên quan có thể được kiểm chứng. Kiểm chứng giúp đảm bảo cho những người sử dụng BCTC là thông tin về giao dịch kinh tế được trình bày trung thực và đúng mục đích.

- Kịp thời: thông tin luôn sẳn có để giúp những người sử dụng BCTC kịp đưa ra các quyết định. Thông thường, những thông tin cũ thường kém hữu ích hơn, tuy nhiên một số thông tin vẫn có tính kịp thời sau khi kết thúc kỳ báo cáo một thời gian. Ví dụ người sử dụng BCTC có thể sử dụng thông tin trong quá khứ để xác định và đánh giá các định hướng.

- Dể hiểu: thông tin được phân loại và trình bày đặc trưng một cách rõ ràng và chính xác.

Đối với FASB, trước tháng 09/2010, chất lượng của TTBCTC được đánh giá qua các đặc điểm: tính phù hợp, tính đáng tin cậy và khả năng so sánh được.

- Tính phù hợp (tính thích hợp): thông tin kế toán là thích hợp khi nó có khả năng thay đổi quyết định của người sử dụng. Để đảm bảo tính thích hợp, thông tin phải: Có giá trị dự đoán hay đánh giá và tính kịp thời.

• Tính đáng tin cây: thông tin kế toán đáng tin cậy trong phạm vi nó có thể kiểm chứng, khi được trình bày trung thực và không có sai sót hoặc thiên lệch. Thông tin kế toán đáng tin cậy khi:

• Có thể kiểm chứng: thông tin có thể kiểm chứng khi một người khác (có đủ năng lực và tính độc lập) kiểm tra trên cùng một bằng chứng, tài liệu hoặc dữ liệu sẽ đưa ra kết luận hoặc kết quả tương tự nhau. Chú ý rằng có thể kiểm chứng chỉ có nghĩa khi kết quả được phản ánh chính xác chứ không có ý nghĩa là phương pháp thích hợp.

• Trình bày trung thực là sự phù hợp giữa thông tin kế toán và nghiệp vụ hay sự kiện mà nó muốn trình bày.

• Không thiên lệch nghĩa là không nhằm đạt được một kết quả mong muốn hay chịu ảnh hưởng của một quan điểm, thái độ cá biệt. Chú ý là không thiên lệch không có nghĩa là người cung cấp thông tin không có chủ đích riêng mà là chủ đích đó không ảnh hưởng đến kết quả.

- Khả năng so sánh được: thông tin kế toán phải được đo lường và báo cáo theo cùng một phương thức để có thể so sánh được giữa các doanh nghiệp.

Cùng với xu hướng hội tụ kế toán thì từ tháng 09/2010, quan điểm đánh giá chất lượng TTBCTC của FASB cũng tương tự như IASB.

b. Về khả năng tiếp cận thông tin của người sử dụng

Khả năng tiếp cận là một tiêu chí quan trọng vì kể cả khi các thông tin được nộp cho cơ quan quản lý đúng hạn thì tính hữu ích của thông tin cũng bị hạn chế nếu chỉ có một số lượng hạn chế nhà đầu tư tiếp cận thông tin này. Thông thường có 3 cách để công bố thông tin ra công chúng; (1) Công bố thông tin bằng văn bản, báo chí; (2) Công bố thông tin bằng hệ thống điện tử; (3) Bằng hệ thống Internet.

Hầu hết các nước đều chấp nhận nhiều phương thức công bố thông tin đồng thời. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phương thức công bố thông tin bằng Internet trở nên phổ biến và là một kênh thông tin được nhiều nhà đầu tư tin cậy. Tuy vậy, xét về mặt luật pháp, Internet vẫn chưa được nhiều quốc gia thừa nhận là kênh thông tin hợp pháp nếu các CTNY công bố bằng văn bản.

