Những hạn chế còn tồn tại trong quá trình Việt Nam thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản :

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam (Trang 41 - 46)

a) Chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về bản chất của ODA:

Nâng cao hiệu quả sử dụng ODA là một trong những vấn đề quan trọng mà Việt Nam phải giải quyết. Một trong những nguyên nhân chính của việc sử dụng ODA chưa có hiệu quả là nhận thức và hiểu về bản chất của ODA chưa được chính xác và đầy đủ trong quá trình huy động và sử dụng. Nhận thức cho rằng ODA là cho không và trách nhiệm trả nợ nguồn vốn vay ODA thuộc về chính phủ. Nhận thức sai lệch như vậy đã dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong việc thực hiện một số chương trình và dự án ODA. Thực tế, mặc dù hầu hết ODA là dưới dạng các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian trả nợ và ân hạn dài, ODA không phải là thứ cho không và việc sử dụng ODA là một sự đánh đổi. Nếu sử dụng ODA không hiệu quả, gánh nặng trả nợ sẽ tăng lên.

b) Chậm cụ thể hoá chủ trương, chính sách và định hướng thu hút và sử dụng ODA:

Mặc dù đã có chủ trương, chính sách và những định hướng về thu hút và sử dụng ODA ở tầm vĩ mô, song một số Bộ, ngành và địa phương còn chậm triển khai thành các chương trình, dự án cụ thể nên thường bị động và chưa phát huy hết vai trò làm chủ trong hợp tác với nhà tài trợ. Việc phối hợp vốn ODA với các nguồn vốn khác trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn lãnh thổ chưa tốt, làm giảm hiệu quả sử dụng ODA.

c) Khuôn khổ pháp lý về quản lý và sử dụng ODA còn nhiều bất cập: Giữa các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng ODA và các văn bản pháp quy chi phối nguồn vốn này còn thiếu sự đồng bộ. Quy trình và thủ tục thu hút và sử dụng ODA chưa rõ ràng và còn thiếu minh bạch. Việc thi hành các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý và sử dụng ODA chưa nghiêm. Các quy trình thủ tục quản lý ODA của Việt Nam và nhà tài trợ chưa hài hoà, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng chi phí giao dịch.

d) Tổ chức quản lý ODA, năng lực đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém: Cơ cấu tổ chức và phân cấp trong công tác quản lý và sử dụng ODA chưa đáp ứng được những yêu cầu của quá trình đổi mới quản lý nguồn lực công. Năng lực cán bộ tham gia quản lý và thực hiện các chương trình và dự án ODA còn yếu về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hợp tác quốc tế và ngoại ngữ. Mặc dù phân cấp trong quản lý và sử dụng ODA đã được thực hiện và thu được những kết quả quan trọng như mở rộng đối tượng hưởng thụ và nâng cao quyền tự chủ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp ODA chưa đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới quản lý nguồn lực công. Chính sách phân cấp trong quản lý và sử dụng ODA chưa có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Những hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ ở địa phương trong chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cũng là nhân tố làm hạn chế việc phân cấp và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Sự phối hợp kém giữa chính quyền trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương và các nhà tài trợ đã dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình thiết kế và

thực hiện dự án. Tình trạng này cũng dễ dẫn đến việc sử dụng ODA lãng phí và kém hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng năng lực cho quản lý và điều hành ở địa phương.

đ) Công tác theo dõi và đánh giá ODA còn hạn chế:

Công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA, hoạt động của các Ban quản lý dự án chưa được quan tâm đúng mức; chế độ báo cáo, thanh quyết toán tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc và thiếu các chế tài cần thiết. Điều này đã dẫn đến tình trạng thất thoát lãng phí, tham nhũng trong quá trình quản lý và sử dụng vốn ODA. Sự thất thoát và tham nhũng ở dự án PMU18, những dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, vụ hối lội PCI vừa qua là những ví dụ về hạn chế trong quản lý và theo dõi ODA. Thách thức về đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý ODA từ phía Việt Nam đang là một vấn đề hết sức cấp thiết.

