Giá trị biểu đạt của từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Một phần của tài liệu Đặc trưng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương (Trang 29 - 32)

a. Từ láy hai âm tiết hay láy đô

2.1.1.3. Giá trị biểu đạt của từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Có bao giờ ta tự đặt câu hỏi tại sao trong thơ Hồ Xuân Hương lại sử dụng nhiều từ láy đến vậy? Một phần đó là thứ ngôn ngữ được sử dụng khá phổ biến trong thơ ca dân tộc, hơn nữa từ láy bản thân nó còn mang lại giá trị biểu đạt rất cao. Nghĩa của từ láy khá phong phú, lấp lửng rất phù hợp với lối thơ nghịch ngợm, bông đùa. Điều đó đã góp phần làm cho câu thơ mang nhiều tầng nghĩa : Biểu lộ tình cảm, khắc họa hình tượng, đường nét, hình ảnh một cách rõ nét và phong phú hơn. Nó làm cho người đọc vừa dễ thuộc,

dễ hiểu, dễ nhớ. Điều đó phần nào đã tạo nên một phong cách thơ Hồ Xuân Hương khó trộn lẫn với bất cứ nhà thơ đương thời nào.

Đọc thơ Hồ Xuân Hương, tôi có cảm giác đó như là thứ khẩu ngữ được thoát ra từ cửa miệng của những người nông dân sau lũy tre làng. Sao mà mộc mạc, dung dị, thiết tha đến vậy! Chúng ta thử đọc kỹ những từ ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương đã sử dụng, đặc biệt chú ý đến những từ láy, ta thấy có nhiều sự trùng hợp trong cách sử dụng từ ngữ, cách gieo vần. Phải chăng sự ngạc nhiên của bạn đọc chính là dụng ý của tác giả? Nếu quả thật đúng như vậy thì Hồ Xuân Hương quả thật là nhà thơ rất tài tình. Trong số các từ láy mà chúng tôi đã khảo sát trong tuyển tập thơ Nôm Hồ Xuân Hương do Ngô Lăng Vân biên soạn. Chúng tôi thấy rằng có rất nhiều từ láy mà Hồ Xuân Hương đã gieo cùng một khuôn vần. Điều đó tạo nên một giá trị biểu đạt rất cao trong việc sử dụng từ ngữ với những dụng ý riêng của mình.

Về phương diện biểu hiện, Hồ Xuân Hương chú ý đến các từ láy tạo hình và trạng thái, tính chất của sự vật, hiện tượng. Những từ láy mà Hồ Xuân Hương sử dụng thường gây ấn tượng mạnh. Một số từ do tác giả sáng tạo ra như mõm mòm, hắt heo, hỏm hòm hom, nhưng phần lớn là sử dụng trong kho tàng từ láy tiếng Việt. Tuy nhiên, do biết kết hợp trong một ngữ cảnh hay ngôn cảnh điển hình nên có giá trị biểu cảm lớn. Tiếng "văng vẳng" trong đêm khuya thật ai oán, làm ta liên tưởng đến một không gian thanh vắng, tĩnh mịch gợi trong lòng một nỗi buồn, cô đơn. Nó liên kết với các âm thanh "om om", "phập phòm", "thăm thẳm", "cheo leo", "leo teo" biểu đạt không khí "sầu", "thảm" bao trùm vũ trụ và nặng nỗi đắng cay. Một sự cô đơn rờn rợn, những tiếng ca "rầu rĩ" ấy luôn bị chôn chặt bởi những âm thanh trái ngược tạo nên sự xung đột trong nhạc điệu của bài thơ. Những từ láy "mõm mòm", "long bong", "hắt heo", "leo teo"...thể hiện sự mòn mỏi,

hiu hắt, buồn bã cũng giống như thân phận người đàn bà lỡ làng, đau khổ, bấp bênh.

Các từ "nho nhỏ", "xù xì", "mân mó", "tỉ ti", "phì phạch", ...là những từ láy mang phong cách rất riêng, nó làm cho những câu thơ của Hồ Xuân Hương vốn tinh quái lại càng trở nên kì lạ hơn. Những âm thanh độc đáo, mọi vật như đang chuyển động, sinh sôi, nảy nở...

