Từ năm 1992 đến nay, nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đã mang lại những lợi ích to lớn cho công cuộc đổi mới tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 7%/năm, từ một nước có thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm…
Thứ nhất, Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây, bên cạnh nỗ lực không ngừng của Chính phủ, doanh nghiệp..., còn phải kể đến các nguồn vốn từ nước ngoài, trong đó có sự hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi của Nhật Bản dành cho Việt Nam.ODA Nhật Bản góp phần rất lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Để tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần hội đủ rất nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu hai yếu tố vốn và kĩ thuật. Trong giai đoạn 1992- 2009, tổng số vốn ODA Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam đạt khoảng 1,557 tỉ Yên, chiếm khoảng 40% tổng số khối lượng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước đứng đầu trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn này, với tổng số vốn thực hiện lên tới gần 6 tỷ USD.
Trong quá trình tiếp nhận viện trợ phát triển, Việt Nam vẫn giữ được độc lập, tự chủ trong việc hoạch định và thực thi các chính sách cải cách theo lộ trình của mình, kể cả khi nhà tài trợ đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện các cam kết cải cách trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cổ phần hóa, tư nhân hóa,....Mặc dù trong cơ cấu viện trợ, vốn vay ODA ưu đãi chiếm khoảng 80% song Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nợ nước ngoài hiện ở trong ranh giới an toàn. Ước tính của JICA cho hay, trong giai đoạn hiện tại, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ khoảng 20 đến 25 tỉ yên. Tuy nhiên, Trưởng đại diện JICA khẳng định Nhật Bản không lo lắng về năng lực trả nợ của Việt Nam
Thứ hai, mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn, khoảng 3-4% trong GDP của Việt Nam, song ODA là nguồn vốn bổ sung cho nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Chính phủ và là chất xúc tác cho các nguồn vốn đầu tư khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư của khu vực tư nhân,....
Việc sử dụng ODA trong thời gian qua đã có hiệu quả, có tác động tích cực đến phát triển năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngành và địa phương. Điểm qua các công trình xây dựng trọng điểm trên cả nước đã và đang thực hiện, khá nhiều công trình có sự hỗ trợ tài chính của
Chính phủ Nhật. Trong đó có cả những công trình được xem là niềm tự hào của Việt Nam như cầu Bãi Cháy, nhà ga hành khách quốc tế mới sân bay Tân Sơn Nhất, đường cao tốc Đông Tây Sài Gòn, đường hầm Hải Vân, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, dự án cải thiện môi trường nước ở Hà Nội và TP.HCM…đã minh chứng rõ rệt về tác động lan tỏa của nguồn vốn ODA Nhật Bản đối với phát triển. Trong khi Việt Nam còn là một nước nghèo, thiếu vốn, thiếu công nghệ phục vụ cho quá trình đổi mới thì nguồn vốn ODA từ Nhật Bản và các tổ chức quốc tế khác là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng… Những dự án lớn kể trên được đưa vào hoạt động đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút nguồn vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đó cũng là động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trong những năm gần đây.
Bên cạnh việc cung ứng về vốn, các dự án ODA còn mang lại công nghệ, kỹ thuật hiện đại, nghiệp vụ chuyên môn và trình độ quản lý tiên tiến. Hợp tác kỹ thuật là một bộ phận của ODA Nhật Bản, được chính phủ Nhật Bản đặc biệt coi trọng. Các chương trình hợp tác kỹ thuật do chính phủ Nhật Bản thực hiện tiến hành ở Việt Nam với rất nhiều hình thức đa dạng đã góp phần chuyển giao, cải tiến trình độ công nghệ cũng như tiếp thu công nghệ ở nước ta. Các dự án hợp tác kĩ thuật đã góp phần chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên y tế… của nước ta bằng cách cho họ tham gia vào các dự án phát triển thuộc nhiều lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, y tế, nghiên cứu về dân số và kế hoạch hóa gia đình, dạy nghề và các hoạt động nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực đó… Ngoài ra, các khảo sát về phát triển được tiến hành nhằm kiểm tra lại khả năng thành công của các dự án từ khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, tài chính – cũng góp phần vào việc cải tiến trình độ công nghệ của nước ta. Nhìn chung, các dự án ODA của Nhật Bản vào Việt Nam đều có trình độ công nghệ cao.
