Vấn đề sử dụng giọng trong chương trình Truyền hình

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ truyền hình Việt Nam - Vấn đề và thảo luận (Trang 35)

6. Kết cấu Luận văn

2.1.2. Vấn đề sử dụng giọng trong chương trình Truyền hình

2.1.2.1. Sử dụng đa giọng

* Giọng từ nhiều phía (BTV, PTV, Nhân vật, MC)

Truyền hình Việt Nam trước đây chỉ sử dụng đơn giọng (hoặc là giọng nam hoặc là giọng nữ, hoặc chỉ là giọng của PTV, giọng độc thoại) thì hiện nay đa số các tin, bài trên truyền hình Việt Nam đã sử dụng đa giọng. Đó là giọng của người dẫn (MC), giọng của PV, BTV, PTV, giọng của nhân vật (trước đây thường chỉ phỏng vấn 1 nhân vật trong 1 tác phẩm, nay thì ít nhất là 2 nhân vật, các chương trình Talk show thì giọng của nhân vật át cả giọng của PV, BTV).

Xu thế này tránh được sự nhàm chán, tạo sự gần gũi, tạo khung cảnh giúp cho khán giả có cảm giác như đang tham gia trực tiếp vào các chương trình truyền hình. Chẳng hạn:

Bộ Y tế đã phê duyệt đề án thí điểm phương thức chi trả trọn gói theo trường hợp bệnh. Trước mắt có trường hợp bệnh là nhóm viêm ruột thừa, nhóm sinh thường, sinh phế quản phổi người lớn và viêm phế quản phổi trẻ em được làm thí điểm tại hai bệnh viện là Thanh Nhàn và Ba Vì (Hà Nội) từ ngày 1 tháng 12... (Lời dẫn của BTV dẫn chương trình)

Sản phụ Nguyễn Thị Thơm là một trong 27 bệnh nhân đầu tiên tham gia phương thức chi trả trọn gói theo trường hợp bệnh. Trường hợp của chị Thơm là đẻ thường.. ..(Lời của BTV đọc lời bình)

“Như trước thì, em thấy, ví dụ như lấy thuốc và các thứ thì phải có rất nhiều giấy tờ, đi lại rất là nhiều lần. Với gói cước chi trả một lần như thế này thì em thấy rất là tiện lợi”(lời nhân vật Thơm)

Các bác sĩ cho biết, đẻ chi trả trọn gói theo từng nhóm bệnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm đã cùng nhau xây dựng một bệnh án chuẩn. Bệnh án chuẩn này được xây dựng dựa trên các bệnh án đã điều trị cho bệnh nhân và tổng kết là phải làm những xét nghiệm, dùng các loại thuốc gì và thời gian nằm viện là bao lâu. Sau khi xây dựng quá trình chuẩn sẽ xây dựng luôn giá thành để có thể áp dụng chung cho tất cả các bệnh viện. (Lời của BTV đọc lời bình )

“Song song với Bảo hiểm xã hội, họ sẽ phải làm hai công việc cùng lúc, họ vẫn phải tính toán theo mức chi trả cũ và một bên là chi trả theo trường hợp bệnh. Sau đó mình phải làm cái tổng kết rút kinh nghiệm là mình chi trả theo phương thức nào thì sẽ có những hiệu quả cao hơn.”

( Lời của bác sĩ)

Việc áp dụng phương thức này giúp cải thiện mức độ hợp lí trong cung ứng và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho một đợt điều trị, góp phần công tác quản lí bệnh viện và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế.(Lời của BTV đọc lời bình)

(VTV1 - 19h00, ngày 13/ 12 /2009)

Đây là một tác phẩm điển hình về sử dụng đa giọng trong tin, bài của truyền hình Việt Nam. Lời mở đầu tin được thể hiện bởi BTV Hoài Anh, lời bình được thể hiện bởi BTV Nguyễn Hoàng. Bên cạnh đó, tin còn được lồng vào lời nhân vật gồm các tuyến từ sản phụ, bác sĩ của bệnh viện. Với việc sử dụng giọng lồng ghép của các BTV, các tuyến nhân vật, nội dung phản ánh của tin vừa đầy đủ, vừa có chiều sâu, vừa thể hiện được chính kiến của tất cả các đối tượng có lợi ích liên quan.