Khuôn vần "eo" dùng để cấu tạo một số từ láy miêu tả tâm trạng buồn rầu, nhỏ bé, hiu quạnh, hàm ý chỉ sự khó khăn cách trở: Cheo leo, hắt heo, khéo khéo, leo teo, leo léo, tẻo tèo teo, lộn lèo, lắt lẻo...Trong bài thơ "Quán nước bên đường" Khuôn vần "eo" đã được bà sử dụng đến bốn lần :"hắt heo, leo teo, cheo leo, lộn lèo". Bài thơ là một loạt những cảnh tượng thật buồn, vắng lặng, heo hắt, con đường làng thì quanh co, nhà cửa thì tiêu điều, xơ xác, con người thì "leo teo", thưa thớt ...Tất cả hiện lên là một bức tranh thôn quê thật nghèo nàn, xác xơ. Chỉ bằng một khuôn vần "eo" với sự thông minh, khéo léo Hồ Xuân Hương đã tạo nên một loạt từ láy mang nhiều cung bậc của cảm xúc đem lại giá trị biểu đạt cao, nhằm đưa đến cho người đọc có một cảm giác man mác buồn, cô đơn, vắng lặng. Bên cạnh đó khuôn vần "om" cũng đã được Hồ Xuân Hương sử dụng khá nhiều trong các sáng tác của mình. Nếu như khuôn vần "eo", biểu hiện cảm giác buồn thì khuôn vần "om" lại biểu thị một ý nghĩa khác, nó thể hiện sự dở dang "Sau giận vì duyên để mõm mòm" (Ngẫu cảm), không vững vàng, yếu ớt "Đứng lom khom" (Trăng thu). Ở đây ta thấy nghĩa của từ láy biểu thị ở một mức độ mạnh hơn so với hình vị gốc : “Hỏm hòm hom, lõm bõm, om om, mõm mòm, phập phòm”...Điều đó cho thấy mức độ ngữ nghĩa cứ tăng dần lên, biểu thị sự gấp gáp, cuống quýt, dồn nén, một cảm giác như muốn nổ tung ra, bung ra, phơi bày ra tất cả để người đọc có thể hình dung một cách bao quát nhất. Phải chăng đó là con người Hồ Xuân Hương, một người không

bao giờ tự bó hẹp mình trong một khuôn khổ, phạm vi nào cả mà lúc nào bà cũng tự đặt mình ngang hàng với các đấng mày râu để nói lên tiếng nói phê phán đả kích, châm biến xã hội bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng cho những người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, khổ đau. Đó mới chính là bản ngã Hồ Xuân Hương.

Khuôn vần "un" "um" dùng để cấu tạo một số từ mang nghĩa tập hợp nhiều sự vật, nhiều biểu hiện ở cả dáng vẻ và hành vi : Tùm hum, lún phún, um tùm, khúm núm. "Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, hòn đá xanh rì lún phún rêu" (Đèo Ba Dội). Câu thơ thể hiện rõ gam màu "đỏ tùm hum", với hàng loạt những rêu xanh đang mọc "lún phún" trên đỉnh đèo. Bên cạnh lớp nghĩa đen là miêu tả cảnh vật hoang sơ, thanh tịnh, cảnh núi non hiểm trở của đèo của hang. Nhà thơ còn ngầm sử dụng một lớp nghĩa bóng đó là những hình ảnh biểu hiện tính phồn thực. Hình ảnh đèo, hang, giếng nước...đó chính là những bộ phận trên cơ thể người phụ nữ, một sự kết hợp âm dương hài hòa, mang đậm giá trị nhân văn nhân bản.

Như vậy, qua những dẫn chứng vừa chứng minh trên đây, ta đã phần nào thấy được giá trị biểu đạt mà từ láy mang lại là rất lớn, điều đó phần nào thể hiện được nội dung, mục đích, hàm ý mà tác giả muốn chuyển tải đến người đọc để từ đó người đọc có được cái nhìn bao quát hơn, sâu sắc hơn đối với tác phẩm mà họ được tiếp cận. Một lần nữa lại chứng minh cho sự tài tình, táo bạo, thông minh, sắc sảo trong việc sáng tạo nên những từ ngữ vừa gần gũi, dễ hiểu với quần chúng nhân dân, vừa đa thanh, đa nghĩa. Vì lẽ đó mà cho đến nay, dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử nhưng thơ của bà chúa Hồ Xuân Hương vẫn luôn tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng những độc giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

Một phần của tài liệu Đặc trưng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w