Để đánh giá mức độ tiếp cận thông tin của công chúng đầu tư, thông thường người ta quan tâm đến các tiêu chí sau đây:

- Công chúng đầu tư nắm được thông tin công bố của doanh nghiệp niêm yết từ những phương tiện công bố thông tin nào? Các phương tiện công bố thông tin càng phổ biến thì công chúng càng dễ dàng tiếp cận. Nói cách khác, chi phí liên quan đến tiếp cận thông tin phải được giảm thiểu với nhà đầu tư.

- Doanh nghiệp có hệ thống công bố thông tin hay không? Công bố thông tin là việc công khai những thông tin về doanh nghiệp niêm yết và thông tin thị trường tới các nhà đầu tư thông qua hệ thống thông tin trên Sở GDCK. Hệ thống công bố thông tin sẽ là yếu tố giúp các nhà đầu tư tiếp cận được với các thông tin trong doanh nghiệp.

Thông qua các tiêu chí trên ta có thể đánh giá được phần nào việc doanh nghiệp có công bố thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho nhà đầu tư và toàn thị trường hay không, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố và giải trình thông tin, từ đó đánh giá được mức độ minh bạch hóa thông tin trên TTCK.

2.1.2.2 Đo lường mức độ minh bạch TTBCTC

Dựa trên quan điểm và các cơ sở khoa học khác nhau, việc đo lường mức độ minh bạch thông tin nói chung, mức độ minh bạch TTBCTC nói riêng có nhiều cách thức khác nhau:

- Theo tổ chức xếp hạng tính nhiệm hàng đầu thế giới Standard and Poors (S & P), để đo lường mức độ minh bạch thông tin, tổ chức này xây dựng chỉ số: “minh bạch và công bố thông tin (T&D Index). T&D Index được xây dựng dựa trên việc điều tra các CTNY về việc thực hiện công bố thông tin về 2 nội dung chính là thông tin về cơ cấu sở hữu, quyền của cổ đông và TTBCTC, hoạt động của công ty (thông qua báo cáo thường niên, thông tin về kinh doanh, thông tin về HĐQT và ban điều hành, chế độ đãi ngộ đối với HĐQT và ban điều hành…). S&P đã xây dựng bảng hỏi gồm 109 tiêu chí. Các công ty được điều tra sẽ trả lời các câu hỏi dưới dạng Có/Không về các nội dung thông tin mà công ty công bố. Trong đó liên quan đến sự minh bạch TTBCTC bao gồm 30 khoản mục là chính sách kế toán, chuẩn mực kế toán và áp dụng cho các khoản mục trên các BCTC, khoản mục tuân thủ theo các chuẩn mực quốc gia, BCTC năm tuân thủ theo một trong các hệ thống chuẩn mực phổ biến: Chuẩn mực quốc tế (IFRS), chuẩn mực Hoa Kỳ (U.S GAAP)…

Tuy nhiên, chỉ số T&D chỉ dừng lại ở việc đánh giá xem các CTNY có công bố các thông tin liên quan hay không mà chưa đánh giá toàn diện được chất lượng của thông tin đã được công bố chính thức.

- Một số nghiên cứu trước đây thì sử dụng chỉ số CIFAR để đo lường mức độ minh bạch thông tin (nghiên cứu của Robert Bushman và cộng sự, 2001; Jeffrey J. và Marie E. Ar- chambault, 2003). Trong đó, chỉ số CIFAR, là chỉ số được Trung tâm phân tích và nghiên cứu tài chính quốc tế (IAAT – International Accounting and Auditing Trends) xây dựng vào năm 1995, chỉ số này bao gồm 90 khoản mục TTBCTC và phi tài chính được công bố trên báo cáo thường niên của các CTNY. Các nghiên cứu trước thường sử dụng chỉ số CIFAR để đo lường các thông tin chung, các khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chuẩn mực kế toán, thông tin các loại chứng khoán đầu tư, tình hình quản trị công ty và các khoản mục đặc biệt khác.