Hoặc:

Nga và Ấn Độ đã kí kết các thoả thuận hợp tác trị giá hơn 10 tỉ USD, trong đó đáng chú ý nhất là những dự án mua bán vũ khí và phát triển năng lượng hạt nhân. Đây là kết quả chuyến thăm hai ngày của thủ tướng Nga Putin tới Ấn Độ. (Lời dẫn của BTV Quang Minh-giọng Nam)

Sau các cuộc hội đàm của thủ tướng Nga Putin với tổng thống Ấn Độ Pashin, thủ tướng ManMoHan Sings và các nhà lãnh đạo cũng như giới doanh nhân Ấn Độ hai bên đã kí kết một loạt thoả thuận quan trọng tróng đó có việc Ấn Độ mua 29 máy bay chiến đấu Mig 29 của Nga trị giá khoảng 1,5 tỉ USD và Nga giúp Ấn Độ xây dựng 16 lò phản ứng hạt nhân.

(Giọng của BTV đọc lời bình Thùy Trang-giọng Nữ)

“Quan hệ của hai nước có thể phát triển trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng và công nghệ thông tin bên cạnh các thương vụ vũ khí” (lời thủ tướng Nga Putin- giọng thuyết minh Nam).

“Chuyến thăm của thủ tướng đã mang lại nhiều kết quả và rất thực chất. Có nhiều vấn đề Nga và Ấn Độ có thể hợp tác để thúc đẩy hoà bình ổn định trên thế giới và phục hồi kinh tế toàn cầu” (lời của thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sings- giọng thuyết minh Nam).

(VTV1 – 19h00, ngày 13/ 3/ 2009)

Ngoài phần thể hiện lời mở đầu của BTV dẫn chương trình Quang Minh, phần thể hiện lời bình của BTV Thuỳ Trang, là phần thuyết minh của BTV nam thuyết minh lời của thủ tướng Nga Putin và thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sings. Việc thể hiện đa giọng trong nội dung tin trên không nằm ngoài mục đích nâng cao độ tin cậy cho tin. Phần thuyết minh không đơn thuần là lời của người thuyết minh và giọng của ông Putin và ông Manmohan Sings vẫn khéo léo lồng vào dù âm lượng nhỏ hơn nhưng cũng đủ cho khán giả truyền hình nghe thấy khiến cho tin rất sinh động, cuốn hút.

Xin được dẫn ra đây thêm một ví dụ khác nữa để minh chứng về cách sử dụng đa giọng của truyền hình Việt Nam. Lần này những người làm truyền hình của VTV không chỉ sử dụng giọng nam, nữ kết hợp mà còn sử dụng cả giọng của nhiều vùng miền khác nhau để tạo nên sự phong phú và hấp dẫn, không gây nhàm cho người xem.

Hồ Tịnh Tâm, một trong những địa danh nổi tiếng của cố đô Huế. Trong đêm diễn “Hơi thở của nước” càng lộng lẫy sắc màu với sân khấu làm chìm dưới nước thể hiện một sự mới lạ. Đây là một tác phẩm sân khấu hóa diễn xướng nghệ thuật truyền thống.(Lời dẫn của BTV dẫn chương trình Hoài Anh-Giọng Nam Bộ)

Mặt nước hồ Tịnh Tâm giống như một chiếc gương soi ký ức, nơi hiện lên một câu chuyện tình của một cung nữ đương triều trước khi vào chốn cấm cung đã yêu một chàng trai làng tài giỏi…( Lời của BTV đọc lời bình Kim Giang-Giọng Huế).

