ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THU HÚT VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ ODA CỦA NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM
3.3.2. Nhóm giải pháp tăng cường năng lực thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA :
quả sử dụng vốn ODA :
a) Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và thực hiện các chương trình dự án ODA
- Đầu tư đào tạo để nâng cao năng lực cho những cán bộ thuộc bộ phận liên quan đến việc xác định nhu cầu đàm phán, kí kết những hiệp định với đối tác nước ngoài, nâng cao trình độ hiểu biết của cán bộ quản lý các cấp về chính sách, quy trình và thủ tục ODA của Việt Nam cũng như nhà tài trợ.
- Ngoài ra, chúng ta có thể mở lớp đào tạo ngắn về những kiến thức có liên quan đến ODA, tập huấn về những quy định và thủ tục, điều kiện cung cấp ODA của các nhà tài trợ.
- Những ngành và địa phương có nhu cầu về cung cấp vốn ODA cần nghiên cứu kỹ những chính sách ưu tiên của các đối tác nước ngoài cũng như quy chế quản lý và sử dụng vốn ODA của chính phủ Việt Nam để tranh thủ sự giúp đỡ của chính phủ Chính Phủ và các cơ quan có liên quan trong việc lập hồ sơ dự án và các thủ tục xin viện trợ phù hợp với đối tượng ưu tiên.
- Tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức lập và quản lý dự án ở các bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo khả năng lập kế họach, lập dự án và quản lý dự án. Nâng cao trình độ thẩm định để xét duyệt, quyết định đối với các dự án ngay ở từng bộ, ngành, địa phương cũng như huy động nguồn vốn đối ứng trong nước nhằm làm cho việc hấp thụ nguồn vốn nước ngoài có hiệu quả cao.
b) Đẩy nhanh tốc độ giải ngân ODA :
- Hài hòa thủ tục dự án :
Yêu cầu tăng tốc độ giải ngân ODA là trách nhiệm của cả bên Việt Nam và cộng đồng tài trợ. Về phía Việt Nam, chính phủ cần phải đơn giản hoá văn bản pháp lý và thủ tục liên quan đến ODA. Về phía các nhà tài trợ, hài hoà và đơn giản hoá quy trình thủ tục với chính phủ Việt Nam cũng là điều cần thiết nhằm đảm bảo tiến trình thực hiện có hiệu quả. Như lời nói của Giám đốc WB Việt Nam Ajay Chhibber tại Hội nghị nhóm tư vấn năm 2007: “Một điều cũng thông thường cho cộng đồng tài trợ là cần xem xét hệ thống
của Việt Nam, chứ không phải luôn luôn yêu cầu sử dụng hệ thống riêng của họ cho việc thực hiện dự án”.
Thực tế hiện nay cho thấy tiến trình thẩm định và phê duyệt vẫn còn có những vướng mắc, các văn bản nghiên cứu khả thi được chuẩn bị thường không đáp ứng được yêu cầu do năng lực chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi của chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến sự chậm trễ trong việc trình và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, còn thiếu sự nhất quán giữa nội dung của báo cáo khả thi được phê duyệt và các kết quả thẩm định của nhà tài trợ.
Do đó, cả hai bên cần nghiên cứu, điều chỉnh để thủ tục thẩm định của hai bên tiến tới đồng bộ, thống nhất và phối hợp nhịp nhàng với nhau cả về nội dung và thời điểm thẩm định của một quy trình thẩm định chung nhưng vẫn là hai lần thẩm định độc lập, khách quan. Đồng thời để tránh lãng phí thời gian nên giảm bớt những thủ tục không thực sự cần thiết trong quá trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
- Giải quyết vấn đề vốn đối ứng :
Vốn đối ứng cho các dự án ODA đều được bố trí từ ngân sách, nhưng do ngân sách hạn hẹp nên sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đối ứng cũng là một nguyên nhân khiến cho dự án được chậm triển khai. Muốn giải quyết được vấn đề này, trước hết phải kiểm soát chặt chẽ việc lập kế hoạch cân đối nguồn vốn đối ứng để kịp thời đảm bảo vốn đối ứng cho các chương trình,dự án ODA. Thứ hai, vốn đối ứng cần được giao đúng địa chỉ của từng chương trình dự án cụ thể, không được tùy tiện giao cho các dự án khác. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ các cam kết của mình trong các điều ước Quốc tế về ODA. Các cơ quan chủ quản và các cơ quan thực hiện dự án đều phải cân đối vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách hàng năm của mình.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách đền bù tái định cư :
Giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu quan trọng, có ý nghĩa kinh tế , xã hội, chính trị, môi trường… và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án và do đó ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn ODA nhưng đây cũng là khâu thường xuyên có vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cần được coi là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch thực hiện dự án ODA, vấn đề này không chỉ liên quan
đến lợi ích thiết thân, cuộc sống hiện tại cũng như lâu dài của người dân mà còn liên quan đến luật pháp, chính sách của nhà nước, chính sách của nhà tài trợ. Trong đền bù luôn gặp tính hợp pháp của tài sản và việc xử lý vấn đề này không dễ dàng trong tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai phổ biến như hiện nay. Đồng thời việc áp dụng chính sách tính hợp pháp của tài sản trên thực tế nhiều khi lại mâu thuẫn với chính sách đảm bảo đời sống của người bị ảnh hưởng bởi dự án sau khi thực hiện tái định cư không tồi hơn địa điểm cũ của nhà tài trợ. Để tháo gỡ vấn đề này cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía ở phía Việt Nam và nhà tài trợ cũng cần xem xét lại việc điều chỉnh các chính sách của mình cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
c. Xây dựng hệ thống thông tin hữu hiệu về ODA :
- Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản và đơn vị thụ hưởng ODA có trách nhiệm theo thẩm quyền cung cấp đầy đủ và xác thực thông tin về việc tiếp cận và sử dụng vốn ODA cho các cơ quan dân cử, các phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu, góp phần giải trình và định hướng công luận về nguồn lực này.
