Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chủ nhiệm cho giáo viên

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường THPT huyện hưng nguyên tỉnh nghệ an (Trang 83 - 85)

8. Cấu trúc của đề tài

3.2.3.Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chủ nhiệm cho giáo viên

Trong nhà trường THPT, giáo viên chủ nhiệm là người thay mặt Hiệu trưởng làm công tác quản lý và giáo dục học sinh trong một lớp học cụ thể. Đồng thời, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh trong tập thể đó. Giáo viên chủ nhiệm lớp là cầu nối, giữ mối liên hệ thường xuyên giữa các lực lượng giáo dục trong nhà trường, giữa giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội. Vì vậy, có thể nói, giáo viên chủ nhiệm là người có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý giáo dục của nhà trường.

3.2.3.1. Mục tiêu

Xây dựng đội ngũ GVCN có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có lòng yêu nghề, chịu trách nhiệm quản lý và giáo dục học sinh, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa lớp học với nhà trường, gia đình và xã hội.

3.2.3.2. Nội dung

Cán bộ quản lý lựa chọn những GVCN có uy tín, được học sinh quý trọng, có lòng yêu nghề, nhiệt tình công tác. Mỗi GVCN tiếp quản một lớp học trong khoảng thời gian nhất định.

Bồi dưỡng năng lực sư phạm, rèn luyện kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm cho GVCN. Từ đó, đội ngũ GVCN không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

3.2.3.3. Cách tiến hành giải pháp

Hiệu trưởng phổ biến đến GVCN những nhiệm vụ cụ thể theo Điều lệ nhà tr- ường phổ thông. Đó là:

- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp giáo dục với từng đối tượng học sinh. Từ đó, theo dõi và uốn nắn các hành vi của học sinh trong và ngoài lớp học nhằm thực hiện tốt các quy định của nhà trường.

- Phối hợp với giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, thống nhất các biện pháp và kế hoạch GDĐĐ cho học sinh. Tạo mọi điều kiện cho các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí của các em và phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm kỷ luật.

- Giúp đỡ và tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động GDĐĐ, phát huy tính tự giác của HS trong các hoạt động.

- Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác GDĐĐ cho học sinh. GVCN thường xuyên thông báo tình hình học tập và tu dưỡng đạo đức của học sinh về gia đình để thống nhất với gia đình các biện pháp quản lý học sinh.

- Phối hợp với các giáo viên khác, Đoàn thanh niên và phụ huynh nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh vào cuối học kỳ và cuối năm, đề nghị khen thưởng học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp hay ở lại.

- GVCN phải báo cáo thường xuyên và định kỳ với Hiệu trưởng về mọi mặt tình hình của lớp chủ nhiệm. Đặc biệt, những trường hợp học sinh cá biệt cần xin ý kiến chỉ đạo để có biện pháp giáo dục hợp lý, hiệu quả.

Nâng cao nhận thức của GVCN, các thầy cô giáo phải là những người có lòng yêu nghề, yêu học sinh, hết lòng vì học sinh. Trong các giờ học, không chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức mà phải gần gũi, ân cần, tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi với các em để các tiết học thực sự là tiết học thân thiện. Giáo viên có thái độ tôn trọng học sinh, đánh giá học sinh một cách công bằng, khách quan. Mặt khác, GVCN tích cực tìm hiểu, chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, luôn sát sao với lớp, lắng nghe ý kiến của các em, phát huy tính dân chủ trong tập

thể lớp.

Tổ chức họp GVCN vào thứ 7 hàng tuần. Sau khi theo dõi và xử lý các thông tin, Hiệu trưởng thông báo đến GVCN tình hình hoạt động của toàn trường và từng lớp, nhận xét kết quả, xếp loại trong tuần. Đồng thời, phổ biến các nội dung hoạt động tuần tới. Với những trường hợp đặc biệt, Hiệu trưởng có trao đổi riêng với GVCN để tìm biện pháp giải quyết.

Thực hiện tốt chế độ báo cáo: Hàng tháng, GVCN nộp về Ban Giám hiệu “Kết quả xếp loại hạnh kiểm học sinh” có nhận xét về từng học sinh. Đến thăm gia đình HS là một cách làm có hiệu quả để giữ mối liên lạc thường xuyên giữa GVCN với gia đình học sinh. Mỗi hai tuần, GVCN đến thăm ít nhất 2 gia đình học sinh (đối với học sinh cá biệt có thể đến nhiều lần), có sổ ghi chép về hoàn cảnh gia đình và nội dung trao đổi với phụ huynh học sinh. Theo kế hoạch, cùng với hồ sơ giáo án giáo viên, Ban Giám hiệu kiểm tra “Sổ thăm hỏi gia đình học sinh” của GVCN để nắm bắt tình hình và có sự can thiệp kịp thời đối với những trường hợp đặc biệt.

Kết thúc năm học, nhà trường tổ chức “Hội nghị báo cáo kinh nghiệm chủ nhiệm” với sự tham gia của đội ngũ GVCN và toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Mỗi GVCN được phân công chuẩn bị một nội dung khác nhau của công tác chủ nhiệm để báo cáo. Qua việc trao đổi, thảo luận các vấn đề, nhiều kinh nghiệm quý trong công tác chủ nhiệm lớp đã được chia sẻ nhằm nâng cao hiệu quả GDĐĐ học sinh.

3.2.3.4. Điều kiện thực hiện giải pháp

- Có sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, đứng đầu là Hiệu trưởng. - Có kinh phí hoạt động và chế độ động viên kịp thời những cán bộ, giáo viên có thành tích trong công tác GDĐĐ học sinh.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường THPT huyện hưng nguyên tỉnh nghệ an (Trang 83 - 85)