- Nhóm tác giả Chueng và cộng sự (2005), sử dụng bảng khảo sát được thiết kế dựa trên nguyên tắc quản trị của OECD do hiệp hội các giám đốc Viện Thai Institute of Director (IOD)’s thực hiện đánh giá mức độ minh bạch thông tin của các CTNY.

- Đối với nhóm tác giả Yu-Chih Lin và cộng sự (năm 2007), đã dựa trên chỉ số “hệ thống xếp hạng về sự minh bạch và công bố thông tin ITDRS” để đánh giá mức độ minh bạch thông tin của các CTNY. Đây là chỉ số đánh giá xếp hàng về sự minh bạch và công bố thông tin của các CTNY được xây dựng ở Đài Loan. Chỉ số này bao gồm 88 khoản mục công bố được phân chia thành 5 nội dung:

(1) Sự tuân thủ với các quy định về công bố (2) Sự kịp thời của các báo cáo

(3) Sự công bố các dự báo tài chính (4) Sự công bố báo cáo thường niên

(5) Sự công bố thông tin trên Website của công ty.

Ngoài việc đo lường mức độ minh bạch TTBCTC qua các chỉ số của các tổ chức, một số nghiên cứu dựa trên các khái niệm về tính minh bạch để làm thước đo để đo lường tính minh bạch. Chẳng hạn, theo Tara Vishwanath & Daniel Kaufmann (1999), tính minh bạch thông tin nói chung, TTBCTC nói riêng bao gồm các thuộc tính như: khả năng tiếp cận, tính liên quan, chất lượng và đáng tin cậy của thông tin. Để đo lường các thuộc tính này, phương thức tiến hành được thực hiện qua các nội dung sau:

• Đối với khả năng tiếp cận: trên quan điểm cho rằng thông tin phải sẵn có để cung cấp đến tất cả những người có quan tâm, và thông tin cũng phải có khả năng được tiếp cận dễ dàng. Điều này được thực hiện một phần nhờ các tổ chức và các phương tiện truyền thông như: báo chí, phát thanh, truyền hình, bảng công bố thông tin, Internet, phát biểu bằng lời

nói. Tính công bằng cao sẽ bảo đảm cho nhu cầu tiếp cận thông tin. Do vậy việc công bố thông tin cần phải đúng thời gian và công bằng với những người muốn tiếp cận thông tin. • Đối với tính liên quan: thông tin phải đảm bảo tính liên quan, tức là phải đáp ứng nhu cầu thông tin của người có nhu cầu.

• Đối với chất lượng và tính tin cậy của thông tin: thông tin phải có chất lượng và đáng tin cậy, kịp thời, đầy đủ thông tin, không thiên vị, nhất quán và được trình bày bằng những ngôn ngữ rõ ràng và đơn giản. Những chuẩn mực đối với chất lượng thông tin phải đảm bảo, có thể thẩm tra bởi những tổ chức trung gian hoặc kiểm toán bên ngoài hoặc những tổ chức tạo lập chuẩn mực.

Tóm lại, để đánh giá và đo lường sự minh bạch TTBCTC, các nghiên cứu trước đây thường dựa vào các tiêu chí được đưa ra thông qua các chỉ số đo lường do các tổ chức quốc tế có uy tín xây dựng. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng dựa vào các yêu cầu về đặc điểm chất lượng TTBCTC do các tổ chức quốc tế ban hành làm cơ sở xây dựng các biến để đo lường các thông tin được công bố trên BCTC nhằm đánh giá mức độ minh bạch của TTBCTC. Do các điều kiện về văn hóa, kinh tế, chính trị, hoàn cảnh và mục tiêu xem xét khác nhau nên việc đo lường vẫn chưa đầy đủ và còn một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, mỗi cách lựa chọn đều áp dụng phần nào đó mục tiêu nghiên cứu mà các công trình nghiên cứu đề ra.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên HOSE (Trang 36 - 41)