Mình thấy chương trình này rất là lạ.Vì lần đầu tiên mình thấy một chương trình dưới nước. Các nghệ sĩ biểu diễn dưới nước rất đáng khâm phục.( Lời một nhân vật-Giọng Nam Định)

Tôi thấy rất là hay và thú vị. Nghệ thuật là vô cùng lắm. Đôi khi nó cho ta những cảm nhận riêng của mỗi người, nó có không gian lạ và truyền thống…( Lời nhân vật-Giọng Hà Nội)

Như vậy, sử dụng đa giọng để phản ánh nội dung trở thành một yêu cầu bắt buộc không chỉ làm cho tin, bài truyền hình sinh động mà còn giúp cho nội dung tin xác thực, khách quan và đáng tin cậy hơn.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các tin trong trên VTV đều được thực hiện theo xu hướng đa giọng. Cách làm này giúp cho chất lượng nội dung thông tin trong chương trình được nâng lên đáng kể.

Thống kê ngẫu nhiên về hình thức sử dụng đa giọng của tin, bài Chương trình thời sự 19h00, thời gian 3 tháng của chúng tôi càng khẳng định cách làm này đang trở thành xu hướng phổ biến của truyền hình Việt Nam:

Số tin bài

Tổng số lượng tin, bài

Sử dụng giọng từ nhiều phía BTV, PV PTV, nhân vật… Chỉ sử dụng giọng của BTV dẫn 533 432 101 Tỉ lệ (%) 100% 81% 19%

Bảng 2.6: Sử dụng đa giọng-giọng nhiều phía (Số liệu thống kê tháng 12 năm 2009, Chương trình thời sự 19h00, không tính Bản tin thể thao 24/7)

Số tin bài Tổng số lượng tin, bài

Sử dụng cả giọng nam và nữ Chỉ sử dụng giọng của BTV dẫn 525 435 90 Tỉ lệ (%) 83% 17%

Bảng 2.7: Sử dụng đa giọng-giọng Nam-Nữ (Số liệu thống kê tháng 01 năm 2010, Chương trình thời sự 19h00, không tính Bản tin thể thao 24/7)

Số tin bài

Tổng số lượng tin, bài Sử dụng giọng từ nhiều vùng, miền

Chỉ sử dụng giọng của BTV dẫn

531 445 86

Tỉ lệ (%) 100% 84% 16%

Bảng 2.8: Sử dụng đa giọng-giọng nhiều vùng miền(Số liệu thống kê tháng 2 năm 2010, Chương trình thời sự 19h00, VTV1)

Ba bảng thống kê trên cho thấy, việc sử dụng đa giọng trong các tin, bài của truyền hình Việt Nam nói chung và VTV nói riêng có xu hướng ngày càng tăng. Điều đó chứng tỏ cách làm này đang được những người làm truyền hình chú ý khai thác. Đây là cách làm khá mới mẽ và hợp với xu hướng phát triển của truyền hình trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, trên truyền hình Việt Nam còn sử dụng nhiều giọng khác nhau như giọng từ điện thoại, giọng ở những băng tư liệu, giọng từ nhiều lứa tuổi…làm cho thông tin trở nên “mềm” và dễ tiếp nhận.

Thực tế hiện nay cho thấy, VTV có các đài khu vực trực thuộc trải rộng khắp cả nước như đài HVTV ở Huế, DVTV ở Đà Nẵng, PVTV ở Phú Yên, CVTV ở Cần Thơ... Tận dụng lợi thế này, VTV đã khai thác tin, bài hàng ngày từ các đài khu vực đưa lên sóng đài trung ương. Điều này giúp cho thông tin của VTV bao quát hơn, trải đều hơn ở các khu vực trong cả nước. Trình độ làm tin của các đài khu vực, các đài địa phương cũng đã được nâng cao hơn về nội dung và hình thức nên VTV đã sử dụng nội dung gốc của tin cùng sự thể hiện lời bình của biên tập viên ở các đài này khi phát lên sóng.