Vụ hối lộ quan chức Việt Nam của công ty PCI (Pacific Consultants International, viết tắt là PCI, Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương, Nhật Bản) là vụ việc nổi đình đám trong năm 2008 tại Việt Nam, liên quan đến việc đưa hối lộ của một số quan chức công ty PCI Nhật Bản với Ban Quản lý dự án PMU tại thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông-Tây.

Sự kiện PCI đã gây một cú sốc lớn trong dư luận Nhật. Ngay cả những người dân bình thường ở Nhật cũng biết. Có lẽ nhiều người Nhật đã bàng hoàng khi thấy trong vụ PCI số tiền chi tiêu bất chính quá lớn (chỉ một dự án mà số tiền bất chính lên tới 820.000 đô la) và nhất là tiền hối lộ đó được cho là đưa cho quan chức của một nước mà GDP đầu người mới 850 đô la.

Nhật đã phải đi đến quyết định tạm ngừng cấp ODA cho Việt Nam trong năm 2009, đồng thời đóng băng lượng tài trợ khoảng 700 triệu đô la đã cấp trong năm 2008. Hầu hết nguồn vốn này tập trung cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Sự kiện này làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Sau đó, Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản phòng chống tham nhũng liên quan tới ODA Nhật Bản đã được thành lập. Trước thái độ của Chính phủ Việt Nam trong chống tham nhũng và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến các cá các cá nhân của Việt Nam, ngày 23/02/2009, Nhật Bản mới quyết định nối lại ODA cho Việt Nam.

Qua vụ việc này có thể thấy, tình trạng quản lý ODA tại Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ, gây ra tình trạng tham nhũng lãng phí, móc nối giữa các doanh nghiệp với các các bộ nhà nước. Chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

e. Tốc độ giải ngân chậm

Thực tế cho thấy, tỷ lệ giải ngân ODA ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp, từ năm 1993-2006, vốn ODA chỉ giải ngân được 15,9 tỷ USD, tức chỉ chiếm 42,9% tổng số ODA cam kết (37 tỷ USD). Theo đánh giá của 6 ngân hàng phát triển, tuy tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực (mức trung bình khu vực là 20%, trong khi Việt Nam năm 2008 chỉ đạt 14%), nhưng đã có tiến bộ đáng kể.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước. Năm 2009, ngân sách nhà nước phải chi tới trên 530.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán (tương đương 31,7% GDP). “Nếu tốc độ giải ngân nhanh hơn, đồng vốn được quay vòng hiệu quả, nhất là ở các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư công, thì ngoài việc giảm thiểu các chi phí cho toàn xã hội, còn góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh - khẳng định. Theo dự đoán của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á, nếu Việt Nam cải thiện được tỷ lệ giải ngân ODA thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng.

Một số nguyên nhân giải thích vì sao ODA lại giải ngân chậm ở Việt Nam là :

Do việc quản lý và giám sát thực hiện dự án và chương trình ODA của Việt Nam còn hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng những yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả ODA. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh

tế trung ương (CIEM) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) năm 2003, hầu hết những người tham gia trong quá trình thực hiện ODA đều bày tỏ quan điểm rằng: các thủ tục thẩm định và chấp nhận dự án mới của bên Việt Nam còn phức tạp và cơ bản chưa hài hoà với quy trình và thủ tục của các nhà tài trợ. Hơn nữa, sự khác nhau trong nhận thức giữa các đối tác Việt Nam và nhà tài trợ còn lớn, làm hạn chế việc thực hiện các dự án. Hiện nay, Việt Nam đã đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp với các nhà tài trợ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

Do thông thường phải mất một thời gian dài để các chương trình và dự án ODA được triển khai. Khoảng 50% nguồn vốn ODA ở Việt Nam được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, lĩnh vực cần nhiều thời gian hơn để tiến hành và thậm chí kết thúc chậm hơn từ 3 đến 5 năm so với các dự án ở các lĩnh vực khác (trong các khâu đền bù, giải phóng mặt bằng; chất lượng nhà thầu; lựa chọn tư vấn ở các khâu của dự án).

CHƯƠNG III

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w