Đây là chỉ số xác định hiệu quả đầu tư của đồng vốn huy động. Chỉ số này càng gần 1 thì tốt. Tuy nhiên dựa vào kết quả trên ta nhận thấy rằng tình hình cấp tín dụng vào nông nghiệp và nông thôn cũng như việc sử dụng vốn huy động để cho vay của Ngân hàng chưa hiệu quả. Năm 2010, hệ số này là 96,46%, nghĩa là cứ 100 đồng vốn huy động được Ngân hàng cho vay được 96,46 đồng. Điều này cho thấy Ngân hàng đã khai thác tốt nguồn vốn huy động của mình trong năm này không để ứ đọng vốn và vốn huy động được ưu tiên tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo như đúng định hướng của Nghị định 41 của Chính phủ. Tuy nhiên bước sang năm 2011, 2012, chỉ tiêu này giảm mạnh chỉ còn hơn 60%, 100 đồng vốn huy động được chỉ cho vay được hơn 60 đồng, điều này là không tốt. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của vốn huy động dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa tăng huy động vốn so với tăng dư nợ. Đây đang là bài toán đau đầu của hầu hết các Ngân hàng. Trong khi công tác huy động vốn đạt hiệu quả cao, kể từ năm 2011 tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng 100% là vốn tự huy động và vốn huy động lại tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, đặc biệt năm 2011, vốn huy động tăng hơn 60% so với năm trước thì dư nợ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ tăng nhẹ, tăng 4,01% mặc dù là doanh số cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã chiếm hơn 90% so với tổng doanh số cho vay của Ngân hàng, đồng vốn huy động về đã không được sử dụng hiệu quả đã kéo theo lợi nhuận năm 2011, 2012 chỉ tăng nhẹ so với năm trước do chi phí lãi tăng mạnh. Theo báo cáo của NHNo&PTNT Việt Nam, tính đến 31/12/2012, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ gần 70% tổng dư nợ cho vay, đối với NHNo&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Huyện Cái Nước Cà Mau thì tỷ lệ này mặc dù cũng có xu hướng giảm nhưng nó vẫn chiếm khoảng 70% chứng tỏ Ngân hàng cũng đạt được kết quả khả quan như của NHNo&PTNT Việt Nam. Như vậy dư nợ vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp là tình hình chung của toàn hệ thống chứ không phải riêng Ngân hàng. Lý do không phải Ngân hàng không muốn cho vay mà nền kinh tế kém năng lực hấp thụ và khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng không ngoại lệ. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để kích cầu vào khu vực nông nghiệp, nông thôn một mặt để xây dựng và phát triển nông thôn, góp phần phát triển ổn định kinh tế đất nước, mặt khác là để tăng trưởng tín dụng, lãi suất đầu ra đã và đang xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn nữa nhưng nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vẫn còn e dè chưa dám vay khi chưa tự trả lời được câu hỏi: vay rồi, đến hạn lấy nguồn nào trả nợ? khi mà bối cảnh nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường như nguy cơ lạm phát còn cao, giá vàng còn nhiều biến động,...Mặt khác, tín dụng tăng trưởng còn thấp cũng là do dư nợ tín dụng hiện hành của Ngân hàng vẫn còn đang ở mức khá cao. Những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế có phần cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, lạm
phát đã được kiềm chế về mức thấp, mô hình sản xuất mới ngày càng hiệu quả và phổ biến, nhiều hộ dân tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp có phần cải thiện, thêm vào đó NHNo&PTNT Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng tỷ trọng cho vay đạt trên 70% tổng dư nợ. Tất cả những điều này góp phần làm cho dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn so với vốn huy động tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên nó vẫn chưa đạt được kết quả cao như kỳ vọng của Ngân hàng.
Theo kết quả phân tích trên, yêu cầu đặt ra trước mắt là Ngân hàng cần tìm ra giải pháp để khai thông nguồn vốn vào hoạt động tín dụng bởi vì một khi sự chênh lệch quá lớn giữa tăng huy động vốn so với tăng dư nợ thì có thể Ngân hàng sẽ huy động vốn để trả nợ cũ hoặc sử dụng vốn huy động để tăng đầu tư tài chính phi tín dụng, những điều này sẽ dẫn đến rủi ro cao hơn, tác động xấu đến Ngân hàng.