6. Kết cấu Luận văn
2.1.2.2. Sử dụng đơn giọng
Việc sử dụng đơn giọng trên truyền hình Việt Nam hiện nay đang có xu hướng giảm rõ rệt. Bảng thống kê tỉ lệ xuất hiện của tin, bài đơn giọng 3 tháng trên (tháng 12/2009 : 19%, tháng 1/2010 : 17%, tháng 2/2010 : 16%) cũng đã cho thấy điều này. Đây là xu hướng tất yếu của truyền hình hiện đại. Tuy vậy nếu chỉ nhìn một mặt, loại bỏ hẳn việc sử dụng đơn giọng trong các tin, bài truyền hình là việc không hợp lý.
Chúng ta biết rằng, có những thể loại, nhất là những thể loại thời sự-chính luận, có tính chất tuyên truyền không thể dùng một giọng địa phương (xét về ngữ âm), không thể dùng nhiều BTV, PTV trong cùng một lúc (xét về giọng từ nhiều phía) được. Cách làm của VTV khi sử dụng giọng đơn cho các Chương trình thời sự là minh chứng. Chương trình thời sự 19h00, một chương trình quan trọng nhất của quốc gia thì cũng phải là những người phát bằng giọng Hà Nội chuẩn (Quang Minh, Phương Hà, Vân Anh). Trường hợp nếu phát bằng giọng khác thì cũng phải là cách phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ (Hoài Anh). Các đài địa phương trong những chương trình chính của mình cũng luôn chọn lựa những giọng có tính đặc trưng nhất của địa phương mình để phát.
Tuy vậy nếu không biết sử dụng hợp lý việc phát đơn giọng thì cũng đem lại khá nhiều hạn chế. Thực tế trên truyền hình Việt Nam cho thấy việc phát đơn giọng với các chương trình, thể loại cụ thể đem lại nhiều thành công như trường hợp của PTV Kim Tuyến, Minh Trí trong chương trình thời sự trước đây, Tuấn Hiệp trong thể loại văn nghệ, Quang Minh, Vân Anh trong chương trình thời sự sau này là rất ít.
Thế nên mặc dù sử dụng cách làm tin, bài đơn giọng sẽ có tính chuyên nghiệp, khả năng truyền cảm, tính chuẩn mực cao nhưng nội dung lại không gần gũi và sinh
động, đặc biệt là không phù hợp là các thể loại văn nghệ-giải trí và xu thế truyền hình tương tác hiện nay.
Từ thực tế này, truyền hình Việt Nam đang gặp phải nhiều vấn đề cần phải bàn luận thêm.
Thứ nhất, nếu đã sử dụng cả hai phương pháp, đơn giọng và đa giọng thì chương trình nào, thể loại nào là sử dụng đa giọng, chương trình nào, thể loại nào là sử đơn giọng.
Quan khảo sát thực tiễn sử dụng giọng trên truyền hình Việt Nam chúng tôi thấy rằng với những thể loại chính luận-thời sự thì nhà đài nên có sự chọn lọc kỹ lưỡng những chất giọng có tính chuyên nghiệp, khả năng truyền cảm và có tính chuẩn mực, nhất là những BTV, MC dẫn chương trình. Những chương trình khác như Games show, giải trí, văn nghệ thì sử dụng đa giọng để làm tăng tính hấp dẫn, gần gũi với người xem.
Thứ hai, giữa chất giọng, trình độ chuyên môn và ngoại hình nên xem trọng yếu tố nào hay xem ngang nhau.
Bởi vì, hầu khắp trên các đài truyền hình ở Việt Nam hiện nay không chú trọng nhiều đến các yếu tố này. Người làm truyền hình ở Việt Nam thường không chú ý đến chất giọng, trong khi đó nó là điều kiện tiên quyết để truyền đạt thông tin có hiệu quả hay không.
Ở một số chương trình văn nghệ-giải trí, nhà đài chỉ xem trọng hình thức, bởi thế mới có thực trạng là hàng loạt người mẫu, diễn viên, ca sĩ trở thành MC. Trong khi đó, trên thế giới, người ta rất quan tâm đến chất giọng. Trường hợp của các MC nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như Oprah Winfrey (nữ MC da màu của CBS, Mỹ), Judy Woodruff (CNN-Mỹ), Larry King (CNN-Mỹ)…với ngoại hình bình thường nhưng kiến thức và chất giọng của họ thì không ai sánh bằng đã nói lên tất cả.
Chúng tôi cho rằng, người làm truyền hình ở Việt Nam cần phải sớm khắc phục những hạn chế trên bằng cách :
Một là, nghiên cứu khán thính giả để đáp ứng nhu cầu thông tin của họ. Tìm hiểu xem bao nhiêu phần trăm khán thính giả nghe giọng đơn, bao nhiêu phần trăm nghe giọng đa.
Hai là, nghiên cứu xem ngôn ngữ nào, với chất giọng nào là giọng chuẩn để đại bộ phận công chúng có thể tiếp nhận thông tin được.
Ba là, nghiên cứu kỹ trình độ tiếp nhận, khả năng tiếp nhận theo tốc độ phát, giọng phát…
Bốn là, nghe bao nhiêu giọng/ chương trình là phù hợp.