Sử dụng hình thức kiểu câu đố dân gian

Một phần của tài liệu Đặc trưng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương (Trang 44 - 50)

a. Từ láy hai âm tiết hay láy đô

2.2.3. Sử dụng hình thức kiểu câu đố dân gian

Câu đố là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm của sự vật, hiện tượng bằng phương pháp dấu tên và nghệ thuật chuyển hóa gây nhiễu (chuyển vật nọ thành vật kia), được nhân dân dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết

mà mua vui, giải trí. Đơn vị tác phẩm của thể loại này gọi là câu, vì nó đều rất ngắn, tương tự như những câu tục ngữ và ca dao: “Anh lớn mặc áo đỏ. Em nhỏ mặc áo xanh” (Quả ớt). Nhưng cũng có không ít những câu đố dài: Con hai đứa ở hai nơi

Gặp nhau một chỗ cùng chơi một phòng

Không may nhà sập đá chồng

Tan xương nát thịt máu hồng chứa chan

(Trầu cau và việc ăn trầu)

Tuy có nhiều tác dụng khác nhau (như đức dục, mỹ dục), nhưng tác dụng chủ yếu của câu đố là trí dục. Lối ẩn dụ của câu đố là lối ẩn dụ riêng, khác với lối ẩn dụ thông dụng trong văn học nghệ thuật. Dựa vào những biểu hiện khác nhau về nội dung, hình thức, người ta còn chia câu đố thành các loại, các nhóm khác nhau, như đố tục giảng thanh, loại đố chữ, loại đố nói và đố giảng.

Giống như trò chơi dân gian thì câu đố trong thơ Hồ Xuân Hương cũng khởi nguồn từ dân gian mà ra. Câu đố dân gian thường thể hiện trí tuệ của con người trước các đồ vật, sự vật, hiện tượng tự nhiên xảy ra xung quanh đời sống con người. Thơ Hồ Xuân Hương đã vận dụng rất thàmh công phương thức dân gian ấy.

Trong câu đố của dân gian cũng có một câu đố về Hồ Xuân Hương như sau:

Mất đòn cân tạo hóa

Đành khép túi càn khôn

Tròn méo mặc miệng thế

Vẫn giữ tấm lòng son

Vậy trong lĩnh vực câu đố dân gian, Xuân Hương đã vận dụng phương thức ấy như thế nào? Các bài thơ Mời Trầu, Ốc nhồi, Hỏi trăng, Vịnh cái quạt, Đèo Ba Dội... là những sự vật, hiện tượng lấy từ tích câu đố mà ra. Ví dụ như bài thơ Đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương:

Một đèo một đèo lại một đèo

Khen ai khéo tác cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu...

Trong dân gian có câu đố:

Đèo nào mỗi bước chồn chân

Khiến người quân tử hiền nhân ngại ngùng

Vừa leo vừa nghỉ ba lần

Ai qua ai cũng bâng khuâng đứng nhìn?

(Đèo Ba Dội)

Hay Xuân Hương có bài thơ Con Cua: Em có mai xanh, có yếm vàng

Ba quân khiêng kiệu, kiệu nghênh ngang

Xin cho ông Khổng về Đông Lỗ

Học thói Bàn Canh nấu chín Thang.

Trong câu đố dân gian cũng có câu đố về con cua như sau: Không đầu không cổ

Mắt ở trên chân

Không có xương gân

Thân mình vẫn cứng

(Con cua)

Bài thơ Dệt vải của Xuân Hương cũng có tích từ câu đố dân gian: Xương sườn, xương sống

Không có thịt co da

Chim đậu ở trên lưng

Guốc đi ở dưới bụng

Giúp ích cho người ta

Khỏi trần truồng như nhộng.

(Khung dệt cửi)

Cái quạt giấy cũng được xuất hiện trong câu đố dân gian: Thân gầy chỉ có da xương

Khi vui xòe rộng cánh hường vẫy tung

Trời dù lặng gió đốt nung

Vẫn nghe mát mẻ khắp cùng năm châu.