Khai thác tin, bài từ các đài khu vực, thậm chí từ các đài địa phương là biện pháp giúp cách làm tin, bài của VTV thêm phần đa dạng. Tin, bài xuất hiện nhiều chất giọng giúp tăng sắc thái biểu cảm cho chương trình. Công chúng truyền hình khắp các vùng miền cảm thấy gần gũi với thông tin phản ánh. Đó là cách làm vừa mang tính hiện đại, vừa giải quyết được bài toán chất giọng trên đài quốc gia mà nhiều nước tiên tiến đã từng làm.

Tuy vậy, thực tiễn sử dụng các tin, bài của truyền hình địa phương đã đặt ra một số vấn đề mà VTV cần phải lưu tâm. Một là, do đặc thù giọng của vùng miền nên công chúng ở vùng miền khác rất khó nghe, thậm chí nghe không rõ. Hai là, những tin, bài này sử dụng nhiều từ địa phương với cách phát âm hoàn toàn không theo cách phát âm phổ thông nên có một số thông tin rất khó nắm bắt, nhiều khi công chúng các vùng khác tiếp nhận sai nội dung phản ánh. Đây là một hạn chế đòi hỏi các biên tập viên của VTV phải có sự chọn lọc kĩ lưỡng trước khi sử dụng tin, bài của các đài địa phương, nhằm phục vụ tốt hơn công chúng theo dõi truyền hình.

Thực tế, xu hướng sử dụng đa giọng của truyền hình Việt Nam là một xu hướng tất yếu mang lại nhiều ưu điểm. Trước hết, phát đa giọng tạo ra sự sinh động cho nội

dung tin, bài. Kế đến, phát đa giọng làm cho tác phẩm truyền hình thêm thực tế, có hơi thở của cuộc sống. Và quan trọng hơn, đối với những cộng đồng thính giả gồm nhiều tộc người khác nhau như Việt Nam, việc phát đa giọng sẽ đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho từng nhóm người.

Tuy vậy, theo chúng tôi những người làm truyền hình ở Việt Nam cũng không nên chủ quan bỏ qua những hạn chế mà việc làm tin, bài theo xu hướng đa giọng gặp phải. Bởi vì, Thứ nhất, về mặt ngữ âm nếu các tin, bài làm bằng nhiều giọng khác nhau sẽ không có tính chuẩn mực cao. Thứ hai, tính chuyên nghiệp trong phát ngôn kém.

Thứ ba, chất giọng không đảm bảo dễ dẫn đến tiếp nhận thông tin kém và sai lệch.

2.1.2.2. Sử dụng đơn giọng

Việc sử dụng đơn giọng trên truyền hình Việt Nam hiện nay đang có xu hướng giảm rõ rệt. Bảng thống kê tỉ lệ xuất hiện của tin, bài đơn giọng 3 tháng trên (tháng 12/2009 : 19%, tháng 1/2010 : 17%, tháng 2/2010 : 16%) cũng đã cho thấy điều này. Đây là xu hướng tất yếu của truyền hình hiện đại. Tuy vậy nếu chỉ nhìn một mặt, loại bỏ hẳn việc sử dụng đơn giọng trong các tin, bài truyền hình là việc không hợp lý.

Chúng ta biết rằng, có những thể loại, nhất là những thể loại thời sự-chính luận, có tính chất tuyên truyền không thể dùng một giọng địa phương (xét về ngữ âm), không thể dùng nhiều BTV, PTV trong cùng một lúc (xét về giọng từ nhiều phía) được. Cách làm của VTV khi sử dụng giọng đơn cho các Chương trình thời sự là minh chứng. Chương trình thời sự 19h00, một chương trình quan trọng nhất của quốc gia thì cũng phải là những người phát bằng giọng Hà Nội chuẩn (Quang Minh, Phương Hà, Vân Anh). Trường hợp nếu phát bằng giọng khác thì cũng phải là cách phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ (Hoài Anh). Các đài địa phương trong những chương trình chính của mình cũng luôn chọn lựa những giọng có tính đặc trưng nhất của địa phương mình để phát.