- Duy trì và làm cho phong phú và sinh động hơn Website, Bản tin về ODA phục vụ đắc lực cho việc thu hút và sử dụng nguồn vốn này, cũng như công khai hoá những thông tin cần thiết về ODA;
- Tăng cường thông tin tuyên truyền ra nước ngoài về ODA, kể cả các hoạt động xúc tiến để thu hút nguồn lực này ở nước ngoài;
- Có chế độ khen tặng những phần thưởng vinh dự đối với những cá nhân và tập thể ở trong nước, của các nước và tổ chức quốc tế tài trợ vì những đóng góp to lớn và có hiệu quả trong việc cung cấp và sử dụng ODA phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
d. Tối đa hoá hiệu quả và tác động lan toả của ODA.
Việc huy động và sử dụng ODA phải dựa trên sự đánh giá tương quan giữa chi phí và lợi ích của các chương trình và dự án để đảm bảo rằng các chương trình và dự án này có hiệu quả cao, tạo ra tác động lan toả tối đa và đóng góp vào phát triển kinh tế. Một vấn đề quan trọng nữa là tránh việc sử dụng tràn lan và dàn trải vốn ODA, dẫn đến gánh nặng nợ cho đất nước. Hiệu quả của ODA phải được đặt trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế và
phát triển bền vững. Hơn nữa, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành và địa phương phải được xem xét để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA.
Ngoài ra, chúng ta có thể mở rộng diện thụ hưởng ODA tới khu vực tư nhân để thực hiện các chương trình và dự án phục vụ các lợi ích công cộng. Huy động sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng là một cách quan trọng để đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng công khai, minh bạch, có hiệu quả, và tránh được thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Trong tình hình hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, chúng ta cần xây dựng kế hoạch giảm dần ODA với thời gian trả nợ ngắn và gắn với điều kiện chặt chẽ. Kinh nghiệm từ các nước ASEAN và Trung Quốc cho thấy rằng lượng ODA huy động phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ nhất định. ODA có khuynh hướng giảm ở các nước ASEAN cả về lượng và bình quân đầu người. Việt Nam cũng cần phải bắt đầu nghiên cứu kế hoạch và chiến lược giảm dần ODA, đặc biệt là ODA có điều kiện, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài khác như FDI. Bằng cách đó, Việt Nam không chỉ duy trì được sự gia tăng của tổng vốn đầu tư mà còn cải thiện được hiệu quả của tất cả các nguồn vốn, bao gồm cả vốn ODA.
KẾT LUẬN
Có thể nói, nguồn vốn ODA của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. ODA Nhật Bản đã giúp chúng ta phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện môi trường và góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, quá trình quản lý sử dụng nguồn vốn này vẫn còn nhiều hạn chế như tốc độ giải ngân chậm, năng lực đội ngũ cán bộ còn hạn chế, công tác đánh giá quản lý ODA chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí… Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA Nhật Bản cũng như nguồn vốn ODA nói chung, chúng ta cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế này. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, những nguồn vốn ODA ưu đãi sẽ ít đi, chúng ta cần tận dụng những khoản vay ưu đãi này để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng làm lực đẩy cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể dùng ODA như là “ vốn mồi “ để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Bài viết này đã đề cập và đi vào phân tích tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA Nhật Bản, những thành tựu và tồn tại trong quá trình sử dụng nguồn vốn này và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, do những hạn chế về khả năng phân tích cũng như nguồn tài liệu nên em chưa thể phân tích một cách sâu sắc và đầy đủ về vấn đề, em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của Cô để em có thể hoàn thiện tốt hơn Đề án này. Em xin chân thành cảm ơn Cô.