Thứ ba, nguồn vốn ODA Nhật Bản còn hỗ trợ các địa phương, đặc biệt các tỉnh còn nghèo, những các công trình phục vụ trực tiếp đời sống của nhân dân như giao thông nông thôn, cấp điện và nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã và các bệnh viện tỉnh và huyện, các công trình thủy lợi, các chợ nông thôn,.. Ngoài ra, ODA của Nhật Bản giúp cho nông dân nghèo tiếp cận với các nguồn vốn để tạo ra các ngành nghề phụ, phát triển nông – lâm – ngư nghiệp. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp và cải thiện một bước quan trọng đời sống người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc tiếp cận tới các dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Số liệu điểu tra mức sống của người dân trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 37% vào năm 1998, 18,1% vào năm 2004 và 14,8% năm 2007. Kết quả này cho thấy Việt Nam đã vượt được mục tiêu phát triển thiên niên kỉ (MDGs) đã cam kết với thế giới. Việt Nam được coi là một trong những nước thành công nhất trong việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Và để đạt được điều đó thì không thể không kể đến những đóng góp to lớn của Nhật Bản.
Thứ tư, ODA Nhật Bản có vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện khung thể chế, pháp lý (xây dựng và hoàn thiện các Luật, các văn bản dưới Luật) thông qua việc cung cấp chuyên gia quốc tế, những kinh nghiệm và tập quán tốt của quốc tế và khu vực trong lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là các chương trình, dự án hỗ trợ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính (như dự án Cải cách Hành chính Thuế giai đoạn 1, giai đoạn 2) hay hỗ trợ cải cách cơ cấu kinh tế (sáng kiến NEW Miyazawa)…trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhờ vậy môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế được cải thiện, từ đó thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Đó là chưa kể việc Việt Nam mới chỉ được coi là nền kinh tế đang chuyển đổi, chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, điều luôn khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt thòi khi đứng trên các sân chơi lớn. Việc cải cách cơ cấu kinh tế sẽ góp phần đắc lực trong việc rút ngắn khoảng thời gian chuyển đổi này. Thêm vào đó, ODA Nhật Bản cũng đã góp phần bù đắp một lượng lớn
vốn cho thâm hụt ngân sách của nước ta. Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản bằng các biện pháp kinh tế lượng, trong khoảng 10 năm kể từ khi nối lại viện trợ cho Việt Nam (1992-2001), ODA Nhật đã góp phần tăng GDP của Việt Nam thêm 1,57%, dự trữ tiền mặt lên 4,65%, nhập khẩu thêm 5,94% và xuất khẩu thêm 3,84% trong năm 2000. Từ năm 2000-2009, ODA Nhật Bản đã góp phần làm tăng GDP của Việt Nam thêm 1.65 % và xuất khẩu thêm 2.53%. Qua đó, ta có thể thấy những đóng góp to lớn của ODA Nhật Bản đối với sự phát triển của Việt Nam.
Thứ năm, nguồn vốn ODA Nhật Bản có vai trò tích cực hỗ trợ phát
triển năng lực con người trong việc đào tạo và đào tạo lại hàng vạn cán bộ Việt Nam trong thời gian qua trên rất nhiều lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản lý kinh tế và xã hội, thông qua việc cung cấp học bổng nhà nước, cử chuyên gia nước ngoài để đào tạo tại chỗ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, cung cấp trang thiết bị nghiên cứu và triển khai,...
2.4.2. Những hạn chế còn tồn tại trong quá trình Việt Nam thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản :