ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THU HÚT VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ ODA CỦA NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM
3.3.1 Nhóm giải pháp về chính sách và thể chế:
a) Nâng cao nhận thức về bản chất của ODA.
ODA nên được coi là nguồn lực có tính chất bổ sung chứ không thay thế nguồn lực trong nước đối với mọi cấp độ thụ hưởng. Hơn nữa, cần phát huy tinh thần làm chủ trong thu hút và sử dụng nguồn vốn này phục vụ các mục tiêu phát triển của cả nước, của các Bộ, ngành và địa phương.
Một vấn đề quan trọng là ODA cần phải được sử dụng phù hợp và kết hợp hài hoà với các nguồn vốn đầu tư khác. Thực tế, các tranh luận chính sách chính không còn là liệu có nên thu hút ODA hay không mà vấn đề là làm cách nào để tối đa hoá các lợi ích của ODA. Do vậy, chất lượng trong thu hút ODA sẽ quan trọng hơn là số lượng ODA. Điều này có nghĩa là việc huy động và sử dụng ODA cần phải căn cứ vào các yếu tố kinh tế - xã hội và phải đánh giá kỹ các lợi ích mang lại từ việc chuyển giao vốn, kiến thức, công nghệ, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
b) Quản lý nguồn vốn đầu tư công một cách minh bạch và có trách nhiệm : - Cải thiện hơn nữa hệ thống của Chính phủ về mua sắm công theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này.
+ Cần xem lại quy trình đấu thầu, xét thầu, giao thầu để giảm sự khác biệt giữa trong nước và nước ngoài, tuy nhiên nó phải phù hợp với điều kiện
Việt Nam, ngay thủ tục hành chính cũng phải đơn giản hoá không rườm rà phức tạp ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân.
+ Quản lý vay nợ cần xác định rõ trách nhiệm của người vay và người sử dụng vốn vay, chống ỷ lại vào nhà nước, chống tham nhũng lãng phí. Đồng thời phải quản lý chất lượng các khoản vay ODA, đặc biệt là khâu xây dựng dự án; nâng cao trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định đầu tư như: Ban hành các thông tư hướng dẫn thật cụ thể để thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ vế quản lý vay và trả nợ, đảm bảo trả nợ đúng hạn không rơi vào nợ chồng chất, không có khả năng thanh toán. Khuyến khích sự tham gia của các ngành, các địa phương các cơ sở vào khai thác nguồn vốn ODA, nhằm khắc phục các điều kiện lộn xộn hiện nay trong xác định các điều kiện cho vay lại.
- Thực hiện các chương trình và giải pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng. + Minh bạch ở mức cao nhất trong tất cả các giao dịch từ Chính phủ cho tới địa phương và được xác nhận bởi sự giám sát của người dân là công cụ hạn chế tham nhũng hữu hiệu. Trong đó, cơ chế một cửa được coi là công cụ then chốt làm tăng tính minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ hành chính.
+ Sử dụng trang Web và những giao diện điện tử có thể làm giảm hành vi lạm dụng của công chức nhà nước đối với các doanh nghiệp. Việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các công chức nhà nước với các nhà đầu tư, nhà thầu và tiến tới giảm việc thanh toán tiền mặt trong các mua bán trực tiếp, đơn giản hoá thủ tục mua bán... là những giải pháp ngăn chặn hữu hiệu tham nhũng.
+ Kiểm toán chặt chẽ hơn và tăng cường sự tham gia của người dân là công cụ quan trọng để đấu tranh chống tham nhũng ở cấp địa phương, cơ sở. Muốn vậy, cần tăng cường giám sát, kiểm tra của Nhà nước, Hội đồng nhân dân, người dân ở nơi được thụ hưởng dự án để từ đó xác định sai phạm và có biện pháp ngăn chặn xử lý kiên quyết.
c) Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản và dễ thực hiện của hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quản lý và sử dụng ODA.
Để nguồn vốn ODA được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, chúng ta cần cải thiện hệ thống pháp luật về ODA theo hướng đồng bộ, nhất
quán, rõ ràng và ngày càng thu hẹp khoảng cách với hệ thống quy định về quản lý ODA của các nhà tài trợ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho cả hai bên hợp tác hiệu quả, tránh những mâu thuẫn không đáng có. Ngoài ra hệ thống văn bản pháp luật minh bạch , đơn giản còn giảm bớt được tình trạng hiểu sai giữa các cấp, các ngành, gây ra những mâu thuẫn trong quản lý, và hạn chế tình trạng tham nhũng lãng phí.
d) Tăng cường việc theo dõi và đánh giá các dự án ODA:
- Xây dựng kho dữ liệu chính thức về các chương trình, dự án ODA phục vụ công tác theo dõi, đánh giá và phân tích việc sử dụng nguồn vốn này;
- Thể chế hoá công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA trong các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA;
- Xây dựng cơ chế đảm bảo việc theo dõi và giám sát từ phía cộng đồng, góp phần thực hiện các biện pháp phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng;
- Xây dựng và áp dụng những chế tài cần thiết để khuyến khích những đơn vị thụ hưởng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, đồng thời phòng ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng kém hiệu quả và vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng ODA.
- Xây dựng kế hoạch hợp lý cho việc phân cấp ODA để quản lý các dự án ODA một cách chặt chẽ : Phân cấp quản lý và sử dụng ODA là tiến trình không thể đảo ngược trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vấn đề quan trọng là Việt Nam cần phải xác định được phân cấp đến mức độ nào và những dự án nào cần được phân cấp. Từ cách nhìn này, những kết quả và kinh nghiệm phân cấp trong thời gian qua cần được xem xét. Một hệ thống các tiêu chí cho việc phân cấp ODA bao gồm thời gian và chi phí thực hiện dự án, năng lực quản lý ODA và hiệu quả hoạt động cũng cần phải được xây dựng.