(Cái quạt giấy)

Bài thơ "Mời Trầu" trong thơ Hồ Xuân Hương, Câu đố dân gian lại được nhắc đến tục mời trầu - một phong tục mang đậm cộng đồng của người Việt:

Đố tục giảng thanh Mở miệng mời anh Hai tay bưng đít?

(Mời trầu)

Trong bài thơ "Hòa thượng bị ong đốt" của Hồ Xuân Hương, con ong được nhắc đến trong bài thơ như một cái cớ nhằm mỉa mai, châm chọc những nhà sư nào là mũ thâm là nón tu lờ. Họ khoác trên mình áo cà sa của phật tổ mà làm toàn chuyện bậy bạ, tục tĩu, bẩn thỉu. Trong câu đố dân gian cũng có một bài thơ đó về con ong nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Con gì chỉ thích yêu hoa

Ở đâu hoa nở dù xa vẫn tìm

Chắt chiu mật quý lặng im tặng đời?

(Con ong)

Trong bài thơ "Hỏi trăng" của Hồ Xuân Hương, hình ảnh mặt trăng, ánh trăng và hình ảnh chị Hằng Nga đã được nhắc đến với một ý nghĩa rất riêng. Đó là sự hòa trộn giữa "tình riêng" với "tình nước non" như một câu hỏi chưa có lời đáp. Hơi hướng của bài thơ như một sự bỏ ngỏ dành cho người đọc tự trả lời, tự mình chiêm nghiệm. Trong câu đố dân gian cũng có câu đố về Mặt trăng và về chị Hằng Nga như sau:

Ở giữa thì bảo là già

Hai đầu nối lại vậy là còn non Quẩn quanh trong cái vòng tròn Bảo già cũng gật, bảo non cũng ừ?

( Mặt trăng)

Muôn triệu người thế gian Đêm đêm luống mơ màng Cô thì luôn hờ hững Lơ lửng ở non ngàn Cô tên gì ai biết?

(Cô Hằng Nga)

Hồ Xuân Hương đã vận dụng rất thành công những tích của câu đố dân gian xưa để đưa vào thơ mình một cách linh hoạt, tài tình. Phải là một người rất tinh tế nhạy bén, am hiểu sâu sắc đời sống của quần chúng nhân dân, Xuân Hương mới xây dựng nên những hình tượng như thế. Đây là một biệt tài của Xuân Hương so với các nhà thơ khác, việc sử dụng câu đố của dân gian để đưa vào thơ mình một cách nhuần nhuyễn như thế quả thực không hề đơn giản một chút nào. Đây là một thành công lớn của Xuân Hương trong quá trình vận dụng, dân gian hóa thể thơ dân tộc.

Tiểu kết: Chất liệu dân gian được dùng trong thơ Hồ Xuân Hương là

khá đậm đặc. Chất liệu dân gian thể hiện trong cách dùng từ ngữ, cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ và chơi chữ. Chất liệu dân gian còn thể hiện qua việc dùng các phương thức dân gian như dùng hình thức đố, miêu tả các trò chơi dân gian và qua đó để ẩn dụ, ám chỉ một vật, một hiện tượng xã hội nào đấy. Hồ Xuân Hương sử dụng triệt để lối ăn nói dân gian theo kiểu ỡm ờ, hai mặt, đa nghĩa thông qua việc dùng các từ láy, các cách chơi chữ. Cách sử dụng chất liệu và các phương thức dân gian đã làm cho thơ bà có giá trị biểu đạt cao, hàm ngôn, đa nghĩa nên tùy vào từng hoàn cảnh, từng tình huống, từng vị thế xã hội của mỗi người mà có thể hiểu một cách khác nhau. Nó gợi nên những ý tưởng mới lạ cho người đọc, làm cho người này tức tối nhưng người khác lại thích thú hả hê. Tất cả những hiệu quả biểu đạt ấy chỉ được thể hiện từ chất liệu dân gian.

Chương 3

Một phần của tài liệu Đặc trưng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w