Tuy vậy nếu không biết sử dụng hợp lý việc phát đơn giọng thì cũng đem lại khá nhiều hạn chế. Thực tế trên truyền hình Việt Nam cho thấy việc phát đơn giọng với các chương trình, thể loại cụ thể đem lại nhiều thành công như trường hợp của PTV Kim Tuyến, Minh Trí trong chương trình thời sự trước đây, Tuấn Hiệp trong thể loại văn nghệ, Quang Minh, Vân Anh trong chương trình thời sự sau này là rất ít.

Thế nên mặc dù sử dụng cách làm tin, bài đơn giọng sẽ có tính chuyên nghiệp, khả năng truyền cảm, tính chuẩn mực cao nhưng nội dung lại không gần gũi và sinh

động, đặc biệt là không phù hợp là các thể loại văn nghệ-giải trí và xu thế truyền hình tương tác hiện nay.

Từ thực tế này, truyền hình Việt Nam đang gặp phải nhiều vấn đề cần phải bàn luận thêm.

Thứ nhất, nếu đã sử dụng cả hai phương pháp, đơn giọng và đa giọng thì chương trình nào, thể loại nào là sử dụng đa giọng, chương trình nào, thể loại nào là sử đơn giọng.

Quan khảo sát thực tiễn sử dụng giọng trên truyền hình Việt Nam chúng tôi thấy rằng với những thể loại chính luận-thời sự thì nhà đài nên có sự chọn lọc kỹ lưỡng những chất giọng có tính chuyên nghiệp, khả năng truyền cảm và có tính chuẩn mực, nhất là những BTV, MC dẫn chương trình. Những chương trình khác như Games show, giải trí, văn nghệ thì sử dụng đa giọng để làm tăng tính hấp dẫn, gần gũi với người xem.

Thứ hai, giữa chất giọng, trình độ chuyên môn và ngoại hình nên xem trọng yếu tố nào hay xem ngang nhau.

Bởi vì, hầu khắp trên các đài truyền hình ở Việt Nam hiện nay không chú trọng nhiều đến các yếu tố này. Người làm truyền hình ở Việt Nam thường không chú ý đến chất giọng, trong khi đó nó là điều kiện tiên quyết để truyền đạt thông tin có hiệu quả hay không.

Ở một số chương trình văn nghệ-giải trí, nhà đài chỉ xem trọng hình thức, bởi thế mới có thực trạng là hàng loạt người mẫu, diễn viên, ca sĩ trở thành MC. Trong khi đó, trên thế giới, người ta rất quan tâm đến chất giọng. Trường hợp của các MC nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như Oprah Winfrey (nữ MC da màu của CBS, Mỹ), Judy Woodruff (CNN-Mỹ), Larry King (CNN-Mỹ)…với ngoại hình bình thường nhưng kiến thức và chất giọng của họ thì không ai sánh bằng đã nói lên tất cả.

Chúng tôi cho rằng, người làm truyền hình ở Việt Nam cần phải sớm khắc phục những hạn chế trên bằng cách :

Một là, nghiên cứu khán thính giả để đáp ứng nhu cầu thông tin của họ. Tìm hiểu xem bao nhiêu phần trăm khán thính giả nghe giọng đơn, bao nhiêu phần trăm nghe giọng đa.

Hai là, nghiên cứu xem ngôn ngữ nào, với chất giọng nào là giọng chuẩn để đại bộ phận công chúng có thể tiếp nhận thông tin được.

Ba là, nghiên cứu kỹ trình độ tiếp nhận, khả năng tiếp nhận theo tốc độ phát, giọng phát…

Bốn là, nghe bao nhiêu giọng/ chương trình là phù hợp.

2.1.3. Âm sắc lời nói

Âm sắc là đặc trưng của âm làm phân biệt các âm cùng độ cao và độ to [40,15]

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ truyền hình Việt Nam - Vấn đề và thảo luận (Trang 35)